Thursday, January 3, 2019

Không đóng lệ phí hội viên, 320 luật sư ở Sài Gòn ‘bị’ hay ‘được’ xóa tên?

Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn bị xem là tổ chức mang tính chính trị và không bảo vệ quyền lợi của hội viên. (Hình: Hcmcbar.org)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giới làm nghề luật ở Việt Nam đang xôn xao chuyện 320 luật sư ở Sài Gòn mới bị Đoàn Luật Sư xóa tên vì “không đóng phí hội viên liên tục trong nhiều năm”.
Việc xóa tên được hiểu là có thể dẫn đến việc thu hồi chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư của người vi phạm.
Điều lệ Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam quy định: “Luật sư không đóng phí hội viên 12 tháng thì bị đoàn luật sư thông báo công khai. Sau 18 tháng không đóng phí thì bị đoàn luật sư xóa tên khỏi danh sách luật sư.”
Luật Sư Nguyễn Văn Trung, chủ nhiệm Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn được báo Dân Trí dẫn lời: “Danh sách 320 luật sư bị xóa tên đợt này là đã nợ phí liên đoàn và phí thành viên từ 3 năm trở lên. Chúng tôi cũng tìm đủ mọi cách từ gọi điện, gửi thư mời, email.. đến việc đăng nhắc nợ công khai trên trang web của đoàn luật sư nhiều tháng liền nhưng các luật sư này cũng không đến nộp phí.”
Trong vụ 320 luật sư ở Sài Gòn bị Đoàn Luật Sư xóa tên từ ngày 27 Tháng Mười Hai, 2018, có ý kiến cho rằng đây là chọn lựa chủ động rời bỏ tổ chức này của các luật sư, vì khoản phí thành viên tổ chức này không đáng kể với thu nhập của một người làm nghề luật: 200,000 đồng ($8.6 Mỹ kim/tháng).
Khoản phí thu hàng tháng được cho là giống như “hụi chết”, nhưng đổi lại giới luật sư không nhận thấy họ nhận lại quyền lợi gì. Vì trên thực tế, Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn cũng giống như các hội, đoàn nghề nghiệp khác ở Việt Nam, được thành lập để nhận chỉ thị chính trị và buộc hội viên đóng phí, chứ hiếm khi thấy bảo vệ quyền lợi cho hội viên khi hữu sự.
Hồi Tháng Ba, 2018, Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn gây tranh cãi vì bất ngờ khai trừ Luật Sư Phạm Công Út, trưởng Văn Phòng Luật Phạm Nghiêm. Ông Út được nhiều người biết đến qua các vụ oan sai ở nhiều địa phương và có phát ngôn “mạnh miệng” về chính quyền trên báo đài hải ngoại.
Thời điểm đó, Luật Sư Út công bố đơn tố cáo Luật Sư Nguyễn Văn Trung vì ký quyết định khai trừ ông một cách “hỏa tốc” để ông “không thể tiếp tục tham gia bào chữa trong một phiên tòa nhằm phơi bày và làm sáng tỏ sự thật của vụ án có liên quan đến ông Trung, là luật sư bảo vệ cho Ngân Hàng Vietinbank.” Trong phiên tòa này, ông Út đang bào chữa cho tám bị cáo trong phiên tòa xử vụ Navibank và ông Út tự tin cho rằng nếu ông tiếp tục tranh biện, tòa sẽ tuyên Vietinbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại hơn 5,000 tỷ đồng (hơn $219.2 triệu Mỹ kim) cho những khách hàng đã ký gửi.
Theo báo VnExpress hồi Tháng Mười, 2018, một nghị định mới được ban hành cấm các hành vi sau đây của giới luật sư ở Việt Nam: “Xâm phạm an ninh quốc gia; có ứng xử, phát ngôn làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư; gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tham gia, lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người để gây rối trật tự công cộng…”
Cũng theo tờ báo này, Sở Tư Pháp tại các địa phương “có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quá trình phấn đấu, rèn luyện về việc tuân thủ Hiến Pháp CSVN, có phẩm chất đạo đức tốt của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư”. (T.K.)

No comments:

Post a Comment