Theo VOA-Nguyễn Hùng/22/10/2018
Nhà báo Jamal l Khashoggi.
Miệng quan trôn trẻ - từ lâu người ta đã nói thế. Từ nói dối có nghề tới điêu toa vụng về, khắp mọi nơi đều có những chính trị gia xạo bà cố cả. Chẳng phải vô cớ mà trong các thăm dò dư luận ở nhiều nước trên thế giới, chính trị gia luôn thuộc dạng có độ khả tín thấp. Ba chuyện liên quan tới Việt Nam, Nga và Saudi Arabia dưới đây cho thấy rõ điều này.
Cuối tháng Bảy năm 2017, mạng xã hội rộ tin cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh, khi đó 51 tuổi và đang sống với vợ và con ở Đức, đã bị “dẫn độ” về Việt Nam. Phía Slovakia mới đây đưa tin rất có thể ông Thanh khi đó về bằng hộ chiếu với tên người khác trên cùng chuyến chuyên cơ chở Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong tháng đó qua Nga trước khi về Việt Nam.
Vậy mà hôm 30/7/2017 ông Tô Lâm được trang Zing dẫn lời nói: “Đến giờ tôi vẫn chưa có thông tin gì [về Trịnh Xuân Thanh].” Ngay ngày hôm sau Bộ Công an ra thông báo nói ông Thanh đã “đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.” Vậy là ông Tô Lâm, người được tổng bí thư lệnh “bắt bằng mọi giá” Trịnh Xuân Thanh, còn chẳng biết ông bay cùng với người sẽ sớm ra trình diện tại chính bộ của ông. Đúng là … xạo bà cố.
Ông Thanh đúng là thánh chứ chẳng phải người thường, tàng hình thế nào mà bộ trưởng công an còn không nhận ra. Lại còn làm giả được cả hộ chiếu để đi từ Berlin ở Đức qua Brno của Séc, tới thủ đô Bratislava của Slovakia, qua Moscow của Nga rồi băng qua hải quan cửa khẩu về đến tận trụ sở Bộ Công an đầu thú. Bảo sao người ta nói gấu vào tay công an Việt Nam một lúc sẽ tự nhận là thỏ. Bộ đầy quyền lực ở Việt Nam mà phương châm chẳng khác gì của các báo lá cải – ‘đừng để sự thật xen vào câu chuyện’.
Tháng Ba năm nay cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và cô con gái 33 tuổi bị nhiễm chất độc Novichok tại vùng quê thanh bình và thơ mộng Salisbury của Anh, vốn nằm cách di tích lịch sử Stonehenge trên 10 km. Ông Skripal sống lưu vong ở Anh trong khi con gái ông bay từ Nga sang thăm ông. Hai cha con ông Skripal phải nằm viện nhiều ngày nhưng qua khỏi.
Tuy nhiên cảnh sát Anh nói lọ nước hoa đựng chất độc mà kẻ thủ ác bỏ lại xung quanh hiện trường đã khiến một người địa phương, bà Dawn Sturgess, cầm phải và bà đã chết vì trúng độc hồi tháng Bảy. Chính quyền Anh nói vụ đầu độc này do lực lượng an ninh Nga gây ra và phải được phê chuẩn ở cấp cao. Ông Skripal từng là đại tá tình báo trong quân đội Nga và đã bị toà án Nga kết án tù 13 năm hồi năm 2006 vì cáo buộc làm gián điệp cho Anh. Hồi năm 2010, ông Skripal được cho sang Anh trong vụ trao đổi điệp viên giữa Nga và Hoa Kỳ.
Cảnh sát Anh có băng video ghi lại cảnh hai nghi phạm người Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov tới sân bay Gatwick hôm 2/3/2018, chỉ một ngày trước khi con gái ông Skripal bay sang thăm cha. Ngày 3/3 họ có chuyến đi tiền trạm tới Salisbury và ngày hôm sau quay lại bôi thuốc độc vào cửa nhà ông Skripal rồi bay trở lại Nga ngay trong ngày 4/3.
Một cuộc điều tra của trang nhà báo công dân Bellingcat của Anh nói người có tên là Ruslan Boshirov thực ra là Đại tá quân đội Anatoliy Chepiga, người từng được Tổng thống Vladimir Putin phong ‘Anh hùng Liên bang Nga’ hồi năm 2014. Sau khi vụ đầu độc diễn ra, ông Putin nói Đại tá Chepiga chỉ là dân thường. Còn Alexander Petrov chính là Alexander Mishkin, vốn là bác sỹ trong lực lượng tình báo Nga. Cả hai người này đều lên TV ở Nga và nói họ đi du lịch sang Anh và tới Salisbury vì ở đó có nhà thờ cổ kính với tháp cao 123 mét và chiếc đồng hồ cổ bậc nhất thế giới mà vẫn chạy tốt. Những giải thích của họ khiến nhiều người Nga cũng thấy nực cười và khó tin vào sự vụng về của màn bào chữa. Lại là… xạo bà cố.
Tới màn xạo bà cố ghê rợn nhất của Thái thử Mohammed bin Salman từ thủ đô Riyadh thuộc Saudi Arabia về nhà báo bị mất tích Jamal Khashoggi. Ông Khashoggi người thực ra đã bị giết và xác bị chặt ra thành nhiều khúc tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10/2018 bởi một đội an ninh do ông bin Salman, người thường được gọi với tên tắt là MBS, cử sang.
Ông Khashoggi, cây viết cho tờ Washington Post và là người chỉ trích dữ dội MBS, vào lãnh sự quán để lấy giấy tờ chuẩn bị cho đám cưới với hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ Hatice Cengiz, người hiện đang được cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ. Hôm 3/10, MBS nói với hãng tin Bloomberg rằng ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán và sẵn sàng để Thổ Nhĩ Kỳ vào kiểm tra. Các quan chức Saudi Arabia trong những ngày sau đó tiếp tục khẳng định ông Khashoggi đã rời lãnh sự quán trong ngày 2/10.
Tới ngày 7/10, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói ông Khashoggi đã bị giết trong lãnh sự quán và chính quyền ở Riyadh nói cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là “vô căn cứ”. Gần hai tuần sau, hôm 15/10, một kênh truyền hình của Saudi Arabia vẫn nói “đội hành sát” 15 người mà truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói tới thực ra chỉ là “khách du lịch”.
Nhưng sang ngày 19/10, Saudi Arabia buộc phải thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết bên trong lãnh sự quán nhưng lại nói ông chết trong cuộc “ẩu đả” với lực lượng an ninh được cử sang để bắt ông về. Saudi Arabia còn nói các nhân viên của lực lượng an ninh, trong đó có cả những người gần cận MBS, đã hành động vượt thẩm quyền và họ đã bị bắt giam. Xạo… thấy bà cố.
Ba vụ xạo bà cố trên đây liên quan tới những vụ việc khác nhau nhưng điểm chung là sự thật đã bị lực lượng an ninh và các quan chức sát hại không thương tiếc. Nó cũng cho thấy chính những người cần nêu gương về thượng tôn pháp luật lại quay về với luật rừng để đạt được mục tiêu của họ. Việc giải quyết hậu quả của cả ba vụ vẫn còn chưa chấm dứt và người ta sẽ chẳng dễ tin những gì ba bên đưa ra vì một lần bất tín thì vạn sự còn lại làm sao mà tin được.
No comments:
Post a Comment