Theo VOA-Trân Văn/18/10/2018
Nhiều người tỏ ra hài lòng sau khi nghe ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố, Văn phòng của Thành ủy TP.HCM sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy TP.HCM.
Nhiều người tỏ ra hài lòng sau khi nghe ông Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM) tuyên bố, Văn phòng của Thành ủy TP.HCM sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy TP.HCM.
Văn phòng Thành ủy TP.HCM trở thành mục tiêu thu hút sự chú ý của công chúng sau khi cơ quan này được xem là nơi phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được “quyền sử dụng” 34,2 héc ta đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng.
Sở dĩ Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng trong thương vụ vừa kể vì Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán… rẻ. Sở dĩ Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán rẻ vì “cha mẹ” của doanh nghiệp này – Thành ủy TP.HCM – muốn như vậy (1).
Khi vụ mua bán 34,2 héc ta đất ở ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè trở thành scandal, Văn phòng Thành ủy TP.HCM trở thành nơi phải gánh trách nhiệm vì có nhiệm vụ giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy TP.HCM.
Trong khối doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM, không chỉ có Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận “dại dột” như vậy. “Dại dột” y hệt như vậy còn có Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (2). Công ty này cũng mang các qui định về đấu giá, đấu thầu vứt hết vào sọt rác để chuyển nhượng một Dự án Nhà ở tại phường An Phú, quận 2, diện tích 4,8 héc ta với giá rẻ cho Công ty Đạt An.
Sau khi sự “dại dột” của Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận trở thành scandal, giống như thương vụ mua bán 34,2 héc ta đất ở Phước Kiển, Nhà Bè, thương vụ chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường An Phú, quận 2 cũng bị hủy bỏ theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM. Lạ là dù “mỡ đã nằm trong miệng mèo”, các đối tác (Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty Đạt An) của những doanh nghiệp thuộc Thành ủy TP.HCM chấp nhận nhả ra hết sức dễ dàng, không thắc mắc, khiếu nại gì...
Có một điểm cần chú ý nhưng ít người để ý là Văn phòng của Thành ủy TP.HCM sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy TP.HCM nhưng Thành ủy TP.HCM vẫn sở hữu hàng loạt doanh nghiệp. Ở Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, diễn ra trong ba ngày từ 15 đến 17 tháng này, song song với tuyên bố không cho Văn phòng của Thành ủy TP.HCM giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy TP.HCM nữa, ông Nhân còn nói thêm là Thành ủy TP.HCM sẽ có nghị quyết riêng về hoạt động kinh tế của tổ chức Đảng CSVN tại thành phố này. Theo đó, TP.HCM sẽ “cơ cấu lại lĩnh vực nào tiếp tục kinh doanh, lĩnh vực nào không tiếp tục kinh doanh nữa, ví dụ không đầu tư vào ngân hàng nữa vì rủi ro rất lớn”.
Tuy ông Nhân không cho biết chi tiết Thành ủy TP.HCM đã “đầu tư vào ngân hàng” ra sao nhưng hẳn những người chịu khó quan sát hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam chưa quên những thông tin liên quan đến việc Thành ủy TP.HCM rót rất nhiều tiền vào hai ngân hàng thương mại là Saigon Bank (Ngân hàng Sài Gòn Công Thương) và Dong A Bank (Ngân hàng Đông Á).
Tính về tỉ lệ sở hữu cổ phiếu, Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn nhất của Saigon Bank (18,18% - ước đoán vốn đầu tư khoảng 560 tỉ đồng – vi phạm qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, cấm các tổ chức sở hữu quá 15%) và là cổ đông lớn thứ ba của Dong A Bank (6,87% - ước đoán vốn đầu tư khoảng 344 tỉ đồng) (3).
Vậy hoạt động của hai ngân hàng vừa kể hiện nay ra sao? Tuy hết sức èo uột nhưng dù sao Saigon Bank cũng đỡ hơn Dong A Bank. Tính đến cuối năm 2015, Dong A Bank âm vốn 25.000 tỉ. Tòa án chuẩn bị xét xử Tổng Giám đốc Dong A Bank và hàng loạt nhân viên vì những giao dịch tài chính có dấu hiệu phạm pháp với Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’).
Thế tiền đâu để Thành ủy TP.HCM góp cả ngàn tỉ đồng vào Saigon Bank và Dong A Bank? Câu trả lời tất nhiên là tiền cho thuê, tiền bán các công thổ, công sản mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giao cho Thành ủy TP.HCM quản lý, sử dụng và tiền do… ngân sách cấp! Các doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM cũng vậy và đó là lý do tại sao dẫu hết sức “dại dột” trong kinh doanh, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận vẫn tồn tại.
Cần phải nói thêm, trong cơ cấu của Saigon Bank, 560 tỉ đồng góp vào cho ngân hàng này chỉ là của Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nếu tính cả vốn của những doanh nghiệp cũng thuộc Thành ủy TP.HCM như Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,54%), Công ty Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%), Công ty Dầu khí TP.HCM (14,08%) thì tỉ lệ vốn mà Thành ủy TP.HCM thực góp vào Saigon Bank lên tới 65,15%. Nói cho… công bằng, trong ba doanh nghiệp vừa kể, có doanh nghiệp thuộc quyền quản lý giám sát của… Văn phòng, có doanh nghiệp thuộc quyền quản lý giám sát của… Ban Tài chính Quản trị song xét một cách tổng quát thì tất cả đều là “con cái” của Thành ủy TP.HCM.
Cổ nhân thường bảo “con dại, cái mang” nhưng đó là ngày xưa. Ngày nay, nếu câu cách ngôn đó còn đúng thì cũng chỉ đúng với thường nhân. Với các tổ chức của Đảng CSVN như Thành ủy TP.HCM, “con dại”, cha mẹ cũng… chẳng sao. Chuyện Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận “dại dột” bán công thổ, công sản rẻ như cho trở thành scandal, xử lý những cá nhân đứng đầu hai doanh nghiệp này mà chưa “ổn định được dư luận” thì tiến thêm một bước… “khiển trách” bà Thái Thị Bạch Liên (Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM) và điều chuyển bà Liên sang làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng của Thành ủy TP.HCM. Rồi để bảo vệ uy tín của bà Liên, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhờ báo chí nhắn với công chúng, đừng xem việc điều chuyển bà Liên là một hình thức kỷ luật. Sở dĩ Thành ủy TP.HCM điều chuyển bà Liên vì Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng là Đảng bộ lớn, có nhiều Đảng viên là cán bộ chủ chốt của TP.HCM, thành ra cần kinh nghiệm và năng lực của bà Liên để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng (3). Tương tự, sau khi dư luận lùm xùm về những khuất tất ở Saigon Bank liên quan tới chuyện hàng loạt doanh nghiệp thuộc Thành ủy TP.HCM “dại dột” thì “cảnh cáo” ông Phạm Văn Thông (cựu Phó Văn phòng Thành ủy TP.HCM) và cho “thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị” ngân hàng này rồi… thôi (4). Điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự là những đòi hỏi bất khả thi vì ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức Đảng!..
***
Hồi đầu tháng này, chính phủ Việt Nam ước đoán, đến hết năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ vào khoảng 3,5 triệu tỉ đồng. Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng. Tính đến hết quý 1/2018, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền) chiếm khoảng 76% tổng chi ngân sách. Ngoài việc phải nuôi các viên chức trong hệ thống công quyền (theo ước đoán của Kiểm toán Nhà nước hiện thừa chừng 57.000 người), dân chúng Việt Nam còn bị buộc cõng thêm cán bộ, nhân viên của hệ thống chính trị - xã hội (Đảng, Đoàn, Hội,…).
Cách nay hai năm, Bộ Tài chính Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong mười năm vừa qua, viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam tăng thêm 1,4 triệu người, còn cán bộ, nhân viên của các tổ chức chính trị - xã hội khác thì tăng hơn ba lần nhưng không cho biết con số cụ thể. Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện cách nay hai năm thì mỗi năm, các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam (Đoàn TNCS HCM, Tổng Liên đoàn Lao Động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ,…) ngốn của ngân sách khoảng 14.000 tỉ đồng để trả lương, gấp đôi ngân sách dành cho hai Bộ Y tế và Giáo dục. Nếu tính cả chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm: đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) thì theo VERP, các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập nhằm hỗ trợ Đảng CSVN duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, ngốn của ngân sách từ 45.600 - 68.100 tỉ đồng/năm.
Không thấy VEPR công bố chi phí dành riêng cho việc trả lương cán bộ Đảng CSVN ở đủ mọi cấp và chi phí kinh tế - xã hội mà Đảng CSVN đang hưởng dụng là bao nhiêu nhưng chắc chắn phải gấp vài lần tổng chi dành cho các tổ chức chính trị - xã hội. Tương tự, người ta không thể biết tổng số doanh nghiệp của các tổ chức thuộc Đảng CSVN (Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, các Thành ủy, Tỉnh ủy) là bao nhiêu, nắm giữ bao nhiêu tài sản quốc gia, hiệu quả kinh doanh thế nào? Những số liệu này đã, đang và có lẽ sẽ được bảo mật ngang tầm những bí mật quốc gia. Thỉnh thoảng, qua hệ thống truyền thông chính thức, mới có thể biết vài số liệu đơn lẻ, kiểu như Thành ủy Hà Nội có 15 tổng công ty (5). Hoặc trong hoạt động, những doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức đảng nếu không “dại dột” như Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (Thành ủy TP.HCM) thì hết sức “càn rỡ” xem luật pháp là giấy lộn, sinh mạng – tài sản – lợi ích chính đáng của khách hàng là số 0 (6), “lưu manh”, hết lừa ngàn người này, tới gạt ngàn người khác (7) như Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai (Thành ủy Hà Nội)...
Việt Nam khác với phần còn lại của thế giới (tất cả các tổ chức chính trị, xã hội phải tự lập, nếu muồn tồn tại phải tự chủ về tài chính), dân chúng Việt Nam vẫn phải nuôi cả Đảng CSVN lẫn các tổ chức chính trị - xã hội được lập ra để hỗ trợ Đảng CSVN duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Tuy hệ thống chính trị tại Việt Nam có các doanh nghiệp riêng nhưng không những các doanh nghiệp này không nuôi “cha mẹ” chúng mà dân phải cõng luôn cả chúng cho chúng phá! Rên xiết, oán thán của vài chục triệu người vì vật giá gia tăng do sưu ngày càng cao, thuế ngày càng nặng bởi chi thường xuyên càng ngày càng lớn chưa đủ sức nặng.
Giới khoa học gọi những ký sinh trên vật chủ vốn cũng thuộc loại ký sinh là ký sinh bậc cao. Việt Nam đi từ thảm nạn này đến thảm nạn khác vừa vì ký sinh làm chủ vừa vì phải chấp nhận cho cả ký sinh bậc cao – những doanh nghiệp thuộc các tổ chức đảng đủ cấp – cộng sinh. Mạt là tất nhiên, không mạt mới lạ.
Chú thích
No comments:
Post a Comment