Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Sự kiện ra mắt VinFast tại triển lãm Paris Motor Show 2018 được tổ chức rầm rộ, kèm theo đó là một chiến dịch truyền thông đắt đỏ đã khiến mạng xã hội tràn ngập các thông tin. Đó là chưa kể các trang báo quốc tế cũng “vào cuộc” đưa tin. Thông điệp: “tự hào quá Việt Nam ơi” lại được dịp vang lên trong khi đó nhiều người mỉa mai về “niềm tự hào của Việt Nam” được cấu tạo gồm:
– Bộ phận máy: Hãng BMW làm.
– Thiết kế: Ý làm.
– Nội thất: Mỹ và Nhật làm.
– Công nghệ ECU do Bosch làm.
– Hộp số do ZF làm.
– Sơn của Duzz.
– Thân, vỏ xe do Công ty Aapico Hitech của Thái Lan làm.
– Đại diện truyền thông do David Beckham làm.
– Thiết kế: Ý làm.
– Nội thất: Mỹ và Nhật làm.
– Công nghệ ECU do Bosch làm.
– Hộp số do ZF làm.
– Sơn của Duzz.
– Thân, vỏ xe do Công ty Aapico Hitech của Thái Lan làm.
– Đại diện truyền thông do David Beckham làm.
Có vẻ như chỉ có cô Hoa hậu Trần Tiểu Vy và cái lá cờ đỏ sao vàng là “made in Việt Nam”.
Thực tình mà nói, với tất cả những thứ “ngoại lai” như vậy, Việt Nam vẫn có thể công khai sản xuất và có quyền gọi đó là sản phẩm của mình.
Việt Nam đã từng phóng (đúng ra là nhờ Ariane Espace phóng) các vệ tinh viễn thông và gọi đó là vệ tinh của mình, cho dù 101% nó là đồ của nước ngoài; đơn thuần là Việt Nam đã bỏ tiền ra mua nó và họ có quyền gọi nó là như thế. Chuyện này cũng tương tự như chiếc Angkor của Kampuchia. Nhưng cũng phải công nhận rằng gọi đó là VinFast với hoàn toàn đồ ngoại thì cũng hơi “sống sượng” thật.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là Vingroup (cha đẻ của VinFast) có thể bán sản phẩm của mình hay không?
Theo những gì thông báo thì nhà sản xuất dự trù cho ra 250 ngàn chiếc/năm và nhắm vào thị trưởng nội địa và thị trường ASEAN. Để làm được điều này họ đã đầu tư một nhà máy hiện đại ở Cát Hải trên đảo Cát Bà với tổng diện tích 350 mẫu, gần gấp 3 lần nhà máy (lắp ráp) Mercedes ở Củ Chi, và trị giá 3,5 tỉ USD.
Hiện nay, mức tiêu thụ trong nước là 300 ngàn ô-tô/năm. Cứ cho là Vingroup chỉ nhắm tiêu thụ 1/3 nghĩa là 80 ngàn chiếc trong nước, thì mức này cũng tương đối cao vì với sản phẩm nhập nguyên xi như đã nói ở trên thì mức giá phải xấp xỉ 1,2 tỷ/chiếc (khoảng 52.000 USD), một mức giá tương đối cao so với thu nhập bình quân ở Việt Nam. Trong khi đó với mức thuế nhập khẩu “nguyên con” bằng zero, một chiếc Toyota Yaris nhập nguyên chiếc từ Thái Lan kể từ đầu tháng 8/2018 chỉ còn 540 triệu!
Trong nước, người dân vốn đánh giá rất thấp trình độ và tay nghề nội địa. Một nhà sản xuất trong nước cho biết cứ đem so sánh chiếc Honda Air Blade để thấy rằng cho dù cùng công nghệ và sản phẩm, nhưng chiếc sản xuất tại Thái Lan vẫn ăn đứt chiếc sản xuất tại Việt Nam.
Với “truyền thống sính hàng ngoại” của dân mình (mà họ cũng có lý), thì có lẽ Vingroup đang lạc quan vào lòng “tự hào” của người dân trước sản phẩm của mình? Tôi nghĩ chẳng một nhà đầu tư nào trên thế giới lại đặt cược kết quả kinh doanh của mình vào lòng tự hào dân tộc cả, đó là chưa kể việc kêu gọi mua sản phẩm của mình và từ khước hàng ngoại rõ ràng là đi ngược lại xu hướng thương mại toàn cầu, vốn chỉ căn cứ vào chất lượng của sản phẩm.
Chưa hết, một trong những nghịch lý của Vingroup là tiến đến mục tiêu nội địa hóa 60% xe VinFast vào năm 2025. Hiện nay, mức cao nhất là của Toyota cũng chỉ 37% sau bao năm lắp ráp tại Việt Nam. Tôi đã từng dẫn sinh viên đi thăm nhà máy SAMCO sản xuất xe buýt ở Củ Chi. Chúng ta nhập nguyên con mô tơ và các máy móc. Cơ xưởng chỉ biết gò hàn khung xe và ghế ngồi, vốn dĩ là những gì mang hàm lượng công nghệ rất thấp. Cứ cho là trong tương lai xe điện sẽ chiếm thị phần nhưng có gì đảm bảo khi cả nước chẳng có một công trình nghiên cứu về lãnh vực này. Nói tóm lại, phần lớn chỉ là những con số lý thuyết.
Vậy dựa vào yếu tố nào mà Vingroup lại đổ 3,5 tỷ USD để bước vào một cuộc phiêu lưu như thế? Hiện nay các trang mạng xã hội đang chú tâm vào vị trí Vingroup xây nhà máy lắp ráp ở Cát Hải. Theo tin của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam thì Vingroup đã “đoán trước” được sự phát triển của hạ tầng cơ sở của Cát Hải xưa nay chỉ là một làng chài nghèo, và với sự gia tăng giá đất, chắc chắn Vingroup sẽ nốt được một khối tiền kếch xù khi dựa vào Luật Đất đai để thu hồi đất với giá rẻ. Và chuyện này chỉ có thể thực hiện được khi có sự tiếp tay của nhà nước.
Một vài nguồn tin lại có những nghi ngờ lớn lao hơn khi cho rằng việc đầu tư vào nhà máy lắp ráp chỉ là “phần ngọn”. Phần “gốc” của vấn đề nằm ở chỗ Cát Hải là cảng nước sâu và trong tương lai sẽ thành điểm kết nối trong “1 vành đai, 1 con đường” của anh Tập. Nhưng chuyện này xin dành cho tương lai.
Quay lại với hiện tại, trong chúng ta ai cũng mong có một sản phẩm nào để “nở mày nở mặt” với thiên hạ, nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta nên tập trung vào các sản phẩm ít bị lệ thuộc vào nước ngoài cũng như thích hợp với khả năng mua sắm của đại đa số người dân, và đặc biệt là không vin vào bất cứ phương tiện pháp luật nào để tước đi quyền sống và sinh hoạt của người khác.
Và đó lại chính là những gì Vingroup đang đi ngược lại.
Phạm Minh Hoàng
No comments:
Post a Comment