Monday, September 17, 2018

Cứ bỏ thịt chó là văn minh?

Theo VOA-Trân Văn/17/09/2018 
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân châu Á - Ảnh: L.Q.Phổ (Thanh Niên)
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân châu Á - Ảnh: L.Q.Phổ (Thanh Niên)
Chó và văn minh trở thành một cặp, trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội ở Việt Nam tuần này sau khi chính quyền thành phố Hà Nội chính thức kêu gọi dân chúng bỏ thói quen ăn thịt chó. Có hai lý do mà chính quyền thành phố Hà Nội nêu ra khi phát lời kêu gọi dân chúng ngừng ăn thịt chó: Hạn chế dịch bệnh và để hình ảnh Hà Nội không trở thành xấu xí trong mắt du khách.
Ngay sau khi lời kêu gọi ngừng ăn thịt chó được loan báo rộng rãi, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội đăng đàn thú nhận trên hệ thống truyền thông chính thức, ông cũng ăn thịt chó nhưng vì tính đúng đắn của tương quan giữa chó và văn minh, ông Học sẽ bỏ thói quen ăn uống này (1). Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội thì trịnh trọng thông báo, thành phố này sẽ cấm bán thịt cho vào năm 2021.
Chẳng riêng viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, một số cơ quan truyền thông và cá nhân cũng bày tỏ sự tán thành nhận thức mới: Bỏ thịt chó để chứng tỏ văn minh. Trên VTC News, một nhà văn tên là Văn Giá bỏ thời gian, công sức viết hẳn một bài phân tích “Chó có cấu trúc tâm thần gần giống người, ăn thịt chó tức là ăn thịt người” (2). Tuy nhiên khái quát thịt chó như thịt người không ổn, VTC News đã kéo bài xuống, sửa lại tựa, biên tập lại nội dung, theo đó, “ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã” thôi (3).
Bên cạnh đó có khá nhiều người không tán thành cuộc vận động ngừng ăn thịt chó. Ông Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nhận định, kêu gọi dân chứng ngừng ăn thịt chó là một hành động không khả thi. Với nhiều người Việt, thịt chó là nét độc đáo của văn hóa ẩm thực. Một số dân tộc không ăn thịt chó không phải là văn minh hơn người Việt mà đơn gian là do khác biệt về văn hóa. Theo ông Bình, nếu quan tâm đến tương tác giữa chó và văn minh thì chỉ khuyên các cơ sở kinh doanh không giết chó một cách tàn bạo và để người khác chứng kiến (4).
Trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử, không ít người nhìn chuyện ăn thịt chó như Giang Tong: Kêu gọi thì được nhưng cấm thì không vì ăn gì, uống gì là quyền của mỗi cá nhân. Giang nhấn mạnh, anh cũng thích chó, cũng nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó vì quả thực… thịt chó quá ngon! Kênh 14 phỏng vấn một thanh niên và ghi hình cuộc phỏng vấn đó rồi đưa lên Internet, thanh niên ấy khẳng định: Nếu Hà Nội cấm ăn thịt chó, tôi bỏ Hà Nội (5).
Cuộc tranh luận về thịt chó và văn minh là lý do nhiều người tìm – dẫn lại một bài viết của Huyền “Chip” (cô gái rất nổi tiếng trong giới trẻ Việt Nam vì từng một mình, khoác ba lô chu du nhiều nơi trên thế giới), Huyền từng nhấn mạnh: Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả! Cô giải thích, vì nhiều lý do khác nhau, người ta tôn trọng những con vật khác nhau. Người theo đạo Hindu tôn trọng bò và không ăn thịt bò nhưng không lên án người phương Tây ăn thịt bò. Chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó cả. Mọi động vật bình đẳng với nhau trước bàn nhậu. Huyền cho biết, cô không ăn thịt chó vì không thích vị của nó nhưng không dựa vào việc ai đó có ăn thịt chó hay không để đánh giá họ. Huyền không thích việc giết chó, cũng không thích việc những con gà, con heo, thậm chí con cá, con tôm bị giết nhưng con người là động vật ăn tạp, đã ăn đủ loại thịt suốt 1,5 triệu năm qua và rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt chó đến tận khi nhân loại không còn… (6)
Cũng với suy nghĩ đó, Điệp Hoàng lưu ý, “bọn Tây lông” chê người Việt ăn thịt chó nhưng nhiều “thằng Tây lông” sang Việt Nam “ăn mắm tôm thịt chó như tẽm”. Cũng vì vậy, cái gì mình thấy phù hợp thì làm, đừng vì mõm thằng hàng xóm nói mà… xoắn. Mình sống cuộc đời mình chứ có sống cho cuộc đời nó đâu. Nếu cứ vì “bọn Tây lông” chê, chẳng lẽ thôi không ăn hột vịt lộn, không gặm xương gà, không nướng kiểu “mọi” các món ăn dân dã nữa? Điệp cho rằng, dù có như thế người Việt cũng không thành “Tây lông” được. Hãy cứ là người Việt đi. Ai yêu chó thì không ăn chó. Ai sợ vịt có thai thì đừng ăn trứng lộn. Ai thấy bẩn thì đừng ăn gà nướng đất sét hay cá lóc nướng trui... Vậy thôi! Đừng xoắn (8).
Tham gia luận bàn về chủ đề chó và văn minh, Lê Anh Hoài bảo rằng, vận động không ăn thịt chó vì sợ bệnh dại không thuyết phục lắm bởi chó đã chết thì không… cắn. Sợ nước ngoài dị nghị cũng không thuyết phục bởi nước ngoài là nước nào? Nam Hàn chắc chắn không dị nghị. Các nước châu Á có lẽ sẽ bỏ phiếu trắng. Cuối cùng chỉ còn Tây. Song nếu cứ thế thì Tây nói gì… là học tập và làm theo cho họ vui lòng sao? Hoài nhắc, chuyện ăn thịt chó thì dân mình tự chia thành hai phe… cắn nhau đã mấy năm rồi. Hoài than, bệnh dại, bệnh điên, bệnh cuồng quốc hồn quốc túy, cuồng Tây lan tràn với nhiều ca nặng lắm!... rồi đề nghị, nên thuyết phục người Hà Nội không ăn thịt chó chỉ vì một lý do thôi: Yêu thương chó bởi bây giờ, phận người có khác lắm với phận chó đâu. Thân phận đã gần nhau thì đừng ăn thịt nhau. Ngẫm cho kỹ, nhiều khi phận chó còn nhỉnh hơn phận người, ví dụ chó đâu có phải gánh nợ công? Chó đâu có phải tiêu tiền mà lo nhân dân tệ khi đi lên biên giới? Chó cũng không phải quan tâm đến đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa!... (9)
***
Có một yếu tố có thể đoan chắc, cho dù toàn bộ cư dân Hà Nội nói “không” với thịt chó, chắc chắn thiên hạ chưa khen Hà Nội văn minh. Văn minh nhân loại không nằm trong thịt chó. Hà cớ gì buộc thịt chó sánh duyên cùng văn minh? Chẳng lẽ vận động không ăn thịt chó là đủ để báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành một đô thị hiện đại, văn minh?
Chú thích

No comments:

Post a Comment