HẢI DƯƠNG, Việt Nam (NV) – Dự án “Trung Tâm Hành Chính Tập Trung” từng bị thủ tướng CSVN yêu cầu ngưng từ ba năm trước, nay đang được tỉnh Hải Dương tái khởi động bằng cách chia nhỏ, đổi tên và chuyển đổi hình thức đầu tư để quyết moi tiền ngân sách.
Hôm 4 Tháng Chín, 2018, báo Thanh Niên cho hay, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hải Dương đã có văn bản kiến nghị thủ tướng CSVN về việc “điều chỉnh hình thức đầu tư công trình Trung Tâm Hội Nghị và Quảng Trường.”
Trước đó, tại tờ trình năm 2014, tỉnh này đề nghị xây dựng trụ sở Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân và Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc ủy ban tỉnh; trung tâm hội nghị; sân đường, quảng trường với tổng mức đầu tư 2,060 tỷ đồng (hơn $88.3 triệu) từ nguồn ngân sách, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lẫn một phần hỗ trợ từ trung ương.
Sợ không được phê duyệt vì nguồn vốn đầu tư từ tiền ngân sách quá lớn, đầu năm 2015, tỉnh Hải Dương có tờ trình xin đổi sang hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) và được thủ tướng CSVN chấp thuận về nguyên tắc, đồng thời lưu ý không dùng vốn ngân sách để thực hiện.
Tuy nhiên, dự án đã bị tạm ngưng từ Tháng Mười Một, 2015, khi thủ tướng có công văn yêu cầu các địa phương “tạm dừng việc xây khu hành chính tập trung” do “hết tiền.”
Thế là từ giữa năm 2017 đến nay, tỉnh Hải Dương liên tiếp có những động thái chuẩn bị cho việc tái khởi động dự án trung tâm hành chính này mà điển hình nhất là công văn xin thủ tướng điều chỉnh dự án khoảng một tháng trước.
Văn bản lần này có ba điểm rất đáng chú ý. Đầu tiên là việc “chia nhỏ” dự án khi triển khai trước một phần là công trình Trung Tâm Hội Nghị và Quảng Trường với số vốn gần 650 tỷ đồng (hơn $27.8 triệu).
Kế tiếp, dự án nay được đổi tên mới là Trung Tâm Văn Hóa Xứ Đông (quy mô sáu tầng, gồm một tầng hầm, bốn tầng và một tầng áp mái), tổng diện tích xây dựng hơn 4,500 mét vuông, trên tổng diện tích 19,633 mét vuông.
Cuối cùng, chính quyền tỉnh Hải Dương đề nghị chuyển từ đầu tư theo hình thức BT sang dùng vốn ngân sách bằng nguồn thu từ việc đấu giá sử dụng đất của dự án khu đô thị ven sông Thái Bình (Ecoriver). Đặc biệt thông báo luôn địa phương đã đấu giá đất xong và thu về 805 tỷ đồng (hơn $34.5 triệu) từ trước khi xin thủ tướng thay đổi hình thức đầu tư dự án.
Riêng các công trình còn lại, tỉnh này đề nghị giữ nguyên theo hình thức BT. Nếu được thông qua, ủy ban tỉnh Hải Dương dự trù thực hiện dự án từ nay đến năm 2020.
Mặc dù đã dùng nhiều cách để quyết xây dựng dự án, song tham gia ý kiến về đề xuất này theo yêu cầu của Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Xây Dựng cho hay, với những tài liệu hiện nay thì “chưa có cơ sở để xem xét sự cần thiết đầu tư dự án bằng ngân sách nhà nước.”
Chưa kể, đề nghị thay đổi hình thức đầu tư từ BT sang vốn ngân sách của tỉnh Hải Dương diễn ra trong bối cảnh Bộ Tài Chính đang đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Lâu nay, các tỉnh, thành ở Việt Nam thi nhau xây dựng các “trung tâm hành chính” như một căn bệnh. Chính quyền địa phương đua nhau xây “trung tâm hành chính” của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác, mà không bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa.
Cốt yếu của việc xây “trung tâm hành chính” là để lấy tiền công bỏ vào túi riêng mà thôi! (Tr.N)
No comments:
Post a Comment