Hòa Ái, phóng viên RFA-2018-08-10
Ảnh minh họa: Công an, an ninh Việt Nam bắt người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 09/12/2012.AFP
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc nâng khống điểm thi Tốt Nghiệp Phổ thông Trung học năm 2018, ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn… là hàng chục thí sinh từ các địa phương vừa nêu đậu thủ khoa vào các trường an ninh, quân đội. Hiện tượng này tác động đến xã hội như thế nào?
Nghi vấn đậu thủ khoa
Học viện An ninh cho báo giới biết có 47 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao nhất năm 2018, đến từ 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, là các tỉnh bị phát hiện nâng điểm thi khống trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018. Thủ khoa và á khoa đậu vào Học viện Hậu cần, Học viện Khoa học Quân sự, Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Lục quân năm 2018 đều đến từ Hòa Bình. Gần 5% thí sinh trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị là thí sinh của Lạng Sơn. Thí sinh của tỉnh Sơn La là thủ khoa và á khoa hai trường Học viện Biên phòng và Học viện Kỹ thuật Quân sự năm nay.
Công luận đặt ra nghi vấn đối với kết quả xét tuyển như vừa nêu vì do hậu quả từ vụ việc nâng điểm thi khống tại Hội đồng thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2018, ở các tỉnh bao gồm Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình mà hàng loạt cán bộ giáo dục bị bắt giam và khởi tố.
Bên cạnh đó, công luận còn đặc biệt quan tâm đến thông tin trong số 35 thí sinh tự do, là cảnh sát cơ động ở Lạng Sơn, nằm trong danh sách điểm bị phát hiện cao bất thường thì có đến 28 người đậu vào Học viện Cảnh sát và Học viện An ninh. Ba thí sinh cảnh sát cơ động trúng tuyển có bài thi tự luận môn Ngữ văn bị giảm điểm sau khi được chấm lại.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận những ngày qua, trên các mạng xã hội, dư luận bày tỏ sự hoang mang về hiệu quả làm việc của những cán bộ, thuộc các ban ngành quốc phòng của Việt Nam là các sinh viên được nhào nặn từ sự gian dối trong giáo dục, sau này sẽ ra sao? Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến, từ Hà Nội chia sẻ:
“Việc những em đó bây giờ đỗ vào như thế, những người nhìn theo góc độ tiêu cực thì đặt ra câu hỏi các em kém năng lực mà lại đỗ vào thủ khoa các trường an ninh thì ra trường sẽ trở thành cán bộ an ninh như thế nào? Người ta thắc mắc như vậy bởi vì gần đây vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, gồm các tướng an ninh cấp cao, thậm chí liên quan đến Bộ trưởng Bộ Công An, đến cả an ninh bên nước Đức và nước Slovakia nữa, cũng như vụ việc vẫn chưa dừng lại. Thế thì liệu các em có năng lực kém, điểm thấp, thậm chí còn không tốt nghiệp trong các kỳ niên khóa của mình, mà bây giờ đỗ vào thủ khoa để trở thành các tướng, tá an ninh thì sẽ còn như thế nào nữa?”
Tôi cho là ngành nào cũng thế thôi. Bởi vì bằng chứng ở chỗ mãi đến bây giờ, như ai đó đã nói là ‘một dân tộc không chịu lớn’ thì có lẽ thế thôi. Và tất nhiên những ngành ở lãnh vực chủ yếu của hệ thống, nó nhạy cảm thì nó sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Dẫu sao thì đây cũng là lỗi của cả hệ thống và cũng là câu chuyện dài, không thể khắc phục ngày một ngày hai được đâu
-TS. Trịnh Hòa Bình
Lỗi hệ thống
Lê tiếng với RFA, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng nỗi lo ngại của công luận không phải là không có cơ sở khi mọi lãnh vực trong xã hội Việt Nam tồn tại hiện trạng viên chức, cán bộ nhà nước mà người ta gọi là “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nói:
“Tôi cho là ngành nào cũng thế thôi. Bởi vì bằng chứng ở chỗ mãi đến bây giờ, như ai đó đã nói là ‘một dân tộc không chịu lớn’ thì có lẽ thế thôi. Và tất nhiên những ngành ở lãnh vực chủ yếu của hệ thống, nó nhạy cảm thì nó sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Dẫu sao thì đây cũng là lỗi của cả hệ thống và cũng là câu chuyện dài, không thể khắc phục ngày một ngày hai được đâu.”
Truyền thông quốc nội, vào cuối tháng 10 năm 2016, dẫn nguồn từ các chuyên gia dự báo có khoảng 700 ngàn công chức, viên chức (chiếm 30%) làm việc không có hiệu quả. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn trong vai trò Phó Thủ tướng cũng đã tuyên bố đội ngũ công chức chỉ có khỏang 30% có thể đáp ứng được nhu cầu công việc. Và, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh rằng 30% cán bộ còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Qua thông tin nữ sinh Sơn La là thủ khoa Học viện Cảnh sát năm 2018 có bố mẹ làm công an, không ít người khẳng định lại là một hình thức “tham nhũng quyền lực”, mà theo nhận định của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, thì bộ máy hành chính của Đảng Cộng sản và hành chính của Nhà nước Việt Nam tham nhũng từ trên xuống dưới và vô phương cứu chữa.
Căn nguyên từ giáo dục
Vào ngày 6 tháng 8, Báo mạng Giáo dục Việt Nam dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội phát biểu rằng vụ việc gian lận trong thi cử là báo động đạo đức xã hội và sự giả dối sẽ làm cho xã hội suy vi. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh nếu để giả dối trong giáo dục lan truyền, mà không được khắc phục thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của đất nước và dân tộc.
Chế độ này tuyển dụng những kẻ vô dụng bất tài như thế để sau này hy vọng vào tương lai bảo vệ chế độ thế thì chế độ này chắc sẽ không tồn tại được lâu
-Ông Nguyễn Chí Tuyến
Báo giới và cộng đồng cư dân mạng cũng lan tỏa câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela rằng “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Trong khi đó, một số nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhận xét sự gian giối trong thi cử và trong tuyển dụng cán bộ, viên chức ở Việt Nam càng tiếp diễn, có thể nhìn dưới khía cạnh tích cực thì Việt Nam càng tiệm cận hơn với tự do, dân chủ, như nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến khẳng định: “Chế độ này tuyển dụng những kẻ vô dụng bất tài như thế để sau này hy vọng vào tương lai bảo vệ chế độ thế thì chế độ này chắc sẽ không tồn tại được lâu.”
No comments:
Post a Comment