Báo VNExpress dẫn phúc trình của Cục Y Tế Dự Phòng thuộc Bộ Y Tế CSVN, ước tính Việt Nam có 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần một triệu người nhiễm virus viêm gan C. Cứ 100 người thì có đến 20 người nhiễm virus viêm gan B, bốn người nhiễm virus viêm gan C.
Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Anh, giám đốc bệnh viện Bạch Mai, cho biết Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan và ung thư gan. “Gánh nặng bệnh tật của nhiễm viêm gan B và C rất lớn,” ông Anh nói.
Theo ông, người mắc virus viêm gan B phải theo dõi và điều trị suốt đời. Trong khi đó, bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, 90% người bệnh không biết về tình trạng bệnh của mình.
Tuy các loại thuốc mới, phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%). Tuy nhiên, do chi phí cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên 90% người dân mắc bệnh chưa được tiếp cận điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh, Bộ Y Tế, thừa nhận trong số các bệnh truyền nhiễm thì viêm gan virus trở thành gánh nặng hàng đầu thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, đây cũng là vấn đề nặng nề, đặc biệt là viêm gan virus B. Số người nhiễm virus viêm gan B, C nhiều gấp 40 lần số người nhiễm HIV.
“Viêm gan virus đứng thứ ba trong số nguyên nhân gây tử vong ở Việt Nam, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là viêm gan siêu vi B. Vấn đề điều trị cũng đang là gánh nặng, nhiều người mắc bệnh nhưng không biết,” ông Khoa nói.
Ông Đỗ Duy Cường, trưởng khoa Truyền Nhiễm, bệnh viện Bạch Mai, cho biết virus viêm gan B dễ lây hơn virus HIV gấp 100 lần. Nó có thể sống ngoài cơ thể ít nhất bảy ngày và có thể lây nhiễm nếu không có kháng thể bảo vệ.
Người nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện không rõ ràng. Trường hợp nặng có thể gây suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan.
“Nguyên nhân chủ yếu lây virus này là truyền từ mẹ sang con hoặc lây ngang trong năm năm đầu của trẻ. Nó cũng lây truyền qua tổn thương da, niêm mạc, máu, nước bọt, dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo…). Một phần lây qua các thủ thuật y tế: giải phẫu viên, nha sĩ, xăm trổ, dùng chung vật sắc nhọn như dao cạo râu…,” ông Cường giải thích. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment