Luật An ninh mạng có giúp bảo vệ chế độ?
Thảo Vy – VNTB
Các trang báo đưa tin trong tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm Chủ nhật 17-06, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng “việc Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng với tỉ lệ tán thành 86,86% là rất sáng suốt”. Vì “Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi”.
Nếu ‘cột được đám mây’, thì…
Trong tư cách là một đại biểu Quốc hội, một nghị sĩ có chức vụ cao nhất của Đảng cầm quyền, dường như sức nặng tuổi tác đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng trở nên chậm chạm trong lắng nghe các ý kiến của cử tri, cũng như cập nhật hiện tình đất nước cho dự báo sẽ ra sao nếu như có Luật An ninh mạng.
Hôm 14-06 tại Hà Nội có diễn đàn Blockchain Forum 2018, với chủ đề “Xu hướng và Tầm nhìn phát triển”. Đây là diễn đàn đầu tiên về Blockchain với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách về kinh tế, pháp lý, khoa học và công nghệ cùng đại diện các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Luật An ninh mạng mà các vị đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua và được ông Nguyễn Phú Trọng ca ngợi là “rất sáng suốt”, lại chứa đựng nhiều điều khoản đe dọa sự phát triển của Blockchain; nhất là với cách hiểu như lời tuyên bố chắc nịch của Thượng tướng Võ Trọng Việt, “doanh nghiệp phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…”.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Công nghệ này được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu, đặc biệt có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.
Hôm 16-6, “tuyến cáp quang biển AAG trên nhánh S1H vừa mất lưu lượng không rõ nguyên nhân” mà báo chí đăng tải, cho thấy nếu kéo được đám mây điện toán về Việt Nam như lời của tướng Việt khi nhấn mạnh về tính khả thi của Luật An ninh mạng, thì chắc chắn những nhà quản lý Việt Nam cũng sẽ không ‘cột chặt’ được đám mây ấy, khi mà ngay cả việc tuyến cáp quang AAG liên tục được cho là bị mất lưu lượng cũng ‘không rõ lý do’ như suốt mấy năm qua. An ninh quốc gia trong trường hợp cụ thể đang diễn ra sẽ như thế nào nếu Việt Nam ‘cột được đám mây điện toán’?
Bộ Công an sẽ ‘nắm đầu’ Blockchain?
Trở lại với Blockchain Forum 2018. Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh: Internet of Things, viết tắt IoT), dự kiến sẽ là một thị trường 15 ngàn tỷ USD vào năm 2030, là một yếu tố quan trọng tác động đến cách mọi người làm việc và đổi mới trong tương lai. Nhược điểm của sự phát triển IoT hiện tại là do các lĩnh vực tăng trưởng nhanh, dẫn đến thông tin cá nhân lẫn các tổ chức dễ bị rò rỉ và xâm hại với tốc độ đáng kinh ngạc.
Trong khi đó, công nghệ blockchain cung cấp khả năng phân quyền quản lý thiết bị IoT. Với kỹ thuật phân phối và kiểm soát an toàn thông tin truyền tải trong các chuỗi độc lập, cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng kiểm soát thông tin mà không cần phụ thuộc vào các hệ thống tập trung. Blockchain được xem là công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số, và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Blockchain Forum 2018, dưới góc độ từ cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế – Bộ Tư pháp, “Ở góc độ quản lý Nhà nước phải tạo pháp lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Blockchain”. Theo ông Tú, bốn vấn đề cần giải quyết về mặt pháp lý bao gồm: “Thứ nhất, phải khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain. Thứ hai, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụngBlockchain. Thứ ba, cần tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của Blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm”.
Luật An ninh mạng chưa có hiệu lực thi hành, tuy nhiên giới kinh doanh tin rằng các nội dung của luật này sẽ đe dọa việc doanh nghiệp áp dụng Blockchain; bởi họ có thể bị rò rỉ thông tin khi bị can thiệp quá sâu vào bất kỳ lúc nào từ cơ quan công an từ việc nhân danh ‘bảo vệ chế độ này’ như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri Hà Nội hôm Chủ nhật 17-06./.
No comments:
Post a Comment