RFA-2018-04-17
Bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" của cô giáo Trần Thị Lam-Courtesy of internet
Trong tuần lễ đầu tháng 4, giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ trong nước đã bày tỏ bức xúc và cả phẫn nộ sau khi ông Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu rằng “Thơ trên Facebook là thơ rác rưởi.”
Có ranh giới nào để bình phẩm về một tác phẩm trên mạng xã hội và trên giấy in truyền thống?
Thế nào là “rác”?
Với trường hợp mà ông Phan Hoàng đề cập, ông đã vô tình chạm đến một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống của con người, đó là nghệ thuật. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc ông đã “chạm’ đến một số lượng rất lớn những nhà văn, nhà thơ chuyên lẫn bán chuyên, những người bắt kịp công nghệ số, dùng kỹ thuật “cứng” để chia sẻ những sáng tác “mềm”.
Cơn bão chỉ trích bùng nổ ngay sau đó. Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc, một cựu giảng viên văn khoa đại học, cao đẳng tại miền Nam Việt Nam cho rằng ông Phan Hoàng đã “lập ngôn” khi đưa ra lời phát biểu trên trang cá nhân: “Thơ dở trên Facebook là thơ rác rưởi gây ngộ độc hơn cả ngộ độc thực phẩm”.
Trong 1 bài viết, Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc chia sẻ: “Vấn đề thơ dở và thơ hay thì các nhà lý luận phê bình còn chẳng dám phân biệt. Họ chỉ nêu ra tiêu chuẩn thơ hay, không dám đả động đến thơ Dở. Thơ hay thì đọc, thơ dở thì bỏ qua, mắc mớ gì mà ngộ độc.”
Cái câu ‘Thơ trên Facebook là rác rưởi’ là không phải Phan Hoàng nói như vậy. Một bài viết đã bị giựt tít. Theo tôi hiểu trong câu của anh ấy nói là khi ảnh làm thơ, mà cảm thấy thơ chưa có gì thì cũng chưa muốn đưa lên Facebook, nó làm bẩn Facebook của mình. Ý anh ấy muốn nói là ảnh cẩn trọng, nghiêm túc khi làm thơ. - Phạm Xuân Nguyên
Nhà thơ Trần Mạnh Hào thâm thuý hơn khi phân tích nghĩa đen của danh từ “rác”: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Dân tộc ta bốn nghìn năm sống bằng nghề trồng lúa nước nên vô cùng yêu mến yếu tố thứ hai là rác, là phân để cây lúa trổ bông. Cho nên khi nghe nhà thơ Phan Hoàng mắng thơ trên Facebook chỉ là rác rưởi, tôi buồn lắm vì rác của đời tôi bị Phan thi nhân rẻ rúng, mắng mỏ.”
Đây cũng chính là điều mà ông Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM đã đính chính sau đó trong cuộc phỏng vấn với báo Đất Việt ngày 14/4. Ông nói rằng:
“Đó là sự hiểu lầm, ngộ nhận về một status của tôi, hoặc có người thiếu thiện chí cố tình gán ghép và họ còn lấy ảnh của tôi gắn vào lời lẽ mà tôi không hề nói.
Thơ viết trên máy vi tính khi thấy dở xoá đi thì nó trở thành rác điện tử chứ gì. Tự mình đã thấy thơ dở, rác điện tử mà còn vô tình đăng lên fb sẽ gây “ô nhiễm môi trường”, thậm chí gây “ngộ độc” tinh thần người khác.”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hôm 17/4 cũng cho rằng câu nói của ông Phan Hoàng đã bị dư luận hiểu sai ý và bị dùng để “giựt tít” nên đã tạo ra một cơn bão chỉ trích trên mạng xã hội.
“Cái câu ‘Thơ trên Facebook là rác rưởi’ là không phải Phan Hoàng nói như vậy. Một bài viết đã bị giựt tít. Theo tôi hiểu trong câu của anh ấy nói là khi ảnh làm thơ, mà cảm thấy thơ chưa có gì thì cũng chưa muốn đưa lên Facebook, nó làm bẩn Facebook của mình. Ý anh ấy muốn nói là ảnh cẩn trọng, nghiêm túc khi làm thơ.”
Nghệ sĩ hài Vượng Râu, từ Hà Nội cho biết, nếu thật sự ông Phó Chủ tịch Hội nhà văn TP. HCM đưa ra nhận định như thế thì thật sự là “không ổn”. Trong vai trò là một nghệ sĩ, ông chia sẻ quan điểm về những gì gọi là thơ đăng tải trên mạng xã hội.
“Bản thân tôi là 1 nghệ sĩ tôi từng sáng tác nhiều bài thơ. Tôi làm là để chơi, để giải bày tâm sự, tôi không làm điều đó để mang tính mua danh hay để háo danh. Những cái ấy đôi khi là những dòng tâm sự, chia sẻ được biến thành những câu văn câu thơ cho nó mềm mại và dễ.”
Không có ranh giới
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, tất cả những chia sẻ, bình luận, tác phẩm, ngay cả những đề án nghiên cứu khoa học cũng được tác giả chọn Facebook là một trong những phương tiện truyền tải đến công chúng.
Không dừng lại ở thơ, nghệ sĩ hài Vượng Râu dẫn dụ thêm một số những dòng chia sẻ ông gọi là tản văn, đoản văn trên mạng xã hội.
“Tôi thấy rằng họ viết hay, hay rất nhiều. Họ viết rất xác thực, cộng với lối viết của người ta rất mới mẻ, không bị rập khuôn, không qua một sự chỉ đạo nào.”
Khi đặt vấn đề ở một khía cạnh thoáng hơn, đó là phải chăng ông Phan Hoàng đang nhìn nhận vấn đề với tâm thế của một người không thiện cảm với mạng xã hội, mà cụ thể là Facebook? Nghệ sĩ hài Vượng Râu có câu trả lời khá thú vị.
“Thật ra tôi nghĩ Facebook là 1 vật cản lớn nhất của nhiều bè, nhiều hội, của nhiều bè phái. Lý do trên Facebook được nhìn nhận đa chiều hơn. Người ta được tiếp cận những cái mới nhất 1 cách bằng phẳng và công tâm. Cầm quyển sách đọc, hay dở chúng ta cũng không thể phán được, nhưng trên Facebook có bình luận, hay, dở sẽ có người phát biểu.”
Thật ra tôi nghĩ Facebook là 1 vật cản lớn nhất của nhiều bè, nhiều hội, của nhiều bè phái. Lý do trên Facebook được nhìn nhận đa chiều hơn. Người ta được tiếp cận những cái mới nhất 1 cách bằng phẳng và công tâm. Cầm quyển sách đọc, hay dở chúng ta cũng không thể phán được, nhưng trên Facebook có bình luận, hay, dở sẽ có người phát biểu. - Nghệ sĩ hài Vượng Râu
Chính vì vậy nghệ sĩ Vượng Râu khẳng định Facebook là 1 trang mạng xã hội rất tốt đối với những người thật sự tự tin vào bản thân mình.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng Facebook cũng là một phương tiện cho mọi người nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Đó là nơi để người viết và người đọc gần nhau hơn, qua sự tương tác nhanh hơn và nhiều hơn.
“Thêm 1 phương tiện để công bố, có thể gọi là phát hành nữa. Có những nhà thơ trước khi in ra giấy thì họ đưa dần lên trên mạng. Nó tạo điều kiện cho thơ đến với mọi người và mọi người cũng nhận được sự tương tác trở lại.
Nó không chỉ là phạm vi đất nước nữa mà không gian mở rộng ra toàn cầu.”
Người dân trong và ngoài nước có lẽ vẫn chưa thể quên bài thơ nổi tiếng ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam. Bài thơ ra đời trên trang mạng Facebook và bay cao, bay xa đến khắp nơi trên thế giới, nơi nào có người Việt Nam. Bài thơ không xuất hiện ở bất kỳ bản kẽm nào để hiện diện trong 1 tập thơ.
Nếu định nghĩa danh từ “rác” như Nhà thơ Trần Mạnh Hào, thì “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam chính là “rác” của nghệ thuật được tồn tại trong hiện tình của đất nước.
Từ đó, có thể thấy ranh giới giữa thơ trên mạng và trên những sách in truyền thống không gì khác hơn chính là sự tương tác của mọi người và thời gian đón nhận từ xã hội.
No comments:
Post a Comment