Phạm Chí Dũng- Theo VOA-22/02/2018
Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng trong phiên xử tại Hà Nội.
Những ngày tết nguyên đán năm 2018, tuy không xảy ra “sự biến” nào, nhưng vẫn như phảng phất hương vị tanh tanh nồng nồng trong bầu không khí rúm ró báo điềm chết chóc.
“Biện pháp ngăn chặn”
Khác hẳn khoảng thời gian “bình yên nơi chim hót” của tết nguyên đán năm 2017, có người ví năm nay là “nơi bình yên chim… chết chắc”.
Nếu vào tết nguyên đán 2017 đã không âm thầm dư luận về những quan chức và cựu quan chức nào đó bị “canh theo”, thì vào năm nay đã len lén xì xào cùng cơn rùng mình buốt lưng về câu chuyện thời buổi đảo điên ấy.
Ít nhất có hai địa danh là Đà Nẵng và Sài Gòn mà đã xuất hiện luồng dư luận thầm kín về những ông A, ông B… bị nhiều nhân viên an ninh “chốt” trước cửa nhà, kiểm tra chặt chẽ và có vẻ không cần quá tế nhị đối với từng chiếc xe hơi ra vào nhà của những vị quan chức “đáng kính” này.
Những thước phim quay ngược thời gian… Sau vụ Trịnh Xuân Thanh biến mất khỏi Việt Nam vào nửa cuối năm 2016, có thông tin cho biết trước khi “tung cánh giang hồ”, Thanh đã đến nhà một quan chức cao cấp, ngồi nói chuyện một lúc, rồi sau đó đi ra trong tư thế nằm ép xuống sàn xe hơi mà đã khiến những nhân viên an ninh bám theo Thanh không phát hiện ra được.
Nhưng sau khi Trịnh Xuân Thanh đã “tự nguyện về Việt Nam đầu thú” và không những không được “hưởng lượng khoan hồng của đảng và nhà nước” mà còn phải nhận đến hai án chung thân mút mùa, hẳn Tổng bí thư Trọng đã nổi đóa để “rút kinh nghiệm sâu sắc” về thói sẵn sàng “ra đi tìm đường cứu nước” của nhiều quan chức ngoài tụng đảng trong tụng đô đầy rẫy quanh ông ta.
Nhất là “rút kinh nghiệm sâu sắc” sau vụ Vũ “Nhôm” biến mất ngay trước mũi trinh sát công an Đà Nẵng vào cuối tháng Mười Hai năm 2017…
Rất có thể sau vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ lần lượt vào tháng 12/2017 và tháng 1/2018, cơ chế “biện pháp ngăn chặn” đã được ông Trọng đề cao và quán triệt trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương.
Những ai bị “canh theo” đặc biệt?
Khác hẳn với tư thế phải “tự tham gia” cùng vai trò khá mờ nhạt trong Đảng ủy công an trung ương vào cuối năm 2016, giờ đây vị thế của ông Trọng đang khác hẳn, khác đến mức đáng kinh ngạc, đến mức nhiều người không còn nhận ra một Nguyễn Phú Trọng có thời bị coi là “chẳng khiển được ai” nữa.
Trong thực tế, ông Trọng đang ở vào phong độ đỉnh cao mà có quyền ra lệnh cho Bộ Công an thi hành “biện pháp ngăn chặn” đối với tất cả những quan chức bị nghi ngờ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp “dính” với các vụ án hoặc thuần túy tham nhũng, hoặc cả tham nhũng lẫn mang màu sắc “lật đổ”.
Ý tưởng và động thái “biện pháp ngăn chặn” trên lại đang khá tương đồng với những gì mà chủ tịch nước kiêm bí thư quân ủy trung ương Tập Cận Bình đã triển khai ở Trung Quốc đối với Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, nhiều quan chức khác và dường như với cả cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân từ năm 2012 đến nay.
Giới quan chức tham nhũng Việt Nam, cũng bởi thế, lần đầu tiên mang tính số đông trong “danh sách tử thần” và tràn đầy cơ hội được hưởng vị thế ngang bằng với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng không phải ngang bằng về quan điểm, ý chí và hành động cùng tinh thần bất khuất trước tòa án, mà chỉ là được hưởng chế độ công an theo dõi sát sao - chuyện mà những người hoạt động nhân quyền đã quá quen và xem là “chuyện nhỏ”.
Với những quan chức quen ăn bẫm tiền của dân và đục khoét ngân khố nhà nước, một tiếng còi hú của xe cứu thương, hoặc tiếng sập cửa xe hơi gần cửa nhà những quan chức này cũng đủ khiến họ thót tim, toát mồ hôi lạnh, tưởng tượng ra đủ thứ tím tái.
Tết nhất đương nhiên là dịp người người đi chúc tết, lễ lạt, thăm viếng lẫn nhau… Và cũng là cơ hội quý báu để quan chức học tập “tấm gương ra đi tìm đường cứu nước” của Trịnh Xuân Thanh và Vũ “Nhôm”. Một cách chắc chắn, giới lãnh đạo cơ quan công an bộ và sở công an ở những địa phương nhạy cảm sẽ không muốn bị Tổng bí thư Trọng “cạo đầu” và tống vào “lò” nếu để sổng thêm một vài quan chức nào đó.
Những ngày tết nguyên đán 2018 cũng vì thế đã chẳng hề bình yên - theo cách mô tả của báo chí nhà nước. Một mặt trận âm thầm của các “chiến sĩ an ninh” có lẽ đã mở rộng và thâm nhập trước cửa nhà những đối tượng mà sau tết có thể được cho “nhập kho”.
Ngay trước tết nguyên đán 2018, đã có những đồn đoán về quan chức M, H, H, D… sẽ bị tống vào “lò” của Tổng bí thư Trọng. Hầu như chắc chắn, chuyện này sẽ xảy đến sau tết.
Cứ ngẫm lại chuyện Đinh La Thăng thì rõ. Ngay sau việc Nhà nước Đức tố mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017, ở Hà thành đã xôn xao đồn đoán về Đinh La Thăng phải chịu “quản thúc” - một hình thức giám sát và ngăn chặn đặc biệt từng bước chân và thông tin liên lạc của nhân vật vừa bị loại khỏi Bộ Chính trị. Hơn 4 tháng sau, Thăng chính thức “nhập kho”.
Vậy là ứng với “kịch bản Đinh La Thăng”, những quan chức nào được ân hưởng “biện pháp ngăn chặn” trước, trong và sau tết nguyên đán 2018 cũng đều tràn trề hy vọng theo chân Thăng.
Đã hết hạn “nhân văn trước tết”
Chưa hết những ngày tết nguyên đán 2018, nhưng lác đác trên mặt báo đảng và báo chí nhà nước nói chung đã hiện ra những bài viết ca ngợi quyết tâm của đảng trong công cuộc chống tham nhũng và trong bối cảnh “vận nước đang lên”.
Cũng trước tết nguyên đán 2018, Tổng bí thư Trọng bật ra một “tư tưởng” mới: “nhân văn trước tết”.
Tinh thần “nhân văn trước tết” của ông Trọng có thể được hiểu là không tạo ra một xáo động chính trị đủ lớn mà khiến cho những quan chức có tội ăn tết không ngon. Trường hợp Đinh La Thăng là một ví dụ điển hình.
Thăng sẽ được đưa ra xét xử vụ “800 tỷ” liên quan đến Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm vào sau tết, có thể vào tháng 3/2018, thay vì xử trước tết. Với vụ mới này, nhiều khả năng Đinh La Thăng phải nhận thêm án nặng, để tổng cộng hai mức án của vụ trước tết và vụ sau tết sẽ lên đến ít nhất 30 năm tù giam, nếu không phải chung thân. Vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh coi như “xong”.
Nhưng xong việc này, đảng sẽ còn khối việc khác để làm. Năm 2018 dự kiến sẽ đưa ra xét xử đến 21 vụ đại án, tức phải xử bình quân 2 vụ/tháng. Mà năm 2018 chỉ còn có 10 tháng sau khi trừ ra hai tháng đầu năm “ăn tết”.
Vậy là hiểu một cách chân phương và tượng hình tượng thanh nhất, ngay sau tết nguyên đán 2018 người dân sẽ chứng kiến một chiến dịch PR mới cho “chống tham nhũng” trên mặt báo chí nhà nước. Thậm chí chẳng cần phải chờ đến đầu tháng Ba năm 2018, người ta sẽ có thể nghe thấy tiếng vọng xa xa của còi hụ xe cảnh sát, âm thanh láo nháo của đội quan bắt quan chức tham nhũng ở thành phố này, tỉnh kia.
Ngay trước mắt là vụ Phan Văn Anh Vũ cùng hàng lô hàng lốc quan chức liên đới vừa trách nhiệm vừa “vật cống”.
Rồi 13 dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng “trùm mền” của ngành công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam và thêm mấy “quả đấm thép” khác…
Khác hẳn với bầu không khí “năm mới thắng lợi mới” buồn ngủ đến thê thiết vào đầu năm 2017, năm nay khác hẳn. Khi một tổng bí thư đã quyết tâm “leo lên lưng cọp”, cả một bộ máy sẽ phải chạy theo ông ta và biến động mạnh. Thậm chí cực mạnh.
Cả một núi việc đang ngóng chờ các cơ quan tư pháp sau tết. Có dấu hiệu cả những kiểm sát viên và điều tra viên vừa về hưu nhưng có kinh nghiệm đã được “tổng động viên” trở lại để “đánh án”.
2018 sôi sục…
No comments:
Post a Comment