HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù chưa làm xong nhưng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã phải trả nợ cho ngân hàng Trung Quốc với số tiền trả nợ mỗi năm $28.8 triệu.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Bộ Tài Chính vừa có văn bản gửi Bộ Giao Thông Vận Tải, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam thông báo về việc trả nợ kỳ hạn ngày 21 Tháng Giêng và phí cam kết cho khoản vay tín dụng người mua ưu đãi $250 triệu của Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc (China EximBank) cho dự án đường sắt tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Tin cho hay, Việt Nam có chín năm để trả nợ cho China EximBank bắt đầu từ Tháng Giêng, 2016, đến 15 Tháng Mười Một, 2025. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trả nợ được hai năm. Còn bảy năm nữa để hoàn tất việc trả nợ gốc và lãi. Mỗi một năm, kỳ hạn trả nợ chia làm hai lần (vào 21 Tháng Giêng đầu năm và 21 Tháng Bảy giữa năm).
Số tiền phải trả mỗi kỳ là $14.4 triệu (tương đương với 325 tỷ đồng). Theo đó, mỗi năm Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc $28.8 triệu (khoảng 650 tỷ đồng) vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Tuy nhiên, số tiền trả nợ trên chỉ là trả cho vốn vay bổ sung $250 triệu. Thực tế, trước đó Việt Nam còn một khoản vay Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh-Hà Đông là $419 triệu.
Được biết toàn tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông dài 13.05 km trên cao. Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư $552.86 triệu vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là $419 triệu, vốn đối ứng Việt Nam là $133.86 triệu.
Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là $868.04 triệu (tăng $315.18 triệu). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là $669.62 triệu, vốn đối ứng Việt Nam là $198.42 triệu. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm $250 triệu so với trước đây.
Do không đủ tiền nên dự án liên tục bị trì hoãn, chậm ba năm. Theo tiến độ của tổng thầu Trung Quốc, dự trù đầu Tháng Chín, 2018, sẽ chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu trên toàn tuyến. Sau khi vận hành thử từ ba đến sáu tháng, dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment