Wednesday, December 19, 2018

Ứng dụng thời tiết xóa Tam Sa khỏi Biển Đông theo yêu cầu của Việt Nam

VOA Tiếng Việt/19/12/2018 
Ứng dụng Windy đưa tên Tam Sa của Trung Quốc vào quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trước khi xóa tên thành phố này do phản ứng từ chính quyền Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Khánh Hòa Online)
Ứng dụng Windy đưa tên Tam Sa của Trung Quốc vào quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trước khi xóa tên thành phố này do phản ứng từ chính quyền Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Khánh Hòa Online)
Một ứng dụng thời tiết vừa phải sửa lỗi việc chú thích một địa danh gây tranh cãi của Trung Quốc trong quần đảo Hoàng Sa sau khi Việt Nam hạn chế người dùng đối với app này.
Windy, một ứng dụng thời tiết của Czech, hôm 18/12 đã bỏ tên Tam Sa ra khỏi khu vực Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền trên cả website và ứng dụng di động, theo truyền thông trong nước.
Tháng trước, nhiều người Việt Nam khi dùng ứng dụng dự báo thời tiết thời gian thực Windy để theo dõi diễn biến bão số 9 phát hiện bản đồ báo bão gọi quần đảo Hoàng Sa là Tam Sa và điều này khiến dư luận phẫn nộ.
Ngay sau đó, ứng dụng này nhận hàng loạt đánh giá một sao trên Google Play khi hiển thị tên gọi Tam Sa – cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, theo ZingNews.
Đây không phải là lần đầu tiên có những bản đồ với các thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo. Hồi tháng 7, Facebook cũng đã phải lên tiếng xin lỗi người dùng Việt Nam vì đã sử dụng bản đồ trong đó không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào tháng 8, một công ty sản xuất địa cầu nhựa của Ukraine cũng phải xin lỗi Việt Nam sau khi in một phần lãnh thổ Trung Quốc lấn vào Việt Nam cũng như không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ.
Lên tiếng trước việc Windy.com viết Hoàng Sa thành “Tam Sa” (Trung Quốc gọi là Sansha), Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/11 tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói với các phóng viên tại buổi họp báo hôm đó ở Hà Nội rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xử lý việc này, theo Lao Động.
Vào tháng 8, cũng người phát ngôn BNG này đã lên tiếng phát đi thông điệp của Việt Nam phản đối việc Trung Quốc kỷ niệm 6 năm thành lập “thành phố Tam Sa.”
Sau khi có nhiều phàn nàn của người dùng ứng dụng Windy về việc chú thích sai địa danh, Sở thông tin Truyền thông Khánh Hòa hôm 6/11 đã yêu cầu Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử hướng dẫn xử lý sự việc. Cục này cho biết đã dùng biện pháp kỹ thuật để hạn chế người dùng Việt Nam truy cập những website có thông tin không chính xác về chủ quyền đất nước, theo VNExpress.
Tiến sỹ Tần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói với VNExpress rằng việc Windy xóa tên Tam Sa ra khỏi bản đồ là việc sửa sai đáng ghi nhận. Nhưng ông cũng đề nghị nhà chức trách Việt Nam cần tiếp tục yêu cầu đơn vị quản lý ứng dụng này thêm chú thích địa danh Hoàng Sa vào bản đồ.
Theo quan sát của VOA ngày 19/12, website của Windy.com đã xóa tên “Sansha” nhưng không hiển thị Hoàng Sa hay Paracel theo tiếng Anh tại khu vực đó. Trên bản đồ có tên Trường Sa viết theo tiếng Việt.


Windy là ứng dụng thời tiết phổ biến với hơn 5 triệu lượt tải về trên hệ điều hành Android, theo truyền thông trong nước.

No comments:

Post a Comment