HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Càng “tinh giản” nhân sự thì guồng máy cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam càng phình ra to hơn, dù hàng năm đều có các cuộc họp thúc đẩy cải cách hành chính để vừa tăng hiệu năng vừa tiết giảm ngân sách.
Hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Mười Hai 2018, tờ Đất Việt dẫn nhận định của ông Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên Cứu Khoa Học Dạy Nghề, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội (LĐ-TB-XH) cho biết “sau 3 năm thực hiện Nghị Quyết 39, tổng biên chế cả nước không giảm còn tăng lên hơn 11,000 người.”
Nguyên nhân càng hô hào “tinh giản biên chế” thì guồng máy cai trị của chế độ lại càng tăng, theo ông Trang vì “chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm” mà chỉ thấy “chủ yếu áp dụng đối với đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86.25%).”
Ba năm trước, Bộ Chính Trị đảng CSVN ra nghị quyết đòi hỏi guồng máy cầm quyền phải giảm bớt 10% số người ăn lương nhà nước kể từ thời gian đó cho đến năm 2021. Một ban chỉ đạo trung ương do ông bộ trưởng bộ nội vụ cầm đầu và có các ban chỉ đạo cấp dưới ở các bộ ngành và các tỉnh thị địa phương.
Hơn chục năm trước, Ngân Hàng Thế Giới cũng như các tổ chức quốc tế cấp viện cho Việt Nam nhiều lần thúc hối chế độ cải tổ guồng máy thư lại cồng kềnh và ít hiệu năng, hầu phục vụ tốt hơn lại vừa giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhà cầm quyền CSVN đã từng hô hào “tinh giản biên chế” từ thời ông Phan Văn Khải còn làm thủ tướng cho đến nay chứ không phải chuyện mới có từ khi có “Nghị Quyết 39.”
Theo ông Tiến được tờ Đất Việt thuật lại “đặt chỉ tiêu cho các đơn vị phải tinh giản biên chế 10% một năm là một cách cơ học, máy móc, chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, tinh giản chỉ nhằm giảm gánh nặng ngân sách chứ chưa cân nhắc cẩn trọng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mỗi loại hình tổ chức trong hệ thống chính trị.”
Ông nhấn mạnh “tinh giảm biên chế phải gắn với vị trí việc làm,” tức là loại bỏ những kẻ dôi dư, xưa nay bị gọi là “ăn bám” hay ngồi đó đợi cơ hội để ăn hối lộ. Vì “cách đặt vấn đề, đặt mục tiêu tinh giảm chưa phù hợp nên giảm không đúng người, càng giảm càng tăng,” nguồn tin thuật lời ông Tiến.
Tuy bị thúc giục phải cắt bớt người dôi dư, từ trung ương tới địa phương, không nơi nào “mặn mà” thi hành.
Năm ngoái, tờ Người Lao Động ngày 10 Tháng Ba. 2017. thuật lời ông Bộ Trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân viện dẫn những tròng tréo trong thủ tục, kêu trong một cuộc họp ở Sài Gòn là “không tìm ra người để tinh giản biên chế.”
Hồi cuối Tháng Tám vừa qua, báo chí trong nước nêu số thống kê của Bộ Nội Vụ CSVN cập nhật đến Tháng Ba, 2018 cho biết: “Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1.3 triệu người.”
Nếu dân số Việt Nam khoảng 94 triệu người, như thế, cứ 9 người dân phải gồng mình nuôi một người của nhà cầm quyền.
Khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc được tờ VNExpress ngày 13 Tháng Năm, 2015, thuật lời ông kêu ca theo “dư luận” là có đến 30% cán bộ nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp về” tức có đến 800,000 ông bà ăn bám nội trong guồng máy hành chính.
Bây giờ, ông Phúc đang làm thủ tướng, không thấy ai đả động gì đến cái đám “cắp ô” đó cả. Các cuộc họp “tinh giản” ở các cấp vẫn diễn ra và guồng máy cứ thế tiếp tục phình ra. (TN)
No comments:
Post a Comment