HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội CSVN rục rịch bàn chuyện “chống tác hại” của bia, rượu trước khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc và tai nạn giao thông liên quan tới hơi men ở mức cao.
Thứ Sáu tuần trước, một dự luật có tên “Phòng chống tác hại của rượu, bia” được đưa ra Quốc Hội và đưa ra thảo luận hôm Thứ Hai, 12 Tháng Mười Một, 2018, nhưng có được bật đèn xanh cho thông qua hay chưa, còn là vấn đề khác.
Tờ Lao Động chuẩn bị dư luận cho dự luật khi nói bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến “trình bày tờ trình về Luật Phòng Chống Tác Hại Của Rượu, Bia trước Quốc Hội.” Trong đó bà “nói về những vấn đề ‘nóng’ liên quan tới tác hại của rượu, bia.” từ nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh đến nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh.
Thấy nêu ra trong phiên họp vừa kể, dựa vào những thống kê và thông tin được lập đi lập lại mấy năm gần đây, “Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 tuổi. Tại nạn giao thông liên quan tới rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm khoảng 36.2% ở nam giới và 0.7% ở nữ giới.” Tờ Lao Động thuật lại.
Ước tính chi phí giải quyết hậu quả của tại nạn giao thông liên quan tới rượu, bia chiếm 1% GDP (khoảng 5,000 tỉ đồng theo GDP năm 2017). Trên mặt xã hội, thống kê nói: “Hơn 40% học sinh lớp 8 đến lớp 12 đã ‘biết mùi’ bia, rượu. Tỷ lệ uống rượu bia ở trẻ vị thành niên là 79.9% với nam và 36.5% với nữ. Năm 2013, có 43.8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi, 22.5% đã uống đến say ít nhất 1 lần.”
Tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở mức rất cao. Như thống kê của năm 2015, có 80.3% nam và 11.6% nữ giới trên 15 tuổi ở Việt Nam có uống rượu, bia. Mấy năm gần đây, thống kê của Liên Hiệp Quốc đều nói Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á sau Nhật Bản và Trung Quốc về mức tiêu thụ bia hằng năm. Trung bình không kể già trẻ lớn bé, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp Chế của Bộ Y Tế thì các nhà sản xuất bia rượu chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước có 50 nghìn tỷ đồng ($2.15 tỉ), nhưng theo WTO, mức thiệt hại kinh tế thấp nhất do tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm thì mất 65 nghìn tỷ đồng (gần $2.8 tỉ).”
Hồi Tháng Chín, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) gửi thư cho chế độ Hà Nội bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức “báo động” tại Việt Nam với con số lên hơn 4 tỉ lít bia trong năm 2017. Theo WHO, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam “đã dẫn tới 79,000 ca tử vong trong năm 2016” và “hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị.”
Việc chống tác hại của bia rượu, đặc biệt là tệ nạn say rượu lái xe thường gồm hai giải pháp chính là trừng phạt nghiêm khắc và đánh thuế cao bên cạnh giới hạn tuổi được phép uống rượu, mua rượu, giới hạn giờ cho bán bia rượu trong ngày, v.v… Tại Việt Nam, luật lệ giao thông lại lỏng lẻo và nhẹ nhàng về tội uống rượu lái xe, còn thuế thì không muốn đánh cao với bia rượu vì lại đụng lợi ích nhà nước cũng là chủ của nhiều công ty sản xuất bia rượu.
Ngày 8 Tháng Mười Một, 2018, tờ Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của đảng CSVN cho hay dự thảo Luật Phòng, Chống Tác Hại Rượu, Bia “sẽ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia” và “bỏ Quỹ Phòng, Chống Tác Hại Rượu Bia ra khỏi luật.” Lý do là “bước đầu, luật là quan điểm của nhà nước với phòng, chống tác hại rượu, bia, truyền thông cho xã hội nhằm thay đổi mạnh mẽ hành vi uống rượu, bia.”
Trước đây, từng có những lời bình luận trên một số diễn đàn là đảng CSVN mở rất nhiều hãng sản xuất bia rượu quốc doanh hay kinh tài đảng đoàn, khuyến khích dân, nhất là các thanh niên nam nữ, say sưa chè chén để họ đừng nghĩ gì đến chính trị. (TN)
No comments:
Post a Comment