RFA-2018-11-16
Ảnh minh họa.AFP
Mạng xã hội giúp dân công khai hành xử
Có thể nêu ra một số vụ việc gần nhất như video clips cho thấy cảnh một thiếu tá công an Phường Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh mạnh mẽ thách thức người dân đòi ‘cởi áo, hẹn địa điểm’ để sát phạt nhau. Sau đó lãnh đạo phường Tân Phú giải thích vị thiếu tá công an có hành xử như thế vì do ‘kích động’ trong lúc làm nhiệm vụ.
Video clips một cảnh sát giao thông làm việc với người vi phạm sau đó bị té ngã và lực lượng chức năng đã bắt giữ đưa người vi phạm về trụ sở để làm việc, các lãnh đạo giải thích với báo chí rằng do người dân tấn công người thi hành công vụ nhưng qua hình ảnh người dân ghi nhận được thì dư luận cho rằng đó là “cú ngã nghiệp vụ”.
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội khẳng định với chúng tôi rằng, mạng xã hội đã giúp người dân có thể công khai hành xử của công an:
“Trong cái tình trạng xã hội Việt nam chưa có tự do báo chí thực sự thì công cụ mạng xã hội cũng là công cụ cần thiết để người dân bày tỏ những chính kiến, cung cấp và phản ánh các thông tin về đời sống xã hội.”
Đồng ý quan điểm đó, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cũng cho rằng mạng xã hội là công cụ đắc lực để người dân có thể phản ánh những điều sai trái của cơ quan chức năng khi mà báo chính thống không được phép.
Mỗi người dân là một giám sát viên ở khắp nơi trên đất nước VN này, cho nên những hành vi đó được phản ánh trung thực nhất và các cơ quan nhà nước khó có thể chối cải được.
- NB. Võ Văn Tạo
Vị nhà báo giải thích do trước đây điều kiện internet tại Việt Nam không thông dụng như bây giờ, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật nên người dân càng lúc có thể tiếp cận với công nghệ nhiều hơn và nhờ đó có thể phản ánh hình ảnh một cách trung thực nhất.
“Như vậy mỗi người dân là một giám sát viên ở khắp nơi trên đất nước VN này, cho nên những hành vi đó được phản ánh trung thực nhất và các cơ quan nhà nước khó có thể chối cải được. Và cũng nhờ mạng xã hội mà các hê thống báo chí của nhà nước họ tiếp cận, rất nhiều vụ việc nhờ phát hiện ban đầu của người dân đưa lên mạng xã hội và các phóng viên nhà báo họ sẽ đi sâu hơn. Do đó cái hiệu ứng rất tốt của truyền thông và dư luận công chúng bắt buộc các cơ quan quản lý các công chức sai phạm phải xử lý.”
Giải thích từ phía cơ quan chức năng
Hầu hết sau khi có phản ánh từ phía người dân về hành xử sai trái, không đúng chuẩn mực của cán bộ, lực lượng chức năng, cơ quan chủ quản từ phía công quyền luôn có giải trình có lợi cho người Nhà nước, và sai trái thường do từ dân mà ra.
Giải thích điều này, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, sự việc một đằng mà cơ quan nhà nước luôn giải thích một nẻo là có nhưng cũng nhờ mạng xã hội mà rất nhiều vụ việc được giải quyết còn những hiện tượng chày cối thì khó.
“Trong những trường hợp như thế nào cơ quan báo chí nhà nước mà họ không kiên quyết làm ấy, họ bỏ nữa chừng vì sợ thì chỉ có mạng xã hội dân biết với nhau thôi nhưng cái hiệu ứng của nó mang lại cao. Hiện tường cải chày cải cối theo tôi ghi nhận là có nhưng chiếm tỉ lệ không được cao lắm đâu.”
Nhà báo Tạo chia sẻ thêm rằng, có hai vấn đề người ta sẽ xuyên tạc các vụ việc khi muốn ém nhẹ sự việc đó đi. Thứ nhất là nó mang tính chất chính trị và thứ hai theo một cách nghiêm túc thì từ cấp trên xuống cấp dưới thì lực lượng công an không được đào tạo một cách nghiêm túc về đạo đức. Vì vậy khi xảy ra những vụ việc như thế cơ quan công an luôn chối hoặc nói ngược lại với sự việc.
Vì sao lộng quyền
Qua nhiều vụ việc diễn ra, dư luận đặt câu hỏi vì sao lực lượng công an lại có nhiều quyền lực, lộng hành lộng quyền như vậy và không coi trọng luật pháp Việt Nam.
Luật sư Hà Huy Sơn chia sẻ tình trạng lộng quyền của lực lượng thi hành pháp luật bắt nguồn từ tình trạng thiếu độc lập của ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp.
“Nói cách khác là các cơ quan tư pháp và lập pháp chưa độc lập, chưa đối trọng với cơ quan hành pháp, chưa phải là cơ quan giám sát cơ quan hành pháp nên tất yếu nó sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền của cơ quan hành pháp. Cụ thể là lực lượng công lực là lực lượng công an.”
Luật sư Hà Huy Sơn trình bày rõ công an là cơ quan hành pháp nhưng không chịu sự giám sát tương ứng với quyền hành từ phía lập pháp, cho nên thông thường người ta sẽ không muốn nhận cái điều mà cho là không tốt về họ cả và đó là quy luật.
Nhà báo Tạo cho rằng, đây không chỉ riêng Việt Nam mà nó là mô hình chung của các nước độc tài và đặc biệt là trong các nhà nước do Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo.
“Bởi vì nguyên lý của chủ nghĩa Mác có nói rằng một quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản là dứt khoác chỉ có một Đảng lãnh đạo thôi, cho nên chính vì độc quyền đó nên dẫn đến độc tài và độc tài nào cũng dẫn đến tha hóa cả. Thì lực lượng công an nhân dân ấy có thế lực rất là mạnh và chúng ta gọi nôm na là chế độ công an trị đấy, lực lượng công an được cho rất là nhiều quyền lực người dân rất là nghẹt thở, nó theo dõi rình rập bắt bớ vô cớ để duy trì cái quyền lực và bảo vệ nhóm chóp bu trung ương. Vì tình trạng công an trị nên nó mới lộng quyền như thế.”
Còn theo luật sư Sơn thì cho rằng, lãnh đạo Việt Nam luôn coi lực lượng công an là lá chắn, thanh gươm bảo vệ chế độ. Do đó, họ có những quyền hạn mà có thể nói là không thể giám sát được nên sinh ra nhiều tình trạng tiêu cực như phản ánh của người dân.
“Theo hiến pháp VN quy định là Đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội thì hiểu một cách đúng thật chất là Đảng to nhất và quyền lực nhất thì trong điều lệ của công an nhân dân có đặc ra điều là phải trung thành với Đảng trước. Có thể công an có nhiều nhiệm vụ nhưng tôi cho rằng các nhiệm vụ hàng đầu của họ là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ rồi sau đó mới đến các nhiệm vụ khác.”
Tiêu chuẩn được tuyển vào ngành công an được nói rất khắc khe và chặt chẻ, phải thật sự đáng tin cậy về thành phần xuất thân và nhiều quy định khác của thể chế. Do những quy định của ngành này nên con cái của các quan chức luôn ỷ thế cha mẹ và khi bước vào ngành công an thì nó sẽ xảy ra những thực tế tiêu cực như vậy
Qua trao đổi với hai vị chuyên gia đều khẳng định rằng đạo đức ngành công an Việt Nam có vấn đề, nếu để ý tình hình tại Việt Nam sẽ thấy ngay cả hai tướng lãnh đạo cấp cao của ngành này còn bị xử phạt vi phạm pháp luật thì nói chi đến tá, đến úy và đến binh sĩ.
No comments:
Post a Comment