Theo BBC-9 tháng 10 2018
Cơ quan Điều tra Môi trường Vương quốc Anh (EIA) nói Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.
Báo cáo của EIA được đưa ra vào tháng trước như lời cảnh báo cho Hà Nội trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn ra tại London vào tuần này.
EIA nói 56 tấn ngà voi đã bị bắt giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi "có liên quan tới Việt Nam" bị thu giữ tại các quốc gia khác kể từ năm 2009.
"Việc không có bất kỳ hành động có ý nghĩa nào chống lại các mạng lưới và đối tượng tội phạm đã được xác định đã dẫn tới tình trạng các băng nhóm tội phạm quốc tế người Việt đang hoạt động tự do ở khắp châu Phi và vào Việt Nam cũng như các quốc gia láng giềng.
"Ngà voi, sừng tê giác và tê tê đang được đưa trái phép vào Việt Nam với tốc độ đáng báo động, đẩy nhanh tốc độ suy giảm của các quần thể voi, tê tê, và tê giác vốn đã đang trong tình trạng nguy cấp," EIA nói trong báo cáo này.
Các băng nhóm người Việt được mô tả là "có nhiều chiêu trò hơn" băng nhóm tội phạm người Trung Quốc khi vận chuyển hàng hóa trên nhiều tuyến bao gồm đường không, đường biển và đường bộ.
Một người bị cáo buộc là "thủ lĩnh" trong đường dây tội phạm được dẫn lời kể lại việc băng nhóm của mình sử dụng một thiết bị giám sát vệ tinh GPS để theo dõi một chuyến hàng sừng tê giác từ Mozambique về Việt Nam qua Doha.
EIA nói tham nhũng "có mặt trong toàn bộ dây chuyền buôn bán" và hầu hết các thành viên cấp cao của các băng nhóm người Việt đều khoe khoang rằng mối quan hệ với các quan chức tham nhũng giúp họ chuyển trót lọt các lô ngà voi.
Hầu hết các chuyến hàng được đưa từ Mozambique về Malaysia và rồi được đưa qua Lào và sau đó đưa vào Việt Nam bằng đường bộ. Ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê được tiêu thụ tại Việt Nam hoặc được chuyển tiếp để bán qua Trung Quốc tại đường biên giới phía bắc.
Cuộc điều tra bí mật được tiến hành trong hai năm của EIA nói về sự tồn tại của một mạng lưới buôn bán ngà voi phức tạp do các đối tượng người Việt cầm đầu và mới chỉ nêu tên được một số đối tượng tuy có rất nhiều các đối tượng có liên quan khác.
Ít nhất một trong số những người bị cáo buộc bị ghi hình mô tả hoạt động buôn lậu ngà voi là "lãi hơn ma túy".
EIA ước tính, từ năm 2015 những đối tượng buôn bán ngà voi được xác định trong cuộc điều tra này có liên quan tới các vụ thu giữ tổng cộng 6,3 tấn ngà voi và 299kg sừng tê giác và có ít nhất 22 vụ vận chuyển ngà voi trót lọt từ châu Phi, với khối lượng ước tính khoảng 19 tấn và doanh thu tiềm năng 14 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 01/2016 đến tháng 11/2017.
Báo cáo của EIA được đưa ra sau hai năm kể từ khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Động vật hoang dã tại Hà Nội.
Với báo cáo khá chi tiết, EIA khuyến nghị nhà chức trách Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, bao gồm tại các điểm nhập cảnh và xuất cảnh cho ngà voi như sân bay, bến cảng và cửa khẩu đường bộ.
Tổ chức có trụ sở tại London này nhấn mạnh về nhu cầu hợp tác giữa các cơ quan dựa trên thông tin tình báo để phá vỡ và bắt giữ các mạng lưới buôn bán ngà voi có tổ chức và cải thiện hợp tác quốc tế như thông qua dẫn độ, và điều tra hoạt động buôn bán ngà voi và động vật hoang dã bất hợp pháp thông qua mạng xã hội như WeChat, Zalo và Facebook.
No comments:
Post a Comment