KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Lâu nay, những cái chết trong đồn công an liên tiếp diễn ra tại các địa phương, nhưng đây là vụ đầu tiên liên quan đến người nhà của một nhà báo được nhiều người biết.
Hôm 14 Tháng Mười, mạng xã hội rúng động khi nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ thông báo trên trang cá nhân rằng em dâu của ông chết trong đồn Công An thị xã Ninh Hòa.
Tuy nhiên, chỉ một giờ sau, ông đưa cáo buộc “Status vụ việc về cái chết của em dâu tôi tại trụ sở công an đăng chưa đầy 1 tiếng đã bị xoá không còn dấu vết.”
Một số Facebooker chia sẻ lại post nêu trên cũng cho biết bài của họ “không cánh mà bay.” Tuy vậy, có suy đoán post này bị Facebook gỡ bỏ vì “vi phạm chính sách cộng đồng” do ông Hoàng Khương đăng kèm ảnh thi thể nạn nhân máu me khiến có thể bị báo cáo là “có yếu tố bạo lực.”
Ông Hoàng Khương cho biết bà Huỳnh Thị Nhung, em dâu của ông, sau khi cùng chồng đi đám giỗ hôm 13 Tháng Mười về thì bị một số công an viên ở thị xã Ninh Hòa “ập vào nhà mời đi làm việc về việc kinh doanh nhà trọ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”
Ông Hoàng Khương kể lại trên trang cá nhân: “Vào 8 giờ sáng hôm 14 Tháng Mười, chồng của Nhung nhận được điện thoại từ chủ tịch xã thông báo Nhung đã chết tại cơ quan điều tra Công An thị xã Ninh Hòa, hiện đang khám nghiệm tử thi.”
“Khi gia đình em tôi có mặt tại trụ sở công an, một vài công an viên mặc thường phục lạnh lùng thông báo em dâu tôi đã tự sát vào lúc 10 giờ đêm 13 Tháng Mười. Trong lúc đang lấy lời khai, Nhung được cho là đã chụp chiếc kéo để sẵn trên bàn và tự đâm nhiều nhát vào ngực, cổ… Khi có mặt làm thủ tục kết thúc công tác khám nghiệm tử thi, một vài công an viên ‘khuyên’ chồng của Nhung nên ký vào biên bản và sớm đưa xác về lo hậu sự, họ sẽ tha tội cho,” ông Hoàng Khương viết.
Trong status đăng lại bài “Em dâu tôi chết tại trụ sở công an vì… tự đâm vào cổ,” ông Hoàng Khương viết: “Thêm một cái chết đầy… kịch tính xảy ra tại trụ sở công an như biết bao vụ việc đã xảy ra. Lần này là Nhung, em tôi, người đàn bà quê lam lũ, ít học, hiền lành và là mẹ của đứa con… Có ai thống kê giùm trong 3 năm, 5 năm hay 10 năm trở lại đây đã có biết bao người đã chết tại trụ sở công an, nhà tạm giữ, tạm giam…”
Nhà báo Hoàng Khương, phụ trách mảng tin nội chính, từng được biết đến với nhiều bài viết về công an, vụ án… trên báo Tuổi Trẻ vài năm trước.
Trước đó, hôm 12 Tháng Mười, website của Bộ Công An CSVN cho hay Cục Pháp Chế và Cải Cách Hành Chính, Tư Pháp thuộc Bộ này vừa tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về việc thực thi Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc.
Theo dự trù, nhà cầm quyền CSVN sẽ cử đại diện trình bày và bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về tình hình thực thi Công Ước Chống Tra Tấn diễn ra vào giữa Tháng Mười Một, 2018 tại Thụy Sĩ.
Trung Tướng Nguyễn Ngọc Anh, cục trưởngCục Pháp Chế và Cải Cách Hành Chính, Tư Pháp được website của Bộ Công An CSVN dẫn lời: “Đoàn công tác liên ngành sẽ thu thập các ý kiến phản biện đa chiều, kinh nghiệm của các chuyên gia để từ đó hoàn thiện hồ sơ, góp phần bảo đảm sự thành công của việc trình bày báo cáo của Việt Nam.”
Hồi tháng trước, tòa án tại tỉnh Ninh Thuận tuyên tổng cộng 27 năm tù giam cho 5 người từng là công an viên tại Phan Rang–Tháp Chàm vì đã dùng nhục hình khiến một nghi phạm ma túy chết trong đồn công an.
Hồi cuối Tháng Tám, ông Hoàng Tuấn Long ở Hà Nội được thông báo là đã qua đời ở Bệnh Viện Đa Khoa Hà Đông sau khoảng một tuần bị giam giữ. Người nhà nghi ngờ ông bị đánh chết trong trại tạm giam nhưng Công An phường Thổ Quan, quận Đống Đa thông báo ông Long “cắn lưỡi tự tử.”
Theo một thống kê của Bộ Công An CSVN được truyền thông trong nước trích dẫn, từ năm 2011–2014 đã có 226 người chết tại nơi giam giữ. Các báo Việt Nam cũng cho hay, từ năm 2011–2015, tòa án Việt Nam đã xét xử sơ thẩm 10 vụ án dùng nhục hình. (T.K.)
No comments:
Post a Comment