WESTMINSTER, California (NV) – Hôm 28 Tháng Tám năm 2018, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ban hành thông tư số 19/2018, có nội dung hướng dẫn việc “Quản lý ngoại hối” trong hoạt động thương mại tại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ ngày 12 Tháng Mười, 2018 tới đây.
Theo đó, “các thương nhân, cư dân có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước, sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm đồng bạc Việt Nam hoặc ‘Nhân Dân Tệ’ và ngoại tệ tự do chuyển đổi…”
Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại ban hành thông tư này, chỉ đơn thuần là về tài chánh tiền tệ hay vì mục đích chính trị? Việt Nam hay Trung Quốc, ai có lợi trong việc này?
Theo thông tin do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới phổ biến, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017, thay thế vị trí mà Mỹ chiếm giữ trong suốt 15 năm qua.
Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt sợi và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và vật gia dụng trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bàn và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép,…
Trả lời phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng “Về dài, kinh tế Việt Nam càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.”
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày bối cảnh là các nguyên nhân, rồi mới nói về hậu quả. Với ông, đây chỉ là một quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm bình thường hóa một điều bất thường – và bất lợi cho Việt Nam, ông nhấn mạnh.
Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định.
“Thuần về kinh doanh, nhiều người Việt giao dịch với Trung Quốc tại biên giới đã dùng đồng Nguyên của Trung Quốc trong trao đổi vì doanh lợi và tiện lợi, chứ không nghĩ xa hơn. Nhưng hiện tượng cục bộ đó thu hẹp và không có ý nghĩa chính trị cho tới khi nhà nước Việt Nam ban thông tư chính thức hóa việc lưu hành tiền Trung Quốc trên đất Việt.”
Nói về bối cảnh sâu xa vì là nguyên do của tình trạng ông Nghĩa gọi là bất thường, ông nêu ra nhận định thuộc lãnh vực “vĩ mô” hay chánh sách quốc gia.
“Sách lược công nghiệp hóa Việt Nam của lãnh đạo Hà Nội có hại cho Việt Nam nhưng có lợi cho Trung Quốc. Lý do là qua chiến lược đó, Việt Nam tiếp nhận trang bị lỗi thời đã bị Trung Quốc đào thải vì hủy hoại môi sinh, Việt Nam lại còn nhận đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực địa dư chiến lược cho an ninh quốc gia, và các dự án xây dựng hay năng lượng thiếu phẩm chất mà thừa tai họa.”
Theo ông Nghĩa, giới lãnh đạo Hà Nội không thể không biết tình trạng bất cập đó từ nhiều năm qua để sửa sai nhưng vẫn tiếp tục vì mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nay Bắc Kinh thúc giục Hà Nội hợp thức hóa việc sử dụng đồng Nguyên tại Việt Nam vì một số tỉnh tiếp giáp Việt Nam cần hoàn tất việc xây dựng bảy “khu vực mậu biên” – là mậu dịch tại biên giới. Lý do nằm trong trận thương chiến vừa bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
“Bắc Kinh muốn tuồn hàng cho Việt Nam dán nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán ra ngoài khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thấy ra chính sách thương mại bất chính của Trung Quốc. Việc sử dụng tiền Tàu trên đất Việt sẽ giúp cho mục tiêu gian trá đó.”
Được hỏi về hậu quả của quyết định này, ông Nghĩa nêu ra nhiều nhận xét.
“Thứ nhất, Việt Nam bị đẩy sâu hơn vào tình trạng lệ thuộc Trung Quốc đã quá nặng.
Thứ hai, Bắc Kinh thành công khi tạo ra hình ảnh Việt Nam là một đồng chí và bạn hàng số một trong Hiệp Hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á và cho thấy đồng Nguyên của họ trở thành một “ngoại tệ phổ biến” trong ngoặc kép.
Thứ ba, Trung Quốc có thể lũng đoạn hệ thống hối đoái hay ngoại hối của Việt Nam với khí cụ mới là đồng Nguyên do Bắc Kinh chứ không do thị trường tự do quyết định về trị giá. Thứ tư, thế giới bên ngoài không thể không biết chuyện đó vì báo chí quốc tế đã nói từ lâu, cho nên Việt Nam dễ bị các nước trừng phạt về mậu dịch khi bán hàng Tầu dưới nhãn Việt.”
Khi được hỏi đánh giá thế nào về phản ứng của người dân Việt Nam về việc này, ông Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ vẻ bi quan. Ông không nghĩ người dân Việt Nam sẽ phản ứng dữ dội, bởi nhiều người không biết chuyện đồng nhân dân tệ được lưu hành ở Việt Nam. Nếu biết, cũng không nhiều người dân dự đoán được việc này sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam, trừ khi báo chí phân tích rõ ràng sự lợi hại.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết luận rằng Hà Nội đã cân nhắc từ lâu và quyết định trôi sâu hơn vào vòng lệ thuộc Trung Quốc vì chính trị mới thực sự chi phối chính sách kinh tế. (Trúc Linh)
No comments:
Post a Comment