Thursday, September 13, 2018

Hy vọng Thủ Thiêm hay tiếp tục bị lừa gạt?

Nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều
Minh Quân (VNTB) – Nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và giờ đây nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
***
Ngay sau khi cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn vào ngày 7 tháng 9 năm 2018, hy vọng tưởng như đã bị dập tắt của hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm một lần nữa, sau rất nhiều lần, lại bùng lên.
Lê Thanh Hải
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai – Ba – Sáu’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang).
Nhưng vào lần này, hy vọng đã kèm theo tinh thần cảnh giác cao độ.
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Lê Văn Lung, một trong số những hộ dân thuộc khu 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An, cho hay “vẫn chưa vui”. “Có 120 hộ thuộc năm khu phố của ba phường đi kiện do nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng bị thu hồi nhưng kết luận của TTCP chỉ đề cập tới khoảng chín hộ dân nằm trong khu 4,3 ha. Còn hơn 100 hộ dân thuộc phường An Khánh, Bình Khánh chưa đề cập tới” – ông Lung bày tỏ.
Lê Thanh Hải -Nguyễn Văn Đua
Chưa kể khu 4,3 ha nằm ngoài ranh thì dân được trả lại đất hay dự án vẫn tiếp tục và dân chỉ được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Tại kết luận chỉ nói rà soát từng trường hợp cụ thể để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp cho người dân” – ông bày tỏ. Ông Lung cho rằng thu hồi trái pháp luật thì phải trả lại đất, nhà cho người dân, nếu không phải hoán đổi với giá trị tương đương. “Ngoài ra, thừa nhận sai thì những cá nhân, tổ chức làm sai phải bồi thường thiệt hại và bị kỷ luật” – ông nhấn mạnh.
Ông Lê Liên Dân cũng nằm trong khu 4,3 ha khu phố 1, phường Bình An cũng không đồng thuận với kết luận này do không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại. Về xử lý khu 4,3 ha, theo ông đã nằm ngoài ranh quy hoạch tại sao không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư. “Nếu thành phố cần thì hoán đổi. Phải công bằng, giải quyết cho tất cả bà con” – ông Dân nhấn mạnh…
Tất Thành Cang
Bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ, tuy được xem là chi tiết hơn nhiều và cũng bắt đầu đề cập đến sai phạm của những cơ quan quản lý so với những lần thanh tra trước đây, nhưng ngoài những khoảng trống lớn như báo Pháp luật TP.HCM đã đề cập ở trên, cũng gây nghi ngờ không nhỏ vì đã không nêu cụ thể một cái tên quan chức nào thuộc Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân TP.HCM… – những cơ quan bị liệt vào dạng ‘cố ý làm trái’ và phải chịu trách nhiệm không chỉ về hành chính mà cả trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm rất nghiêm trọng.
Mối nghi ngờ trên là có cơ sở khi kết luận thanh tra Thủ Thiêm đã nhiều lần bị giấu biến mà không công bố, đặc biệt vào thời Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’ một đoàn thanh tra vào năm 2015. Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Ngô Văn Khánh
Sau đó, cùng với hiện tượng kết luận thanh tra Thủ Thiêm bị lần lữa hoãn công bố đến vài lần, hiện tượng vào tháng Năm năm 2018 báo chí nhà nước nước được bật đèn xanh và do đó được ‘mở miệng’ gần như không hạn chế, nhưng cũng những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng, đã khiến người dân nghi ngờ là sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra, một thế lực chính trị – lợi ích sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào ‘lò’. Lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải ‘ói ra’, tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc ‘cho không’. Nếu chịu ‘ói ra’, sẽ chẳng có quan chức ‘ăn đất’ nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị ‘cách hết mọi chức vụ trong quá khứ’ như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền. Và phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị ‘khóa miệng’, một nhóm quyền lực – lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để ‘chuyển giao với giá rẻ’ một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm?
Nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và giờ đây nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới./.

No comments:

Post a Comment