HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi các loại dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang tấn công thì dịch bệnh sởi cũng bùng phát khiến các cơ sở y tế ở khắp nơi “căng mình” tiếp nhận.
Báo Người Lao Động ngày 28 Tháng Chín, cho biết tính chung từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có hơn 1,000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 521 trường hợp dương tính với virus sởi tại 37 tỉnh, thành phố. Số người mắc sởi hầu hết là trẻ em, trong đó rất nhiều trường hợp “không được chích vaccine hoặc không rõ về tình trạng chích ngừa.”
Theo Bộ Y Tế, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn có số ca mắc dịch sởi cao đột biến từ Tháng Tám cho đến nay. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai là “điểm nóng” với 136 trường hợp. Còn Sài Gòn đã có gần 100 ca mắc sởi.
Viện Pasteur ở Sài Gòn cho hay, ngay từ đầu Tháng Chín, viện đã lập đoàn giám sát, điều tra. Kết quả cho thấy 7 trên 8 ổ dịch là ở nhà trọ, cha mẹ là người nhập cư, lao động nghèo không đưa con đi chích ngừa đầy đủ.
Dữ liệu giám sát cũng cho thấy, virus sởi đang tồn tại trong cộng đồng và có nguy cơ cao tiếp tục lây lan nếu không áp dụng đầy đủ và hiệu quả các biện pháp kiểm soát lây lan bệnh. Do vậy, Viện Pasteur ở Sài Gòn đã họp khẩn cấp với 20 tỉnh phía Nam để họp bàn giải pháp phòng chống, dập dịch.
Tương tự tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Đặc biệt, hai tháng gần đây, mỗi tháng có đến 100 bệnh nhân mắc sởi nhập viện. Trong số này có tới 85% trẻ “đều không được chích ngừa đầy đủ hoặc chưa đến tuổi chích ngừa.”
Cũng theo báo Người Lao Động, ngoài dịch sởi, tại Khoa Nhiễm Bệnh Viện Nhi Đồng 1 và Bệnh Viện Nhi Đồng 2, Sài Gòn, đông kín bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều ca mắc bệnh nặng (độ 4) hôn mê phải thở máy và lọc máu, thậm chí đã có một ca tử vong.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế Hoạch Tổng Hợp, Bệnh Viện Nhi Đồng 2, cho biết từ đầu năm tới nay riêng tại đây đã có 11,388 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Số trẻ phát hiện bệnh trong Tháng Tám, 2018 là 4,511 tăng hơn 100% so với tháng trước đó.
Tại Quảng Ngãi, tính đến hết ngày 26 Tháng Chín, tổng số ca mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh Viện Sản- Nhi Quảng Ngãi đã lên đến gần 900 ca, tăng thêm 300 ca so với thời điểm đầu tháng và tăng đột biến so với các năm trước. Hiện số ca mắc bệnh có độ nặng chiếm tới gần 60% trên tổng số bệnh nhi đang điều trị.
Cùng lúc, Sở Y Tế tỉnh Đồng Nai thông báo, từ đầu năm đến nay tỉnh này đã có hơn 4,000 ca mắc bệnh Tay chân miệng, trong đó có hơn 1,300 ca nhập viện với 90% là trẻ dưới 3 tuổi.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh Viện Nhi Đồng 1, những năm trước, điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc tay chân miệng do virus Ev71 rất thấp nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus Ev71.
Đặc tính của loại virus này là có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Chúng lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, có thể khiến bệnh nhân bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và chết nhanh.
Bên cạnh hai dịch bệnh trên, Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, cho biết thêm bệnh sốt xuất huyết cũng đang tăng nhanh tại Sài Gòn. Chỉ riêng Bệnh Viện Nhi Đồng 2, trong Tháng Tám, 2018, số ca đến khám liên quan đến bệnh sốt xuất huyết là 1,010 ca. Đến Tháng Chín tiếp tục tăng, trung bình mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị.
Tại các tỉnh phía Nam, tính từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng tỉnh Kiên Giang thông báo có 1,174 ca mắc sốt xuất huyết, với 57 trường hợp nặng. Đặc biệt, theo phúc trình nhanh của Sở Y Tế tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này có đến 1,525 ca mắc sốt xuất huyết. Còn tỉnh An Giang, chỉ riêng mỗi Bệnh Viện Sản – Nhi An Giang đã tiếp nhận, điều trị 888 ca mắc sốt xuất huyết. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment