HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việc truyền thông trong nước đăng tin ông Trần Đại Quang, chủ tịch nhà nước CSVN, qua đời chỉ sau hai giờ khi tin này được Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, post trên mạng xã hội cho thấy nhà cầm quyền CSVN đã “phá lệ” so với trước đây.
Hồi cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt qua đời năm 2008, phải mất hơn một ngày “đợi chỉ thị” thì tin này mới được lên mặt báo.
Ngay cả lúc cựu Thủ Tướng Phan Văn Khải qua đời hồi Tháng Ba, 2018, các báo ở Việt Nam cũng phải đưa tin chậm trong lúc mạng xã hội đã rò rỉ tin trước đó.
Truyền thông Việt Nam cho biết tang lễ của ông Quang sẽ được tổ chức theo nghi lễ quốc tang trong hai ngày.
Việc đăng tin Chủ Tịch Quang qua đời không còn chậm trễ được suy đoán là Bộ Chính Trị và Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chuẩn bị trước từ khi ông này được ghi nhận “bệnh nặng” và liên tục phải qua Nhật Bản điều trị từ nhiều tháng trước.
Điều này biểu hiện qua việc các báo Dân Trí, VNExpress, Zing… đồng loạt đăng bản tin giống nhau được Thông Tấn Xã Việt Nam chuẩn bị sẵn về thân thế của ông Quang. Tất cả những báo trong nước đều đưa tin này chậm hơn nhật báo Người Việt ở California khoảng 1 giờ.
Vào tối 20 Tháng Chín (giờ California), tức sáng 21 Tháng Chín (giờ Việt Nam), nhật báo Người Việt đăng tin ông Trần Đại Quang qua đời, sau khi ông qua đời ít phút, từ nhiều nguồn tin riêng.
Cùng thời điểm, báo Thanh Niên và nhiều báo trong nước đăng tin “Thư chúc Tết Trung Thu của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.”
Còn trên mạng xã hội Facebook, nhiều Facebooker cũng “loan” tin này bằng nhiều cách khác nhau, trước khi hệ thống truyền thông do đảng CSVN kiểm soát chưa chính thức được phép loan tin.
Trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Huy Đức chỉ viết vỏn vẹn một dòng ngắn: “10:05, 21-9-2018, Trần Đại Quang (1950 – 2018).”
Theo đó, ông Huy Đức cho hay, ông Trần Đại Quang qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng 21 Tháng Chín, 2018. Nhà báo Huy Đức lấy năm sinh của ông Trần Đại Quang là 1950, không phải 1956 như tiểu sử của ông Quang được đảng CSVN công bố.
Gần 2 tiếng sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, các báo Việt Nam mới chính thức loan tin.
Đáng lưu ý, trong khi các báo khác ghi chung chung là ông Quang “mắc bệnh hiểm nghèo” thì báo VNExpress dẫn lời ông Nguyễn Quốc Triệu, trưởng Ban Bảo Vệ-Chăm Sóc Sức Khỏe Cán Bộ Trung Ương, nói: “Ông Quang được phát hiện bị bệnh từ Tháng Bảy, 2017, và đi Nhật chữa trị. Từ đó đến khi qua đời, ông đã trải qua sáu lần điều trị tại Nhật Bản. Các bác sĩ chẩn đoán, ông mắc loại bệnh virus hiếm và độc hại. Các giáo sư, bác sĩ Nhật đã chữa trị và củng cố sức khỏe cho Chủ Tịch Quang khoảng một năm nay. Tuy nhiên, bệnh này trên thế giới chưa có thuốc để điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn lại và đẩy lùi một thời gian.”
Hiện mạng xã hội bàn tán về việc bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, phó chủ tịch nước, nay nghiễm nhiên giữ quyền chủ tịch theo Điều 93 Hiến Pháp CSVN. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có hai phụ nữ lọt vào “tứ trụ” và cả hai đều không phải “người Bắc biết lý luận” theo quan điểm của Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng: Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân quê ở Bến Tre và bà Thịnh quê ở Quảng Nam.
Tuy vậy, cái chức “quyền chủ tịch” của bà Thịnh được giới quan sát dự báo là chỉ tồn tại trong vòng một tháng, đến khi Quốc Hội CSVN nhóm họp vào Tháng Mười, 2018, và bầu người mới thay ông Quang.
Nhà báo Huy Đức bàn luận trên trang Facebook cá nhân: “Bà Thịnh có rất ít triển vọng chính thức trở thành chủ tịch. Chắc chắn Hội Nghị Trung Ương 8 nhóm họp đầu Tháng Mười sẽ chọn ứng cử viên; ai, anh Vượng (Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư) hay là anh Nhân (Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn) đây.”
Tuy vậy, cũng có suy đoán ông Nhân khó ngồi vào ghế của ông Quang. Thay vào đó, nhiều triển vọng ông Vượng sẽ ngồi vào ghế trống hoặc lần đầu tiên trong lịch sử CSVN, ông Trọng tuyên bố nhất thể hóa hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước.
Ông Đặng Tâm Chánh, cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, đưa dự báo trên trang cá nhân: “Bộ tứ là một cơ chế làm việc của Bộ Chính Trị, không phải như chế độ giao ban liên tịch các thủ trưởng. Quyền chủ tịch nước đương nhiên không có vị trí trong cơ chế làm việc này. Trong trường hợp đó, ông Trọng và ông Phúc (Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc) có thể chia nhau trách nhiệm thay mặt Bộ Chính Trị chỉ đạo các trọng sự đối ngoại, an ninh, quốc phòng và hoạt động tư pháp.” (T.K., KN)
No comments:
Post a Comment