Monday, September 10, 2018

Cán bộ thuế ‘đi đêm’, ‘cưa đôi’ tiền trốn thuế với doanh nghiệp vẫn phổ biến

Hình minh họa từ Internet cảnh dân kinh doanh đi khai thuế. (Hình: Internet)
SÀI GÒN (NV) – “Hiện tượng tiêu cực “đi đêm” và “luật cưa đôi” rất phổ biến nhiều năm nay không khắc phục được.” Lời một người trong Hiện hội Doanh Nghiệp Sài Gòn nói về thu thuế tại Việt Nam.
Tờ Thanh Niên hôm Thứ Hai thuật lại cuộc hội thảo “góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế” do đoàn đại biểu Quốc Hội thành phố Sài Gòn tổ chức sáng Thứ Hai, 10 Tháng Chín, 2018, trong đó ông Nguyễn Đình Tuệ thuộc Hiệp Hội Doanh Nghiệp thành phố Sài Gòn phát biểu như trên.
Ông Tuệ kêu ca về “bộ máy cơ quan thuế hiện khá cồng kềnh, kém hiệu quả” vốn dĩ “do lịch sử để lại” suốt bao nhiêu năm qua ai cũng biết vì đâu, tại sao và không thể “khắc phục.” Quan chức thuế vụ, quan thuế nổi tiếng ăn hối lộ để giúp người ta trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.
Một năm vài lần, người ta thấy báo chí trong nước loan tin bắt quả tang, cán bộ sở thuế tỉnh này, ông cán bộ hải quan ở tỉnh kia nhận tiền hối lộ và bị đưa ra tòa, trong khi, như ông Nguyễn Đình Tuệ nói tình trạng cán bộ sở thuế của chế độ “đi đêm” và “cưa đôi” tiền trốn thuế rất phổ biến. Nói cách khác, nó xảy ra hàng ngày.
Ngày 21 Tháng Năm, 2018, báo điện tử của Bộ Tài Chính CSVN đưa tin ông Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam “ký văn bản 1744/TCT-TCCB gửi tới Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thúc hối thuộc cấp “triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của nhà nước, của Bộ Tài Chính, của Tổng Cục Thuế trong công tác quản lý cán bộ.”
Chỉ thị của ông Nam cho rằng “công tác cán bộ tại nhiều đơn vị cấp cơ sở chưa triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu bố trí sử dụng công chức; việc bổ nhiệm lãnh đạo có dấu hiệu ưu ái người nhà; việc thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác trong thực tế còn có dấu hiệu cả nể, né tránh, ngại va chạm hoặc cục bộ nên không thực sự đảm bảo mục đích, hiệu quả, còn gây ra tâm lý bức xúc, dẫn dến đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài,…”
Dư luận từng nhiều hơn một lần đề cập chuyện “chạy” vào sở thuế hay quan thuế của chế độ Hà Nội tốn bạc tỉ chứ không ít.
Mới đây, ngày 28 Tháng Tám, 2018, báo của Bộ Tài Chính khoe thành tích chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, “toàn ngành thuế đã thực hiện 44,044 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 49.37% kế hoạch năm 2018, bằng 89.73% so với cùng kỳ năm 2017.”
Mỗi một lần quan chức sở thuế tới “thanh tra, kiểm tra” là cơ hội để các ông bà “làm luật.” Ngày 4 Tháng Tám, 2018, báo điện tử Kinh Tế và Đô Thị ở Hà Nội nhìn nhận một thực tế “thanh tra, kiểm tra nhiều đang gây phiền hà cho doanh nghiệp bởi công tác này gây mất thời gian, thậm chí đâu đó vẫn có hiện tượng doanh nghiệp phải mất phí ‘bôi trơn’ để được êm xuôi.”
Ngày 17 Tháng Năm, 2017, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ Thị 20/CT-TTg “yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.” Trong đó ông ta đòi “tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.”
Lệnh ra là vậy, nhưng ông Nguyễn Đình Huệ vẫn thấy bộ máy thu thuế của chế độ vẫn “đi đêm” và “cưa đôi” rất phổ biến. (TN)

No comments:

Post a Comment