Chỉ một sự cố mất điện từ hệ thống Data của tập đoàn VNG, không chỉ Zalo, Zing.vn, baomoi.com, các gameonline cùng các ứng dụng khác của VNG ngừng hoạt động mà hàng chục báo điện tử, trong đó có những báo điện tử lớn như Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật TP.HCM, VOV… đều bị tê liệt không truy cập được.
Lý do là tòa soạn điện tử của các báo này sử dụng hệ thống quản trị nội dung (Content Management System – CMS) ePi, hệ thống quản lý đặt tại VinaData của VNG. Nói cho dễ hiểu, tòa soạn điện tử của các báo này hoạt động phụ thuộc vào các ứng dụng do VNG nắm giữ. Các báo điện tử này thuê CMS và lưu trữ dữ liệu tại VinaData của VNG theo hợp đồng được trả bằng tiền hoặc bằng các lợi ích tương ứng. Điều này có nghĩa là hệ thống của VNG an toàn thì các báo điện tử này an toàn, hệ thống của VNG gặp sự cố thì các báo điện tử kia cũng gặp sự cố như sự cố đã diễn ra vào ngày 23-9 vừa qua. Như vậy là an ninh truyền thông của rất nhiều báo điện tử đang dính chặt vào VNG.
Vấn đề đáng nói là, điều gì có khả năng xảy ra nếu như VNG bị nước ngoài thâu tóm, nói rõ hơn là bị công ty của Trung Quốc thâu tóm ?
Nhiều năm qua, giới chuyên môn suy đoán Tập đoàn Tencent của Trung Quốc đã nắm giữ một lượng cổ phần khá lớn của VNG, tỷ lệ là bao nhiêu thì VNG nhất định không công bố, nhưng có tin cho rằng tỷ lệ này vào khoảng hơn 30%. Cũng có những đồn đoán một số nhà đầu tư khác đang nắm giữ cổ phần của VNG cũng là “sân sau” của Tencent.
Tin mới nhất đăng trên Trí thức Trẻ cho hay tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VNG đang ở mức 44,32% vốn điều lệ nhưng tính trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết thì tỷ lệ này lên đến 55,38% do VNG đã mua lại 7,46 triệu cổ phiếu quỹ. Như vậy là hiện tại, VNG đang do các nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền chi phối trong thực tế. Và Tencent trong thực tế nắm giữ bao nhiêu cổ phần VNG, thông qua tổ chức nào thì chưa biết chính xác được, nhưng người ta không thể không lo ngại.
Được biết, hiện tại phần lớn các báo điện tử đều sử dụng CMS và Trung tâm dữ liệu của VNG, trừ Vnexpress, Vietnamnet, Dân Trí và một số ít báo điện tử khác. Nếu như VNG bị công ty của Trung Quốc thâu tóm thì hệ thống truyền thông điện tử của Việt Nam khó có thể nói là an toàn.
Việc thâu tóm cổ phần giữa các doanh nghiệp là chuyện bình thường trong thương mại thế giới, không có gì đáng lo ngại. Nhưng quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc có yếu tố đặc thù, yếu tố đặc thù đó là Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép biển đảo của Việt Nam và tiếp tục đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Chủ quyền về tài nguyên số của Việt Nam cũng quan trọng như chủ quyền biển đảo. Nếu như căng thẳng giữa hai nước gia tăng và nếu như Trung Quốc thâu tóm những công ty đặc thù liên quan đến truyền thông như VNG thì nguy cơ hệ thống truyền thông điện tử của Việt Nam bị vô hiệu hóa tại một thời khắc nào đó trong tương lai là điều không thể không tính đến.
Tencent là công ty cổ phần khổng lồ có vốn hóa hơn 500 tỷ USD, chúng ta không thể biết Chính phủ Trung Quốc chi phối nó tới đâu. Nếu như Chính phủ Trung Quốc không chi phối được nó thì những điều nói trên là sự lo xa không cần thiết. Nhưng thực tế cho thấy quan hệ giữa chính trị và các tập đoàn kinh doanh của Trung Quốc là rất khó nói.
HOÀNG HẢI VÂN
No comments:
Post a Comment