HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội bàn luận rôm rả sau khi tàu Cát Linh-Hà Đông vừa chạy thử ở Hà Nội.
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu dự trù là $552.86 triệu (hồi năm 2008) nhưng sau 10 năm thi công thì đội vốn lên $868.04 triệu.
Đầu tiên là chuyện các báo “lề phải” cho hay cần đến 681 người để vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 km.
Báo Pháp Luật ở Sài Gòn hôm 12 Tháng Tám, 2018 giải thích: “Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được chỉ định nhà thầu từ việc thiết kế, thi công đến chuyển giao công nghệ đều là của Trung Quốc. Và theo quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về quy phạm thiết kế metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý ở mức khoảng 100 người/km.”
Tờ báo cũng viết thêm: “681 người là bao gồm cả các nhân viên văn phòng, kỹ thuật, vận hành dự án. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành khai thác, công ty vận hành khai thác cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh… để hoàn chỉnh chu trình vận hành khai thác, bảo vệ, đảm bảo vệ sinh các hạng mục công trình của dự án.”
Nhiều blogger cho rằng việc cần đến gần 700 người để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho thấy tư duy không tương thích với cái mà Hà Nội vẫn đang tuyên truyền là “cách mạng 4.0.”
Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Có thể Hà Nội giảm biên chế cán bộ, công chức, đặc biệt của các cơ quan của Sở Xây Dựng, Sở Giao Thông Vận Tải… nên ưu ái các vị bị “giảm biên” vào đơn vị khai thác, vận hành này, đồng thời cũng là ưu ái khách hàng tương lai, vì các vị này có chất lượng “phục vụ” tốt như từ trước đến nay. Đề nghị nhân dân thủ đô và khách hàng tương lai vừa thông cảm vừa ủng hộ chủ trương của chính quyền Hà Nội.”
Kế đến, công luận bày tỏ sự hoang mang khi ảnh chụp vé đi thử tàu bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy những dòng chữ tiếng Hoa được in phía trên cả tiếng Việt, trong lúc báo chí xác nhận chỉ có 40 trong số 200 người đi thử tàu là người Trung Quốc.
Dư luận càng lo ngại khi trước đó, người ta thấy tên các trạm và chỉ dẫn tại trạm của tuyến đường sắt nêu trên đều được ghi bằng tiếng Hoa.
Báo điện tử VNExpress dẫn lời giải thích của đại diện Tổng Thầu Trung Quốc rằng vé đi thử ghi tiếng Hoa “là để thuận tiện cho người Trung Quốc lên tàu” và do vé này “lưu hành nội bộ,” còn việc tên các trạm ghi tiếng Hoa “là để để lái tàu, công nhân kỹ thuật người Trung Quốc nhận biết tên ga.”
Nhiều blogger cũng nêu hoài nghi về chất lượng, công nghệ của đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông khi tốc độ chạy được loan báo chỉ “35 km/giờ” trong lúc tốc độ thiết kế tối đa của tàu là 80 km/giờ.
Một số blogger bình luận hình dáng và cấu trúc tàu Cát Linh-Hà Đông giống tàu cao tốc Bắc Hàn… cách đây 50 năm và suy đoán tốc độ 35 km/giờ “nhanh hơn xe buýt một chút” là để giúp tàu chạy rất an toàn, không sợ xảy ra tai nạn và giúp cho hành khách tiện ngắm cảnh hai bên đường mà không sợ bị chóng mặt.
Hiện chưa rõ thời điểm tàu Cát Linh-Hà Đông chính thức bán vé. Theo báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, thời gian chạy thử nghiệm đoàn tàu này “từ 3 đến 6 tháng” kể từ đầu Tháng Tám, 2018, sau đó mới đưa vào khai thác thương mại. (T.K.)
No comments:
Post a Comment