Tuesday, August 21, 2018

Cuộc ra đi của những kẻ hái khế

“…Nhưng những người hái khế ưu tú đã có phương án của họ, ra đi để tránh cho gia đình mình phải chịu chung những mối lo như thế ở Việt Nam, quê hương chỉ là nơi họ hái khế phục vụ gia đình mình…”
phitruong_tansonnhat
Đất nào sinh ra tôi
Mẹ hiền nào nuôi thân tôi
Miền nào nuôi thân tôi
Mà giờ này tôi xa rồi.
Quê Hương Bỏ Lại là nhạc phẩm mà các ca sĩ hải ngoại di tản theo dạng thuyền nhân sau năm 1975 thường trình bày gây xúc động kiều bào vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Nội dung nhạc phẩm trải nỗi lòng của những người tị nạn rời xa quê hương, họ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn và không hẹn ngày trở lại.

Hơn 30 năm sau, nhiều người trong số họ đã trở về từ Khánh Ly, Chế Linh đến các ca sĩ trẻ hơn như Mạnh Quỳnh, Phi Nhung.

Nhưng làn sóng người Việt rời xứ sở ra đi ngày một nhiều hơn, sự ra đi của họ không bi tráng như những thuyền nhân trước kia, họ ra đi trên những chiếc máy bay với một lịch trình cho cuộc sống trước mắt ở xứ người đã được sắp xếp chu đáo bởi các công ty tư vấn, dịch vụ định cư.

Ngày nay trên đường phố quanh khu Bolsa của Nam Cali, thủ phủ của cộng đồng người Việt tị nạn nhan nhản những tấm biển quảng cáo cho dịch vụ định cư, du học, việc làm. Có rất nhiều gia đình quan chức cộng sản đã tìm đến Hoa Kỳ định cư theo diện đầu tư như gia đình Nguyễn Công Khế. Một nữ tổng biên tập một tờ báo ở Việt Nam là Hồ Thu Hồng với cái tên gọi là Beo Hồng cũng đã có mặt trên đất Mỹ từ lâu, tổng biên tập tờ báo Vietnamnet đình đám một thời là Nguyễn Anh Tuấn cũng như Beo Hồng, gia đình Tuấn hiện đã sinh sống tại Mỹ.

Trước mắt các bạn đã thấy ba tổng biên tập của ba tờ báo lớn Việt Nam, những tờ báo hàng ngày vẫn ca ngợi đảng và chính phủ Việt Nam đem lại tăng trưởng, đem lại hạnh phúc, tự do cho nhân dân, họ đã đưa gia đình đến nơi mà tờ báo của họ từng miệt thị, chửi bới thậm tệ để sinh sống. Những người kế cận họ lại điệp khúc khen chế độ Việt Nam, chửi Mỹ và đánh đấm kiếm tiền đưa gia đình sang Mỹ.

Vô vàn các nghệ sĩ, ca sĩ Việt Nam bằng cách nào đó như kết hôn, hợp đồng lao động đã kiếm cho mình được tấm thẻ xanh trên đất Mỹ.

Bây giờ tôi thường xuyên nhận được tin nhắn hỏi về việc định cư tại châu Âu. Một chủ nhà hàng lớn trong chuyến du lịch đến châu Âu, vốn là người quen cũ, ông ta hẹn tôi uống cà phê và bày tỏ ý định tìm cách định cư tại châu Âu. Dự định của ông là mua nhà bên Hy Lạp với giá khoảng 250 ngàn Euro, chính phủ Hy Lạp đang khủng hoảng về tài chính, họ có chính sách bán nhà và cấp giấy định cư cho những người nước ngoài đến mua nhà. Người mua nhà ở Hy Lạp có giấy tờ đi lại trong khối Schengen tức đi lại trong 27 nước Tây Âu, với giấy tờ này người ta có thể sống và làm việc tại bất kỳ nước nào, miễn có việc làm và nuôi được bản thân không xin trợ cấp.

Rẻ hơn nữa là Latvia, với khoảng 150 nghìn Euro mua nhà bạn có thể sở hữu được tấm giấy phép như vậy.

Còn ở Đức thì giá đắt hơn, một gia đình có thể phải mất đến vài trăm ngàn để làm một dự án kinh doanh, nhà hàng, công ty tạo việc làm để đưa cả một gia đình đi.

Đỗ Liên, đại sứ danh dự Việt Nam ở Châu Phi, chủ hãng bảo hiểm AAA khi xưa nay đang cùng chồng sau sở hữu một nhà hàng lớn ở ngay trung tâm Berlin. Liên cùng chồng sau là Toàn và các con cái đã sống ở đây vài năm, họ vẫn đi đi về về Việt Nam điều hành việc làm ăn ở nhà. Quán của vợ chồng Toàn Liên sau vài năm mở để đưa cả gia đình sang, hiện đã sang bớt cổ phần cho Quán Ngon. Số tiền vợ chồng Toàn Liên chuyển sang đầu tư đến hàng triệu Euro, riêng phần bếp đã vài trăm nghìn. Có đến hàng trăm, đó là con số tôi có thể biết về những người Việt Nam đầu tư sang Châu Âu để kiếm giấy tờ hợp pháp sinh sống ở châu Âu như vậy.

Ở Hung ngày càng nhiều người Việt hơn, với 60 nghìn euro cho gia đình 4 người và thêm khoảng 100 ngàn euro mua nhà, cả gia đình 4 người đã có giấy tờ. Trước đây Hung còn có chính sách nếu ai mua trái phiếu chính phủ khoảng 3-400 trăm ngàn euro gì đó sẽ được cấp thẻ xanh vĩnh viễn, chương trình này chấm dứt rất nhanh bởi người Trung Quốc nhanh chóng ùa đến. Sau ba năm trở lại Hung, trên con phố đi bộ đắt nhất của thủ đô Hung, bên dòng Đa Nuyp thơ mộng. Những con người từ xứ Tô Châu đã tìm đến đây để sống với một môi trường trong sạch, an toàn không ô nhiễm và đầy bạo lực như quê hương họ.

Đại sứ quan Hung ở Việt Nam không đủ người để giải quyết hàng đống hồ sơ xin mua nhà, xin tạm cư của người Việt.

Ở Hung mua nhà không bị hỏi tiền ở đâu ra, miễn là bạn mua nhà hay bất động sản ở Hung thì bạn có cầm valy tiền mặt đều được chấp nhận. Hình như sau bao nhiêu năm gì đó bạn mới được bán đi.

Đấy là những người có tiền, những người ít tiền hơn họ chọn cách ra đi bằng đường du lịch sang Nga và trốn đường rừng vào Ba Lan, Lát Vi A rồi sang đến Đức, nơi có cộng đồng đông đảo người Việt đang sinh sống, những đồng bào cùng miền quê với họ sẽ giúp họ tìm việc làm và đợi thời gian tích luỹ số tiền sẽ hợp pháp hoá giấy tờ trên cơ sở điều luật nhân đạo của Đức như kết hôn, nhận bố, nhận con. Rất nhiều cô gái trẻ người Việt mặt non choẹt đẩy xe nôi trên đường phố Berlin. Một phụ nữ Việt Nam vào Đức lậu, có bầu và được một người có giấy tờ Đức nhận là bố đưa trẻ, cô và đứa bé được ở lại Đức và nhà nước chu cấp đầy đủ cho hai mẹ con. Năm sau cô sinh đứa thứ hai, một người đàn ông Việt chưa có giấy tờ nhận là bố đứa trẻ, anh ta sẽ được giấy tờ và trợ cấp. Với cách thức như thế, càng ngày càng nhiều nam nữ thanh niên Việt Nam tìm đến nước Đức qua con đường trốn từ Nga sang. Từ năm ngoái ở Ba Lan có kiểu những người Việt đi du lịch sang Châu Âu, sẽ đến Ba Lan tìm một công ty dịch vụ làm giấy tờ chứng nhận họ có hợp đồng lao động ở Ba Lan, giá chỉ 2 ngàn euro là có một giấy tạm cư 2 năm tại Ba Lan. Đây là những nghèo khổ, ở quê hương họ không có việc làm, không có tương lai. Họ phải vay mượn, cầm cố đất đai cho những đường dây đưa người lậu để mong đến được nước Đức đổi đời.

Canada và Úc là những nước dễ nhập cư nếu như bạn có hợp đồng lao động. Một phụ nữ có hai đứa con nhỏ, chị kiếm được hợp đồng làm chăm sóc người già ở Canada, thế là chị và hai đứa con giờ ở Canada đã 5 năm. Một thằng em tôi quen trên Facebook, mới ngày nào còn la oai oái việc thanh toán tiền thi công của đối tác chậm ở Việt Nam, nay thấy ung dung đưa ảnh đang ăn hải sản bên Úc với con cua to đùng và gật gù khen ngon và rẻ hơn quê hương có mấy ngàn cây số ven biển của mình.

Những người ra đi sau này họ vẫn đi đi về Việt Nam để kiếm tiền bởi những quan hệ quan chức và các mối quan hệ làm ăn của họ vẫn đang hái ra tiền ở Việt Nam.

Một dự án hàng trăm triệu, hàng tỷ USD ở Việt Nam được thực hiện, tiền vốn chính phủ vay của nước ngoài, nhà thầu nước ngoài được phép thi công, các quan chức Việt Nam được nhà thầu lại quả  trung bình 15%. Hãy hình dung chỉ cần dự án 100 triệu là có 15 triệu đủ để cả chục gia đình quan chức Việt Nam có tiền may đất đai và giấy tờ định cư ở nước ngoài.

Những dự án đó phá hoại môi trường, gây ô nhiễm không khí, đẩy người dân vào cảnh mất đất và giao thông chật chội, hỗn loạn, khiến người dân Việt Nam luôn chất chứa sự uất ức mà chính họ không hiểu nguyên nhân. Sự uất ức đấy tích tụ và thành những hành động tiêu cực khi gặp việc, có thể họ trộn chất độc hại vào thức ăn để bán kiếm lời để lại mối hoạ ung thư tràn lan, hoặc họ rút dao ra đâm nhau khi có chuyện xích mích, hay đường sá và phương tiện với tỉ thứ trong đầu người dân khiến mạng sống con người có thể chấm dứt trong tích tắc trên đường.

Nhưng những người hái khế ưu tú đã có phương án của họ, ra đi để tránh cho gia đình mình phải chịu chung những mối lo như thế ở Việt Nam, quê hương chỉ là nơi họ hái khế phục vụ gia đình mình.

Và càng nhiều những người ra đi như dạng hái khế (không phải người nghèo đi trốn lậu) theo dạng đầu tư như trên, họ để lại đàng sau càng nhiều ô nhiễm môi trường, xã hội loan lạc, bệnh tật ở quê hương Việt Nam.
Người Buôn Gió

No comments:

Post a Comment