ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 5 Tháng Tám “dậy sóng” trước tin Bộ Trưởng Giáo Dục CSVN Phùng Xuân Nhạ bình thản đi dự lễ khánh thành một trường tư thục ở thành phố Buôn Ma Thuột trong lúc cao trào bê bối điểm thi chưa hạ nhiệt.
Theo báo Người Lao Động, trường Hoàng Việt do doanh nhân Lê Đình Hiển sáng lập. Việc một quan chức đứng đầu ngành giáo dục đi dự lễ khánh thành một ngôi trường của tư nhân trong bối cảnh nền giáo dục be bét được xem “giọt nước tràn ly.”
Các báo “lề phải” khi đưa tin về sự kiện này chỉ ghi nhận được một số phát ngôn “vô thưởng vô phạt” theo thông lệ của Bộ Trưởng Nhạ: “Dạy làm người rất khó, nhưng không phải không làm được,” “Tôi tin tưởng nhà trường sẽ phát triển nhanh theo hướng hội nhập quốc tế,” “Mỗi một thầy cô cố gắng là một tấm gương, không chỉ tốt chuyên môn mà cần hướng dẫn cho các em để trở thành một công dân tốt…”
Theo báo Đắk Lắk, dịp này ông Nhạ cũng tranh thủ ghé qua Đại Học Tây Nguyên và trồng một cây lưu niệm rất to trong khuôn viên nhà trường. Sau đó, ông họp với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk rồi trao tặng bức tranh Văn Miếu Quốc Tử Giám cho họ.
Trong lúc các báo “lề phải” dè dặt đưa tin không kèm theo bình luận, mạng xã hội sôi nổi các ý kiến chỉ trích Bộ Trưởng Nhạ.
Nhà báo Nguyễn Trường Uy của báo Tuổi Trẻ nêu ý kiến trên trang cá nhân: “Trong khi ngành giáo dục đang khóc vì khủng hoảng gian lận thi cử, các tỉnh xảy ra gian lận như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… rất cần ông có mặt thì ông chưa một lần ghé về.”
Nhà báo Hải Châu của báo điện tử InfoNet bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Nhìn tấm ảnh trong bản tin thì sẽ thấy rõ, đó hoàn toàn là một thái độ thách thức của Phùng Xuân Nhạ đối với dư luận xã hội. Vẫn với kiểu đi đứng rất nghênh ngang, vẫn với bản mặt vểnh lên trời ngay trước ống kính của các phóng viên. Phải chăng Phùng Xuân Nhạ muốn nhổ vào cả bàn dân thiên hạ: “Chúng mày nói cho lắm thì làm gì được ông?”
“Với tư cách một công dân có con em đang ngồi trên ghế nhà trường và hoàn toàn không muốn con em mình bị đầu độc bởi một môi trường giáo dục đổ đốn do những người như Phùng Xuân Nhạ gây ra, tôi xin được chuyển câu hỏi nêu trên đến chính phủ, và mong nhận được câu trả lời thích hợp!”, ông Hải Châu viết.
Một số blogger khác nửa đùa nửa thật lý giải chuyện Bộ Trưởng Nhạ đi khánh thành trường tư thục ở Buôn Ma Thuột để trả lời cho một tựa bài trên báo Tuổi Trẻ hôm 2 Tháng Tám, 2018: “Bộ trưởng nhận trách nhiệm, rồi sao nữa?”
Việc một bộ trưởng tự nhận trách nhiệm và xin từ chức được xem là chưa có tiền lệ trong chính phủ của Nguyễn Xuân Phúc và người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Theo như “quy trình” xử lý kỷ luật và cách chức Bộ Trưởng Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn mới đây, Bộ Trưởng Nhạ sẽ không hề hấn gì nếu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương không “vào cuộc” và kết luận rằng sai phạm của ông Nhạ “rất nghiêm trọng, đến mức phải xử lý kỷ luật.”
Chỉ khi đó, ông Nhạ mới có nguy cơ bị Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “cảnh cáo” và tiếp theo là bị Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang “tạm đình chỉ công tác.”
Trước khi xảy ra vụ bê bối điểm thi, theo báo Giáo Dục Việt Nam hồi Tháng Sáu, 2018, Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ “đã nhiều lần nhận trách nhiệm về các tồn tại của ngành tại phiên chất vấn của Quốc Hội.”
“Những gì Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Quốc Hội thì hy vọng đến kỳ họp sau, các đại biểu sẽ không phải lặp lại các câu hỏi này,” tờ báo viết. (T.K.)
No comments:
Post a Comment