Những ai từng sống dưới chế độ Cộng Sản, chắc chắn không thể không biết tới hai món “đặc sản” của chế độ. Đó là loa phường và công an, hai thứ thiết yếu của chế độ, một để tuyên truyền, hai để trấn áp.
Khi chuyển từ mô hình “Cộng Sản kiểu trại lính, trại tù,” sang mô hình kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ “cái đuôi” định hướng XHCN. Hai công cụ thiết yếu của chế độ cũng phải thay đổi theo cho phù hợp với… “tình hình mới.”
Thậm chí, ngay tại Hà Nội (thủ đô của chế độ), hơn nửa thế kỷ theo Cộng Sản, nghe ra rả mấy luận điệu của loa phường riết người ta cũng chán ngán. Nhất là trong bối cảnh xã hội đã phát triển công nghệ thông tin như ngày nay, mà còn duy trì ba cái loa phường có từ thời “mồ ma Cộng Sản” tận những thập niên 30 – 40 ở bên Nga, bên Tàu.
Hồi năm ngoái, nghe nói mấy quan bác ở “Bắc Bộ Phủ,” có ý định dẹp mấy cái loa đi và thay bằng một “phương tiện truyền thông có cải tiến,” cho nó có vẻ theo kịp… thời đại số. Nhưng xem ra lực lượng bảo thủ vẫn còn đông và mạnh lắm, họ không tán thành. Là vì, các cơ quan tuyên huấn, tuyên giáo, tuyên truyền… mà không có loa phường thì làm sao mà họ có thể… nhồi sọ dân. Dù dân bây giờ, với đủ thứ phương tiện lên mạng Internet họ đâu có “ngu” mà “nhồi” họ…
Lại nói về công an với vai trò là “thanh kiếm và lá chắn” – Công cụ sắc bén và trung thành nhất thực thi vai trò “chuyên chính vô sản” để bảo vệ chế độ. Thời trước mở cửa để qua kinh tế thị trường, đây là lực lượng được trao những quyền hạn vô cùng lớn, trong việc bảo vệ thể chế. Nên đã xảy tình trạnh kiêu binh vì lầm tưởng, không ít lần người ta nghe thấy có những tay công an khi tranh cãi với dân về pháp luật, đã thiếu kiềm chế, tự vỗ ngực và “gào” lên: “Tao là công an, tao là pháp luật, pháp luật nằm trong tay tao!” Những lúc như vậy, không những dân sợ công an, mà cả mấy ông cán bộ cũng… sợ. Bởi vì, công an có “đường dây” báo cáo riêng, mấy ông cán bộ bị báo cáo là “có vấn đề về tư tưởng,” nhẹ thì “bị đì” thậm chí mất chức, nặng thì có thể bị đưa “về nơi xa lắm,” mà ngày về có lẽ còn… xa hơn.
Ngày nay, những câu chuyện “cười ra nước mắt” của một thời “quỷ ám,” chưa phải là đã hết. Nhưng người ta không còn phải nghe ai đó bận sắc phục công an, mà cả gan gào lên: “Tao là pháp luật đây!” Trừ khi đó là một kẻ tâm thần, đã chán không muốn ăn cơm của chế độ nữa.
Người dân gặp công an thời “kinh tế thị trường,” khi vi phạm luật thì thường được công an khuyên: “Một là đóng tiền phạt lấy biên nhận, hai là chi ‘ngoài luồng’ bằng một nửa mức phạt để… Đôi bên vui vẻ. Đừng có mà nói chuyện ‘chính trị, chính em’ nghe nhức đầu lắm!”
Nhưng sau vụ “tổng biểu tình” của dân chúng hôm ngày 10 Tháng Sáu, chống “Luật Đặc Khu” và “Luật An Ninh Mạng.” Tình hình có khác, theo chiều hướng đáng lo ngại.
Đầu tiên là các loa phường, không chỉ theo phát theo thông lệ: Sáng từ 4 giờ 30 tới 7 giờ. Chiều từ 4 giờ 30 chiều tới 7 giờ tối. Nhưng đợt này, thì cứ khoảng 1 tiếng thì loa phường lại “rọt rẹt” lên tiếng, kêu gọi bà con đừng nghe lời “các thế lực thù địch” bên… nước ngoài. Để đừng có kéo nhau xuống đường làm rối an ninh trật tự, dân chúng phải “sáng suốt” tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng và nhà nước…
Đồng thời loa phường cũng ca ngợi sự thành công của các đặc khu kinh tế ở bên… Singapore; Nhật Bản; Nam Hàn. Tuyệt nhiên không dám nhắc tới hai từ “Trung Quốc,” cũng như các đặc khu kinh tế của Tàu.
Trong khi, trước khi Quốc Hội Cộng Sản bàn về Dự Luật “Đặc Khu Kinh Tế,” thì một đoàn nhà báo (quốc doanh) đã được mời sang thăm quan mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến của Trung Cộng. Và khi về nước, nhiều loạt bài tung ra ca ngợi mô hình “đặc khu Tàu” để… dọn đường dư luận.
Nhưng theo bà Phạm Chi Lan, vốn là cựu chuyên viên kinh tế của chế độ, từng là phó chủ tịch phòng Công Nghiệp Việt Nam; thành viên Ban Nghiên Cứu của Thủ Tướng (1996 – 2006), thì mô hình đặc khu kinh tế gọi tắt là SEZ (Special Economic Zone), là mô hình mà Trung Quốc áp dụng từ thời Đặng Tiểu Bình, trong bối cảnh mà Trung Quốc lúc đó là một nước Cộng Sản còn rất bảo thủ và lạc hậu. Trong khi Việt Nam đã mấy chục năm mở cửa, đã gia nhập WTO, đã ký kết nhiều Hiệp Định Thương Mại Tự Do song phương với nhiều nước, đồng thời cam kết mở cửa thị trường, thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Vậy thì, ra luật về “Đặc Khu Kinh Tế,” và mở ra ba đặc khu với nhiều ưu đãi, nhất là cho thuê đất lên tới 99 năm có thực sự cần thiết? Hơn thế nữa, bà Phạm Chi Lan cho rằng, chỉ cần vài ngôn từ “cài cắm” trong “Luật Đặc Khu” cũng có thể biến Việt Nam thành “thuộc địa kinh tế mới” của Trung Quốc.
Không chỉ bà Phạm Chi Lan, mà nhiều đại biểu Quốc Hội (đoàn Sài Gòn), đã lên tiếng phản đối Dự Luật Đặc Khu cho thuê đất lên tới 99 năm. Một đại biểu cho rằng, ông Võ Kim Cự bị kỷ luật trong vụ Formosa vì ký quyết định cho thuê đất lên tới 70 năm, vậy thì tại sao bây giờ lại chuẩn bị ra luật cho thuê đất lên tới 99 năm? Một đại biểu khác thì nói thẳng, cho thuê đất lên tới 99 năm chỉ có tác dụng mời gọi những quốc gia có tham vọng về đất đai, khuyến khích nước ngoài di dân để “cài cắm” lâu dài…
Những người có thẩm quyền trình dự thảo luật đặc khu, thì cố cãi là trong dự thảo là không hề có một từ nào nhắc tới… Trung Quốc.
Thật là, “ngây thơ đến thế là cùng!” Không nhắc tới Trung Cộng, nhưng không ai cấm được Trung cộng “vung tiền” mua hết những gì mà thiên hạ… đem bán. Thế giới ngày nay, người ta gọi Trung Cộng là “đế quốc chủ nợ.” Hơn thế nữa, Trung Cộng hoạt động theo kiểu “nhà nước mafia” – một thứ đầu sỏ lưu manh xã hội đen.
Sri-Lanka, vì sập bẫy của Trung Cộng, mà phải dâng cả cảng biển lẫn sân bay cho Trung Cộng, theo ký kết là… 99 năm.
Nếu ba đặc khu ra đời, với thời hạn thuê đất lên tới 99 năm. Các tập đoàn kinh tế của Trung Cộng sẽ tiến vô (và chắc chắn sẽ chiếm thế thượng phong so với các nước khác). Hoặc công khai, hoặc qua các tập đoàn “bình phong” quốc tế. Việc thao túng các đặc khu, hay các nước nhỏ (thậm chí không nhỏ), không phải là gì quá khó khăn với một “đế chế” lão luyện như Tàu Cộng. Để rồi đến một ngày không phải là xa lắm, Tàu Cộng “giật dây” cho những biến cố “kiểu Formosa.” Và ung dung xua các chiến hạm, khu trục hạm, hàng không mẫu hạm… xuống các vùng biển có các đặc khu – Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Với danh nghĩa là “đi tuần,” để bảo vệ công dân Trung Quốc, cũng như tài sản của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa…
Phải trị quốc và đoàn kết quốc gia bằng khoa học về pháp luật (thay gì chỉ biết “phó thác” vận nước cho loa phường và công an). Có như vậy, thì Việt Nam mới có thể hội nhập quốc tế, tránh được cảnh bị con “trăn gió” không lồ Trung Cộng nuốt vô bụng. (Văn Lang)
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/csvn-chi-biet-cai-tri-bang-loa-phuong-va-cong/
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/csvn-chi-biet-cai-tri-bang-loa-phuong-va-cong/
No comments:
Post a Comment