HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông nhà nước CSVN hôm 27 Tháng Sáu đồng loạt đăng bài nói rằng “đại biểu Quốc Hội” Nguyễn Văn Thân bác tin cáo buộc ông này “có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan.”
Ông Thân là một trong những “đại biểu Quốc Hội” CSVN mạnh miệng đăng đàn tại nghị trường, công khai ủng hộ việc thông qua Luật Đặc Khu với lập luận: “Cần có các đặc khu để nó như là một trung tâm thu hút với những thử nghiệm mang tính đột phá và vượt trội. Thử nghiệm mà trong mấy năm có gì đó chưa ổn thì sẽ rút kinh nghiệm và sửa.”
Phát ngôn đó khiến ông Thân bị cộng đồng người Việt tại Ba Lan chỉ trích và tổ chức các cuộc biểu tình với quy mô hàng chục người trước căn nhà của ông tại Warsaw, đòi làm rõ việc ông “song tịch,” một yếu tố có thể khiến ông này bị tước tư cách “đại biểu Quốc Hội.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 27 Tháng Sáu viết: “Năm 2014, ông Thân đã có quốc tịch Ba Lan, nhưng đến Tháng Giêng, 2016, thông qua luật sư, ông đã xin thôi quốc tịch Ba Lan để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chủ tịch Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Việt Nam, trước khi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc Hội.”
Tờ báo cũng cho biết thêm: “Tổng Thư Ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận cơ quan chức năng của Quốc Hội đã kiểm tra hồ sơ và khẳng định ông Nguyễn Văn Thân hiện chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”
“Còn về vấn đề tài sản, ông Thân có căn hộ ở Ba Lan thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng, điều này đã được ông Thân kê khai theo quy định của pháp luật, tổng thư ký Quốc Hội nói.”
Tuy vậy, ông Phan Châu Thành, một doanh nhân người Việt sống tại Ba Lan đã lên tiếng trên trang Uwaga-Người Việt Ở Ba Lan: “Ông Nguyễn Văn Thân lấy quốc tịch Ba Lan ngày 10 Tháng Mười Hai, 2014 mà đến Tháng Giêng, 2016 đã thôi quốc tịch. Để xin thôi quốc tịch Ba Lan, đương đơn phải gửi nhiều giấy tờ lên Phủ Tổng Thống và tổng thống không có hạn định khi nào sẽ quyết định việc này.”
Ông Thành viết tiếp: “Trên thực tế, từ khi đệ đơn xin thôi quốc tịch đến khi được bỏ quốc tịch thường kéo dài khoảng hai năm, kể cả khi sự việc thuận lợi, vì trước khi quyết định, tổng thống sẽ yêu cầu ý kiến của Bộ Nội Vụ, Biên Phòng và Cục An Ninh Quốc Gia. Rồi từ lúc có quyết định cho phép của tổng thống thì sau 30 ngày, đương đơn mới mất quốc tịch. Trong thời gian này, có thể xin thôi không bỏ quốc tịch nữa, nhưng cho hay không cũng là quyền của tổng thống.”
“Xin chúc mừng Nguyễn Văn Thân, ‘đại biểu Quốc Hội Việt Nam’ có khác, vừa lấy xong thấy chán, vứt luôn, rồi còn sai khiến được cả tổng thống Ba Lan, rút ngắn quy trình nộp đơn xuống còn một nửa, chưa kể, không biết đại biểu có đủ giấy tờ để nộp không. Chúc mừng, tài năng của đại biểu lỗi lạc quá, anh em dịch vụ vào mà học, nhân tài đây chứ đâu,” ông Thành viết.
Trước đó, blogger Lê Nguyễn Hương Trà đã công bố số công dân của ông Thân được Ba Lan cấp và ảnh chụp hồ sơ lưu về các giấy tờ công dân của ông này tại Ba Lan.
Blogger Hương Trà cũng cho biết, nhiều người Việt vào Ba Lan dưới danh nghĩa làm việc cho một công ty và phải chi khoảng 20,000-30,000 Euro. Sau khi sang Ba Lan, cần đợi 6 tháng để làm thẻ (thủ tục lăn tay, ký hai lần ở Sở Ngoại Kiều Ba Lan). (T.K.)
No comments:
Post a Comment