Thursday, May 3, 2018

Tại sao lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn tại vị?

Theo VOA-Trân Văn /01/05/2018 
Đại tá Phùng Danh Thắm (trái), Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong khi Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, bị cáo buộc “lợi
Đại tá Phùng Danh Thắm (trái), Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong khi Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, bị cáo buộc “lợi
Hai chữ “nghiêm minh” tiếp tục khiến người ta cảm thấy buồn cười khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đang “chỉ đạo xử lý” những hậu quả do Tổng Công ty Thái Sơn (doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng thành lập, chỉ đạo, giám sát hoạt động) đã gây ra cho kinh tế, xã hội, uy tín quân đội…
Nếu giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng không đặt ra, bám vào chủ trương “quân đội làm kinh tế”, sẽ không có chuyện Thượng tá Đinh Ngọc Hệ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, tự “Út trọc”, tự “Út Bộ trưởng”, tung hoành ngang dọc, khuấy đảo “giang hồ”, không có sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 của Quân chủng Phòng không – Không quân, trở thành bị can, không có vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” làm dư luận rúng động (1)!
Về lý thuyết, vạch ra đường hướng để thực hiện tội phạm là chủ mưu, tạo ra những tiền đề nhằm hỗ trợ hành vi phạm tội ít nhất cũng bị xem là đồng phạm. Có bao giờ, ở đâu, chủ mưu hay đồng phạm có thể đứng ra “chỉ đạo xử lý tội phạm” mà còn được khen là “đi đầu”, “nghiêm minh”?
***
Tháng 6 năm ngoái, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn “đất quốc phòng”, tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh “sự nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), một Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc cam kết: Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (2).
Chuyên gia nhiều giới đã từng trưng nhiều bằng chứng cả trong lẫn ngoài Việt Nam, khuyến cáo nên loại bỏ chủ trương “quân đội làm kinh tế” vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn: Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có “nứt đố, đổ vách”, ăn chơi phè phỡn, chưa kể “quân đội làm kinh tế” sẽ khiến lãnh đạo quân đội chao đảo, bị khuynh đảo vì lợi…
Đó là lý do cam kết của tướng Lê Chiêm, có sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam như một nhân chứng được nhiều giới tán thưởng, khen là sáng suốt (3). Tuy nhiên niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là tướng Nguyễn Chí Vịnh “đăng đàn”, phủ nhận cam kết của đồng liêu. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội (?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm “cũng đúng nhưng không đầy đủ”. Tướng Vịnh thay mặt quân đội “nói lại cho rõ” là: “Quân đội sẽ tiếp tục làm “kinh tế quốc phòng”, thậm chí “sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (4)”!
Không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” vì đó là “chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người góp ý rằng quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là “chúng”, là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch. Tướng Lịch nhấn mạnh: “Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội” cho nên “trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh” để “chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn” (5).
Chủ trương “quân đội làm kinh tế” đã tạo ra một sĩ quan cấp bậc đại tá liên tục là “doanh nhân tiêu biểu” của “Việt Nam”, “doanh nhân tiêu biểu” của “khối doanh nghiệp Trung ương”, “doanh nhân tiêu biểu” của “khối doanh nghiệp quân đội”, “doanh nhân tiêu biểu” của “khối doanh nghiệp Sài Gòn”,... những danh hiệu ấy còn giúp Đại tá Phùng Danh Thắm liên tục được Thủ tướng tặng bằng khen “vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm” (6). Cuối tuần rồi, Đại tá Thắm bị khởi tố. Chẳng có “thế lực thù địch” nào rờ tới Đại tá Thắm. Chính... “ta” tống giam ông Đại tá – “doanh nhân tiêu biểu” đã từng được xem như một cá nhân xuất sắc, lãnh đạo một doanh nghiệp đang ra sức “chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn” ấy!
***
Giới lãnh đạo Đảng CSVN, rồi giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam từng nói rất nhiều về sự câu kết giữa nhiều cá nhân với nhau để trục lợi, bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp và gọi những cá nhân ấy là “nhóm lợi ích”.
Dẫu giờ đã rõ, Tổng Công ty Thái Sơn – một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Bộ Quốc phòng – là ổ tội phạm, dẫu có nhiều thắc mắc chưa được giải đáp, chẳng hạn tại sao quân đội có “Quân ủy trung ương”, có lực lượng tình báo, lực lượng an ninh rải khắp nơi nhưng giờ mới biết, giờ mới ngăn chặn, xử lý, giờ mới “phát hiện” Đinh Ngọc Hệ tự “Út Trọc”, tự “Út Bộ trưởng” danh vang bốn bể, sử dụng bằng cấp giả (?), dẫu chẳng có chứng cứ nào cho thấy các viên chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng dính “chàm” nhưng chẳng lẽ cam kết của giới lãnh đạo Đảng CSVN, giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam về việc truy cứu trách nhiệm những người đứng đầu là cam kết suông?
Chẳng lẽ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và những ông tướng nhất mực cổ súy cho việc duy trì hiện trạng “quân đội làm kinh tế” vẫn hoàn toàn vô can, vẫn không hề có bất kỳ liên đới nào về mặt trách nhiệm? Chủ trương “quân đội làm kinh tế” đâu chỉ tạo ra scandal Đồng Tâm, scandal sân golf Tân Sơn Nhất. Chủ trương rất nhất quán đó đã giúp Công ty Long Biên (chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất) thâu tóm phi trường quân sự Gia Lâm (Hà Nội), biến cả phi trường này thành sân golf Long Biên, dẫu cũng có hàng loạt sai phạm được xác định là nghiêm trọng (sai qui hoạch chi tiết, tự ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt – xây dựng thêm nhiều khối nhà không có trong giấy phép, làm thêm tầng cho một số khối nhà khác, thu hẹp hệ thống giao thông nội bộ và hệ thống xử lý nước thải,…) (7), song cũng giống như sân golf Tân Sơn Nhất, Công ty Long Biên vẫn “bình an, vô sự”.
Nhìn lại riêng năm ngoái, nếu không có chủ trương “quân đội làm kinh tế”, chắc chắn không có thêm hàng loạt scandal khác: Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân băm ba trái núi ven vịnh Hạ Long - vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là “di sản thiên nhiên của thế giới” - để lấy vôi (8)! Sư đoàn 370 Không quân lấy một phần đất vốn cũng thuộc phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép, không cho chính quyền địa phương vào kiểm tra với lý do đó là “khu vực quân sự” (9)! Bộ Tư lệnh Hải quân các vùng 3, 4, 5 đứng ra làm lá chắn cho một số doanh nghiệp móc cát ở những đoạn bờ biển xung yếu (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,…) để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đã nhãn tiền, nhờ khoác vỏ “quốc phòng” được tạo điều kiện mua đi, bán lại quyền “nạo vét” theo kiểu bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng đến nay, vẫn không có doanh nghiệp nào “mắc nạn” (10).
***
Cuối tuần rồi, truyền thông Mỹ loan báo, Học viện đào tạo Hạ sĩ quan cao cấp của Lục quân Mỹ (U.S. Army Sergeants Major Academy) vừa khởi động một cuộc điều tra để xác định bản chất 700 áo thun của công ty Grunt Style.
U.S. Army Sergeants Major Academy là nơi Lục quân Mỹ đào tạo các Thượng sĩ nhất trong vòng 10 tháng, trước khi lựa chọn - bổ nhiệm họ làm Thượng sĩ nhất Thường vụ của các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên. Những Thượng sĩ nhất này thường rời khỏi trường với một vài vật kỷ niệm về khóa mà họ đã theo học.
Mới đây, mỗi thành viên của khóa 68 được tặng một áo thun. U.S. Army W.T.F.! Moments – blog chuyên bới tìm, thu thập những thông tin, sự kiện thuộc loại coi không được trong Lục quân Mỹ - bảo rằng, những chiếc áo thu đó là quà tặng của Grunt Style. Họ nhấn mạnh, Grunt Style là một doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo phỏng theo kiểu quân đội, do vậy nhận tài trợ của Grunt Style là “phi đạo đức” và vi phạm luật pháp.
Đại diện Grunt Style phản bác đã tài trợ áo thun cho U.S. Army Sergeants Major Academy nói chung và khóa 68 nói riêng. Họ khẳng định, đã nhận được một đơn đặt hàng 674 áo thun và đã được thanh toán tiền. Bởi quân đội Mỹ nghiêm cấm vận động và nhận quà từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nếu cá nhân hay nơi tài trợ đang hoặc sẽ có thể đạt được những lợi ích nào đó từ vị trí của người nhận quà hay loại công việc mà người nhận quà đảm nhận nên Phát ngôn viên của U.S. Army Sergeants Major Academy vừa loan báo, học viện này đã mở cuộc điều tra để xác định thực hư (11).
Chẳng thể và cũng không nên xem Mỹ là mẫu mực. Câu chuyện vừa kể chỉ là một ví dụ về quan niệm cũng như một số cách thức mà thiên hạ đặt ra để bảo đảm quân đội của họ “tận trung” với quốc gia, “tận nghĩa” với dân tộc, không bị biến thành con rối, múa may dưới tác động của lợi ích. “Quân đội làm kinh tế”, doanh nhân được vời vào phong hàm sĩ quan, sĩ quan trở thành “doanh nhân tiêu biểu” từ khi quân đội thôi “trung với nước” để “trung với Đảng”. Kết quả như đã thấy. Nếu thật sự tâm niệm và không ngừng nỗ lực xây dựng quân đội chính qui, hiện đại, tại sao giới lãnh đạo quân đội vẫn mê tạo bóng cho một số cá nhân núp, lúc thấy không ổn cho mình thì đuổi ra và mạnh miệng bảo rằng, đó là “nghiêm minh”?
Chú thích

No comments:

Post a Comment