Tuesday, May 8, 2018

Samsung vs Hanoi: Con cọp và con chuột

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Trái ngược với các tuyên bố rổn rảng, những điều đảng và chính phủ CHXHCNVN đang ra sức vẽ rồng, vẽ rắn về một tương lai rạng rỡ, phú cường cho đất nước Việt Nam và người dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình sáng tạo và bởi phát kiến có một không hai, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng CSVN, thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là một bức tranh ảm đạm.

Chế độ cộng sản Việt Nam, cũng như mọi chế độ độc tài toàn trị (cộng sản hay không cộng sản), đều chỉ có thể và đang tồn tại dựa vào hai chủ trương song hành, bạo lực triệt để và dối gạt tối đa. Đàn áp dập tắt mọi phản ứng của người dân – dù chỉ giới hạn trong phạm vi ôn hòa – bằng đủ mọi cách tàn bạo nhất, thay đổi tùy theo điều kiện không gian và thời gian, từ giết hại, thủ tiêu, đến tù tội. Tăng cường tuyên truyền đổi trắng thay đen, lừa gạt, ru ngũ người dân cũng bằng đủ mọi biện pháp có thể, bên cạnh nổ lực che giấu và xóa bỏ mọi dấu vết tội ác, sai phạm. Mọi thứ đều có thể là bí mật quốc gia, những lĩnh vực cấm kỵ. Mọi khái niệm đều có thể được đánh tráo dù trơ trẻn nhất và các con số thống kê đều có thể biến hóa, phù phép theo hướng có lợi nhất cho giới cầm quyền. 

Các chỉ số về tính minh bạch của một chính quyền do tổ chức Minh bạch quốc tế TI (Transparency International) công bố cho thấy CSVN luôn cầm đèn đỏ trên nhiều địa hạt và trong mọi lĩnh vực. Chỉ số công khai ngân sách quốc gia OBI (Open Budget Index) là 15/100 điểm, xếp vào nhóm 5 gồm 27 quốc gia cuối bảng và ở Á châu chỉ cao hơn Myanmar. Chỉ số minh bạch trong lĩnh vực nhà đất RETI (Real Estate Transparency Index) bị xếp hạng 68 trong 95 quốc gia khảo sát và cũng chỉ cao hơn so với Myanmar của Á châu. Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI (Corruption Perceptions Index) là 31/100 điểm và xếp hạng 119 trên 175 quốc gia được khảo sát. Đúng là một nhà nước mờ ám về mọi phương diện, luôn mưu đồ tạo sự dễ dàng và thuận lợi khi thi thố các thủ đoạn gian manh. 

Các ồn ào khoa trương về mức tăng trưởng GDP tới 6,8% trong năm 2017, mức tăng cao nhất Á châu, cao hơn Hoa Kỳ gấp 2 lần, hơn Tây Âu gấp 3 lần, chỉ là một sự bịp bợm đã trở thành truyền thống của ngành thống kê, không những chỉ riêng với CSVN, mà đã là căn bệnh trầm kha trong các quốc gia cộng sản. Hà Nội đã rập khuôn Bắc Kinh trong tiểu xảo kế toán, cứ cộng mọi nhập lượng ở đầu vào – luôn cả những trị số sinh hoạt xã hội, như số tín dụng, hay mức tăng lương – đánh đồng như là trị giá gia tăng của sản xuất cho con số thăng hoa, nên số liệu thống kê phát triển GDP của CSVN chỉ là một sự lừa gạt về kế toán và hoàn toàn rỗng tuếch. 

Hà Nội tiếp tục cho toàn dân Việt Nam ăn bánh vẽ khi tung hô các kết quả xuất, nhập cảng. So tổng trị giá xuất, nhập cảng hơn 30 tỷ USD trong năm 2001, với tổng trị giá xuất, nhập cảng hơn 400 tỷ USD trong năm 2017, trong đó hơn 72% là do đóng góp của thành phần kinh tế FDI, cho đó là sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế thị trường Việt Nam, đúng là một thứ loạn ngôn bợm bải, dàn trải trong chuổi hành vi siêu lừa cộng sản của giới lãnh đạo Hanoi. 

FDI (Foreign Direct Investment) là hình thức đầu tư trực tiếp, dài hạn của cá nhân, hay công ty nước này vào nước khác, thông qua việc thiết lập, quản lý và điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh - phần lớn là gia công, lắp ráp, hoàn tất sản phẩm từ nguyên liệu sơ chế, phụ tùng rời, bán thành phẩm nhập cảng, nhằm khai thác yếu tố nguồn lao động dồi dào, giá rẻ và các chính sách ưu đải đầu tư của quốc gia sở tại, khi xuất cảng sản phẩm các nghiệp chủ FDI lại có thêm lợi thế về thuế suất ưu đải từ những thị trường phát triển giành cho các quốc gia kém mở mang thuộc thế giới thứ ba. 

Chủ nhân FDI chỉ phải trả một ít chi phí về tiền thuê đất, trả lương thấp cho công nhân địa phương, chỉ chịu mức thuế thấp do chủ trương khuyến khích đầu tư – chưa kể hiện tượng chuyển giá sai biệt gian dối, khai lỗ lã để trốn thuế, hay được hoàn thuế - nhằm tối đa hóa lợi tức ròng và tuyệt đại lợi nhuận chỉ trôi thẳng vào túi của nhà đầu tư. 

Các dự án FDI cũng là nơi tập trung những ngành hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng, dễ gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường nặng nề bởi công nghệ lạc hậu. Tính tới nay chỉ có 5-6% dự án FDI tại Việt Nam là có công nghệ tân tiến và các thảm họa môi trường Vedan ở Đồng Nai, Formosa ở Hà Tỉnh, Lee and Man ở Hậu Giang… đã là những điển hình phá hoại môi sinh. Các doanh nghiệp FDI còn khai thác chủ trương lôi kéo FDI ở những nước nghèo, để biến thành cơ hội thao túng và thả nổi ràng buộc đầu tư bảo vệ môi trường, nhằm tiết kiệm tới hàng tỷ USD, khi so với đầu tư tại các quốc gia phát triển. 

Chủ trương ưu đãi FDI không chọn lọc còn tạo ra sân chơi bất bình đẳng cho những ngành kinh tế nội địa, khiến FDI phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, dễ dàng chiếm đa số thị phần xuất cảng, đè bẹp và xóa sổ các doanh nghiệp nội hóa. Năm 2017 khu vực FDI xuất cảng 155,2 tỷ USD, nhập cảng 126,4 tỷ USD, thặng dư 28,8 tỷ, chiếm 72,2% giá trị xuất cảng. Khu vực nội hóa chỉ xuất cảng 58,5 tỷ USD, nhập cảng 84,7 tỷ USD, khiếm dụng 26,2 tỷ USD và chiếm 27,8% tổng trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam. 

Do đó, dựa vào chỉ số gia tăng mức xuất cảng nhờ FDI mà CSVN hít hà, coi là thành tựu tăng trưởng kinh tế cho đất nước, không khác gì mấy việc nói láo và làm xiếc với các con số giá trị ảo. Có thể nói thành tích từ FDI hoàn toàn vô nghĩa với nội lực kinh tế Việt Nam, ngoài việc duy nhất chỉ giúp đẩy tăng trưởng GDP trở thành màu hồng trong các báo cáo của chính phủ. 

Trong 30 năm, từ 1987 đến 2016 có 116 quốc gia và vùng lảnh thổ trên thế giới đã đầu tư vốn FDI tại Việt Nam, với hơn 22.500 dự án, có tổng vốn điều lệ hơn 293 tỷ USD và sử dụng khoảng hơn 2,2 triệu công nhân lao động. Trong đó Nam Hàn là nhà đầu tư lớn nhất với 5.747 dự án hiệu lực, có tổng vốn điều lệ hơn 50,7 tỷ USD và Nhật Bản xếp hạng nhì với 3.280 dự án hiệu lực, có tổng vốn điều lệ hơn 42 tỷ USD. 

So với vốn điều lệ trung bình của một dự án FDI tại Việt Nam là khoảng 13 triệu USD, vốn điều lệ trung bình của một dự án FDI thuộc nhà đầu tư Nhật Bản là 12,8 triệu USD, thì vốn điều lệ trung bình của một dự án FDI thuộc các nhà đầu tư Nam Hàn chỉ vào khoảng 8,8 triệu USD, nhưng các tập đoàn khổng lồ Samsung, LG, hay Lotte, đã khuynh đảo kinh tế Việt Nam rất nhanh chóng. 

Tính đến năm 2016, tập đoàn điện tử Samsung Việt Nam hiện đang sở hữu 4 cơ sở sản xuất, gồm Samsung Electronics Việt Nam (SEV) and Samsung Display Việt Nam (SDV) ở Bắc Ninh, Samsung Electronics Việt Nam Thainguyen (SEVT) ở Thái Nguyên và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) ở Saigon, có tổng cộng 130.000 công nhân lao động - trong đó có khoảng 80% là phụ nữ làm việc trên các dây chuyền lắp ráp - và sản xuất khoảng 50% tổng số smart phone mang nhản hiệu Samsung trên toàn cầu, so với chỉ khoảng 8% smart phone sản xuất tại Samsung chính quốc ở Nam Hàn. 

Trong đó, cơ sở SEV và SDV tại Bắc Ninh đã bắt đầu hoạt động sản xuất từ tháng 4/2009 với công suất mỗi tháng sản xuất 8,3 triệu smart phone, 5,5 triệu camera, 6 triệu mobile phone case, 600.000 máy hút bụi, 5 triệu màn hình LCD và 17 triệu pin điện thoại, xuất cảng sản phẩm đi 80 quốc gia và xử dụng hơn 44.000 công nhân lao động. 

Tổng doanh thu của Samsung Việt Nam trong năm 2016 là hơn 46,3 tỷ USD, với trị giá xuất cảng hơn 40 tỷ USD và chiếm đến 22,7% tổng giá trị cán cân ngoại thương của toàn Việt Nam. Trong khi tổng quỹ lương công nhân của toàn hệ thống Samsung ở Việt Nam chỉ vào khoảng 600 đến 620 triệu USD hàng năm. 

Theo tổng cục thống kê của Hanoi, năm 2013 là năm giá trị hàng xuất cảng của ngành kỹ nghệ điện tử đã vượt qua mặt ngành may mặc, vốn là kỹ nghệ xuất cảng đầu tàu truyền thống của Việt Nam. Bộ Công thương Việt Nam hân hoan công bố Việt Nam đã xếp hạng 12 trên toàn cầu, hạng thứ 3 ở Đông nam Á về lảnh vực xuất cảng các mặt hàng điện tử tính từ năm 2015, nhưng giấu biệt việc đây chỉ là sân chơi của các ông lớn FDI, chiếm hết 95% sản phẩm điện tử xuất cảng, 99,6% smart phone và phụ kiện xuất cảng, cụ thể là Samsung đã bán hàng năm hơn 185 triệu chiếc điện thoại thông minh sang các thị trường Nga, Đức, Áo, Indonesia và Hoaky, với đến 95% lợi nhuận chảy vào túi tài phiệt quốc tế, chỉ có 5% cho chính phủ Việt Nam xà xẻo và rơi rớt xuống đám công nhân cùng khổ, đói nghèo bản xứ (RFA, 26/4/2018). 

...Tập đoàn Samsung đã đầu tư 17 tỷ USD vào Việt Nam, trở thành doanh nghiệp lớn hơn cả Petro Việt Nam là đại gia quốc doanh trong lảnh vực dầu khí. Kết quả, (sau vài năm) Samsung đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất cảng điện thoại thông minh hạng thứ nhì của thế giới, chỉ sau Trung cộng và đóng góp 1/4 giá trị vào tổng số xuất cảng của Việt Nam, trị giá hơn 200 tỷ USD. Họ thu về số lời gần 60 tỷ, dân Việt Nam chỉ làm gia công cho họ mà lãnh đạo cộng sản vẫn cứ nói phét… (Nguyễn Xuân Nghĩa, Xã hội chủ nghĩa tàn tạ, RFA, 1/5/2018). 

Cuối tháng 4/2018, bộ ngoại giao Nam Hàn đã bổ nhiệm Kim Do hyun, một cựu giám đốc của Samsung làm đại sứ tại Hanoi. Hành động này đã khơi gợi lên những chỉ trích của các nhóm hoạt động về quyền của người lao động, liên quan đến báo cáo điều tra cuối năm 2017 của tổ chức phi chính phủ tại Thụy Điển, một mạng lưới quốc tế về loại bỏ chất hữu cơ gây hại lâu dài IPEN (International POPs Elimination Network), kết hợp với trung tâm nghiên cứu về giới tính, gia đình và môi trường trong phát triển CGFED (Centre for Gender, Family and Environment in Development) là một tổ chức phi chính phủ hiếm hoi hoạt động tại Việt Nam. 

Tháng 12/2017, IPEN và CGFED đã công bố bản báo cáo điều tra tố giác các điều kiện lao động tồi tệ, thường xuyên phải tiếp cận với hóa chất độc hại của nữ công nhân tại hai cơ sở Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. 

Các hành vi cấu kết giữa nhà cầm quyền CSVN với giới chủ nhân Samsung hòng đe dọa công nhân buộc phải im lặng, đồng thời quấy rối các nhà hoạt động môi trường và bảo vệ quyền lợi công nhân phải trình diện, giải trình sự việc với chính quyền, để gây áp lực hầu dập tắt dư luận và nỗ lực cải chính, đánh lạc hướng các mối quan tâm về quyền lợi chính đáng của người lao động trong các dự án FDI, khiến văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền ở Genève phải ra tuyên bố ngày 20/3/2018 yêu cầu Samsung giải trình cụ thể, bởi "không thể chấp nhận được việc các nhà nghiên cứu và các công nhân báo cáo tình trạng lao động mà họ cho là không bảo đảm, lại bị xách nhiểu, đe dọa bởi các giới chức tư hay công". 

Báo cáo của IPEN và CGFED thông qua những cuộc phỏng vấn "chi tiết, cởi mở và bí mật", với một số công nhân phụ nữ làm việc trên các dây chuyền lắp ráp tại hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam, đã phần nào phơi bày được những vi phạm về sức khỏe và hiện trạng nơi làm việc của tập đoàn khổng lồ về kỹ nghệ điện tử Samsung, vốn nổi tiếng là một đế chế bí mật, ít khi và ít ai thấu hiểu được những gì xảy ra sau các hàng rào khuôn viên nhà máy. 

Kết quả chính thức cho thấy: 

1/ Không một ai trong số các công nhân đang làm việc cho Samsung nhận được bản sao hợp đồng lao động của họ. 

2/ Công nhân phụ nữ phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao vượt quá giới hạn theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam. 

3/ Tất cả những công nhân được phỏng vấn đều cho biết luôn có sự mệt mỏi, chóng mặt cao độ, hay ngất xỉu tại nơi làm việc. 

4/ Công nhân báo cáo việc sảy thai cho các sản phụ lao động rất phổ biến. Thậm chí các sản phụ đều biết rõ điều đó sẽ xảy ra cho họ. Năm 2013 trong cơ sở sản xuất của Samsung tại Việt Nam đã có 6 vụ sảy thai, trong đó có một trường hợp thai nhi đã lớn 7 tháng tuổi. 

5/ Công nhân phải đứng từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ trong suốt ca làm việc. Nhiều người phải tăng ca nhiều giờ vô nhân đạo, luân phiên xen kẻ ngày, đêm và bất kể cuối tuần, để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất khối lượng lớn và căng thẳng. 

6/ Công nhân nữ mang thai thường phải đứng suốt ca làm việc, hầu tránh bị công ty trừ lương khi muốn nghỉ ngơi giải lao. 

7/ Hơn một nữa số nữ công nhân được phỏng vấn đều đang có con nhỏ, nhưng nội quy ký túc xá của công ty cấm trẻ vào sống chung với mẹ, phải ở với người thân khác bên ngoài lãnh địa công ty. 

8/ Công nhân đều có báo cáo về các chứng bệnh phổ biến phải chịu đựng là đau xương, khớp và chân. 

9/ Sinh hoạt đời sống của công nhân bị kiểm soát chặt chẻ cả bên trong, lẫn bên ngoài công việc. Họ bị cấm nói về điều kiện làm việc của mình, bởi nội quy công ty quy định tất cả mọi hoạt động về cuộc sống bên trong nhà máy là một bí mật thương mại, nếu ai bất tuân sẽ bị sa thải lập tức. 

10/ Phải cần khảo sát thêm về sự lây nhiễm hóa chất độc hại. Mặc dù công nhân lao động trong các cơ xưởng mở, nhưng lại ở quá gần các khu xử dụng hóa chất. Công ty không quan tâm tới việc đặt hai dây chuyền lắp ráp và hóa chất gần nhau, có tương tác ảnh hưởng nguy hiểm cho công nhân hay không ?. 

IPEN kêu gọi Samsung công bố bản bản cáo của tổ chức để vấn đề này có thể được thẩm định độc lập và cũng yêu cầu Samsung công bố minh bạch các hóa chất được xử dụng trong quá trình sản xuất, cũng như các biện pháp kiểm soát hóa chất. Theo IPEN, ngay tại Nam Hàn dù nhiều quyết định cấp chính phủ buộc Samsung phải chịu trách nhiệm về bệnh bạch cầu, u lympho, u não, đa xơ cứng, vô sinh và nhiều ảnh hưởng sức khỏe nặng nề lên công nhân, nhưng Samsung vẫn bất chấp và thường xuyên từ chối trách nhiệm, hay cung cấp dữ kiện về hóa chất xử dụng, để tránh bị kiện tụng, bồi thường. 

Theo Tiến sĩ Joe DiGangi, cố vấn kỹ thuật cao cấp của IPEN “...Công ty đã kiếm được rất nhiều tiền ở Việt Nam, nhưng lợi nhuận của họ lại đặt lên đôi vai nhọc nhằn của lực lượng lao động đa số là phụ nữ. Các quy định toàn diện cần phải được xây dựng và thực thi để bảo đảm an toàn cho công nhân trong ngành kỹ nghệ điện tử. Phát triển kinh tế phải được quan tâm không chỉ vì GDP, mà còn phải xem xét đến các tác động lên sức khỏe của người lao động và cộng đồng, trong việc phát triển và chuyển đổi nền kinh tế quốc gia ở một nơi mà ngành kỹ nghệ điệ tử đang bành trướng mau chóng...”. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ đầy đủ hơn cho giới lao động và nhu cầu cần bạch hóa những hóa chất kỹ nghệ đang được sử dụng trong quá trình sản xuất điện tử. 

Các phản ứng của Samsung Việt Nam đã nhanh chóng xảy ra và bao trùm nhiều hướng để chế ngự sự lan tỏa của vấn đề. 

Đối với giới lao động trực thuộc, Samsung hăm dọa mọi công nhân bằng việc sa thải và sẽ kiện ra tòa đối với bất kỳ ai phát biểu công khai về công việc và kinh nghiệm làm việc của họ, bởi sẽ bị kết tội là nói chuyện bất lợi về công ty với người bên ngoài. 

Đối với hai tổ chức IPEN và CGFED, Samsung cũng công khai tuyên bố đang xem xét việc kiện ra tòa, bên cạnh đe dọa sẽ yêu cầu nhà cầm quyền CSVN mở một cuộc điều tra về tội công bố thông tin không đúng sự thật, cũng như nỗ lực thao túng giới truyền thông phục tùng chính quyền trong nước để bóp méo bản chất và các chi tiết trong báo cáo của IPEN và CGFED. 

Nhà cầm quyền CSVN cũng vội vàng nhập cuộc để bảo vệ nhà đầu tư. Ngay sau khi bản báo cáo được công bố trên website của IPEN, tổ chức CGFED đã bị giới cầm quyền tại Bắc Ninh "triệu tập" hai lần trong tháng 12/2017 để "họp" với các cơ quan liên quan và đại diện của Samsung. Bản báo cáo tiếng Việt buộc không được công bố, do ảnh hưởng hoen ố đến hình ảnh đầu tư FDI tại Việt Nam. Theo cáo giác của văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, có tin những người Việt Nam tham gia vào sự hình thành bản báo cáo đang bị nhà cầm quyền cộng sản điều tra, cụ thể là tác giả chính Phạm Thị Minh Hằng, sau khi tham dự cuộc họp về các biện pháp bảo vệ trước hóa chất độc hại ở Stockholm - Thụy Điển trở về nước trong tháng 3/2018, đã có lệnh phải trình diện ngay để "làm việc với các cơ quan chức năng" có thẩm quyền liên quan. 

...Mặc dù việc đánh giá những phát giác trong báo cáo đòi hỏi phải có sự phản hồi từ các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không thể chấp nhận được điều các nhà nghiên cứu và các công nhân đã bị đe dọa và xách nhiễu bởi những viên chức nhà nước, cũng như nghiệp chủ doanh nghiệp (…). Hăm dọa những người hoạt động và người lao động không chỉ là vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ, mà còn dễ đưa tới việc không trừng phạt những người lạm dụng, hay vi phạm các quyền của người lao động, đồng thời bào mòn các giá trị về nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng của các chính phủ, của các công ty về nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc chỉ đạo của Liên hiệp Quốc về kinh doanh và nhân quyền... (OHCHR, 3/2018). 

Nước đổ đầu vịt. Chế độ độc tài toàn trị như CSVN và giới tài phiệt quốc tế như tập đoàn Samsung là một điển hình trong câu nói do ông tổ cộng sản Karl Marx trích dẫn từ Thomas Joseph Dunninh "...Lợi nhuận mà thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Lợi được 10% nó ở khắp nơi, 20% sẽ làm nó can đảm, 50% thì nó không biết sợ là gì, 100% nó chà đạp lên mọi luật lệ và đến 300% thì có bị treo cổ nó cũng chẳng từ nan..." Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là một cánh đồng hoang bất tận cho tư bản hoang dã nẩy nở và là bệ phóng cho quyền và tiền tung hoành. Do đó sẽ vẫn còn tai ương cho người lao động Việt Nam dưới hình thức bóc lột này, hay bởi trường hợp đàn áp khác. 

Tháng 1/2013, một vụ phát tán acid flohydric đã xảy ra tại nhà máy của Samsung tại Hwaseong – Nam Hàn làm 1 thiệt mạng và 4 bị thương. Điều tra của chính phủ Nam Hàn cho biết đây là một loại hóa chất độc, có khả năng phá hủy phổi và xương, tác động đến hệ thần kinh và gây cháy bỏng da. 

Ngày 9/4/2015 một vụ cháy phát tán khí độc hóa chất đã xảy ra tại cơ sở Samsung Thái Nguyên (SEVT). Lửa và các cụm khói vàng, nâu đỏ bốc lên ngùn ngụt tại khu xưởng Metal nơi sản xuất vỏ điện thoại, khiến công nhân bỏ chạy tán loạn. Yoo Young Bok, tổng giám đốc SEVT cho biết chỉ là khí phát tán từ dịch thải acid nitric (HNO3) không gây thiệt hại và bất kỳ nguy hiểm nào và Nguyễn Mạnh Bạo, chánh thanh tra sở lao động, thương binh và xã hội Thái Nguyên khẳng định không hề có cháy nổ tại SEVT như các trang mạng xã hội thông tin. Hết chuyện. 

*

Chú thích

- IPEN & CGFED, Samsung Workers on the Line: Unique Report Reveals the Lives of Việt Namese Women Workers Making the Samsung Smart Phones in Your Pocket, 11/2017. 

- CGFED & IPEN, Response ti Samsung’s Comments on Report Detailing Working Conditions at Manufacturing Facilities in Việt Nam, 1/2018. 

- Pham Thi Minh Hang and Joseph DiGandi, Your cool new Samsung smart phone brought to you by noise, pain and miscarriages, USA Today, 3/2018. 

- OHCHR (Office of the High Commissionner for Human Rights), Việt Nam: UN Experts Concerned by Threats Against Factory Workers and Labour Activists, 3/2018. 

05/2018. 

No comments:

Post a Comment