Theo RFA-Phi Cảnh-2018-05-10
Hình minh họa. Một người đàn ông cầm một quảng cáo bầu cử lấy hình ảnh đồng đô la Mỹ ở Caracas, Venezuela hôm 9/5/2018 -AFP
Chúng ta hàng ngày được nghe về tầm quan trọng của kiều hối, nào là Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, nào là kiều hối là phao cứu sinh cho nền kinh tế; nhưng có mấy ai hiểu thật sự tầm quan trọng của nó. Bằng chứng là những người ném “phao cứu sinh” cho Việt Nam lại chẳng hề nhận được sự tôn trọng của người dân nước này.
Chỉ gửi về cho gia đình?
Lý do người gửi ngoại tệ về vẫn chưa nhận được tôn trọng là: người sống tại Việt Nam nghĩ việc gửi tiền đó chẳng liên quan gì đến mình, chẳng qua gửi về cho thân nhân của ai thì chỉ thân nhân người đó được hưởng.
Để biết điều này có đúng không, hãy xem đường đi của ngoại tệ sau khi về đến Việt Nam.
Ví dụ người ở Mỹ gửi Đô la về Việt Nam qua ngân hàng, các ngân hàng ở Việt Nam đều có chính sách khuyến khích người Việt nhận bằng tiền Đồng, tất nhiên những tờ Đô la đó ngân hàng giữ lại.
Mà kể cả người ở Việt Nam muốn nhận Đô la. Những tờ Đô la đó về mặt chính thức không được sử dụng trong giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tức là muốn mua bán thì phải mang Đô la đi đổi lấy tiền Đồng.
Sau khi đổi ra tiền Đồng, người sống ở Việt Nam có thể đem đi mua nhà đất (giúp cho các công ty bất động sản bán được nhà), hoặc xây nhà (giúp cho các cửa hàng vật liệu xây dựng bán được gạch, cát, xi măng…), hoặc đem đi mua sắm ăn uống (giúp các hàng quán, cửa hiệu tăng thu nhập hay không phải sập tiệm)…
Những công ty, nhà hàng, cửa tiệm này tăng doanh thu thì lương nhân viên có thể tăng. Doanh thu tăng sẽ đóng thuế nhiều hơn, thuế thu được nhiều hơn thì lương cán bộ viên chức nhà nước có thể được tăng lương. Mà nếu không tăng lương thì chí ít nhà nước Việt Nam sẽ không phải tăng thuế, tăng giá xăng, điện… để nuôi bộ máy cồng kềnh.
Có nghĩa là tiền từ “đu càng” gửi về Việt Nam tuy chỉ là gửi về cho người thân nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của những dư luận viên đang ăn lương nhà nước chỉ để hàng ngày miệt mài chửi rủa “đu càng”.
Tầm quan trọng của ngoại tệ?
Tiền Đồng của Việt Nam chỉ có giá trị lưu thông trong nước, không nước nào muốn nhận tiền Đồng vì nó không đảm bảo. Tiền của một nước nghèo thì không thể là một đồng tiền mạnh, không thể sử dụng trong thanh toán quốc tế được.
Tiền giấy chỉ có giá trị khi được đảm bảo bằng sức mạnh của nền kinh tế đó. Ví dụ như Venezuela: khi còn là quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất Nam Mỹ, đồng Bolivar của nước này là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất thế giới. Tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela khi đó là 100 Bolivar (có thể so sánh với Mỹ khi 100 Đô la là tờ tiền lớn nhất xứ Cờ Hoa).
Nhưng khi nền kinh tế nước này sụp đổ, đồng Bolivar trở nên vô giá trị. Khi đi mua đồ, người dân Venezuela phải mang cả bao tải tiền thay cho ví. Chính phủ nước này phải phát hành tờ tiền mệnh giá 20.000 nhưng không ăn thua, sau đó đến lượt tờ 100.000 ra đời mà tình trạng mang vác nặng khi đi ra ngoài vẫn tiếp diễn. Có người nói đùa: Venezuela có tờ 100.000 thì còn lâu mới tiến lên được Xã hội Chủ nghĩa, vì Việt Nam đã có tờ 500.000 mà con đường đi lên còn mù mịt.
Ra ngoài ăn, người Venezuela phải mang đến cả 1 vali tiền. 1 lát Lasagna có giá đến gần nửa triệu Bolivar. Cũng có nghĩa nếu bạn có 1 gia tài bằng tiền mặt ở đất nước Nam Mỹ này, 1 năm sau quay lại, gia tài đáng lẽ giúp bạn sống cả đời ấy nay chỉ giúp sống được trong 1 ngày. Hoặc trước đây do tin tưởng vào loại tiền mạnh Bolivar mà chấp nhận thanh toán bằng tiền này, nay bạn coi như mất trắng.
Nghe thật khó tin, nhưng khi một đất nước không sản xuất ra được hàng hóa thì tiền giấy chỉ là một tờ giấy có mực in bên trên mà thôi. Đô la Mỹ quyền lực vì có số lượng vàng khổng lồ ở trong kho, có hàng hóa vô kể của nền kinh tế số 1 thế giới đứng ra đảm bảo giá trị thật của đồng tiền.
Ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện kiểu như: gửi tiền tiết kiệm với giá trị ngang 1 căn nhà, sau 20 năm nhận lại số tiền ngang 3 bát phở; hay gửi tiết kiệm 5 tháng lương, sau 30 năm mua được mớ rau.
Những người hiểu biết không ai găm Việt Nam Đồng cả. Cứ cầm Đô cho chắc, nó được coi như một kênh dự trữ an toàn bên cạnh vàng. Chính vì thế, trong các vụ án tham nhũng ở Việt Nam chỉ toàn thấy hối lộ nhau bằng đô la. Ví dụ Dương Chí Dũng khai ra biếu Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ 500.000 Đô la để chạy án chẳng hạn. Các quan chức Việt Nam tuy hàng ngày lên án “đế quốc Mỹ” và ca ngợi lãnh tụ, nhưng chắc chắn là thích Đô la hơn đồng tiền có in hình Hồ Chủ tịch rồi.
Nói thêm về giá trị của ngoại tệ, nếu không có nó, chúng ta không thể mua được hàng hóa nước ngoài. Ví dụ như xăng dầu, Việt Nam phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Như vậy nếu không có Đô la, phần lớn xe ô tô, xe gắn máy, máy bay… ở Việt Nam sẽ nằm một chỗ.
Nếu không có ngoại tệ, các Sứ quán Việt Nam tại nước ngoài sẽ dừng hoạt động ngay lập tức, tiền đâu thanh toán cho chi phí điện nước, cho cán bộ nhân viên Sứ quán ăn ở… Ở nước nào phải dùng tiền nước ấy, không thì phải là 1 loại ngoại tệ mạnh như Đô la.
Đi làm việc ở nước nào cũng sẽ được nhận tiền của nước ấy, lao động ở Nhật thì nhận lương bằng Yên, lao động ở Malaysia thì nhận bằng Ringgit… Chị Trần Thị Mai tự sát ở Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia mới đây, cho dù chị lao động chui hay lao động hợp pháp thì đều nhận tiền Ringgit, cho dù chị chỉ gửi tiền về nhà cho gia đình thì tiền ấy cũng nuôi sống chính các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Mỏ vàng “đu càng”
Ngoại tệ quan trọng như vậy, nên tất nhiên Việt Nam phải tìm mọi cách để có nó. Làm thế nào đây khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực Nông nghiệp có giá trị thấp mà chi phí sản xuất lại lớn?
Câu trả lời chính là kiều hối từ những người Việt định cư ở nước ngoài – mỏ vàng không mất phí khai thác. Và thế là Nghị Quyết số 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời nhằm mục đích “giải thích thêm cho bà con ở bên đó để không còn sự hiểu lầm và cho họ biết rằng, đất nước ta đã phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, rất cần có sự đóng góp của kiều bào ở nước ngoài thuộc đủ mọi ngành nghề, sẽ rất có lợi cho Tổ quốc".
Điều ngược đời ở đây là đã “phát triển” rồi mà vẫn còn “rất cần đóng góp”, giống như một người vỗ ngực ta đây giàu có nhưng vẫn ngửa tay đi xin tiền bố thí vậy, đã giàu rồi thì phải cho đi mới đúng chứ.
Đầu năm nay trên mạng lan truyền câu chuyện được cho là Hồi ký của Trịnh Xuân Thanh viết trước khi bị bắt. Trịnh Xuân Thanh kể rằng để hoàn tất Nghị quyết 36, Trung ương Đảng đã lợi dụng mối quan hệ của bố anh ta là ông Trịnh Xuân Giới để kéo tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước. Cuối cùng ông Nguyễn Cao Kỳ cũng gật đầu với cái giá 50 triệu Đô la.
Bài viết trên kết luận “Trung ương đảng xác định bỏ ra 50 triệu đô để mỗi năm thu về hơn 10 tỷ đô thì quá lãi, còn lãi gấp ngàn lần so với buôn vũ khí và heroin.”
Câu truyện này rất có thể là thật, vì sự chi tiết tỉ mỉ mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết và rất khó để bịa ra, và vì nó giải thích được một bí ẩn mà người Việt hải ngoại bao năm qua không thể giải đáp: đó là một người như ông Nguyễn Cao Kỳ tại sao có thể có những phát ngôn và hành động đi ngược lại với lý tưởng sống đã theo phần lớn cuộc đời của ông ta như vậy.
Chỉ có điều Nguyễn Cao Kỳ vẫn bị hố: Đảng chỉ trả cho ông 1 lần; còn lời nói của ông, Đảng sử dụng vĩnh viễn. Bất chấp danh dự để mang lại nguồn lợi quá lớn cho kẻ thù nhưng khi chết Nguyễn Cao Kỳ vẫn bị từ chối cho mang tro cốt về Việt Nam, đấy là câu trả lời rõ ràng nhất về thứ hòa giải dân tộc mà ông ta đã nói trên truyền hình Việt Nam năm 2005.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment