HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việc ông cựu viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học, bị tố cáo đạo văn của học trò và của một giáo sư khác nhưng vẫn được phong giáo sư đã khiến dư luận bất bình phản đối.
Cụ thể trong cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt” mà ông Nguyễn Đức Tồn đứng tên tác giả đã có rất nhiều đoạn sao chép gần như nguyên vẹn từ luận án phó tiến sĩ: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ năm 1996) và luận văn tốt nghiệp đại học “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu (đã bảo vệ năm 1995).Cả hai người này do ông Tồn hướng dẫn bảo vệ đề tài.
Theo báo Lao Động, nghi án đạo văn này đã lùm xùm trong giới ngôn ngữ từ những năm 2002-2003, tuy nhiên chưa có câu trả lời rõ ràng. Song, ngày 15 Tháng Năm, trước áp lực của truyền thông, ông Trần Ngọc Thêm, giáo sư tiến sĩ khoa học, chủ tịch Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư ngành Ngôn Ngữ Học, đã thừa nhận ông Tồn đã “vi phạm nghiêm trọng Luật Bản Quyền, khi đã trích hàng trăm trang trong công trình nghiên cứu của học trò mà không ghi đồng tác giả. Điều này chẳng khác là đạo văn.”
Thế nhưng tại sao ông Tồn vẫn được Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư phong giáo sư? Lý giải điều này, ông Thêm chia sẻ: “Sau 2 lần bị ‘bác’ hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn giáo sư vì nghi án đạo văn, đến năm 2009, ông Tồn tiếp tục nộp hồ sơ và đã được hội đồng cấp cơ sở thông qua.
“Lên đến Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư ngành ngôn ngữ, tại cuộc họp trong 2 ngày hồi Tháng Mười, 2009, các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng ông Tồn có lỗi và đã trả giá trong 7 năm qua; không nên bắt một người phải trả giá cho một sai lầm cũ suốt đời.
“Mặt khác, vào năm trước đó (năm 2008), ông Tồn vừa mới được Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học. Để bổ nhiệm, Viện Khoa Học Xã Hội chắc chắn cũng đã cân nhắc chuyện này.
“Với tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam, vì sự đoàn kết và phát triển chung của ngành, các thành viên hội đồng đã đồng ý đưa ông Tồn vào danh sách bỏ phiếu kín. Kết quả là ông Tồn được thông qua với số phiếu 10/10. Đến năm 2011, ông Tồn với tư cách là viện trưởng, tổng biên tập Tạp Chí Ngôn Ngữ được đề nghị bổ sung vào làm thành viên Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư ngành ngôn ngữ học,” ông Thêm cho biết.
Nhiều người cho rằng, nếu đúng như những gì ông Thêm nói, việc công nhận chức danh giáo sư cho ông Nguyễn Đức Tồn hồi đó được làm trên tinh thần “nhân văn, bao dung,” thì sẽ tạo tiền lệ xấu và gây tâm lý không phục ở các nhà khoa học.
Để tránh áp lực dư luận, ông Thêm với tư cách là ủy viên Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước, chủ tịch Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư ngành ngôn ngữ học, cho rằng: “Theo tôi, để cho công bằng, trước hết là cần phải làm sáng tỏ mọi điều để ông Tồn tâm phục, khẩu phục và không thể kêu là bị người khác vu cáo. Sau khi mọi việc sáng tỏ, nếu chứng minh được là ông Tồn bị vu cáo thì sẽ khôi phục tư cách này và xử lý những người vu cáo. Do vậy thanh tra Bộ Giáo Dục Đào Tạo, cần vào cuộc về vụ việc này,” ông Thêm đề xuất.
Ngày 15 Tháng Năm, báo Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Nguyễn Đức Tồn nhưng ông Tồn từ chối phát ngôn và hẹn sẽ trao đổi cụ thể về vụ việc trong thời gian tới.
Tin cho biết, hiện ở Việt Nam đang có khoảng 1,600 giáo sư, 10,000 phó giáo sư, tuy nhiên số lượng còn nghiên cứu khoa học chỉ chiếm khoảng 1/4. Cụ thể, trong số 1,600 giáo sư chỉ có khoảng 200-300 giáo sư còn đang làm việc, còn nghiên cứu. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment