Monday, April 2, 2018

Việt Nam có hàng ngàn hồ thủy lợi hư hỏng, không thể xả lũ

Hồ chứa Điều Gà, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, có dung tích gần 1.5 triệu khối nước được xếp vào diện “lão hóa,” không biết vỡ khi nào. (Hình: Nông Nghiệp Việt Nam)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam hiện có khoảng 1,150 hồ chứa thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, không thể xả lũ, nhiều nơi chỉ là đập đất, trong khi dự báo mùa mưa lũ năm nay “diễn biến phức tạp.”
Theo báo Thanh Niên, tại “Hội nghị về quản lý an toàn đập và hồ chứa thủy lợi” trước dự báo mưa lũ trong năm 2018, do Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tổ chức tại Hà Nội mới đây, thống kê của Tổng Cục Thủy Lợi cho biết Việt Nam hiện có 6,648 hồ chứa thủy lợi, phân bố tại 45 tỉnh, thành trong đó có 702 hồ chứa lớn và 5,964 hồ chứa nhỏ.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra cho thấy Việt Nam hiện có 1,150 hồ chứa thủy lợi xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng và không thể xả lũ. Đập của các công trình này chủ yếu là đập đất, đã vận hành 30 đến 40 năm và xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như nứt tràn xả lũ, thân đập bị thấm, cống lấy nước hư hỏng, xói lở… không biết vỡ khi nào.
Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương, cho biết theo nhận định trong năm 2018 mưa lũ, bão ở Việt Nam “còn diễn biến phức tạp.” Dự báo sẽ có từ 12 đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó khoảng 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền.
Hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) từng xảy ra nứt, gây nguy cơ mất an toàn. (Hình: Nông Nghiệp Việt Nam)
“Trong năm nay dự báo có nhiều đợt mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đây sẽ là yếu tố nguy hiểm cho các hồ chứa đang trong tình trạng hư hỏng, mất an toàn,” ông khuyến cáo.
Ông Phan Thanh Hùng, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế, lo lắng cho biết khu vực miền Trung hiện nay đang có rất nhiều hồ, đập xuống cấp, vì vậy, việc dự báo tình hình mưa bão lũ đối với miền Trung rất quan trọng để đưa ra các kịch bản, chủ động phân xả lũ, ngăn lũ.
Trước tình trạng trên, ông Hoàng Văn Thắng, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, chỉ yêu cầu “các địa phương tập trung nguồn lực, giải pháp kỹ thuật để khắc phục tình trạng xuống cấp các hồ, lắp đặt các thiết bị quan trắc để theo dõi, cảnh báo trước mùa mưa bão và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó khi có mưa lớn. Hồ, đập nào không an toàn thì không cho tích nước,” mà không đưa ra được kế hoạch thiết thực, khiến không ít các đại biểu những nơi có nhiều hồ chứa là Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bình Định, Phú Thọ… lo lắng. (Tr.N)

No comments:

Post a Comment