Hòa Ái, phóng viên RFA 2018-04-02
Hai đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xem điện thoại trong lúc đang chịu trách nhiệm phát phiếu bầu cử cho cử tri vào ngày 22/05/16 tại Hà Nội. AFP
Việt Nam được xếp hạng 152/183 quốc gia về thanh niên tham gia vào đời sống chính trị, theo Báo cáo đánh gia chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu năm 2016. Vì sao thanh niên Việt Nam không quan tâm đến lãnh vực này và họ mong muốn gì để được phát triển trong xu hướng chung của thế giới?
Mơ hồ-Không quan tâm
“Chính trị à? Kiểu của Nhà nước…thì liên quan đến Nhà nước thôi.”
“Em không hiểu lắm về chính trị đâu ạ!”
“Ở nơi em sinh sống, thực tế thì ngay cả tên Chủ tịch nước hay tên Thủ tướng họ còn không biết. Tại quê Long An của em, mà hỏi họ về Formosa thì họ cũng không biết, không quan tâm luôn. Bản thân em nhận thức được nhờ vào tìm hiểu và đọc tin, chứ ngày trước cũng không biết gì hết.”
Trên đây là một vài chia sẻ của các bạn thanh niên tại Việt Nam về đời sống sinh hoạt chính trị ở trong nước, cho thấy phần nào phản ảnh Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên năm 2016 (2016 Global Youth Development Index), là báo cáo mới nhất về sự phát triển thanh niên toàn cầu do Ban thư ký Thịnh vượng chung thực hiện và công bố.
Báo cáo này đo lường sự tiến bộ của phát triển thanh niên trong 5 lãnh vực quan trọng trong đời sống; bao gồm Giáo dục, Sức khỏe và Hạnh phúc, Việc làm và Cơ hội, Sự tham gia đời sống Chính trị, Sự tham gia đời sống Công dân. Việt Nam được xếp hạng 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị. Trong 4 lãnh vực còn lại, Việt Nam đều được xếp hạng trên thứ 100 trong số 183 quốc gia.
Qua tiếp xúc với thanh niên tại Việt Nam, đa số cho biết khái niệm chính trị là điều gì đó liên hệ đến học thuyết Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đây là những điều họ được học trong hệ thống giáo dục. Và khi được nghe đến sinh hoạt chính trị hay đời sống chính trị thì họ liên tưởng chỉ có cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước mới liên quan lãnh vực này.
Ở nơi em sinh sống, thực tế thì ngay cả tên Chủ tịch nước hay tên Thủ tướng họ còn không biết. Tại quê Long An của em, mà hỏi họ về Formosa thì họ cũng không biết, không quan tâm luôn. Bản thân em nhận thức được nhờ vào tìm hiểu và đọc tin, chứ ngày trước cũng không biết gì hết
-Võ Phương Thuận
Đài RFA cũng liên lạc và trao đổi với những bạn thanh niên là đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam vì chúng tôi cho rằng họ là những người trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị, và chúng tôi được cho biết qua sinh hoạt tại các chi bộ Đảng ở cơ quan, hay ở công ty quốc doanh thì họ tiếp cận những chủ trương, định hướng về chính trị-xã hội do từ trên đưa xuống. Một đảng viên nói với RFA:
“Văn bản của Đảng cấp trên gửi về thì đọc cho tất cả đảng viên nghe để biết. Còn để bàn luận nội dung trong cuộc họp chi bộ thì chủ yếu là tình hình hoạt động của tại đơn vị mình. Chỗ em là một cơ sở nhỏ thì thông báo về tình hình kinh tế-chính-trị xã hội của địa phương trong tỉnh. Thường họp chi bộ Đảng thì chỉ bàn về chuyên môn công việc mình làm thôi.”
Nữ đảng viên này cho biết thêm, các đảng viên phải chấp hành theo những thông báo từ trung ương và họ không không thể thảo luận hay đóng góp ý kiến về các vấn đề chính trị tại cấp cơ sở.
Bị cản trở vì tham gia
Trong khi không ít thanh niên tỏ ra bàng quan đối với tình hình chính trị tại Việt Nam, những bạn trẻ nhờ vào theo dõi, cập nhật thông tin qua báo đài và qua truyền thông mạng xã hội, nhiều bạn dần nhận thức được chính trị gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội như là giá cả hàng hóa leo thang, thuế má gia tăng, các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống, thực phẩm bẩn tràn lan, những dự án BOT quá nhiều bất cập hay nhân viên các cơ quan nhà nước lạm quyền…Những bạn trẻ này khi nhận thấy thông tin liên quan các vấn đề vừa nêu, thì các bạn nghĩ rằng họ phải có trách nhiệm chia sẻ những thông tin đó để nhiều người hơn nữa biết đến nhằm góp phần chung sức cải thiện những tiêu cực để xã hội được thay đổi tốt hơn. Thế nhưng, việc làm của các bạn gặp phải sự cản trở từ chính quyền.
Bạn Võ Phương Thuận, một nữ thanh niên thế hệ 8X thường xuyên chia sẻ thông tin mà bạn đọc và xem được trên báo chí, truyền thông chính thống của nhà nước lên tài khỏan Facebook của mình đã bị An ninh và Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Long An mời làm việc 8 lần. Bạn kể lại với RFA về nội dung các buổi làm việc:
“Họ nói mình lo làm ăn buôn bán, bớt quan tâm các vấn đề này chút xíu, và kêu em chuyển qua chia sẻ thông tin về làm từ thiện. Nói chung, họ yêu cầu như vậy. Nhưng em nói là những điều tốt thì tốt rồi, nên em chỉ muốn nói về những điều xấu còn tồn tại để sửa đổi được tốt hơn thôi. Em trả lời họ như thế.”
Không những vậy, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong những năm vừa qua, ngày càng có nhiều thanh niên bị bắt bớ, cầm tù với các bản án nặng nề khi họ cất lên tiếng nói phản biện ôn hòa về hiện tình quốc gia như Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc, Hoàng Đức Bình, Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh...Hay một trường hợp mới nhất, có thể kể đến là nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị câu lưu và thẩm vấn về quyển sách “Chính Trị Bình dân” của cô được xuất bản và lưu hành hồi năm ngoái.
Mong muốn gì?
Báo Thanh Niên Online dẫn lời của Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, Trưởng Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thanh niên đưa ra nhận định của ông tại Hội thảo về Luật Thanh Niên sửa đổi, do Ủy ban Quốc gia về Thanh niên và Trung ương Đoàn tổ chức vào chiều vào ngày 28 tháng 3 rằng sự tham gia của thanh niên Việt Nam vào đời sống chính trị vẫn còn hạn chế.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, anh Hùynh Chí Trung, một cựu đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam khẳng định Luật Thanh Niên ra đời hồi năm 2005, có những quy định liên quan đến đời sống chính trị của thanh niên nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Người cựu đảng viên này nêu lên ví dụ, Luật Thanh Niên quy định về lực lượng thanh niên là thanh phần xung kích trong an ninh quốc gia. Tuy nhiên, anh và các bạn trẻ đi thắp hương tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma lại bị cản trở, hay:
“Tôi muốn nói một điều nữa là Khoản 3, Điều 12, Chương 2 trong Luật Thanh Niên đề cập đến bảo vệ môi trường. Tôi nói rõ ràng Formosa là họ hủy hoại môi trường Việt Nam, nhưng các trường đại học ở Việt Nam ra văn bản cấm sinh viên đi biểu tình, cấm thanh niên bày tỏ nguyện vọng chính đáng hợp pháp của họ, nếu sinh viên đi biểu tình sẽ bị đuổi học. Trong Hiến pháp 2013, Điều 25 quy định công dân được phép lập hội, được phép biểu tình, nhưng thực tế không xảy ra như vậy.”
Khoản 3, Điều 12, Chương 2 trong Luật Thanh Niên đề cập đến bảo vệ môi trường. Tôi nói rõ ràng Formosa là họ hủy hoại môi trường Việt Nam, nhưng các trường đại học ở Việt Nam ra văn bản cấm sinh viên đi biểu tình, cấm thanh niên bày tỏ nguyện vọng chính đáng hợp pháp của họ, nếu sinh viên đi biểu tình sẽ bị đuổi học. Trong Hiến pháp 2013, Điều 25 quy định công dân được phép lập hội, được phép biểu tình, nhưng thực tế không xảy ra như vậy
-Huỳnh Chí Trung
Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu và Nhóm nghiên cứu của Viện Thanh Niên, tại buổi Hội thảo về Luật Thanh Niên sửa đổi, đưa ra đề xuất mục tiêu hàng đầu của Bộ luật này cần phải được tiếp cận theo hướng phát triển thanh niên cùng với xu thế chung toàn cầu. Còn nguyện vọng của thanh niên về Luật Thanh Niên sửa đổi sẽ như thế nào? Các bạn bày tỏ với RFA:
“Em nghĩ Nhà nước nên hỗ trợ cho sinh viên những cơ hội để được tiếp xúc, học hỏi và giao lưu với tri thức toàn cầu.”
“Theo em thì hỗ trợ về pháp luật, như những thông tin pháp luật cần thiết để người ta có trang bị đầy đủ giúp thanh niên có thể bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ khi hòa nhập vào đời sống xã hội và có thể hỗ trợ thêm trong tư vấn, định hướng tương lai.”
“Theo tôi nếu có ra Luật Sửa đổi Thanh Niên thì điều cốt yếu nhất là thanh niên phải được tiếp cận thông tin một cách trung thực, khách quan, không được bóp méo, không được che đậy, không được định hướng. Thanh niên là sức mạnh quốc gia, từ đó thì thanh niên mới đóng góp sức mình cho quốc gia được.”
Đài Á Châu Tự Do cũng được nghe một số bạn trẻ nói rằng họ không hề biết có sự tồn tại của đạo luật về thanh niên ở Việt Nam, nên đạo luật này sửa đổi ra sao thì đã có “Đảng và Nhà nước lo”.
No comments:
Post a Comment