HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Hội nghề cá Việt Nam” đề nghị nhà cầm quyền trung ương đưa “lực lượng tàu chấp pháp” tăng cường bảo vệ ngư dân trên các vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Trong văn thư đề ngày 23 Tháng Ba, 2018, do ông phó chủ tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Nghề Cá Việt Nam ký tên gửi “Văn Phòng Chính Phủ” tức gửi ông thủ tướng, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Ngoại Giao và Ban Đối Ngoại Trung Ương của đảng CSVN, ông Phạm Anh Tuấn kêu gọi nhà cầm quyền có các biện pháp bảo vệ ngư dân trước lệnh cấm đánh cá hàng năm trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh cá trên Biển Đông, kéo dài xuống tới vĩ tuyến 12, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Năm, 2018, đến hết ngày 16 Tháng Tám, 2018, bất chấp lệnh cấm vi phạm chủ quyền biển đảo của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
Hội Nghề Cá Trung Ương Việt Nam “đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu sớm ngăn chặn để chấm dứt hành động trên của Trung Quốc, cần thường xuyên có lực lượng tàu chấp pháp trên biển để tăng cường công tác bảo vệ ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam,” văn thư của Hội Nghề Cá Trung Ương Việt Nam viết.
Từ trước tới giờ, người ta chỉ thấy Hà Nội lên tiếng phản đối suông lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao CSVN cũng thường tuyên bố chủ quyền quốc gia “không thể tranh cãi” đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tuy nhiên, cho các “tàu chấp pháp” tức Cảnh Sát Biển và Tàu Kiểm Ngư bảo vệ ngư dân ở những vùng biển “nhạy cảm” như quanh quần đảo Hoàng Sa, hoặc gần các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa là hoàn toàn không có.
Bởi vậy, người ta luôn luôn thấy báo chí trong nước loan tin các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm, ngư dân bị đánh đập gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tàu nào không bị đâm chìm thì bị đâm hư hại, sản vật đánh được bị cướp, ngư cụ, máy móc bị đập phá, lưới bị cắt, thiệt hại vô cùng lớn. Không bao giờ thấy có bóng dáng của các “tàu chấp pháp” của Việt Nam đâu cả.
Lời đề nghị của Hội Nghề Cá Việt Nam liệu có được nhà cầm quyền CSVN thi hành hay không, không mấy ai tin đây là câu hỏi sẽ có câu trả lời.
Chỉ nội trong Tháng Ba 2018, đã có 3 tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Có tờ báo như tờ Tuổi Trẻ nói tàu tấn công là tàu Trung Quốc nêu rõ số hiệu, còn tờ Thanh Niên chỉ giám gọi là “tàu lạ.”
Theo báo chí trong nước, ngày 22 Tháng Ba, 2018, tàu cá QNg 90440 TS và QNg 90045 TS của ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi đang núp gió ở đảo Đá Lồi, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị tàu tuần Trung Quốc sơn màu trắng số hiệu 46016 và 45103 “tấn công đâm va.” Hải sản bị cướp sạch trong khi ngư cụ và trang bị hải hành bị đập phá hay lấy đi, gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
Trước đó, ngày 18 Tháng Ba, 2018, tàu cá mang số hiệu QNa 90822, của ông Nguyễn Tuấn Sơn (ngụ tại xã Tam Quan, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) khi đang hành nghề lưới cản ở tọa độ 16 độ vĩ bắc và 111 độ kinh Đông thì bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Họ dùng súng khống chế ngư dân, cắt phá lưới, ngư cụ và lấy đi 2 bình ắc quy.
Ngày 22 Tháng Ba, 2018, Bộ Ngoại Giao CSVN cho phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng “phản đối và kiên quyết bác bỏ” việc Trung Quốc đơn phương áp dụng “quy chế mới nghỉ đánh bắt cá trên biển.”
Tờ Pháp Luật dẫn lời bà Hằng: “Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982; đi ngược lại tinh thần và lời văn của tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông. Vi phạm thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển.”
Bà Lê Thị Thu Hằng chỉ lập lại những lời tuyên bố suông suốt nhiều năm qua của chế độ Hà Nội và ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị tàu tuần Trung Quốc tấn công, không thấy bóng dáng của các “tàu chấp pháp trên biển” của Việt Nam. (TN)
No comments:
Post a Comment