Tuesday, February 6, 2018

Mậu Thân - Huế 1968: Đôi điều với ông Bùi Tín

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Năm mươi năm của biến cố tết Mậu Thân 1968 đã trôi qua, một thời khoảng thời gian có lẻ cũng đủ dài, để làm nên chuyện như người xưa thường ẩn dụ, ví von vật đổi sao dời, hay bãi biển nương dâu, nhưng trong ký ức mọi người con dân xứ Huế, vết đau trong những ngày đầu xuân lịch sử vẫn còn nguyên vẹn, âm ỷ, mãi mãi không nguôi.

Người dân Huế vẫn còn bàng hoàng, mỗi khi nhớ lại, giữa thời điểm giao thừa của tết cổ truyền dân tộc, Hà Nội đã trơ tráo dẫm bước chân dép râu lên thỏa thuận hưu chiến, đồng loạt nổ súng nhiều nơi trên toàn miền nam, đem chiến tranh vào đô thành, nội thị, trong cái gọi là cuộc tổng tấn công và nổi dậy – một chiến dịch tấn công quân sự có quy mô lớn nhất, rộng khắp nhất trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam nhằm đánh cho Mỹ cút và quyết tâm xóa sổ cho xong chính phủ VNCH và QLVNCH.

Người dân Huế, cũng như toàn khối dân chúng miền nam Việt Nam, khi mới nghe những tiếng nỗ của chết chóc, cứ ngỡ đó là các tiếng pháo mừng xuân, để rồi sau đó không lâu buộc phải kinh hoàng đón nhận một biến cố tang thương, do chính người cộng sản Việt Nam chủ mưu và thực hiện, phủ chụp lên mọi gia đình, mọi người, không chừa một ai, các vệt khứa tóe máu hằn sâu vào tâm hồn, một đại dương nước mắt thấm vào lịch sử, bởi dù đã qua đi một nữa thế kỷ, những xác lương dân vô tội dù đã mục rã, nhưng các oan hồn xứ Huế vẫn còn cứ lang thang, lẩn khuất đâu đó trong cái se lạnh của những tháng giêng hai.

Với người dân Huế, biến cố Mậu Thân 1968 bên cạnh việc đó là một trận đánh lớn, dai dẳng kéo dài đến 26 ngày, đầy rẫy đổ nát và chết chóc của hai phía lâm chiến, còn là một chiến dịch khủng bố, tàn sát tàn bạo của Hà Nội nhắm vào mọi thường dân sống trong… vùng tề, ngụy kiểm soát, với một quy mô lớn chưa từng có trong nhiều năm chiến tranh liên miên, gồm 4.000 đến hơn 6.000 lương dân vô tội, phải bỏ mạng theo các kiểu hành hình, giết người man rợ, như đập đầu bằng cuốc, chôn sống, xảy ra trong nội thị, ven ngoại thành và rải dài theo bước chân tháo chạy của người lính quân đội nhân dân?!

Trong phạm vi bài viết ngắn này, trước hết vừa như là một nén hương tưởng niệm các oan hồn xứ Huế, đã phải vĩnh viễn nằm xuống bởi sự cuồng tín, khát máu, vô luân của cộng sản Hà Nội, đồng thời cũng không mang tính phân tích, tranh luận thắng, thua của hai phía lâm chiến vì sự việc đã trở nên quá rõ sau 50 năm, mà chỉ muốn có đôi điều nói với ông Bùi Tín, sau khi đã đọc được bài viết Tướng Giáp: Vụ Mậu Thân thiếu cân nhắc và đánh ẩu, do ông phổ biến trên diễn đàn tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 3/2/2018 và chỉ gói gọn trong vấn đề vướng mắc của hậu Mậu Thân tại Huế là những cuộc thảm sát thường dân là có thật? quy mô? nguyên nhân? do ông nêu lên và do ai quyết định? là ý kiến giải đáp của tôi.

Như Bùi Tín viết, dùng ngoa ngôn, xảo trá là cái nghề truyền thống của đảng ta, thì hình như cựu đại tá quân đội nhân dân, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân tiếng nói trung ương của đảng và là kẻ ăn cơm cộng sản mòn răng, để hoạt động chính thức trong nghề tuyên truyền cho đảng cộng sản từ năm 1945 đến 1990 và nay được phép ăn bánh mì baguette, uống rượu Bordeaux tại Paris, khoác áo bất đồng chính kiến cuội với chế độ Hà Nội, để tiếp tục phục vụ cho phe cộng sản của ông ta, theo phương châm miễn cưỡng công nhận những điều sai lầm, các tai họa mà đảng và những lãnh tụ của đảng đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, nay quá lộ liễu không còn có thể che giấu được nữa, nỗ lực đánh tráo bản chất các sự việc đang còn nghi vấn, tranh luận và tích cực đánh bóng một số nhân vật lãnh đạo cộng sản còn tương đối sáng giá, hay còn an toàn sau tấm màn tuyên truyền, nhằm mục đích sau cùng là tạo ra được thứ kết luận mù lòa rằng tuy có một số cán bộ, đảng viên, lãnh tụ đảng thoái hóa, biến chất, bất tài, phe cánh, thậm chí là tàn ác, nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn có công lớn với đất nước, nếu loại trừ xong các phần tử bất hảo, cơ hội nói trên, đảng vẫn tốt và vẫn xứng đáng để lãnh đạo đất nước…. do quá tận tâm, trung thành bám sát chỉ tiêu định hướng đảng giao phó, nên đã quên sờ tay ra sau gáy khi viết và lách để minh oan cho Hồ chí Minh, cho Võ nguyên Giáp và lập lờ đánh tráo mọi giá trị tố cáo từ các sự thật đã diễn ra tại Huế trong tết Mậu Thân 1968. 

Bùi Tín vẫn giữ nguyên tắc viết nguyền rủa các cấp chủ chiến Hà Nội đã đem con bỏ chợ, coi thường những cái chết oan uổng của người lính sinh bắc tử nam, bị phơi đầy trên các đường phố cố đô, đồng thời vẫn lớn tiếng phủ nhận mọi trách nhiệm của bộ sậu lãnh đạo Hà Nội, trước cái chết oan khuất của hàng ngàn lương dân tại Huế. 

Bùi Tín viết…. "Có thể nói sự kiện Mậu Thân là tiêu biểu cho thái độ vô trách nhiệm, không coi trọng sinh mạng người lính, những sinh mạng trẻ đầy sức sống là vốn phát triển lâu dài, quý báu nhất của dân tộc, theo kiểu tiến công biển người của học thuyết quân sự Mao trạch Đông và Lâm Bưu, từng hy sinh hàng triệu quân nhân ở chiến trường Triều Tiên mà không một chút tính toán…" Bùi Tín khóc thương cho những kẻ thủ ác trực tiếp đã phải đền mạng, ca ngợi vinh danh bắc quân là vốn quý của dân tộc? để trách móc sự vô luân của chiến thuật biển người, trút tội cho Mao và Lâm Bưu, trong khi người có trọng trách không khác chi những chính ủy trong tổ chức quân đội cộng sản Việt Nam lại giả dại, ngây thơ, vờ vịt, không biết đây là chủ trương phải giành lấy ưu thế chiến trường ngay từ đầu, qua lối đánh lấy thịt đè người, luôn được các cấp chỉ huy quân sự cộng sản của Hà Nội ưa thích, áp dụng trong hầu hết mọi trận đánh lớn trong chiến tranh Việt Nam. 

Bùi Tín viết… "Việc hoạch định kế hoạch của đòn chiến lược này không được thảo luận kỷ tại bộ chính trị, không có sự tham gia của ông Hồ chí Minh và ông Võ nguyên Giáp, nhóm lãnh đạo hiếu chiến mù quáng, kiêu ngạo và đại chủ quan gồm có Lê Duẩn, Lê đức Thọ, Nguyễn chí Thanh, Phạm Hùng, Văn tiến Dũng, đã lên phương án tiến công bí mật. Họ vin cớ ông Hồ cao tuổi, ốm yếu, mất ngũ, không nên để ông Hồ bận tâm, xin để bác sang Bắc Kinh tĩnh dưỡng, bác làm cho bài thơ cổ động chiến sĩ là quá tốt rồi, đại thể là thế. Họ cũng bày chuyện để ông Giáp khẩn cấp sang Hungary mổ túi mật bị viêm và an dưỡng luôn bên đó…" Bùi Tín có cả một quá trình đảng viên cộng sản dài hơn 40 năm, từng có 37 năm mặc áo lính chính trị bắc quân, giữ nhiều trọng trách của đảng giao phó, lại làm như không biết tới nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong nội bộ thượng tầng của đảng cộng sản Việt Nam. Thực tế là trong trận đánh tết Mậu Thân, Hồ chí Minh ở Bắc Kinh, Võ nguyên Giáp ở Budapest, nhưng không có nghĩa là hai lãnh tụ này đã hết quyền lãnh đạo, là bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đến nỗi không có được một phương tiện kỹ thuật truyền tin đơn giản nhất trong thế kỷ 20 là một cuộc gọi điện thoại hữu tuyến, hay một bản tin, hoặc một lệnh truyền qua hệ thống siêu tần số?

Bùi Tín phải thừa nhận việc thảm sát tại Huế là có thật, vì không một ai có thể phủ nhận được sự thật từ những thước phim ghi lại đoạn trường người thị dân Huế đi tìm, đào bới các hố chôn người tập thể, tổ chức nhận diện, cải táng cho những bộ xương lớn, nhỏ tuy đã không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn đang còn bị xâu, cột lại bởi đủ loại dây trói buộc. Nhưng có hai điều Bùi Tín cần phải cố gắng tráo trở, trong nỗ lực làm giảm nhẹ tội ác cho lãnh tụ đảng, nên phải lưu manh đánh lận bản chất sự việc, lu loa đổ tội cho cấp thừa hành và chối bay, chối biếng mọi đầu mối sát nhân đồng quy về bắc bộ phủ.

Điều thứ nhất, Bùi Tín viết… Khi chuẩn bị chiến dịch đã có văn bản phổ biến cho mọi người là Thừa Thiên – Huế là một địa bàn chính trị hiểm yếu bậc nhất, trong đó có rất nhiều Việt gian phản động, nhiều ác ôn, ác bá, địa chủ phong kiến thuộc giòng Tôn Thất, Ưng, Bửu, Vĩnh của vua Bảo Đại, có rất nhiều đảng viên Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu, rất nhiều tay sai ác ôn của Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa miền Trung khét tiếng chống cộng. Tiến công quân sự đi cùng quét sạch bọn phản động Việt gian.…..Dã tâm của Bùi Tín là dùng một phương pháp chụp mũ nạn nhân điển hình, rất phổ biến dưới chế độ cộng sản, để phủi tay sạch sẽ hết mọi tội lỗi theo một cách hết sức nhẹ nhàng khi giết người của mọi đảng cộng sản, bằng cách nêu lên một chứng cớ kết tội của cách mạng (?) đối với tất cả mọi nạn nhân không đứng về phe với đảng, hoặc chịu phục tùng đảng, thì chúng nó đích thị là Việt gian, là Hán gian, là Nga gian, là kẻ thù của nhân dân (?), mà thực chất chẳng khác lời ong óng buộc tội nạn nhân của Bùi Tín. Theo cách đó và với Bùi Tín, rõ ràng hàng ngàn thị dân Huế bị Hà Nội giết thảm, đều là kẻ thù của nhân dân, dù đó chỉ là anh sinh viên giòng Tôn Thất, ông thợ may làm liên gia trưởng trong xóm, anh phu xích lô thỉnh thoảng nghỉ đạp xe, vác cái loa thiếc đi quanh vài nơi, đọc oang oang những tin tức cấp phường, khóm muốn thông báo đến cộng đồng, hay là chú tài xế xe đò đôi khi muốn cho mau xong việc đã nhảy ra giúp làm thư ký trong vài buổi họp khóm, phường…Quan trọng nhất chỉ cần phải quy cho bằng được tất cả đều là bọn phản động. 

Điều thứ hai, Bùi Tín viết… "Không có lệnh nào từ bộ chính trị, trung ương, quân ủy, hay bộ quốc phòng như có người khẳng định là có lệnh diệt chủng (…). Do lệnh như thế (tức phải tiêu diệt Việt gian) nên mỗi ngày một có nhiều tù binh quân nhân và thường dân là các viên chức cấp thôn xã, quận huyện, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên. Một số tù binh quan trọng được đưa lên núi, còn các đơn vị đều có một số nhiều, ít tù binh bị trói tay đi theo cuộc hành quân. Có đại đội có vài chục tù binh phải giữ, mỗi tiểu đoàn có hàng trăm và mỗi trung đoàn hàng ngàn tù binh. Khi di chuyển thật là gánh nặng cho đơn vị. Sau hai tuần tiến công, quân Mỹ mở cuộc phản công lớn của hải quân lục chiến, với hàng trăm cuộc ném bom, hàng vạn trái pháo từ các tàu hải quân Mỹ từ ngoài biển bắn vào. Hàng ngũ quân giải phóng bị tổn thất ngày càng lớn, phải mang theo nhiều thương binh. Từ ngày 15 âm lịch, có lệnh tất cả rút lui gấp lên vùng núi căn cứ cũ, bảo toàn lực lượng, nhưng kèm theo một nghiêm lệnh nữa là phải đưa tù binh thẹo không được để xổng vì sẽ làm lộ nơi hành quân rất tai hại cho an toàn. Các cán bộ cơ sở bị đặt trong tình hình gay gắt. Làm sao hành quân được nhanh, gọn, an toàn với hàng ngàn thương binh cáng theo mà không được để xổng tù binh, khi không còn người để canh giữ. Các chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn bị dồn đến thế cùng, nảy ra giải pháp bất đắc dỉ là thủ tiêu. Môi trường là chiến tranh, là chết chóc, là máu lửa. Thế là tù binh bị chôn sống…" Thật không có gì dễ dàng và gọn gàng hơn, bởi chúng nó là tù binh và bởi đang lúc thập phần khó khăn giữa chiến trường máu lửa. 

Bùi Tín là ai? một nông dân quanh năm chỉ biết con gà, miếng ruộng? một anh lính trơn chỉ biết nhận lệnh dùng cuốc bổ vào đầu người khác là thi hành? hay Bùi Tín là một đảng viên cộng sản thâm niên?, một đại tá quân đội?, một chính ủy có trọng trách định hướng, hun lửa căm thù cho cán binh bắc quân?

Là một đảng viên cộng sản trung cao thâm niên, Bùi Tín không thể nào không biết được thủ đoạn chùi sạch mọi dấu vết của các lãnh tụ cộng sản, khi rất ưa chuộng cung cách cai trị qua các khẩu lệnh bí mật, vô tang, vô tích, vô bằng chứng. Dù sau biến cố tết Mậu Thân đến hơn 40 năm, dù đã chiếm trọn và đã thiết lập xong sự cai trị độc tôn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, các lãnh tụ cộng sản Việt Nam vẫn còn giữ nguyên bản chất vô pháp của những băng, nhóm, phe, đảng khai sinh từ rừng rú. Hãy nghe hai cán bộ đảng viên cộng sản nói... "Những chỉ thị nói bằng miệng, nên không có văn bản, không có người ký và không dựa trên bất kỳ một thứ văn bản pháp luật hiện hành nào (...). Thuộc tính của chỉ thị là tối mật không rõ của ai trong ban bí thư đảng đưa ra (...). Các bí thư đảng ủy cấp tỉnh, thành, cũng chỉ được giám đốc công an địa phương báo cáo miệng về việc có chỉ thị mật và từ đó đưa ra biện pháp thi hành... (Bùi Hoàng Tám, Ký giả CHXHCNVN, Bàng hoàng vì chỉ thị miệng, Báo Pháp luật số tháng 3/2008, Đoàn duy Thành, Bí thư thành ủy Hải Phòng, Làm người là khó, 8/2004)." Cần gì phải có văn bản để chịu sự lưu xú vạn niên. Một cú điện thoại lạnh lẽo, cộc lốc đến từ một nơi quyền uy sắt máu, sẽ là một kết thúc đau thương cho hàng ngàn sinh mạng vô tội. Xuất thân là tổng biên tập báo quân đội nhân dân, báo nhân dân, Bùi Tín chưa lần nào nhận được lệnh kiểm duyệt trá hình, không văn bản, chỉ qua điện thoai, dù chỉ để quyết định cho một bài viết vô tri hay sao?.

Là một người lính đã mang đến cấp bậc đại tá – dù là đại tá bắc quân, lẽ nào Bùi Tín lại không biết đến hệ thống quân giai và kỷ luật chặt chẽ của mọi tập thể quân đội. Không có lệnh từ trung ương, sẽ không một tay tư lệnh mặt trận nào dám tự cho mình có đủ thẩm quyền để quyết định sinh mạng của hàng ngàn tù binh, huống hồ đó chỉ là thứ cán bộ chỉ huy đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn. Hơn nữa những nạn nhân thị dân Huế đã bị cán binh cộng sản đập đầu, chôn sống – nói theo Hoàng Phủ Ngọc Tường là những con rấn độc cần phải trừng trị bằng bạo lực cách mạng, không chỉ xảy ra sau khi Hà Nội tiêu tan ảo vọng tổng tấn công, tổng nổi dậy, mà đã xảy ra ngay sau khi bắc quân mới vừa kiểm soát được một phần thị xã Huế trong ít ngày đầu chiến sự. Những người bị lùng giết tại nhà, bị giết trên đường phố, bị tuyên án và bị chôn sống sau các phiên tòa nhân dân thô bỉ, khát máu ở Gia Hội, ở Bải Dâu, trong sân chùa Therevada, ở Cồn Hến, hoàn toàn không phải là số ít, cũng không phải bị giết vì tư thù, tư oán, mâu thuẫn cá nhân, mà đều là những cái chết theo danh sách và vì một chính sách vạch sẳn trước đó. Khi Bùi Tín viết có một số tù binh quan trọng được dẫn giải lên núi, thì phải hiểu đó là cách nói khác của việc đẩy xuống hố những nhóm thường dân bị trói quặt vào nhau và lấp đất chôn sống. Tất cả mọi nạn nhân đều giống nhau khi thọ hình, đều phải chịu chung một hoàn cảnh phải chết trong đau đớn, kinh hoàng, không khác những thi thể nạn nhân khai quật sau đó vài tháng ở Phú Thứ, hay bị phát giác tại khe Đá Mài. 

Tóm lại, trước hiện trạng bị đánh trả vỗ mặt khắp mọi nơi, cũng như phải gánh chịu các tổn thất quá lớn, bị bỉ mặt vì hy vọng nhân dân vùng địch…. tạm chiếm sẽ nổi dậy theo đảng, theo cách mạng, hoàn toàn không xảy ra như mong đợi và mọi hang ổ nằm vùng, chứa chấp để hoạt động phá hoại nội thành, nội thị được đảng gầy dựng khó nhọc trong bao nhiêu năm, bỗng chốc tiêu tan, lộ diện ra hết trong một canh bạc xả láng, quá lớn, vì say men sẽ nắm chắc phần thắng, nên bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội với 13 lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Hoan, Văn Tiến Dũng và Trần Quốc Hoàn, chỉ còn nung nấu duy nhất một ý định trả thù, nhằm vớt vát và ve vuốt sự kiêu ngạo cộng sản vốn có bản thân họ. Chính 13 đảng viên lãnh tụ cộng sản này mới là những đồ tể tàn bạo nhất, khi quyết định giết chết gần 7.000 sinh linh thị dân Huế đang bị cộng sản bắt giữ làm tù binh (?).

Giết người vô tội đã là một trọng tội. Phủi tay chối bỏ trách nhiệm, hay phụ họa góp sức để bào chữa, cố che giấu tội ác cho những kẻ đầu têu đã gây ra cái chết cho hàng ngàn người vô tội, không những là trọng tội mà còn là một đại tội ác. Bùi Tín với lớp tuổi đã đặt một chân vào huyệt mộ, không nên đải bôi, miệng lưỡi tuyên giáo, khi kêu gọi chính phủ cộng sản Việt Nam phải tổ chức tưởng niệm, cầu siêu và sám hối nhân kỷ niệm (?) 50 năm sự kiện Mậu Thân, hãy nhớ lấy quỹ thời gian của ông rất ngắn và kẻ đầu tiên phải xếp hàng sám hối chính là Bùi Tín.

02/2018.

No comments:

Post a Comment