HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngân sách ngày một thâm thủng nhiều hơn, nhà cầm quyền CSVN dự tính tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, ảnh hưởng đè nặng lên cả xã hội nên giới chuyên viên đả kích sự bất hợp lý.
Tuần lễ vừa qua, Bộ Tài Chính CSVN “lấy ý kiến” cho “dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu” để xin Quốc Hội biểu quyết. Nếu được thông qua, từ ngày 1 Tháng Bảy, 2018, thuế “bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1,000 đồng, lên mức kịch khung 4,000 đồng/lít; với dầu diesel là 2,000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên mức kịch khung 2,000 đồng/lít (kg).”
Một số báo tại Việt Nam đưa tin này dẫn lý do được Bộ Tài Chính đưa ra là “thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận” nên nhà cầm quyền cần “tăng nguồn thu,”,theo bản tin của đài VOV.
Hiện nay các khoản “thuế và phí” đánh trên xăng dầu tại Việt Nam đã chiếm khoảng 50% trong giá mỗi lít xăng. “Theo thống kê, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8,500 đồng/lít xăng.” VOV nói rằng: “Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.”
Trên tờ Đất Việt hôm Thứ Hai, 26 Tháng Hai, 2018, ông Đặng Đình Đào, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Phát Triển ở Hà Nội cho rằng: “Bộ Tài Chính đưa ra lý do tăng thuế môi trường áp vào giá xăng, dầu vào thời điểm rất không hợp lý với lý do cũng rất không phù hợp.”
“Doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu quá nhiều vật cản. Cải cách được hành chính thì giờ lại tăng thuế xăng, dầu. Vòng xoáy thuế đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời kỳ cần phải đẩy mạnh năng lực doanh nghiệp nói chung thì động thái tăng thuế này là chưa phù hợp. Chưa kể, việc thất thu thuế từ thực hiện cam kết quốc tế lại bù đắp bằng khoản tiền thuế từ người dân cũng lại là cách làm chưa phù hợp,” ông Đào nói trên tờ Đất Việt.
Ông Đào nêu ra sự “khập khiễng” của Bộ Tài Chính CSVN khi so sánh giá xăng ở Việt Nam với khu vực. Theo ông, lợi tức đầu người Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác ở khu vực. Một chuyên viên cũng cho rằng giá xăng tại Malaysia thấp hơn tại Việt Nam dù lợi tức đầu người của Malaysia gần gấp 4 lần người Việt Nam.
Trên một số báo khác của tờ Đất Việt, ông Nguyễn Đức Thành, biện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách trường Đại Học Kinh Tế-Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: “Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép, do là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể ‘sống’ được.”
Khi tăng thuế trên xăng dầu, tất cả mọi loại dịch vụ, hàng hóa và sản phảm sản xuất đều bị ảnh hưởng theo từ quả trứng, mớ rau, giá chuyên chở vận tải nhất nhất đều ào ạt lên giá.
“Lo lắng không biết còn chịu đựng được nữa không.” Một độc giả viết bình luận sau bản tin của tờ Tuổi Trẻ.
Theo bản tin của VietNamNet hôm Chủ Nhật, căn cứ theo các con số thống kê do Bộ Tài Chính công bố, trong tổng số 42,300 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường thu được năm 2016, ngân sách của chế độ “đã chi khoảng 12,290 tỷ đồng” cho nhu cầu “bảo vệ môi trường” chỉ chiếm 1% tổng chi ngân sách. Số tiền còn lại hiển nhiên được dùng để nuôi guồng máy đảng và nhà nước.
Giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên “chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9,000 tỷ đồng, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12,290 tỷ đồng, tăng hơn 3,000 tỷ đồng,” theo VietNamNet.
Như vậy tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ là cái vỏ bọc để chế độ bắt dân è cổ cõng thêm thuế để nuôi chế độ, không phải vì gia tăng bảo vệ môi trường.
Tờ Đất Việt dẫn lời ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, “lý do (tăng thuế môi trường trên xăng dầu) mà Bộ Tài Chính đưa ra lần này là không thuyết phục.” (TN)
No comments:
Post a Comment