Wednesday, February 28, 2018

Đất đai mãi là vấn đề nhức nhối trong xã hội chủ nghĩa

RFA- 2018-02-28  
Nông dân nghèo mất ruộng ở Việt Nam biểu tình đòi đất vì không được bồi thường thỏa đáng.
 Nông dân nghèo mất ruộng ở Việt Nam biểu tình đòi đất vì không được bồi thường thỏa đáng.  Reuters
Trong năm 2017 vừa qua, đất đai vẫn là một trong những vẫn đề nhạy cảm, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp và chính quyền, dẫn đến nhiều sự việc đáng quan ngại điển hình như vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cho đến nay số lượng vụ việc khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng thêm.

Người dân khó khăn vì chính sách đất đai

Trước khi bị thu hồi 300 ha đất nông nghiệp vào năm 2010, người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội  có cuộc sống ổn định, ấm no với nghề nông nghiệp truyền thống nhiều đời.
Theo ông Trịnh Bá Phương - một người kiên trì chống lại việc cưỡng chế đất đai tại Dương Nội, từ sau khi mất đất, những người nông dân này mất đi tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, mà không có nghề nghiệp thay thế dẫn tới sinh kế bị đảo lộn, đời sống trở nên khó khăn và tệ nạn xã hội tăng lên.
Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại.
- Anh Trịnh Bá Phương
"Thì độ tuổi lao động đó, đến nay chính quyền và doanh nghiệp chỉ bố trí công ăn việc làm được cho 26 người, còn lại là thất nghiệp hết. Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại. Sau khi làm ăn thì thua lỗ. Đầu tư xe cộ cũng thua lỗ nặng nề. Còn một số nhà thì họ nhận một chút tiền đền bù thì họ chỉ xây nhà, mua được cái xe thì hết sạch. Đến nay họ rơi vào cảnh sống rất khó khăn."
Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, phần đất bị thu hồi đã được xây dựng thành nhà ở liền kề, chung cư, đường xá chiếm phần nhỏ, và phần lớn là bỏ hoang, không sử dụng đến. Đây là một nghịch lý: người cần đất sản xuất thì không có, người được giao đất thì để hoang hóa bởi không bán được bất động sản.
Trái lại, trường hợp ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, kể từ sau vụ việc trấn động cả nước với tiếng súng hoa cải giữ đất tháng 1/2012, mảnh đất của ông nay đã được giao lại, không bị thu hồi, và được tiếp tục sử dụng từ đó đến nay. Sau khi mãn tù vào tháng 9/2015, gia đình ông Vươn đã tiếp tục triển khai những ý tưởng sản xuất, kinh doanh và quai đê lấn biển.
"Sau khi sự kiện năm 2012 xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương đã giao lại toàn bộ đất cho gia đình tôi. Nhưng mà để làm thủ tục (sử dụng) ổn định, lâu dài thì đang vướng vấn đề quy hoạch của Sân bay quốc tế phía Bắc. Cho nên bây giờ, không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo. Rất là lãng phí cho đồng vốn, không những tôi mà bà con Tiên Lãng đã bỏ ra đầu tư."
Tác động nhãn tiền về kinh doanh mà ông Vươn đang hứng chịu là những quả trứng vịt biển của ông đang gặp khó khăn trong thủ tục hành chính vì đất đai bị quy hoạch treo, dẫn đến hệ quả không thể được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Chính dự án Cảng hàng không quốc tế phía Bắc được phê duyệt dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đến sự việc gia đình ông Vươn bị cưỡng chế đất năm 2012. Hiện gia đình ông Vươn và người dân Tiên Lãng chưa biết tương lai mảnh đất họ đang sử dụng sẽ thế nào, khi thời hạn sử dụng đã hết và không được giao lại.

Sự phản kháng của người dân

Trường hợp ở Dương Nội từ năm 2010 đến nay và Tiên Lãng năm 2012 hay xã Đồng Tâm năm 2017 hoặc nhiều câu chuyện đất đai khác đều có điểm chung là người dân đã cương quyết phản kháng, chống lại việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bằng bạo lực.
Không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo.
- Ông Đoàn Văn Vươn
Tháng 10/2016, 30 nhân viên Công ty Long Sơn đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, dẫn đến việc các hộ gia đình này phản kháng lại bằng súng, gây nên hậu quả 3 người chết và13 người bị thương - đều là nhân viên công ty Long Sơn. Đây có thể nói là vụ việc cưỡng chế gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất về nhân mạng.
Và sau đó chính người bị hại là ông Đặng Văn Hiến lại bị mức án tử hình với cùng tội danh "giết người". Về phía công ty Long Sơn một số nhân viên tham gia chỉ bị tù vài năm với cùng tội danh "hủy hoại tài sản".
Người dân tại Đắc Nông, những người cùng cảnh ngộ với gia đình ông Hiến, cũng như giới quan tâm trong cả nước đã có những tiếng nói thể hiện sự bất bình về bản án này, đặc biệt là mức án tử hình đối với ông Hiến là quá nặng và Tòa án đã không xem xét vụ việc một cách toàn diện hơn.
Sự việc tại Đắc Nông được ông Trịnh Bá Phương cho là có nhiều điểm tương đồng với sự việc tại Dương Nội, nhất là sự phản kháng của người dân để bảo vệ đất đai, tài sản mà họ đã dày công vất vả gây dựng.
"Theo tôi, đó là sự phản kháng chính đáng của người dân khi bị dồn đến đường cùng. Khi mà đơn từ, thậm chí vụ của Đặng Văn Hiến đã lên đến ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo giải quyết. Thế nhưng họ đã trì trệ, các cơ quan, doanh nghiệp - công ty Long Sơn và chính quyền địa phương cấu kết với nhau, cố tình cướp đoạt đất đai, không giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Hiến, cũng như người dân tại Đắc Nông. Dẫn đến tình thế cuối cùng, ông Đặng Văn Hiến đã buộc phải nổ súng để bảo vệ cái mảnh đất của mình."
Ông Đoàn Văn Vươn đặt vấn đề về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sự việc của ông Đặng Văn Hiến.
"Nếu như mổ xẻ ra, chắc chắn phải có chính quyền đứng đằng sau. Bởi vì công ty này không thể nào có được những công cụ như khiên chống đạn - cái này chỉ được trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động, chống bạo động. Thế mà tại sao công ty này lại có để mà sử dụng cho việc tự động cưỡng chế, hủy hoại, chiếm đất của người dân. Qua thông tin, để mà mổ xẻ thì tôi thấy nó rất có vấn đề."

Mong muốn của người dân về đất đai

Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn
Theo Hiến pháp Việt Nam, đất đai thuộc "sở hữu toàn dân", do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và khi cần sử dụng nhằm mục đích “phát triển kinh tế - xã hội” thì luật cho phép chính quyền được thu hồi để giao cho doanh nghiệp.
Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn
Theo ông Đoàn Văn Vươn, chế định về sở hữu đất đai như vậy chính là mầm mống dẫn đến hệ lụy tham nhũng, khiếu kiện kéo dài, bất công trong lĩnh vực đất đai, kéo theo sự kìm hãm phát triển xã hội.
"Vì đa sở hữu thì đất của tư nhân thuộc tư nhân, của nhà nước thuộc nhà nước, của ai thuộc người ấy, rất rõ ràng. Chứ không thể có một khái niệm mù mờ (sở hữu toàn dân) như thế này. Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy, mâu thuẫn và đỉnh điểm đã xảy ra như vụ việc nhà tôi, hoặc Đắc Nông, hoặc Đồng Tâm, hoặc còn nhiều nơi khác. Một điều không đáng có."
Chung quan điểm với ông Vươn, ông Trịnh Bá Phương cũng mong mỏi quyền sở hữu đất đai của người dân phải được tôn trọng, khi doanh nghiệp hay chính quyền muốn lấy đất thì phải thương lượng giá cả với người dân theo cơ chế thị trường, chứ không thể là sự áp giá bất công như hiện nay.

Một hoàng đế Cộng sản?

Nguyễn Xuân Nghĩa 
Theo RFA- 02-28-2018  
Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông
Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông AFP
Tuần này, Hội nghị Kỳ Ba của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc có phiên họp bất thường từ ngày 26 tới 28 để lập tức thông báo từ hôm Chủ Nhật 25 việc tu chỉnh Điều lệ Đảng và Hiến pháp nhằm mở rộng hạn kỳ lãnh đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch quá hai nhiệm kỳ 10 năm. lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc. Sau Đại hội đảng của Khóa 19 vào Tháng 10 năm ngoái, người ta không ngạc nhiên về việc Tổng Bí Thư Tập Cận Bình ra sức thâu tóm quyền lực, nhưng sự kiện mới công bố về kỳ hạn lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc gia khác. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về biến cố này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, quý thính giả của chúng ta cùng Nguyên Lam mong là ông đã bình phục sau nhiều tuần chuẩn bị Hội Xuân Mậu Tuất cho Quận Cam tại miền Nam California và kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho biến cố vừa xảy ra tại Bắc Kinh khi ông Tập Cận Bình có thể làm Chủ tịch Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ 10 năm như các vị tiền nhiệm trước đây. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta khởi sự từ bối cảnh trước. Thông thường, đảng Cộng Sản Trung Quốc có khóa họp năm năm tổ chức một lần vào mùa Thu và mất cả năm chuẩn bị để hơn hai ngàn đại biểu thay mặt gần 90 triệu đảng viên trên toàn quốc bầu lên một Ban Chấp Hành Trung Ương có hơn 200 Ủy viên chính thức và chừng 170 ủy viên dự khuyết. Tới cuối khóa họp thì Ban Chấp Hành Trung Ương có kỳ họp đầu tiên để thông báo kết quả họp hành thật ra được Bộ Chính Trị gồm mấy chục Ủy viên soạn trước theo nguyên tắc gọi là “dân chủ tập trung”. Nôm na là một đảng độc quyền có thể bầu lên một Ban Chấp Hành Trung Ương vài trăm người và Ban Chấp Hành đề cử 25 Uỷ viên Bộ Chính Trị và bảy hay chín người trong cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ Chính Trị để quyết định thay cho gần một tỷ 400 triệu người dân. Trên cùng là Tổng Bí Thư đảng sẽ lãnh đạo Nhà nước, Quân đội và các cơ chế kỷ luật nhuốm mùi pháp luật.
- Thứ nữa, đầu năm sau Đại hội đảng Khóa 19, Ban Chấp Hành Trung Ương họp kỳ hai vào hai ngày 18-19 Tháng Giêng vừa qua để khai triển quyết định của đảng cho bộ máy nhà nước thi hành qua hai hội nghị hay “lưỡng hội” là Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội, và một cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay Chính Hiệp sẽ họp vào đầu Tháng Ba này. Điều bất thường là sau đó một tháng, Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 19 lại họp kỳ thứ ba để thông báo việc nới rộng thời hạn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình qua hai nhiệm kỳ năm năm.

Văn hóa chính trị Trung Quốc có thật sự bí hiểm?

Văn hóa chính trị Trung Quốc là sự bí hiểm gói kín trong bí mật nhưng thật ra vẫn chỉ là chuyện tranh đoạt quyền lực thôi. -Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, đấy là một bối cảnh mà ông gọi là bất thường. Theo ông nghĩ thì chuyện gì đã xảy ra trong nội tình lãnh đạo của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Văn hóa chính trị Trung Quốc là sự bí hiểm gói kín trong bí mật nhưng thật ra vẫn chỉ là chuyện tranh đoạt quyền lực thôi. Thông thường thì Ban Chấp Hành Trung Ương của một khóa có nhiều kỳ họp nhưng hai kỳ họp cách nhau một tháng là triệu chứng bất tường.
- Giới quan sát quốc tế cho là sau Hội nghị Kỳ Hai vào tháng trước thì từ hôm 26 Tháng Giêng đã có việc tu chỉnh Hiến pháp để nới rộng nhiệm kỳ cho họ Tập. Nhưng khi Hội nghị Kỳ Ba lại được đột ngột triệu tập trong ba ngày 26 tới 28 tháng này, với quyết định tu chỉnh Hiến pháp được công bố hôm Chủ Nhật 25 mà Tân Hoa Xã lại cho ghi ngày là 26 Tháng Giêng thì nhiều người tin là Tập Cận Bình dùng Ban Chấp Hành Trung Ương thay vì Bộ Chính Trị hay Thường Vụ Bộ Chính Trị để nới rộng quyền lực của mình. Lý do là trong hai cơ chế tập trung nói trên, ông ta không được đa số Ủy viên ủng hộ nên mới dùng Ban Chấp Hành Trung Ương là nơi ông có hậu thuẫn cao hơn. Nếu đúng như vậy thì ta nên kết luận ngược, rằng lãnh đạo Trung Quốc đang thiếu ổn định và thống nhấy ý kiến.
Nguyên Lam: Thưa ông, ngay sau Đại hội Khóa 19 vào Tháng 10 vừa qua, người ta đã thấy hai sự lạ. Thứ nhất là Điều lệ đảng và Hiến pháp chính thức công nhận “Tư tưởng Tập Cận Bình về Xã hội Chủ nghĩa với Màu sắc Trung Hoa”. Thứ hai là Đảng không đề cử một người làm Phó Chủ tịch nước, là nhân vật sẽ kế tục ông Tập Cận Bình sau khi nhiệm kỳ hai chấm dứt vào năm 2023. Phải chăng hai sự kiện ấy đã báo trước việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực ngang tầm Chủ tịch Mao Trạch Đông và còn hơn cả lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi còn thấy sự lạ thứ ba là trong báo cáo chính trị dài hơn ba tiếng của Đại hội 19, Tập Cận Bình nhiều lần nói đến “các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới”. Ông ta thấy ra nhiều vấn đề khá nguy ngập và muốn tập trung quyền lực để giải quyết sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 mà không xong. Điều ấy cũng có nghĩa là cùng với việc chuyển hướng cải cách chưa thành và chiến dịch diệt trừ tham nhũng lên tới cấp cao nhất, các phe phái bên trong đã đồng ý với việc tập quyền thay vì duy trì tinh thần thỏa hiệp theo nguyên tắc đồng thuận do Đặng Tiểu Bình đề ra. Bây giờ, sau khi củng cố quyền hành trong không gian và mở rộng hơn nữa vào thời gian, Tập Cận Bình đang lấy rất nhiều rủi ro cho bản thân nếu ông ta thất bại. Nhưng trái ngược, đấy lại là cơ hội cho các nước cảnh tỉnh, vì vậy, tôi cho rằng đây là một tin vui!
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta đã quen với cách nhìn trái ngược của ông, nhưng thưa ông, tại sao ông lại coi đây là một tin vui?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin có hai phần giải thích, về đối ngoại và nội chính. Thế giới và truyền thông cứ ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc mà không thấy sự thật là lãnh đạo Bắc Kinh coi dư luận và luật lệ quốc tế tựa cái dép rách. Năm ngoái, tại thượng đỉnh kinh tế Davos và Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Tập Cận Bình thủ vai vô địch về hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa dù vẫn trực tiếp can thiệp vào kinh tế quốc dân và coi thường các xứ khác. Thí dụ là cấm vận kinh tế Nam Hàn vì tội dám trang bị hệ thống võ khí phòng thủ, hoặc xen lấn vào nội tình chính trị của Úc. Trước đó thì phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực trong vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo với xứ Philippines. Mới Tháng Bảy năm ngoái thì xóa bỏ các cam kết từ năm 1985 với Vương quốc Anh về quyền tự trị của Hong Kong trong khi quân sự hóa nhiều cụm đá nổi đã cưỡng chiếm của các lân bang như Việt Nam hay Philippines. Người ta lầm tưởng Bắc Kinh tận dụng “quyền lực mềm” là lợi ích kinh tế để tranh thủ thiên hạ chứ cứng mềm, âm thầm hay ngang ngược là động thái họ vẫn làm từ nhiều năm qua, để nhắm vào mục tiêu bá quyền tại Đông Á trong vài chục năm tới.
Quyền lực tuyệt đối lại dễ đưa tới tệ sùng bái cá nhân, là đặc sản chính trị Châu Á, khiến lãnh tụ chỉ tin vào hệ thống báo cáo tuyên truyền của mình mà che kín tầm nhìn. -Nguyễn Xuân Nghĩa

Củng cố quyền lực và loại bỏ đối thủ

Nguyên Lam: Theo ông, sau vụ tăng cường quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình thì liệu rằng các quốc gia khác có nhìn ra sự thể ấy hay chưa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước ở xa có thể than vãn nạn chà đạp tự do và dân quyền do Tập Cận Bình tiến hành từ nhiều năm qua nhưng cho rằng thà như vậy mà còn có ổn định để làm ăn. Các quốc gia ở gần thì không quên yếu tố an ninh lồng trong nhiều sáng kiến kinh tế của Bắc Kinh, như Con Đường Tơ Lụa hay các ngân hàng đầu tư và phát triển. Việc Tập Cận Bình mở rộng quyền hạn để thực hiện mục tiêu chiến lược trong vài thập niên tới là điều trở thành rõ rệt hơn.
- Vì vậy, tôi cho rằng các nước sẽ thận trọng hơn với Hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực hay RCEP mà Bắc Kinh đang vận động nhằm thay thế Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương RCTPP của 11 quốc gia không có Hoa Kỳ. Thời điểm lật ngửa lá bài quyền lực của Tập Cận Bình càng khiến nhiều quốc gia quan ngại, như qua phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc cùng một số nước khác trên cái trục Ấn Độ Thái Bình Dương. Cũng vậy, người ta hiều ra vỉ sao Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ mậu dịch với Bắc Kinh sau khi khẳng định trong chiến lược quốc phòng mới mối nguy xuất phát từ Trung Quốc.
Nguyên Lam: Hồi nãy, ông nói đến hai phần giải thích, về đối ngoại thì như vậy, về nội chính thì ông nhận định thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ sau Đại hội Khóa 18, họ Tập đã củng cố quyền lực và sau năm năm lãnh đạo đã loại bỏ mọi đối thủ của mình cho tới Đại hội Khóa 19 vừa qua. Bây giờ, ông hoàn tất kế hoạch tập quyền cho tới sau năm 2023. Điều ấy có nghĩa là ông tìm ra hậu thuẫn trong đảng để giải quyết nhiều bài toán quá lớn của Trung Quốc mà ông ta gọi là “mâu thuẫn cơ bản”.
- Nhưng, như các lãnh tụ tập quyền là Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Khang Hy hay Càn Long, Tập Cận Bình không thể lãnh đạo một mình. Ông ta phải có vây cánh, nhất là trong một thế giới đã có quá nhiều đổi thay khiến lãnh tụ phải ứng phó bén nhạy và hữu hiệu hơn. Nếu không, chính quyền lực tuyệt đối ấy sẽ trở thành gánh nặng và là trách nhiệm của lãnh tụ. Nạn lão hóa dân số và trai thiếu gái thừa, tình trạng ô nhiễm môi sinh, gánh nợ chất núi với đà tăng trưởng tất yếu giảm sút sau ba chục năm cải cách, v.v… là loại bài toán mới mà các thế hệ lãnh đạo trước không gặp.
Nguyên Lam: Như vậy thì quyền lực tuyệt đối cũng có mặt trái của nó, thưa ông, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đã thế, quyền lực tuyệt đối lại dễ đưa tới tệ sùng bái cá nhân, là đặc sản chính trị Châu Á, khiến lãnh tụ chỉ tin vào hệ thống báo cáo tuyên truyền của mình mà che kín tầm nhìn. Trên một lãnh thổ bát ngát có quá nhiều dị biệt và mâu thuẫn chằng chịt, trường hợp sai lầm rất dễ xảy ra mà cơ hội sửa sai lại thu hẹp vì quần chúng vô quyền không có tiếng nói. Nếu thất bại, và nhiều phần là như vậy, Tập Cận Bình không thể đổ lỗi cho ai khác mà cũng chẳng có điều kiện giảm khinh. Đấy là lúc mà các thế lực kia mai phục và chờ đợi….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Người Việt trẻ tôn vinh vật chất, quay lưng với giá trị đạo đức: Lỗi tại truyền thông?

Mỹ Lan- RFA-2018-02-27  
Ảnh trên Instagram của nhóm RichKidsofVietnam
 Ảnh trên Instagram của nhóm RichKidsofVietnam  Rich Kids of Vietnam
Thảo Linh, 27 tuổi, là biên tập viên, người dẫn chương trình của một cơ quan truyền thông lớn tại Việt Nam. Dù trẻ, đẹp nhưng cô lại thiếu sự duyên dáng, thông minh cần có của một người dẫn chương trình trên sóng truyền hình quốc gia thế nên các chương trình có sự xuất hiện của cô, khán giả thường không mấy mặn mà. Vì vậy mà thu nhập của cô cũng chỉ ở mức tương đối do ít được giao dẫn những chương trình quan trọng hay nhận được lời mời hợp tác từ các công ty bên ngoài.
Bạn bè của Linh cho biết cô vừa mới ly hôn, để lại đứa con gái 3 tuổi cho chồng nuôi, còn cô thì không chỉ đẹp rực rỡ mà còn giàu có nhanh chóng tới mức khó hiểu. Linh sở hữu một chiếc xe hơi nhập khẩu của Đức thuộc đời mới nhất với giá bán tại Việt Nam lên tới năm bảy tỉ đồng để làm phương tiện đi lại hàng ngày. Bên cạnh đó là hàng chục chiếc túi xách hàng hiệu, hàng chục đôi giày, đồng hồ và váy áo đồ hiệu của Italy mà có lẽ nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ cũng khó mà mua được. Thảo Linh hiện cũng sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp tại Times City, một trong những khu đô thị đắt đỏ nhất Việt Nam với giá thành mỗi căn lên tới từ vài trăm ngàn cho tới cả triệu đô la.

Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra -  chị Minh An, cư dân Times City
Thế nhưng, những trường hợp như Thảo Linh ở khu đô thị này lại hoàn toàn không phải là chuyện hiếm. Trong số những cư dân đang sinh sống tại đây, chủ nhân của rất nhiều căn hộ đắt tiền lại là những cô gái tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn công việc không ổn định nhưng điều kiện sống lại là niềm mơ ước của hàng triệu viên chức, trí thức hiện nay, những người cho dù có cống hiến cả cuộc đời cũng khó có thể có được một cuộc sống vật chất đầy đủ và xa hoa như vậy. Chị Minh An, một cư dân ở đây cho biết:

“Không lao động, không có công việc cụ thể, đi xe đẹp, dùng hàng hiệu, thời trang cao cấp… không hiểu nguồn tiền này họ lấy ở đâu ra? Việc không lao động mà lại được hưởng thụ cuộc sống cao cấp như vậy nó là vấn nạn của xã hội hiện nay mà giới trẻ đang có xu hướng như thế. Họ không tạo ra giá trị lao động mà chỉ sống dựa trên đồng tiền của những người mà họ quan hệ xã hội, và mối quan hệ này là mối quan hệ không được chính tắc. Mình thì cũng không dám đánh giá người ta là người tốt hay người xấu nhưng tình hình xã hội chung bây giờ là như vậy”

Trong thực tế, lối sống chạy theo vật chất đang là một trào lưu trong xã hội khi mà truy cập các trang báo mạng, những tin bài có số lượng người đọc cao nhất, tương tác nhiều nhất là các chủ đề liên quan đến giới showbiz hay các doanh nhân thành đạt. Chẳng thế mà fanpage của các ngôi sao ca nhạc như Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP, Đàm Vĩnh Hưng, những chân dài như Ngọc Trinh, Thanh Hằng, Phạm Hương… có số lượng theo dõi lên tới cả vài triệu người.
Ngoài ra, những cô chiêu cậu ấm con của các đại gia bất động sản, chứng khoán hay con cháu của các vị quan chức lãnh đạo cao cấp cũng được một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ coi là biểu tượng của sự thành đạt và đẳng cấp. Cách đây không lâu, instagram của nhóm những cô chiêu cậu ấm với tên gọi Hội con nhà giàu Việt nổi lên như một hiện tượng mạng hội và thu hút được hàng chục ngàn lượng theo dõi. Lối sống xa hoa cùng thú tiêu tiền như nước vào các món đồ dùng hàng hiệu của những cậu ấm cô chiêu này khiến ngay cả nhiều tờ báo lớn tại nước ngoài như Business Insider, Daily Mail, Independent, The Sun... cũng thấy “tò mò”. Vậy mà nhóm người giàu này lại là thần tượng của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. Họ tìm cách cập nhật thông tin mỗi ngày về từng thành viên nhóm con nhà giàu này, thay vì dành sự quan tâm tìm hiểu về các nhà khoa học, những nghệ sỹ hay những nhân vật có nhiều đóng góp cho xã hội. Rất nhiều người trẻ không còn quan tâm đến một tác phẩm văn học nào vừa được xuất bản, một nghệ sĩ điêu khắc nào vừa được trao giải thưởng quốc tế hay những sự việc đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế dân sinh hiện nay.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người có điều kiện tiếp xúc với nhiều bạn trẻ cho biết:

“Họ không đủ nhẫn nại, quyết tâm và phụ thuộc vào các hệ thống công nghệ thông tin, máy móc xung quanh họ, họ sống ảo nhiều hơn và coi sự học hành chăm chỉ là sự đáng nực cười. Thậm chí có một lớp người trẻ, ví dụ những cô gái chẳng hạn, họ nghĩ rằng chỉ cần chăm chút sắc đẹp, thân thể rồi những thứ trang sức là đã có thể tự tin bước ra ngoài đời với nụ cười trên môi và họ có thể gặp được những nhân vật có địa vị xã hội cao hơn họ và như thế họ có thể đổi đời”

Trao đổi với đài RFA về vấn đề này, một phụ huynh và cũng là một nhà báo giấu tên cho biết không phải ai cũng có thể trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay doanh nhân. Thế hệ trẻ hiện nay thay vì làm những công việc hết sức bình thường lại mong muốn được sống cuộc sống của những người thành đạt mà không biết thực chất mình có khả năng hay không. Nguyên nhân là do họ chưa hiểu được vấn đề nhưng hàng ngày lại tiếp xúc với quá nhiều những thông tin về cuộc sống hào nhoáng, dẫn đến việc trong tâm trí họ sẽ hình thành mong muốn cũng sẽ được hưởng thụ cuộc sống tương tự. Và nếu như có điều kiện, họ có thể dễ dàng làm những việc không chính đáng để đạt được cuộc sống nhàn hạ sung sướng thay vì nỗ lực lao động như một người lao động chân chính và có ý thức đóng góp cho xã hội.

Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác - nhà văn Võ Thị Xuân Hà

“Nó làm cho thế hệ trẻ mất đi ý chí phấn đấu mà chỉ nghĩ đến cuộc sống hào nhoáng mà có thể không có thật trong cuộc sống. Vì khi đã lên báo chí hay các trang báo mạng thì nó đã được đánh bóng đi rồi. Mà cứ hàng ngày tiếp xúc thì nó phải ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ, hành động của con trẻ rồi. Tôi cảm thấy thật sự lo lắng và thật sự tôi không muốn con tôi tiếp xúc với báo chí dạng như thế”

Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả, ngay cả những người làm truyền thông, những nhà báo trẻ giờ đây nhận thức cũng có nhiều khác biệt so với thế hệ đi trước. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ nỗi buồn của một nhà văn nói riêng và một người lao động nghệ thuật chân chính nói chung:

“Tôi có tiếp một số bạn sinh viên năm thứ 2 khoa báo chí, khi hỏi cháu có biết nhà văn này, nhà văn kia không thì đều lắc đầu không biết. Những người làm nên mạch nguồn của văn hoá hiện đại thì các nhà báo trẻ đó bỏ qua, chưa nói đến bao nhiêu nhà văn hoá, xã hội học, nghệ sỹ khác… các bạn đó không quan tâm mà ra trường các bạn chỉ muốn “nhảy” vào những vị trí dễ kiếm tiền như vào ban kinh tế, vị trí tiếp xúc với các đại gia, những người mẫu chân dài, diễn viên nổi tiếng… các thứ đó trưng ra… chứ không hề quan tâm đến việc một bài báo mình viết ra sẽ có ảnh hưởng đến xã hội như thế nào?”

Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng - một nhà báo giấu tên

Trước câu hỏi vì sao truyền thông trong nước lại ưu tiên đăng tải những thông tin mang tính giải trí thay vì nêu lên những vấn đề gây bức xúc trong cuộc sống, nhà báo trên cho biết:

“Bản thân tôi là một nhà báo ở trong nước thì tôi hiểu, báo chí trong nước khi đề cập đến vấn đề này, họ cũng ở trong tình trạng bị bó buộc. Bởi vì những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, những vấn đề liên quan đến chính trị xã hội quan trọng của đất nước như đề xuất tăng thuế, xây nghĩa trang 1400 tỷ hay thảm hoạ môi trường Formosa trước đây thì tất cả các cơ quan báo chí trong nước đều bị cấm đưa tin và không được phép đưa tin, nói, phân tích cũng như bình luận về những vấn đề này. Tin người dân quan tâm thì họ không được phép đưa nên bắt buộc báo chí phải tìm cách đưa tin về người mẫu khoe thân, ca sỹ mắc nợ… để thu hút sự quan tâm của công chúng”

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay có 982 cơ quan báo và tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cấp phép hoạt động, thế nhưng có một điều mà ai cũng nhận thấy, “vị” tổng biên tập duy nhất kiểm soát mọi nội dung thông tin của tất cả các cơ quan báo chí này chính là Ban tư tưởng văn hoá Trung ương.

Quay trở lại câu chuyện của Thảo Linh, dù cô không tiết lộ về lý do chấm dứt cuộc hôn nhân nhưng qua bạn bè, tôi biết được Thảo Linh bỏ lại đứa con gái nhỏ hoàn toàn cho người chồng cũ, thậm chí cả tháng trời không hề gặp con để còn dành thời gian cho những mối quan hệ xã hội, mà theo nhiều người, đã mang lại cho cô cuộc sống sung túc cũng như một vị trí công việc đáng mơ ước như hiện nay.

Phóng sinh sao không phóng thích?

Blogger Nguyễn Tường Thụy
 Theo RFA-2018-02-27  
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thả chim phóng sinh tại Hoàng thành

Trần Đại Quang thả chim phóng sinh tại Hoàng thành  Courtesy of Vnexpress

1.

Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấp lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.
Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.
Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.
Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi
Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt - thả, chim sẽ hao đi một số.

2.

Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.
Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.
Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.

3.

Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.
Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Lễ hội, những hủ tục mê tín và chính sách ngu dân

Blogger Song Chi 
Theo RFA-2018-02-27  
Bắt đầu từ tháng Giêng, nhiều người bắt đầu đến các đền, đài, miếu... để xin lộc, vay lộc
Bắt đầu từ tháng Giêng, nhiều người bắt đầu đến các đền, đài, miếu... để xin lộc, vay lộc  RFA

Quanh năm lễ hội

Việt Nam là một đất nước có nhiều lễ hội, có lẽ cũng phải thuộc vào top 10 của thế giới, với khoảng trên dưới 8000 lễ hội hàng năm. Lễ hội ở VN phong phú và đa dạng, nào lễ hội dân gian (chiếm phần lớn tổng số lượng lễ hội cả năm), lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, các loại lễ hội khác…Rồi thì mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi làng, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số anh em…đều có những lễ hội khác nhau. Có lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp làng v.v…
Ngoài những lễ hội chi phối đời sống của hầu hết mọi người dân, mọi gia đình trên cả nước như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan hay tết Trung Thu, thì có nhiều lễ hội lớn, được tổ chức quy mô, người dân ai cũng biết hoặc từng tham dự như lễ hội Đền Hùng-Phú Thọ, lễ hội chùa Hương-Hà Nội, Lễ hội Yên Tử-Quảng Ninh, Lễ hội đền Gióng-Sóc Sơn, Hà Nội, lễ hội Lim-Bắc Ninh, lễ hội đền Trần-Nam Định, lễ hội cầu Ngư-Huế, Đà Nẵng, Lễ hội Katê-Ninh Thuận, Bình Thuận, Lễ hội Bà Chúa Xứ-An Giang, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ…
Lễ hội nhiều cũng có cái hay là phản ánh sự phong phú, giàu có của nền văn hóa nước nhà, là dịp cho người dân vui chơi, thưởng thức những trò chơi dân gian hoặc ôn lại những giai thoại, giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm thấy gắn bó với cộng đồng, xóm làng…Nhưng dường như càng về sau này, lễ hội ở VN càng nhiều “biến tướng”. Từ trong ý thức của người dân cho tới cách tổ chức.
Bên cạnh những lễ hội có tính chất tàn bạo, dã man, đã từng có nhiều ý kiến chỉ trích, đề nghị hủy nên bỏ như lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh, lễ hội Cầu trâu lấy vồ đập đầu trâu đến chết tại Phú Thọ, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… nhiều lễ hội còn mang nặng tính chất trần tục, hoặc mê tín dị đoan. Năm nào đến mùa lễ hội, nhiều nhất là vào mùa Xuân sau Tết Nguyên đán, chúng ta cũng đọc thấy những bài báo nói về nạn chặt chém ở các lễ hội đền này chùa kia, cảnh người dân chen nhau đi lễ đông đến nghẹt thở, bên trong đền, chùa khói nhang nghi ngút còn ngay bên ngoài cổng bày bán đủ loại thịt rừng, từng con thịt còn đẫm máu tươi…; cảnh người dân tranh nhau, xô đẩy nhau cướp lộc, cướp “ấn”…
Chỉ riêng cái trò đốt vàng mã mỗi năm hàng tỷ đồng biến thành đồ mã sau đó hóa ra tro. Hay cái trò phóng sinh, ngày càng được nâng lên tầm quy mô, có cả cấp chính quyền, lãnh đạo nhà nước tham gia. Chẳng hạn, lễ phóng sinh chim, hàng chục tờ báo chính thống đưa tin chiều 24.2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương khai xuân Mậu Tuất 2018 tại Điện Kính Thiên - khu di tích Hoàng thành Thăng Long, “Sau khi làm lễ dâng hương, tại thềm Rồng - Điện Kính Thiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thực hiện nghi lễ thả chim phóng sinh dịp đầu xuân, cầu mong quốc thái, dân an…”(“Chủ tịch nước thực hiện nghi lễ phóng sinh cầu quốc thái, dân an”, VOV)
Lễ phóng sinh cá lớn nhất Hà Nội, theo báo chí, đây là năm thứ 4 được tổ chức với “10.000 người chuyền tay phóng sinh hơn 5 tấn cá ở Hà Nội” (VNExpress), có người đại diện chính quyển địa phương, có nhà sư tham gia.
Việc phóng sinh chim, cá hay loài vật, là điều hay nhưng như nhiều ý kiến xác đáng nêu ra trên mạng xã hội facebook, nếu được làm với lòng thành, tự mỗi người làm, và nếu tình cờ gặp con cá bị mắc cạn, con chim, con thú bị mắc bẫy mà chúng ta cứu và thả chúng về với nước, với bầu trời, với tự do…thì mới là việc thiện. Còn con chim đang bay, con cá đang bơi bị chúng ta bắt, bẫy về rồi lại thả ra, cứ thả xong rồi bắt, xoay vòng nhiều lần trong mùa phóng sinh, có những con bị kiệt sức mà chết, thì có còn là việc thiện, là phóng sinh hay sát sinh? Hay việc cứu con vật không còn là mục đích chính mà cái ý muốn thực dụng nhằm tạo nghiệp thiện, tạo may mắn cho người thực hiện nghi thức phóng sinh mới là chính?
Và tại sao phải tổ chức một cách quy mô, có cả quan chức, lãnh đạo tham dự? Phải chăng do cái “bệnh” hình thức, khoa trương, của nhà nước này từ hồi nào tới giờ không thay đổi được? Không chỉ phóng sinh "cầu cho quốc thái, dân an", mà còn đua nhau trồng cây nhưng không phải trồng cây con, ươm cây mới mà là bứng cây to có sẵn rồi trồng lại! Toàn những trò phản khoa học, và phô trương như thế.

Người Việt ngày càng trở nên mê tín, dị đoan?

Cả một xã hội mê tín dị đoan, trông chờ, hy vọng vào những sự may rủi; đi chùa cúng Phật, nhét tiền vào tay Phật để được Phật phù hộ làm ăn phát tài, mua bay bán đắt; đốt vàng mã cho người âm, đốt cả xe máy, biệt thự, “chân dài” để người âm hài lòng mà phù hộ cho; tranh nhau cướp lộc, cướp “chiếu thiêng” mong sinh quý tử, tranh nhau đội mưa xếp hàng mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may, leo bao nhiêu bậc thang lên chùa để lấy “nước thánh”… Đua nhau lễ lạy, cúng bái đủ thứ bái vật, rồi thì chạy theo những thứ hình thức tốn kém, hoang phí, vô bổ, chẳng hạn, dân thì chi hàng triệu, hàng chục triệu đốt vàng mã, quan thì đề xuất làm bánh giầy nặng 3 tấn dâng Vua Hùng, đổ 12 tỷ nhập ngàn cây long não từ Tàu gọi là để “làm đẹp” đường phố…
Dân các nước khác nhìn vào chắc chẳng thể nào hiểu được tại sao người Việt chúng ta phải khổ nhọc thế!
Thật ra điều đó cũng không có gì khó hiểu. Khi đời sống có quá nhiều mối lo toan, bấp bênh, bất trắc, khi con người không còn có niềm tin vào chính quyền, vào luật pháp, vào giáo dục, không được che chở, bảo vệ bởi chính quyền, luật pháp, không được sống trong một quốc gia có những chính sách về an sinh xã hội để giúp đỡ khi bệnh tật, lúc tuổi già, khi tai nạn xảy ra (mà ở nước ta thì đủ thứ tai nạn trời ơi đất hỡi từ trên đầu rơi xuống mỗi ngày, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro do thói làm ăn bất cẩn, vô lương tâm, vô trách nhiệm của người khác, chết do ung thư, bệnh tật vì môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, nhiễm độc…)… thì họ phải tìm đến thánh thần, phải cầu xin trời phật, người âm phù hộ thôi. Người nghèo đã thế mà người giàu cũng thế.
Dân chúng mê tín, làm theo những hủ tục đã đành, quan còn mê tín gấp bội dân, càng có nhiều tiền, càng có chức tước thì càng lo sợ mất tiền, mất ghế, sợ bị các phe cánh khác hãm hại… nên càng siêng đi cúng bái, lễ lạc, giải hạn…Cũng là do cái thực tài không có, trí tuệ không có, chức tước chẳng qua là do con ông cháu cha hay bỏ tiền ra mua, nên tâm mới bất an, và mới làm những chuyện mông muội như vậy.
Còn nhà cầm quyền thì chẳng những không hạn chế, ngăn cấm những hủ tục mê tín dị đoan, những lễ hội man rợ, những trò hoang phí vô bổ mà còn duy trì, mở rộng, quảng bá quy mô hơn như chúng ta thấy.
Cái hình ảnh xã hội VN ngày hôm nay là một “thành tựu” to lớn của đảng cộng sản trong việc làm ngu dân, không chỉ bằng một nền giáo dục lạc hậu, tuyên truyền, nhồi sọ mà còn bằng việc duy trì, phục dựng các loại tín ngưỡng văn hóa dân gian, hủ tục… làm cho dân mải sa đà vào những chuyện lễ hội ăn chơi, mê tín mà quên đi bao nhiêu vấn đề của đất nước. Dân muốn tiêu tiền, phung phí, mê tín sao cũng được nhưng dân chỉ cần thức tỉnh, lên tiếng chuyện này chuyện kia là bị xách nhiễu, hành hạ, bỏ tù, kết án dài hạn ngay lập tức!
Làm cho dân ngu đi là để dễ bề cai trị, chế độ độc tài nào cũng vậy.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bộ Giáo dục yêu cầu giảng viên sư phạm phải có bản lĩnh chính trị vững vàng

 RFA 2018-02-27  
Hình chụp hôm 24/10/2012: một giáo viên dạy tiếng Anh ở một lớp học nội trú tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Hình chụp hôm 24/10/2012: một giáo viên dạy tiếng Anh ở một lớp học nội trú tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.  AFP
Hôm 26 tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, áp dụng tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các tổ chức cá nhân có liên quan. Mạng báo Vietnamnet loan tin hôm 27 tháng 2.
Theo dự thảo, giảng viên phải đáp ứng năm tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực phát triển quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, giảng viên sư phạm cũng cần phải đóng góp vào việc xây dựng môi trường giáo dục, phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội, giáo viên, người học, giới khoa học chuyên ngành và các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.
Điểm đáng chú ý về tiêu chuẩn phẩm chất nghề nghiệp, ngoài yêu cầu về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, giảng viên còn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giảng viên phải biế sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và nghiên cứu.
Theo dự kiến, từ năm 2018 đến 2020, kết quả đánh giá hàng năm sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng để xây dựng chế độ, chính sách đào tạo bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề giảng viên sư phạm được xin góp ý đến hết ngày 26/4.

Lần đầu tiên Việt Nam có trạm BOT trên đường vào chùa

Lần đầu tiên Việt Nam có trạm BOT trên đường vào chùa
Chận đường đòi mãi lộ đã trở thành quốc sách ở Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử, người đi chùa cũng phải trả tiền tại các trạm thu phí tham quan, tương tự như hàng chục trạm BOT đang mọc đầy trên các xa lộ khắp nước.
Truyền thông trong nước đưa tin, tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2018 bắt đầu tiến hành thu phí tham quan đối với người lên chùa Yên Tử với mức 40,000 đồng một lần cho người lớn và 20,000 đồng một lần cho trẻ em. theo báo trí thức Việt Nam, năm 2017, chùa Yên Tử đón nhận tới 1.5 triệu lượt khách. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1.8 triệu. Với mức lộ phí được áp dụng, dự tính số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể lên tới 70 tỷ đồng (hơn 3 triệu Mỹ kim). Con số thu nhập khổng lồ này đã dẫn đến sự hưởng ứng của các giới chức chính quyền và ban trị sự giáo hội Phật giáo nhà nước ở Quảng Ninh.
Vẫn theo tờ trí thức Việt Nam, thành phố Uông Bí đã tổ chức một hội nghị với sự tham gia của hơn 300 đại diện từ các hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ban ngành trong chính quyền và từ ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh. Tại hội nghị này, 90% số người tham dự đã đồng ý với việc đặt các trạm thu lộ phí dọc đường lên chùa Yên Tử.
Đường lên chùa Yên Tử không giống như xa lộ chỉ có một đường. Do đó, nhà cầm quyền cho đặt trạm thu phí ở khắp các  ngả đường vào chùa, kể cả những con đường mòn trong rừng.
Huy Lam / SBTN

Tên côn đồ Phan Sơn Hùng lộ rõ quan hệ với quân đội CSVN

Tên côn đồ Phan Sơn Hùng lộ rõ quan hệ với quân đội CSVN
Phan Sơn Hùng, tên côn đồ từng hành hung một người phụ nữ hoạt động xã hội ở Sài Gòn vừa tiết lộ gốc gác thế lực bảo kê cho y, khi đăng tải những hình ảnh y mặc áo cờ đỏ đứng cùng với những quân nhân CSVN.
Tên côn đồ Phan Sơn Hùng vào ngày 2 tháng 5 năm 2017 cùng đồng bọn mang hung khí, xâm nhập một căn chung cư và tấn công nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh và người bạn của bà, cũng là phụ nữ và là chủ căn chung cư. Bọn côn đồ khoảng 10 tên xịt hơi cay rồi đấm đá hai người phụ nữ trong căn chung cư trên đường Trần Não ở quận 2, Sài Gòn. Sau đó tên Hùng còn tung đoạn phim hành hung hai người phụ nữ lên mạng xã hội.
Hôm 23 tháng 2, bà Lê Mỹ Hạnh đăng những bức ảnh tên côn đồ này mặc áo cờ đỏ, đứng dàn hàng cùng một nhóm quân nhân mặc quân phục gắn lon đầy đủ. Bà Mỹ Hạnh xem đây là bằng chứng tên côn đồ Phan Sơn Hùng được lực lượng quân sự ở Sài Gòn bảo kê.
Được biết sau khi vụ hành hung nói trên xảy ra, với bằng chứng do thủ phạm tự nguyện công bố đầy đủ, công an quận 2 đã từng tạm giữ tên côn đồ Phan Sơn Hùng. Nhưng vụ này rõ ràng sau đó đã bị công an quận 2 cố tình ém nhẹm. Tên Phan Sơn Hùng cho tới nay vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và không hề bị truy tố. Theo bà Mỹ Hanh, thậm chí những bài báo của các tờ Pháp Luât và Tuổi Trẻ về vụ hành hung cũng bị xóa mất.
Huy Lam / SBTN

Chính quyền Đà Nẵng thất hứa, dân bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm

Người dân xã Hòa Liên tập trung trước nhà máy thép để phản đối việc chậm di dời. (Hình: Tuổi Trẻ)
ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hàng trăm người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, bao vây nhà máy thép Dana Ý từ chiều đến giữa đêm vì tức giận về tình trạng ô nhiễm môi trường, trong khi chính quyền thành phố hứa cho có.
Theo báo Zing, tối 26 Tháng Hai, hàng trăm người dân vây trước cổng Công Ty Cổ Phần Thép Dana Ý, thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Theo người dân, nhà máy này gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Bên cạnh đó nhiều người bực tức vì chính quyền Đà Nẵng chậm di dời các nhà dân bị ảnh hưởng do nhà máy thép gây ra.
Ông Ngô Văn Chính, trú thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên), cho hay công ty xả khói bụi, nước thải ra môi trường, nên “Tối nay chúng tôi kéo đến để yêu cầu người đại diện của công ty ra nói chuyện với dân nhưng không một ai xuất hiện. Từ khi có nhà máy thép này, nước sinh hoạt của dân chuyển thành màu vàng, không ai sống nổi, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.”
Nói với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tân, thôn Vân Dương 1, cho hay người dân rất tức giận vì tình trạng ô nhiễm do nhà máy này gây ra ngày càng nặng nề hơn.
“Nhà máy xả khói đen xì, nước thải thì chưa qua chế biến cứ thế tuồn ra môi trường. Nguồn nước tiêu dùng chính ở đây là nước ngầm nhưng từ khi có nhà máy thì nước chuyển sang màu vàng. Dân đã nhiều lần bao vây nhà máy. Họ và chính quyền hứa lên hứa xuống nhưng nạn ô nhiễm vẫn không được giải quyết,” ông Tân bất bình nói.
Nhiều người dân mang theo trống để phản đối nhà máy. (Hình: Zing)
Ông Mai Xuân Thọ, trưởng Ban Công Tác Mặt Trận thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, cho biết: “Đáng lý người dân đã kéo ra phản ứng từ trước Tết. Chính quyền thành phố hứa cuối năm 2017 sẽ giải tỏa 50% số hộ dân đi khỏi nhà máy và năm 2018 sẽ giải tỏa dứt điểm nhưng đến bây giờ công việc chưa đâu vào đâu, khiến người dân mất niềm tin càng bất bình hơn. Chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố sẽ đối thoại toàn dân ở hội trường thôn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người.”
Theo báo VNExpress, chiều 27 Tháng Hai, ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, có buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên sau động thái người dân vây hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (thôn Vân Dương 2).
Ông Phan Mười (thôn Vân Dương 2) nói chính quyền đã quyết định di dời toàn bộ nhà dân nhưng sau hơn một năm họ vẫn không được chuyển đến nơi ở mới. “Một là di dời nhà máy, hai là đưa người dân chúng tôi đi nơi khác,” ông Mười nói và cho rằng đại diện chính quyền không nên hứa suông, cần trả lời dứt khoát.
Lắng nghe ý kiến người dân, nhưng ông Hồ Kỳ Minh khất lại buổi đối thoại sang chiều 28 Tháng Hai vì “chưa có sự chuẩn bị đầy đủ.” Nhiều người dân buồn bã ra về và khẳng định tiếp tục bao vây nhà máy đến khi được giải quyết dứt điểm.
Tin cho hay, trước đó chính quyền Đà Nẵng đã có bốn cuộc đối thoại với người dân xã Hòa Liên ở điểm nóng ô nhiễm gần hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý. Kế hoạch được đưa ra là di dời dân đi nơi khác và nhà máy phải có giải pháp giảm bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, việc di dời dân mới chỉ thực hiện trên giấy. (Tr.N)

Dân Việt Nam sắp phải ‘cõng’ thêm ‘thuế môi trường’

Nhà cầm quyền CSVN rục rịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” lên giá xăng, đang bị chống đối. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngân sách ngày một thâm thủng nhiều hơn, nhà cầm quyền CSVN dự tính tăng thuế môi trường đối với xăng dầu, ảnh hưởng đè nặng lên cả xã hội nên giới chuyên viên đả kích sự bất hợp lý.
Tuần lễ vừa qua, Bộ Tài Chính CSVN “lấy ý kiến” cho “dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu” để xin Quốc Hội biểu quyết. Nếu được thông qua, từ ngày 1 Tháng Bảy, 2018, thuế “bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1,000 đồng, lên mức kịch khung 4,000 đồng/lít; với dầu diesel là 2,000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên mức kịch khung 2,000 đồng/lít (kg).”
Một số báo tại Việt Nam đưa tin này dẫn lý do được Bộ Tài Chính đưa ra là “thuế nhập khẩu giảm, giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước lân cận” nên nhà cầm quyền cần “tăng nguồn thu,”,theo bản tin của đài VOV.
Hiện nay các khoản “thuế và phí” đánh trên xăng dầu tại Việt Nam đã chiếm khoảng 50% trong giá mỗi lít xăng. “Theo thống kê, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8,500 đồng/lít xăng.” VOV nói rằng: “Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.”
Trên tờ Đất Việt hôm Thứ Hai, 26 Tháng Hai, 2018, ông Đặng Đình Đào, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Phát Triển ở Hà Nội cho rằng: “Bộ Tài Chính đưa ra lý do tăng thuế môi trường áp vào giá xăng, dầu vào thời điểm rất không hợp lý với lý do cũng rất không phù hợp.”
“Doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu quá nhiều vật cản. Cải cách được hành chính thì giờ lại tăng thuế xăng, dầu. Vòng xoáy thuế đang kìm hãm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong thời kỳ cần phải đẩy mạnh năng lực doanh nghiệp nói chung thì động thái tăng thuế này là chưa phù hợp. Chưa kể, việc thất thu thuế từ thực hiện cam kết quốc tế lại bù đắp bằng khoản tiền thuế từ người dân cũng lại là cách làm chưa phù hợp,” ông Đào nói trên tờ Đất Việt.
Ông Đào nêu ra sự “khập khiễng” của Bộ Tài Chính CSVN khi so sánh giá xăng ở Việt Nam với khu vực. Theo ông, lợi tức đầu người Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác ở khu vực. Một chuyên viên cũng cho rằng giá xăng tại Malaysia thấp hơn tại Việt Nam dù lợi tức đầu người của Malaysia gần gấp 4 lần người Việt Nam.
Trên một số báo khác của tờ Đất Việt, ông Nguyễn Đức Thành, biện trưởng Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách trường Đại Học Kinh Tế-Đại Học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: “Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép, do là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể ‘sống’ được.”
Khi tăng thuế trên xăng dầu, tất cả mọi loại dịch vụ, hàng hóa và sản phảm sản xuất đều bị ảnh hưởng theo từ quả trứng, mớ rau, giá chuyên chở vận tải nhất nhất đều ào ạt lên giá.
“Lo lắng không biết còn chịu đựng được nữa không.” Một độc giả viết bình luận sau bản tin của tờ Tuổi Trẻ.
Theo bản tin của VietNamNet hôm Chủ Nhật, căn cứ theo các con số thống kê do Bộ Tài Chính công bố, trong tổng số 42,300 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường thu được năm 2016, ngân sách của chế độ “đã chi khoảng 12,290 tỷ đồng” cho nhu cầu “bảo vệ môi trường” chỉ chiếm 1% tổng chi ngân sách. Số tiền còn lại hiển nhiên được dùng để nuôi guồng máy đảng và nhà nước.
Giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên “chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9,000 tỷ đồng, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12,290 tỷ đồng, tăng hơn 3,000 tỷ đồng,” theo VietNamNet.
Như vậy tăng thuế bảo vệ môi trường chỉ là cái vỏ bọc để chế độ bắt dân è cổ cõng thêm thuế để nuôi chế độ, không phải vì gia tăng bảo vệ môi trường.
Tờ Đất Việt dẫn lời ông Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thị Trường Giá Cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, “lý do (tăng thuế môi trường trên xăng dầu) mà Bộ Tài Chính đưa ra lần này là không thuyết phục.” (TN)

Công nhân may dệt Việt Nam có thể mất việc vì robot Mỹ

Robot nhấn nút cầu thang máy. (Hình minh họa: Dave Kotinsky/Getty Images for Liberty Science Center)
THE WALL STREE JOURNAL (NV) – Phóng viên nhật báo The Wall Street Jounal đã tới quan sát một “xưởng may” ở Bangladesh, để chứng kiến công việc khâu những chiếc áo len chui đầu loại đắt tiền cho các công ty thời trang như H&M và Zara đang tiến hành.
Nhưng nhà báo không mô tả những đội ngũ công nhân ngồi sau các “máy may” kiểu thế kỷ 19, 20, mà chỉ thấy một chiếc “máy may” rất lớn do người Đức chế tạo đang làm công việc “may áo” hoàn toàn tự động. Chiếc máy may này lớn bằng một chiếc máy in hiện đại, có thể chứa đầy một căn phòng.
Công việc may quần áo đã được trao cho máy móc sớm nhất trong lịch sử cơ khí hóa của loài người, bắt đầu bằng những chiếc máy đạp bằng chân, qua đến máy điện. Nhưng cả hai loại cơ khí này đều cần có bàn tay, và chân, của con người điều khiển. Vì thế nhiều quốc gia nghèo với đội ngũ công nhân thất nghiệp cao đã đóng vai cung cấp lực lượng lao động cho công nghiệp may dệt toàn thế giới.
Bắt đầu từ thập niên 1960- 70, các nước Nhật Bản rồi Nam Hàn, Đài Loan đã thiết lập các xưởng may cho các nước Âu, Mỹ. Qua thập niên 1980, khối công nhân vĩ đại của Trung Cộng đã biến thành đạo quân làm thuê rẻ tiền cho những công ty quần áo, nhất là các công ty thời trang Âu, Mỹ. Từ 20 năm qua, công nhân Trung Quốc cũng dám đòi tăng lương, các máy may được di chuyển qua các nước nghèo hơn như Việt Nam, Campuchia; giúp cho kinh tế các nước này đứng vững. Nhưng tình trạng này sắp thay đổi.
Từ giữa thế kỷ 20 các máy tự động thay con người (rô bô, robots) đã xuất hiện trong các nhà máy ráp xe hơi, tàu thủy, làm các loại máy gia dụng, vân vân. Với kỹ thuật tin học phát triển, máy vi tính đã giúp các rô bô làm việc hiệu quả hơn. Các robot làm việc chính xác hơn, nhanh chóng hơn, và đỡ tốn tiền hơn.
Một hậu quả là nhiều công nhân mất việc. Trước đây chúng ta hay dịch robot là “người máy” nhưng phần lớn các robot không mang hình dạng giống như con người nữa, mà chỉ là những bộ máy chạy tự động, có khi to lớn như một cái nhà tiền chế.
Sang thế kỷ 21, các robot bắt đầu xâm nhập vào kỹ nghê may mặc. Bộ “máy may” mà nhà báo thấy ở Bangladesh thuộc thế hệ các robot đầu tiên gia nhập nghề may dệt. Công ty Yuho Sewing Machine Co ở Nhật Bản đang đưa ra một “máy may” thuộc “thế hệ” mới có thể khâu được những đường kim mũi chỉ phức tạp, rắc rối hơn, mà nếu làm bằng ngón tay con người thì mất nhiều thời giờ hơn.
Công ty Softwear Automation, ở Atlanta, bên Mỹ đã sản xuất các dụng cụ tự động cho các xưởng may từ lâu, đặt tên các robot làm nghề may của họ là “sewbots,” ghép động từ “sew,” may, với robots. Sang năm 2019, công ty sẽ thiết lập bộ máy khâu may tự động cho một nhà máy may do Tinyuan Garments Co., một công ty của Trung Quốc, làm chủ. Một điều bất ngờ trong dự án “tự động hóa” này là nhà máy đó không dựng nên ở nước Tàu mà ngay tại thành phố Little Rock, thủ phủ tiểu bang Arkansas, nước Mỹ.
Các công nhân may dệt ở Việt Nam nên tính toán trước khi mất việc: Công nghiệp tự động hóa, dùng robot sẽ đem rất nhiều việc trong ngành thời trang trở về làm tại nước Mỹ và các nước Âu châu. Các công ty thời trang sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền chuyên chở hàng hóa. Trong một nghề cạnh tranh gắt gao, tiết kiệm được đồng nào cũng tốt để có thể bán với giá rẻ hơn.
Ngành thời trang cũng cạnh tranh ráo riết trong cuộc đua chạy đuổi theo kịp với thị hiếu, đặc biệt là giới trẻ thích thay đổi và hay đua đòi. Nhờ robot tự động hoá các công ty thời trang đặt trung tâm sản xuất nằm ngay giữa thị trường tiêu thụ Âu Mỹ, nhờ thế họ có thể thay đổi kế hoạch sản xuất nhanh, trong một ngày, một giờ, theo sát nút khi thị hiếu của khách hàng thay đổi với mầu sắc mới, đường nét, kiểu cọ mới. (Đ.T)

Tuesday, February 27, 2018

Quê hương rối bời

Nguyễn Ngọc Trắc (Danlambao) - Người Việt Nam đang bàn luận về một "xứ thiên đường" đang đứng trước một... bùng binh. Dường như giữa cái bùng binh đó, giới lãnh đạo cấp cao CSVN cứ chạy lòng vòng không biết đi theo ngả nào. "Hao xăng"! Chắc vậy, nên Bộ Tài Chính đang chuẩn bị trình "xăng tăng giá"(1).

Theo Tàu mất nước

Câu này nhiều người nói rồi. Hiện ra trước mắt, chỉ trong mấy năm đổ lại đây cũng đã lồ lộ.

Nhiều chỉ dấu cho thấy, sắp tới lượt ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở thành "khúc củi bự nhất" chuẩn bị vào "lò". Dân chúng nói, chẳng qua thanh trừng phe nhóm nhưng lấy chiêu bài "chống tham nhũng" để làm "đảng trong sạch" nhằm phục vụ dân (!).

Chiến dịch "đốt lò" của ông TBT Nguyễn Phú Trọng được nhìn nhận giống như "đả hổ diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình. Cũng nhiều người nói, nó chỉ là "đồ giả" vì "làm không tới" như Tập.

Nói về tham nhũng, Nguyễn Tấn Dũng khó thoát tội. Nhưng giữa tham nhũng và đầu lụy ngoại bang, kẻ tham ô, so về tội trạng vẫn nhẹ hơn tên phản quốc, bởi ngay trong Hiến pháp đã quy định "tội phản quốc là tội nặng nhất". 

Cho đến nay, người dân vẫn thắc mắc, trong "đợt đốt lò", những "tên tuổi" như: Phạm Sỹ Quý, Võ Kim Cự v.v... vẫn bình an. Ai chống lưng cho họ? Vừa phản quốc vừa dung dưỡng tham nhũng, tội gấp trăm lần kẻ tham ô.

VOA đưa tin (2) "...Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc hôm 25/2 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn...".

Đây có lẽ là cách hay nhất mà ông Tập nghĩ ra, bởi một khi "leo xuống lưng cọp", ắt ông ta cũng biết trước hai chữ "an toàn" không dành cho ông ta trong một chế độ "nửa cộng sản nửa phong kiến" đang thời kỳ suy tàn. Nhưng ông ta quên rằng: Phàm là con người, không ai thoát khỏi quy luật "sinh - lão - bệnh - tử" vốn dĩ ông Trời đã "độc quyền". Ai dám chắc, khi Tập "đi gặp cụ Mao, cụ Đặng", "mồ yên mả đẹp" là điều nhỏ nhoi, ông Tập có thể "hưởng", nếu điểm lại lịch sử Trung Hoa ngàn năm qua?

Người Trung Hoa cũng có câu: "Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng". Nghe thật sởn gai ốc với sự tàn bạo và lạnh lùng.

Vả chăng, ông Tập cũng không phải như ông Hồ Chí Minh, vốn dĩ không vợ không con như lịch sử của ĐCSVN khẳng định. Chẳng ai biết, con cháu Tập sẽ ra sao, trong tương lai. Ngộ nhỡ, chừng 10 năm nữa, báo chí loan tải người Trung Hoa tìm ra phương thuốc "trường sinh bất tử" và dâng lên "Tập Hoàng Đế" (!).

Người ta kháo nhau, ông Tập bắt chước ông Putin.

Ông Trọng có tính "học và làm theo tấm gương" của Tập Cận Bình? Ngẫm nhiều lẽ, thật khó cho ông Trọng, một khi "cần và buộc" phải theo cách của Tập Cận Bình. Chính trường Việt Nam vẫn có nhiều khác biệt so với chính trường Trung Quốc. Người CSVN dường như lẫn lộn giữa phân quyền và tản quyền. Đó là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ông Nguyễn Xuân Phúc phát ngôn "trên nóng dưới lạnh". Mọi việc dễ bế tắc cũng từ đây. 

Tập Cận Bình nếu đổi tên thành "Tập Bình Thiên Hạ" sẽ "hay và độc" hơn rất nhiều. Nguyễn Phú Trọng chưa cho thấy có đủ khả năng làm điều đó.

Người CSVN, nói cho công bằng, không có chí lớn như người CSTQ. Ngoài lý lịch họ Tập (cũng phải "ngậm đắng nuốt cay" và "ẩn nhẫn chờ thời" trong hàng chục năm trời), hãy cùng nhớ lại tên tuổi (3) của anh em nhà họ Lệnh (Lệnh Hoàn Thành và Lệnh Kế Hoạch). Cho đến nay, Lệnh Hoàn Thành vẫn "gây mất ngủ" cho Tập Cận Bình bởi nhiều đồn đoán về "bí mật quốc gia" ông này nắm giữ, đó là lý do quan trọng nhất, Hoa Kỳ không thể giao ông ta cho Trung Quốc. Vì thế, tư thế và tư cách của Trịnh Xuân Thanh hay Vũ "Nhôm" (đào thoát rồi bị bắt về Việt Nam) quả thật không đáng "xách dép" cho Lệnh! Chính điều này càng phơi bày, đầu óc quá ấu trĩ của những tên CSVN chỉ biết tham tiền mà thôi. Bên cạnh đó, Thanh hay Vũ cũng đánh giá quá thấp đầu óc của các quốc gia Âu - Mỹ, khi muốn tìm chốn dung thân với "ba cái tài liệu" "không xứng đáng". 

Đừng nhầm lẫn việc Đức quốc căng thẳng ngoại giao với Việt Nam về việc an ninh VN bắt cóc Thanh, điều đó chỉ nói rằng nhà nước Đức không chấp nhận kiểu hành xử của VN, nó làm mất thể diện quốc gia của họ. Bởi, quả thật Trịnh Xuân Thanh nắm giữ tài liệu gì đó thật đáng giá, "còn khuya" an ninh VN bắt được ông ta! Hãy nhớ lại Vương Lập Quân (4) - được gọi là cánh tay phải của Bạc Hy Lai - chạy vào Đại sứ quán Hoa Kỳ, cách đây 6 năm. Sau gần 30 tiếng đồng hồ, người Mỹ đã loan tin là họ Vương không xin tị nạn. Đó là cách nói đầy "nghệ thuật ngoại giao", bởi vốn dĩ "ba cái mớ" thông tin đó chẳng đáng mấy xu!

Các nhà quan sát hay so sánh Đinh La Thăng với Bạc Hy Lai, nhưng Đinh La Thăng vẫn không xứng để sánh ngang họ Bạc hay họ Lệnh nếu nói về "chí lớn". Những hình ảnh trước tòa đã chứng minh điều đó.

Dù sao, hãy cùng suy ngẫm: Thâu tóm quyền lực càng nhiều, hậu quả càng khốc liệt, không chỉ cho riêng dòng tộc đó, dân tộc đó. Sử sách còn ghi.

"Văn hóa trả thù" cũng là điều nên nhắc đến, nếu so sánh "cách rửa hận" giữa phương Đông và phương Tây. Thế cho nên, Khổng Tử đã dạy: "Tiêu nhân nan dưỡng".

Lịch sử Trung Hoa cũng chưa bao giờ yên bình. Thử hỏi, sao người CSVN không học lấy cho thông?

Theo Tàu mất nước. Hãy nhìn về Tây Tạng, Tân Cương mà ngẫm. Trở thành khu tự trị, những dân tộc đó ngày càng "tàn lụi" trong sự trả thù bằng "văn hóa và đồng hóa".

Ông Trọng hay bất kỳ ông nào rồi cũng về với "cụ Hồ, cụ Linh". Giả như, con cháu của các ông sẽ là gì khi sống trong "khu tự trị An Nam" hay trở thành một "vong quốc nhân" tại Mỹ Quốc, Anh Quốc? Nhưng, liệu rằng, tài sản bất chính của con cháu các ông có được vẹn toàn và an sinh cho bản thân họ có được an lạc trên những quốc gia chưa bao giờ dung thứ tham nhũng, dưới bất kỳ hình thức nào, một khi bị phát hiện? 

Luật Magnitsky và UWO đã có hiệu lực. Đó là lời cảnh báo: Mất nước là mất tất cả. 

Hồi xưa, cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu thua trận, còn có Hoa Kỳ để dung thân, nay bản thân các ông và con cháu, quốc gia nào sẽ dung chứa?!

Ông Trọng tính giành giải Nobel Kinh Tế (?)

Người CSVN dường như ngày càng ảo tưởng, nên nghĩ nhiều chuyện hoang đường. Hình như họ không quan tâm quy luật "Vận động là tuyệt đối, đứng yên là tương đối" ? Họ tự mặc định "thể chế chính trị độc đảng" là "hằng số" và "biến số" là nền kinh tế "đầy tín hiệu lạc quan". Đáng tiếc, cho đến nay nền "Kinh tế thị trường định hướng XHCN" chưa được thế giới công nhận. Họ mãi loay hoay trong khoảng không chật hẹp đó, để chứng minh với dân rằng "đốt lò, đốt lửa" sẽ làm toàn dân trở nên phú cường (!) Thật thảm!

Họ cố "ổn định chính trị" để "phát triển kinh tế". Đó là lập luận phản khoa học, bởi kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi chính trị. Nếu xem kinh tế và chính trị là đôi chân, chắc chắn "đôi chân khập khiễng" đó làm người ta nhớ câu thành ngữ "Gà què ăn quẩn cối xay". Đất nước này vẫn nghèo đói và lạc hậu. 

Kinh tế nguy khốn vô cùng. Ngoài việc các ngân hàng nước ngoài lặng lẽ và vội vã bỏ chạy khỏi thị trường VN (5), các đại gia Hứa Thị Phấn (6), Chu Thị Bình (bị lừa mất 245 tỷ) đang lao đao cũng vì... tiền (7).

Không ai biết được thật sự số nợ công và nợ xấu nghiêm trọng đến mức nào, nhưng người ta thấy rõ, đến nỗi tết đến, nhà nước cho dân ăn tết bằng... "gạo cứu đói" (8)! Những ngân hàng mà nhà nước mua lại với giá "zero đồng", nay hoạt động ra sao? Khoản nợ "to tổ bố" đó, tức là nợ tư biến thành nợ công, rồi nó cũng đổ xuống đầu dân chúng. Những sự thật không thể chối cãi!

Nợ nần, chỉ có 2 cách giải quyết. Nếu không xin giãn nợ, xóa nợ và các hình thức gần giống như vậy kèm với nhiều điều kiện ràng buộc, chỉ có cách làm ăn cho thật giỏi và tiết kiệm tối đa. Mua bán nợ lòng vòng theo cách tiểu xảo "mà mắt" thiên hạ, nếu thật sự giải quyết nỗi, có lẽ Hy Lạp đã không bi đát đến mức phải chấp nhận những điều kiện do EU đưa ra.

Hay là ông Trọng muốn đoạt giải "Nobel Kinh Tế", khi đang cố chứng minh "kinh tế tách rời được chính trị" (?).

Kiêu binh và vô chính phủ

Giám đốc công an Hà Nội Đoàn Duy Khương nói (9): Không có "củi khô củi ướt" gì trong việc trì hoãn khởi tố Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản. Điều đáng nói, ông Khương coi chủ trương "nhóm lò, đốt lửa" của ông Trọng chẳng qua mang "tính văn học" mà thôi (!) "Tư tưởng lớn" của ông TBT Trọng mà cấp quèn cỡ Đoàn Duy Khương còn xem rẻ với tư tưởng kiêu binh như thế, trách gì nhà báo Đoan Trang - một nhà báo lẻ loi và nhỏ nhoi - bị câu lưu "tự nhiên và an nhiên" nhiều giờ liền, ngay tại trung tâm Hà Nội, cần gì bàn đến "pháp luật" (!). 

Tuy nhiên, phải gọi đích danh việc sách nhiễu nhà báo Đoan Trang là "khủng bố tinh thần", mới trọn vẹn ý nghĩa. Bởi kể từ lúc cô bị đánh gãy cả hai chân cho tới nay, bên cạnh việc khủng bố tinh thần cho thật rời rã, chưa bao giờ nguy cơ nhà báo Phạm Đoan Trang phải đối diện nhà tù lớn hơn lúc này.

Không chỉ riêng nhà báo Đoan Trang, nhiều cá nhân khác dù đã hết án quản chế từ lâu như LS Lê Công Định, LS Lê Thị Công Nhân v.v..., họ vẫn đang sống đứng nghĩa trong "nhà tù... lớn", với việc công an xuất hiện ngăn cản họ bất kỳ lúc nào cũng được.

Kiêu binh và vô chính phủ trên mọi lãnh vực, chưa bao giờ dữ dội và lan tràn như hiện tại. Đó phải chăng là điềm báo "những thanh gươm và lá chắn" - do chính ông Nguyễn Phú Trọng "rèn giũa" - đang chĩa hết về phía "bệ rồng" mà ông Tổng bí thư quyền lực nhất "xứ ở thiên đường" đang tơ tưởng?



__________________________________

Ghi chú: