ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Biên Hòa có khoảng 10 con suối, trong số đó có những dòng chảy ngang giữa lòng thành phố như suối Linh, suối Tân Mai, suối Bà Lúa, suối Chùa… Song, các con suối này đang bị bức tử, gây ô nhiễm nặng.
Người dân sống cạnh suối Linh chảy qua năm phường Long Bình, Tam Hòa, Bình Đa, Tam Hiệp và An Bình của thành phố Biên Hòa cho biết, rất ngán ngẫm trước sự ô nhiễm trầm trọng của con suối này.
Ông Hoàng Văn Dũng, khu phố 4, phường Long Bình, cho biết: “Suối Linh vốn là suối lớn nhưng hiện đang bị bức tử. Mùa khô, nước thải sinh hoạt từ nhà dân đổ xuống hôi thối ngột ngạt bốc lên từ lòng suối không thể chịu nổi. Đến lúc mưa xuống, rác không được dọn dẹp dồn ứ lại, tràn lấp cả lòng suối kéo dài hàng trăm mét cùng nước thải tràn ngược vào nhà dân. Chưa hết, cứ sáng sớm, các gia đình xả nước giết mổ cùng nội tạng động vật làm nước trong con suối từ màu đen biến thành màu đỏ, tanh lợm. Dân hai bên bờ chung sống với mùi hôi thối, rất mệt mỏi.”
Còn ông Nguyễn Trần Hoàng, nhà ở phường Bình Đa, than: “Trước đây, vào mùa nắng suối có nặng mùi nhưng không đen như bây giờ. Do phải sống cùng dòng suối ô nhiễm khiến đời sống, sinh hoạt của người dân hai bên bị bờ đảo lộn bởi nhà cửa lúc nào cũng đóng kín, sức khỏe của con cái bị ảnh hưởng vì bệnh tật.”
Không chỉ có suối Linh mà suối Tân Mai và cả chục con suối khác cũng đang bị bức tử. Theo chính quyền thành phố Biên Hòa, nguyên nhân chính khiến các dòng suối ô nhiễm là do người dân vứt rác, phế phẩm động vật cũng như xả nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt xuống các lòng suối. Nhiều gia đình đã lấn chiếm hành lang và lòng suối để xây dựng, cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc gây ngập cục bộ.
Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Dương Vũ, phó phòng Quản Lý Đô Thị thành phố Biên Hòa, cho biết chính quyền đang lên phương án nạo vét các dòng suối. Theo tính toán, chi phí cho việc nạo vét khoảng 100 tỷ đồng. Đây là các dự án cấp bách của thành phố để chống ngập và đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cũng theo ông, có khoảng 500 nhà vi phạm lấn chiếm các dòng suối sẽ bị giải tỏa. “Những gia đình không hợp tác sẽ tiến hành cưỡng chế để trả lại nguyên trạng các dòng suối,” ông nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment