"Một ngày xui xẻo," lão lẩm bẩm. Mới sáng banh mắt vừa ra mở cửa, mấy con quạ đen thù lù đậu trên cây vú sữa nhà thím Năm trông thấy lão chõ mỏ kêu "quà, quà, quà..." một hồi rồi vỗ cánh bay đi. Đến chiều lúc lão đem giá gạo ra hè nhặt sạn nấu bữa tối có bé Hai chơi bên cạnh thì viên công an ở đâu sồng sộc đi vô:
- Kiểm tra hộ khẩu.
Lão ngơ ngác nhắc lại:
- Kiểm tra hộ khẩu, hộ khẩu là gì thầy?
- Không được kêu thầy, đừng giữ mãi cái đầu óc phong kiến bóc bột!
May quá, cái đầu óc già nua tối tăm của lão như có thần ứng mách bảo cho lão hai chữ: "đồng chí, đồng chí". Lão nói:
- Thưa đồng chí hộ khẩu là gì đồng chí?
- Ai đồng chí với gia đình Ngụy? Kêu là cán bộ nghe chưa! Tờ hộ khẩu đâu?
Lão vô nhà. Cán bộ theo sau. Tờ hộ khẩu mới lấy mấy bữa trước không biết ai để đâu mất. Hồi đó tờ khai gia đình cả vài năm lão không sờ tới. Hình như cách nay gần 1 năm lão kéo từ ngăn tủ phủi bụi bặm đem ra phường thêm tên con Sáu, vợ thằng Tư và con bé Hai xong lão lại đem về vất vô chỗ cũ.
May mắn sau ngày 30/4 nó vẫn nằm chình ình ở đó để lão đem trình cho Cách mạng làm tờ Hộ Khẩu mới. Lão tới lục ngăn tủ cũ không có, lão kéo ngăn bên kia ra xem cũng không, chỉ có bản sao Tờ Khai Gia Đình hồi trước.
Lão vã mồ hôi. Cái đầu óc già nua tối tăm của lão không giúp ích gì cho lão lúc này. Mới bữa trước tổ trưởng Năm Ghi tới tận nhà giao cho lão, không biết lão để đâu. Lão đứng ngơ ngẩn bần thần.
Viên công an sẳng giọng:
- Có một tờ hộ khẩu mà cũng không biết giữ. Kiếm đi chứ!
Lão luống cuống chạy vô phòng lật đầu giường của vợ chồng thằng Tư không có, bực mình lão lật mền lật gối, tìm trong tủ quần áo cũng không.
Lão trở ra, đứng ngơ ngẩn cố suy nghĩ.
- Kiếm đi chứ, viên Công an lại giục.
Cuống quít quay tới quay lui, may mắn thấy cái bàn viết kê sát vách, lão cúi xuống lôi ngăn kéo ra lật lật đám sách vở ngổn ngang:
-A, nó đây rồi! Lại có cả cây viết đây nữa. Cây viết Pilot nắp mạ vàng con bé Hai vẫn đòi đem ra chơi. Thế mà cái đầu óc già nua tối tăm tới lúc cùng nó cũng giúp lão, lão cười miệng méo xệch.
Viên công an giựt lấy tờ hộ khẩu ngắm nghía:
- Mới đây mà đã lem rồi. Ai bôi xóa mấy chữ này đây? Không muốn có Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc hả?
Lão tái mặt. Chắc con bé Hai rồi. Cách đây mấy bữa nó ngồi hý hoáy làm gì nơi đây. Nét bút yếu ớt vẽ loằng ngoằng làm lem mấy chữ Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc trên đầu tờ Hộ khẩu. Lão hú hồn, nếu nó xoá bỏ cả cái Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thì chí nguy.
- Xin cán bộ bỏ qua, con bé này - lão chỉ bé Hai - nhỏ dại không biết gì.
- Nhỏ dại mà biết chống đối. Lần này tha, lần sau cho nó đi cải tạo mút mùa!
- Xin Cán bộ bỏ qua. Lão sợ hãi năn nỉ lần nữa.
Viên công an lầm lì không trả lời, hắn lật xem bên trong.
- Ngô Văn Tư là ai?
- Con trai tôi.
- Ngụy hả?
- Dạ nó đi quân dịch, không phải Ngụy.
- Đi lính cho Ngụy là Ngụy còn vòng vo gì. Nói nó Cách Mạng lúc nào cũng độ lượng khoan dung. Phải chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Đảng, của nhà nước nếu không sẽ bị đưa đi cải tạo. Tên Tư tối nay ra công an phường trình diện.
Lão cúi đầu:
-Dạ, dạ!
Viên công an lật trở lại nói tiếp:
- Còn mấy chỗ lem này tẩy sạch đi. Mua giấy lon (nylon) bọc lại.
Cái bút này vẽ bậy bị tịch thu!
Bỏ cây viết Pilot nắp vàng vào sà cộp, viên công an dặn lại:
- Nhớ mua giấy lon bọc lại cho tử tế, cất kỹ đi. Thấy ông già tôi thương hại làm phúc nói cho biết tờ hộ khẩu quan trọng, rất quan trọng - hắn nhấn mạnh - mua lương thực: hộ khẩu, xin việc làm: hộ khẩu, đi học: hộ khẩu. Hộ khẩu, hộ khẩu, hộ khẩu... Nó là mạch máu của gia đình. Mua gạo, nó; mua bo bo, nó; mua khoai mì, nó; mua... mua bắp, nó. Không có nó là chết đói nhăn răng!
Lão tái mặt, phải rồi không có gạo, không có bo bo thì chết đói cả lũ, chết đói nhăn răng. Lão sợ quá tiễn cán bộ ra khỏi cổng mà vẫn còn run.
Thím Năm đứng ở sân thấy lão thương hại hỏi nhỏ:
- Gì thế anh Bảy, sao thằng công an nói lớn vậy?
-Xuỵt! - Lão ra dấu - Nó bảo phải kêu nó là cán bộ. Đây này, con bé Hai bôi lem mất mấy chữ làm nó la lối om xòm. Làm sao gôm hết thím Năm? Lão lo lắng hỏi.
- Mực nguyên tử đây mà. Anh Bảy lấy chút bông gòn thấm cồn lau đi là hết.
Lão thở phào nhẹ nhõm chạy vội sang nhà ông Ba Chích đối diện, giơ tờ hộ khẩu cho ông Ba xem:
- Xui quá chú Ba, con bé làm lem chút mực, chú Ba cho tôi xin chút alcool tôi lau nó đi.
Ông Ba Chích yên lặng xé miếng bông gòn bằng đầu ngón tay và thấm chút alcool đưa cho lão.
- Cho tôi xin thêm chút nữa chú Ba, sợ không đủ.
- Lúc này người khôn của hiếm anh Bảy. Lau đi thiếu lấy thêm. Mai mốt sợ không có mà xài, đừng có chê !
Cuối cùng thì lão cũng lau xong tuy những vết gạch trên mấy chữ Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc không sao sạch hết. "Tạm được rồi, mai mua giấy lon bọc nữa là xong." Lão nghĩ.
Quay về nhà thấy con bé Hai đang úp mặt lên giường lão khóc thút thít. Chắc nó thương nội bị cán bộ la hay có điều chi đây. Con bé thương lão lắm, tuy mới hai tuổi mà cái gì nó cũng biết. Nó quấn quít bên lão, nheo nhẻo nói chuyện suốt ngày. Con nít thời nay khôn sớm, người ta nói thế. Lão vuốt nhẹ trên lưng cháu dỗ dành:
- Nội nè con, sao con khóc?
Con bé vẫn khóc thút thít làm lão phải nựng nó:
- Nói cho nội nghe, nội thương, sao con khóc?
- Cán bộ lấy cây viết của con. Nội đòi cho con đi...!
*
Tối hôm ấy khi thằng Tư ra phường trình diện về, cả nhà có buổi họp để giải quyết tờ Hộ Khẩu. Con Sáu muốn cất trong tủ quần áo, thằng Tư nói để trong tủ thờ khóa lại.
Cả hai cách lão nghĩ đều không ổn. Mới có hơn 1 tháng được "giải phóng" mà bán hết cái này đến cái kia từ radio đến cái quạt máy. Nếu mai mốt phải bán đến mấy cái tủ lão chỉ sợ quên không lấy tờ Hộ khẩu lại thì nguy.
Nghĩ thế nhưng lão không dám nói ra sợ xui .
- Thôi để ba lo, ba đã có cách, lão nói.
Tuy giải quyết xong việc giữ tờ hộ khẩu nhưng còn kiếm giấy lon ở đâu để bọc không ai biết, lão phải chạy sang nhà tổ trưởng Năm Ghi hỏi. Năm Ghi trước đây đi bẻ ghi cho Sở Hỏa Xa hết làm ở ga Sài Gòn thì ra Hòa Hưng, Thủ Đức, ổng mới về hưu mấy năm nay. Nhà có miếng ăn, miếng để, nhất là sau khi vợ chết ổng lấy người vợ kế biết chao đảo làm ăn. Cách mạng vô Sài Gòn ổng theo ngay Cách Mạng. Tính ổng xuề xòa nhưng ai nói ổng là Cách Mạng 30 ổng nghe được thì chết ngay.
Từ nhà tổ trưởng Năm Ghi ra lão mới biết bọc giấy lon là bọc nylon. Lão lại tự giận mình, giận cái đầu óc già nua tối tăm của lão có thế mà không biết.
Sáng hôm sau lão dậy thật sớm ra phường chầu chực. Khi cửa văn phòng mở lão nhào vô ngay mua giấy lon và nắn nót bỏ tờ hộ khẩu vô xong hỏi nhân viên phần hành:
- Thưa cán bộ, bọc giấy lon thế này được chưa?
- Được, tốt lắm.
Lão mừng quá rảo bước về ngay nhà lấy đinh đục lỗ và kiếm sợi dây móc vô đeo lên cổ, ngắm đi ngắm lại.
Thế là yên trí, không bao giờ sợ mất và điều xui xẻo nếu lão có chết thì tờ Hộ Khẩu vẫn ở cổ lão. Con cháu trước khi chôn lão cứ việc lột ra giữ lại mà xài!
Từ đó ra cửa hàng mua lương thực, đi khám bệnh... lão cứ việc từ từ cởi nút áo phanh ngực ra trình tờ hộ khẩu, xong lão cẩn thận khép áo cài nút lại.
Không ngờ cái sáng kiến nhỏ nhen ấy lại làm cho lão nổi tiếng.
Chẳng là bữa ra phường xin chứng nhận giấy, nhân viên phụ trách yêu cầu xem hộ khẩu, lão đứng phanh ngực ra trình. Vừa lúc ấy Bí thư phường đi qua thấy hay quá vỗ vai lão khen lấy khen để. Trong buổi họp nhân dân phường tối đó lão được kéo lên cho Bí thư phát bằng khen tuyên dương "Lão gìa chấp hành nghiêm chỉnh lệnh của Đảng và nhà nước" và lấy lão làm điển hình tiên tiến nhân rộng ra học tập làm lão rất hãnh diện với tờ Hộ khẩu đeo trước ngực.
Giá lão cao lớn như mấy ông Thượng Tướng hay Đại Tướng gì đó trên TV bữa trước thì tờ Hộ khẩu lão đeo trước ngực có khác gì tấm huy chương chiến công! Thật lẫy lừng .
Từ đó người ta kêu lão là Bảy Hộ Khẩu, không còn kêu cái tên Bảy Lùn của lão như trước nữa.
Mất gần tháng trời đi hết khu phố này đến khu phố khác làm điển hình tiên tiến, tưởng được yên không ngờ Bí Thư Quận Ủy lại cấp giấy khen cho lão, lại mở chiến dịch học tập "nhân rộng điển hình tiên tiến" kéo lão đi làm điển hình suốt 26 phường mấy tháng mới xong làm lão mệt nhoài phát ốm.
Bây giờ thì lão chán cái tấm huy chương này lắm rồi, nhưng không đeo ở cổ lại sợ mất.
Lão nằm dán mình trên giường chán nản nhìn lên mái tôn đang tỏa nóng hừng hực.
Ngày Cách Mạng mùa Thu (2-9) cái tủ quần áo của mẹ con con Sáu ra đi, rồi Mùa Thu Cách mạng vừa chấm dứt thì cái tủ thờ cũng âm thầm đội nón bén gót theo sau !
Rồi lại từ bữa lão phát bịnh tốn kém thuốc men, cái trần nhà bằng tôn lạnh Mỹ được cẩn thận gỡ đem ra chợ tôn Lý Thường Kiệt bán!
Căn nhà nhỏ bé chật chội trước đây ra đụng vào chạm những đồ đạc dần dần lão thấy rộng thênh thang. Vợ chồng thằng Tư kéo xe ba gác ra đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, giá không có con bé Hai lúc nào cũng quấn lấy lão thì đời lão thật sự trống vắng quạnh hiu.
Đang lúc lòng lão buồn rười rượi thì con bé ở đâu chạy về sà ôm lấy lão làm lão nguôi nguôi .
- Sao nội buồn thế? Con thương nội lắm, con bé nói.
- Bé Hai à, con cầu trời cầu Phật cho nội chết đi cho đỡ khổ.
- Không, con không cầu trời cho nội chết đâu.
- Nội không chết thì sống làm gì?
Con bé cười hóm hỉnh lấy tay chỉ vô tờ Hộ khẩu nói:
- Sống để nội đeo cái này ở cổ, ở ngực.
Lão cười cái miệng méo xệch như mếu. Không biết lão còn phải sống để đeo cái của nợ này đến bao giờ!
Ghi chú: (1) Ngoài Bắc người ta nói bị cắt hộ khẩu là bị cắt máu, chỉ có nước chết không làm ăn gì được.
No comments:
Post a Comment