RFA 2017-12-27
Một làng chài ở Việt Nam AFP
Bản án từ toà Natuna, Indonesia tuyên phạt 5 thuyền trưởng tàu cá Việt Nam vào ngày 13 tháng 12 với cáo buộc tội đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Indonesia đã ghi nhận thêm 1 biến cố nữa của ngư dân Việt trong năm 2017.
Mời quí vị cùng chúng tôi nhìn lại 1 năm nhiều biến động của ngư dân Việt Nam, trong đó có những người có thể và không thể trở về được nữa.
‘Họ đã bỏ biển’
Cho đến những ngày cuối năm 2017, thảm hoạ môi trường cá chết hàng loạt do nhà máy Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra cách đây hơn 1 năm vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề cho người dân bốn tỉnh miền Trung. Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã xếp vụ ô nhiễm biển này là vị trí thứ nhất trong 7 thảm họa môi trường năm 2016 ở Việt Nam.
Báo chí trong nước từng nêu ra hàng loạt những thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Anh Bình, sống ở Đồng Hới, Quảng Bình, một người làm nghề đi biển lâu năm cho chúng tôi biết hiện nay rất nhiều ngư dân, trong đó có cả anh phải bỏ nghề, bỏ làng, bỏ cả nước để tìm cách mưu sinh. Anh chia sẻ lý do mình phải bỏ ngư trường hơn 1 năm nay:
“Cuộc sống ở biển giờ rất vất vả. Cá, mắm lúc nào cũng thất thường. Sóng gió đánh không được; nếu đánh được về thì cá mắm họ mua cũng không được cho hòa vốn; mọi thứ đều không được như xưa nữa. Mọi thứ đều không được như xưa nữa.”
Theo đánh giá của Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội công bố hồi năm ngoái, sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do công ty Formosa Hà tĩnh gây ra đã làm ảnh hưởng đến hơn 200,000 lao động với hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cuộc sống ở biển giờ rất vất vả. Cá, mắm lúc nào cũng thất thường. Sóng gió đánh không được; nếu đánh được về thì cá mắm họ mua cũng không được cho hòa vốn; mọi thứ đều không được như xưa nữa. Mọi thứ đều không được như xưa nữa. - Anh Bình
Gần đây, chính phủ cho biết, tính đến ngày 7/6/2017, tức 1 năm sau thảm họa, Thủ tướng Chính phủ đã tạm cấp cho 4 tỉnh với tổng số tiền là 7.000 tỷ đồng nhằm mục đích bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Thông tin khác cũng từ Chính phủ Việt Nam cho biết việc hỗ trợ và bồi thường do người dân 4 tỉnh miền Trung sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2017 và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung về cơ bản đã ổn định.
Cho đến gần cuối tháng 8, nhà nước thông tin đã chi trả 95% trên tổng số tiền đền bù cho dân. Tuy nhiên, 1 cư dân Hà Tĩnh, tên Phú nói với chúng tôi rằng “đó chỉ là lừa bịp dân”
“Cho kê khai 100 người thì đền bù khoảng 60 người thôi. Như ban đầu kê khai thì nó kê khai cả kể từ 15 đến 19 tuổi. Nhưng sau này không còn một ai trong độ tuổi này nhận được tiền bồi thường. Dân ban đầu đi kê khai thì ghi danh sách từ 15 tuổi trở lên nhưng khi đền bù, 10 người chỉ nhận được 5 người, 6 người.”
Gia đình của một cư dân khác ở tỉnh Quảng Bình, tên Thảo, là một trong những hộ chịu thiệt hại trực tiếp vụ Formosa xả độc cho biết điều mà họ cần là biển sạch, cá sạch.
“Vấn đề là biển phải sạch để nhà em sinh kế chứ đền bù thì ăn được mấy bữa. Vì nếu em mang đổi gạo thì ăn có đủ một năm đâu.”
Anh Bình, người phải bỏ ngư trường hơn 1 năm nay thì khẳng định cuộc sống người dân không có gì thay đổi sau những thông tin về việc được nhà nước đền bù.
“Nói chung thì mọi thứ đều là con số 0”
Con số 0 mà ngư dân các tỉnh miền Trung phải nhận lãnh đã bắt buộc họ phải neo thuyền, lên bờ tìm nghề khác để mưu sinh. Theo lời anh Bình, rất nhiều các thanh niên đi biển trước đây hiện giờ phải lưu lạc ở nước khác ở làm công.
“Người dân đi biển bây giờ đi Trung, đi Hàn hết. Có người phải bán cả ghe.”
Bản thân anh Bình sau khi bỏ biển, phải lên bờ và tìm đến công việc chăn nuôi.
Nói chung thì mọi thứ đều là con số 0. - Anh Bình
Chiếc ‘thẻ vàng’ cảnh cáo của EU
Giữa lúc biển chưa thể hồi sinh và đời sống bấp bênh của gia đình ngư dân chưa kịp hồi phục thì ngư trường Việt Nam phải nhận lãnh chiếc thẻ vàng cảnh cáo của Uỷ Ban Châu Âu (EU). Quyết định hôm 23 tháng 10 năm nay được đưa ra vì Hà Nội không cải thiện kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của EU trong công tác chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Sau thảm hoạ Formosa, nghề mua bán thuỷ hải sản của người dân đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn với quyết định cảnh cáo của EU, đó là xuất khẩu sẽ bị hạn chế, sản phẩm thuỷ hải sản bị trả lại do không có nguồn gốc. Giới chuyên gia từ VASEP từng kết luận rằng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại và phát sinh thêm nhiều chi phí.
Ông Hoàng, Chủ tịch hội nghề cá Quảng Ngãi nói với chúng tôi về những khó khăn trong kiểm soát việc đánh bắt cá và những điều kiện do EU đề ra:
“Nghề cá là nghề cá nhỏ, mà ngư dân thì đông. 1 tỉnh hàng ngàn tàu, mà bến cảng, bến tàu đâu phải như nước ngoài. Gọi là tàu đi đánh cá thật ra chỉ là ghe, chứ đâu phải là tàu lớn mà có rada, có thông tin, định vị, kiểm soát. Giống như đi lên rừng khai thác, bất chấp. Bây giờ họ ra biển đánh bắt rồi về.
Khi trở về, ở Việt Nam đâu có những cái cảng để họ vào đó để có người xác nhận, mà họ vào bờ chỗ nào, bến kia để bán cá. Họ bưng rổ, bưng thúng xuống rồi những bà mua cá, bán lên. 90% là tình trạng mua bán cá diễn ra ở dọc bờ biển như vậy chứ không có những cảng lớn như các nước trên thế giới.”
Ông cũng cho biết sản lượng cá đánh bắt không phải đều có xác nhận nguồn gốc mặc dù đánh bắt ở vùng biển Việt Nam, vì Hội nghề cá không thể đáp ứng đủ số người để thực hiện việc kiểm soát.
“EU thì muốn tất cả nguồn cá đưa vào chế biến xuất khẩu phải có xác nhận nguồn gốc, nhưng không thể làm hết được đâu.
Chỉ có vài tàu lớn của công ty lớn về đến cảng đó, có người thu mua, có cơ quan giám sát mới xác định được khối lượng, đánh bắt ở đâu. Ngư dân chúng tôi thì chỉ phát cho cuốn sổ nhật ký, đánh bắt vùng nào, toạ độ nào, giờ nào…có hết”.
Theo ông Hoàng, để xác minh hết con số hơn 5 ngàn tàu cá cập bến mỗi đêm bằng phương pháp thủ công như thế là chuyện rất khó khăn.
Những người có thể và không thể trở về
Trong những ngày cuối cùng của năm 2017, ngư trường Việt Nam vẫn không thể yên ả khi báo chí đưa tin về bản án từ toà Natuna, Indonesia tuyên phạt 5 thuyền trưởng tàu cá Việt Nam với cáo buộc tội đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Indonesia.
Mức án cao nhất 5 người họ phải nhận là bị 6 tháng tù giam và số tiền phạt 300 triệu rupiah (khoảng 600 triệu đồng).
Ở vùng biển thuộc quốc gia khác, tỉnh Pangasinan – Philippines, có 5 ngư dân Phú Yên sau thời gian bị giữ sẽ được chính phủ Philippines trả về Việt Nam. Chuyến đi của nhóm ngư dân này ban đầu có đến 7 người, nhưng hai trong số 7 người họ đã không thể may mắn quay trở về.
Cái đáng tiếc là chúng ta đã để cho Formosa thải ra một lượng thải mà khắc phục thì đòi hỏi rất lâu. Vì tác động tích luỹ, hoà tan trong nước, trầm lắng xuống, diệt tất cả những gì gọi là cơ bản nhất của phát triển đa dạng sinh học. Dù họ không xả thải nữa thì nó vẫn diễn ra những tác động như vậy. - GS Nguyễn Tác An
Chiếc tàu cá số hiệu PY 96173 TS của họ đã va chạm với cảnh sát biển Phillipine tại vùng biển Bolinao, tỉnh Pangasinan. Kết quả dẫn đến là hai ngư dân xấu số Phan Ngọc Liêm và Lê Văn Reo bị cảnh sát biển Philippines bắn chết.
Theo tài liệu chúng tôi có được, đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Việt Nam gặp rắc rối khi đánh bắt cá ở những vùng lãnh hải còn đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm là nguyên nhân dẫn đến điều đó. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, đó là “Biển Việt Nam còn cá hay không?”
Câu trả lời được chính Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An khẳng định với chúng tôi rằng “Bây giờ mà trở lại ngư trường như trước đây là không thể. Nó phải có thời gian.”
“Cái đáng tiếc là chúng ta đã để cho Formosa thải ra một lượng thải mà khắc phục thì đòi hỏi rất lâu. Vì tác động tích luỹ, hoà tan trong nước, trầm lắng xuống, diệt tất cả những gì gọi là cơ bản nhất của phát triển đa dạng sinh học. Dù họ không xả thải nữa thì nó vẫn diễn ra những tác động như vậy.”
Và đó cũng chính là sự thật mà qua những ngư dân ở các vùng biển từ Nam chí Bắc chúng tôi tìm đến hỏi về cuộc sống của họ, những gì chúng tôi nhận được đều là những cái lắc đầu cùng với câu nói “Biển Việt Nam không còn cá nữa.”
No comments:
Post a Comment