Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-11-08
Một người dân ở Hội An trơ trọi trên cánh đồng mênh mông nước trong ngày 8/11/2017. AFP
Các nạn nhân trong bão số 12, với tên quốc tế là Damrey, ở khu vực miền Trung gánh chịu những thiệt hại ra sao cũng như họ trông đợi được giúp đỡ sau bão thế nào?
Thiệt hại nặng nề
Sau 4 ngày bão Damrey quét qua khu vực miền Trung Việt Nam, có ít nhất hơn 100 người thiệt mạng, 25 người mất tích và 197 người bị thương, tính đến 7 giời tối ngày 8 tháng 11.
Bên cạnh số liệu thống kê về thiệt hại nhân mạng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết có 8 tàu thủy bị chìm ngoài biển và đây được xem là tai nạn hàng hải lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, còn gần 1500 căn nhà bị sập, xấp xỉ 120 ngàn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng, hàng trăm ngôi nhà bị ngập, tập trung chủ yếu ở 7 tỉnh từ Quảng Trị xuôi vào đến Phú Yên. Riêng tỉnh Khánh Hòa là nơi bị bão số 12 tàn phá nặng nề với số người chết nhiều nhất.
Nhà báo tự do Võ Văn Tạo vào tối ngày 8 tháng 11 cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình ở thành phố Nha Trang sau khi bão đi qua:
Tôi đi ra ngoài nhìn thấy cây cối hai bên đường đổ gần như hết. Nhà cửa thì tốc mái, nào là bảng hiệu kể cả những bảng quảng cáo to, đắt tiền bị gãy, cột điện cũng thế…Nhìn kinh hoàng như B52 rải thảm
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Có mấy tiếng đồng hồ sau khi cơn bão đi qua, tuy vẫn còn rớt bão đến tận chiều. Tôi đi ra ngoài nhìn thấy cây cối hai bên đường đổ gần như hết. Nhà cửa thì tốc mái, nào là bảng hiệu kể cả những bảng quảng cáo to, đắt tiền bị gãy, cột điện cũng thế…Nhìn kinh hoàng như B52 rải thảm. Tôi có gặp một cụ già 81, sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa. Cụ bảo từ bé đến lớn chưa thấy trận bão nào kinh hoàng như thế này, mức độ tàn phá khủng khiếp như thế này. Khánh Hòa đến chiều hôm qua (ngày 7/11/17) thì thống kê có 40 người chết và 138 người bị thương.”
Nhà báo Võ Văn Tạo còn cho biết thêm ông cũng đã đi đến huyện Vạn Ninh, khu vực phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, dân chúng vẫn còn tìm kiếm xác của những người làm thuê công việc nuôi tôm cá dưới biển bị lồng bè đè chết.
Truyền thông quốc nội tràn ngập các hình ảnh tang tóc. Báo mạng Người Lao Động đăng tải thông tin “Ninh Hòa phủ trắng khăn tang”, trong thị xã nhỏ bé này có đến 17 người thiệt mạng do bão. Bản tin ghi rõ “Ở đây, không một người nào không bị mất người thân trong bão”. Kênh truyền hình VTC14 trong ngày 5 tháng 11 đưa tin về vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên được mô tả như bãi chiến trường, hàng ngàn lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi, những người nuôi tôm hùm khóc ròng vì trắng tay sau bão. Hai nông dân nuôi tôm hùm chia sẻ:
“Bão này rất nặng. Hai mươi mấy lồng là không tìm được một cái nào. Tìm được một cái thì bị rách hết, không còn một con tôm nào.”
“Tàn phá của bão này là không thể chịu đựng nỗi. Có thể thiệt hại của bà con hầu hết là 100%”.
Làm gì để giảm thiểu thiệt hại?
Mặc dù thông tin về bão Damrey được truyền thông trong và ngoài nước liên tục cập nhật kể từ ngày mùng 1 tháng 11, khi các cơ quan khí tượng như AccuWeather dự báo áp thấp nhiệt đới tại khu vực Nam Biển Đông có thể mạnh lên thành bão và sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong vài ngày tới và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu chính quyền địa phương nơi khu vực có thể bị ảnh hưởng bão phải tập trung ứng phó kip thời với bão số 12; tuy nhiên những thiệt hại về người và của mà cơn bão này gây ra là quá lớn đối với những nạn nhân ở miền Trung Việt Nam.
Là người từng chứng kiến các cơn bão lớn ở khu vực miền Bắc Việt Nam và bão số 12 ở Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng công tác chuẩn bị ứng phó với bão của các cơ quan chức năng giá như được kỹ lưỡng hơn và đôn đốc người đan nhiều hơn để họ không quá chủ quan trong việc đối phó khi có bão. Nhà báo Võ Văn Tạo nói với RFA thay vì chính quyền tỉnh Khánh Hòa nhắn tin vào điện thoại di động của người dân chỉ 3 lần trước khi bão ập đến thì theo ông việc cần thiết nên làm là bắt loa di động kêu gọi người dân chủ động chống bão hay cho Công ty Cây xanh của thành phố chặt, mé cành cây để hạn chế đến mức tối thiểu những thiệt hại về vật chất lẫn nhân mạng.
Sau cơn bão này rồi thì chắc ít ngày nữa chính quyền địa phương sẽ cho người xuống thống kê ai thiệt hại bao nhiêu, thiệt hại nhiều hay ít và chắc là người ta sẽ có phương án hỗ trợ, khoanh vùng giãn nợ, cho vay không lãi suất…chắc phải như vậy thì mới giúp cho nông dân làm lại
-Nông dân nuôi tôm
Đài RFA cũng liên với một số người dân trong vùng bão và được nghe chia sẻ họ không thể nhận biết được cơn bão mạnh đến mức nào. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng họ trông đợi được giúp đỡ thế nào trong lúc nguy nàn như thế này, một người dân nuôi tôm nói rằng các nông dân nuôi hải sản bị thiệt hại nặng nề sau bão hy vọng sẽ được chính quyền hỗ trợ bằng nhiều hình thức để có thể gầy dựng lại từ đầu:
“Sau cơn bão này rồi thì chắc ít ngày nữa chính quyền địa phương sẽ cho người xuống thống kê ai thiệt hại bao nhiêu, thiệt hại nhiều hay ít và chắc là người ta sẽ có phương án hỗ trợ, khoanh vùng giãn nợ, cho vay không lãi suất…chắc phải như vậy thì mới giúp cho nông dân làm lại”
Và đa số các nạn nhân của bão Damrey mà RFA tiếp xúc đều bày tỏ không biết họ sẽ chịu đựng cảnh đói lạnh, màn trời chiếu đất trong bao lâu nữa và vẫn nơm nớp lo âu không rõ còn có cơn bão nào khác sẽ đến hay không trong mùa mưa bão năm nay.
No comments:
Post a Comment