Thursday, November 30, 2017

Chết vì ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam tăng gần gấp đôi

Theo VOA 30/11/2017
Món tiết canh thường gây ngộ độc cao.
Món tiết canh thường gây ngộ độc cao.
Việt Nam đã chứng kiến 102 ca ngộ độc thực phẩm trong thời gian từ tháng Giêng tới tháng 11/2017, dẫn đến 22 ca tử vong, và khiến khoảng 3.150 người lâm bệnh, Cục Y tế Dự phòng cho biết hôm 30/11.
Chỉ nội trong tháng 11 năm 2017, Việt Nam đã phải đối mặt với 9 ca ngộ độc thực phẩm, tác động tới 295 cư dân địa phương, trong đó 2 người đã tử vong.
So với năm ngoái, có tất cả 119 ca ngộ độc thực phẩm, 12 ca tử vong, và 3580 người lâm bệnh trong 11 tháng đầu năm 2016.
Báo chí Việt Nam gần đây tường thuật về nhiều vụ ngộ độc tập thể, vốn hay xảy ra tại các tiệm ăn hay trong các tiệc tùng cưới hỏi, điển hình là vụ xảy ra hôm 26/11 tại Đắk Lắk, khi 24 người phải nhập viện trong hai ngày 27 và 28/11.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ mới đây, bác sĩ Nguyễn từ Sàigòn nhắc đến nguy cơ ngộ độc do thực phẩm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam mà không được kiểm soát đúng mức:
“Thực phẩm của Trung Quốc nó tràn sang khủng khiếp, và nó lại đội lốt là hàng hóa Việt Nam. Một ví dụ là khoai tây, khoai tây Trung Quốc đầy, họ đêm lên Đàlạt, xong phủ lên một lớp đất mịn ở Đàlạt, rồi chở về Sàigòn thì nói là khoai tây Đàlạt. Ai cũng biết hàng Trung Quốc đẹp, tròn, to, rẻ, nhưng mà rất là độc bởi vì nó được trồng bằng thuốc hormon, tăng trưởng thành ra rất là nguy hiểm.”
Ngoài ra, trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam còn phát hiện 163.700 ca sốt dengue, với 30 trường hợp tử vong, gần 95.000 ca lỡ mồm long móng, 680 ca sưng màng óc, giết chết 22 người, và 34 ca bệnh Zika.
Việt Nam hiện có 209.700 bệnh nhân mang mầm siêu vi HIV, trong số này hơn 90,000 trở thành bệnh nhân bệnh AIDS.
Theo các số liệu của Bộ Y tế, tính cho tới thời điểm này, khoảng 93.600 bệnh nhân Việt Nam đã chết vì các chứng bệnh liên quan tới bệnh AIDS.

Ông Này không làm thơ

 Trần Mộng Tú
Theo VOA-30/11/2017 
Một ví dụ cải tiến của ông Bùi Hiền. (Hình: M.Q. / trích từ website báo Thanh Niên)
Một ví dụ cải tiến của ông Bùi Hiền. (Hình: M.Q. / trích từ website báo Thanh Niên)
Những tháng cuối năm của Seattle rất nhiều mưa. Thỉnh thoảng mới có một ngày nắng ấm. Nhìn mưa nhớ ra những người bạn ở xa sắp tới chơi nguyên cả tuần, gặp mưa như thế này sẽ ngại và chán lắm. Tôi phải có sẵn mấy câu thơ để hối lộ. Chắc là sẽ vừa ôm vai vừa đọc ngay cho bạn khi ra đón ở phi trường.
Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em
Anh có về mang theo chút tình riêng
Em sưởi ấm trong những ngày mưa bụi. 
(Gọi Nắng-tmt)
Hy vọng những người bạn yêu thơ được dúi cho vào tay mảnh giấy có mấy câu thơ này chắc sẽ bao dung với đất trời.
Tôi ngồi vào bàn viết, mở máy tính ra gõ xuống câu thơ. Cái máy tính mới được “đổi mới” mấy hôm trước để dùng cho những thảo chương quá cũ cần thay đổi hay bỏ đi. Mấy câu thơ hiện ra trên cái màn ảnh nhỏ:
Nắq ở đây hiếm hoi n’ư hạn’ fúc
An’ có về gọi náq đến co em
An’ có về maq weo n’út tìn’ riêq
Em sưởi ấm troq n’ữq qày mưa bụi
Tôi dụi mắt đọc lại. Đọc mãi vẫn không hiểu mình đang đọc một câu thần chúgì.
Hình như tiếng Việt trong máy của tôi đã bị một mụ phù thủy phá phách. Cái mụ mặc áo choàng đen đội một cái mũ nhọn, nét mặt rất ác và có cái mũi khoằm, cưỡi trên một cái chổi bay ngang mái nhà thường xuất hiện vào ngày Halloween để dọa trẻ con.
Tôi hốt hoảng vào ngay Google tìm bài thơ Vang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền.
Mặt cời hồq n’ư chăq
Wức lòq ta buổi sớm
Zó núi wổi rộn ràq
Gọi qe biển đậy sóq
Đọc hai ba lần cũng không tìm ra được câu thơ nguyên tác ngày cũ.
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng (Thanh Tâm Tuyền)
Bài Thơ này là bài Thơ tôi quý nhất trong những bài Thơ sau 1975 của TTT.
Hay là tôi đi tìm thi sĩ Mai Thảo. Thi sĩ này đã đem hình mình đặt trong tận “miếu đền” chắc mụ phù thủy áo đen đó không dám rỡn mặt.
Tôi trích một đoạn trong bài thơ dài của ông:
Ta wấy hìn’ ta n’ữq miếu dền
Tượq thờ qìn bệ n’ữq côq viên
Sao xôq xói với hươq sùq ki’n’
Đều qát wơm từ huyệt lãq kuên
Đọc đi đọc lại bốn câu trên, tôi thấy thương thi sĩ quá, chắc khi nào xuống California tôi sẽ ghé qua nghĩa trang tạ tội cùng thi sĩ vì không đuổi được mụ phù thủy áo đen để mụ bay cả vào đền thi sĩ có hình trong đó. Tôi sẽ đọc lại câu thơ nguyên thủy trước mộ ông:
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên 
(Mai Thảo)
Tôi viết thư cho các bạn, lục lọi những trang báo trên mạng thì mới biết là tiếng Việt “Tiếng Nước Tôi” đang bị một ông Tiến Sĩ muốn đổi mới.
À hóa ra không phải là một mụ phù thủy như tôi tưởng. Đây là một ông Tiến sĩ thật (không phải tiến sĩ giấy) Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Bùi Hiền, ông in thành sách đoàng hoàng và bài đã được đưa vào giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo về ngôn ngữ học tháng 9-2017, do Hội Ngôn ngữ học VN và Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Tôi tò mò tự hỏi: “Trong nước có bao nhiêu người hưởng ứng việc thay đổi cách viết mới này”. Báo Tuổi Trẻ trong nước, đăng bài của ông lên và kêu gọi ý kiến của độc giả. Chưa bao giờ có một con số góp ý nhiều như thế: 535 lời bình.
Tôi đọc thử một vài lời mà không nhịn được cười: Xin trích ra đây vài câu đọc cho vui mùa Xuân:
  1. Giờ mới hiểu tại sao chúng ta cần thêm 9000 Tiến Sĩ
  2. Ông này muốn ghi danh vào lịch sử đây
  3. Thần Kinh
  4. Cái này em thấy nó giống ngôn ngữ của tuổi teen trao đổi với nhau, thí dụ như o thik (không thích), wá đc (quá được) v.v... Nếu "thứ tiêq Việt" này được dùng, "ông Google" cũng chẳng thể dịch nổi loại "chữ" này.
  5. Mất thời giờ, vô ích.
  6. Ngoài ra toàn bộ dữ liệu về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện tại (từ khi có chữ quốc ngữ) sẽ trở thành đồ bỏ đi do các thế hệ sau khi sửa đổi ngôn ngữ sẽ không ai khai thác được, nhiều công trình sẽ phải đục phá, sửa chữa, kinh phí thay đổi sẽ khổng lồ, quan hệ ngoại giao với các nước bị đình trệ.
  7. Ngày nay các nhà ngôn ngữ cấp tiến tại Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng việc dùng chữ giản thể đã khiến cho nhiều thế hệ cắt đứt với quá khứ, với văn hóa - lịch sử… 
  8. Ông Tiến Sĩ này có định xóa lịch Sử Việt để dần dần đồng hóa với Tầu không đấy ( Một ý kiến của độc giả trên mạng)
  9. Thay đổi cách viết tiếng Việt theo như đề xuất của cá nhân ông Bùi Hiền sẽ đe dọa, gây nguy cơ xáo trộn và đứt gãy tổng thể... trong các hoạt động của đất nước và của dân chúng.
Giả dụ cải tiến của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền thành hiện thực, không những Hiến pháp phải in lại, mà ngay cả đồng tiền, đơn xin việc, giấy kết hôn, thẻ căn cước, tên người, các danh từ riêng... đều phải sửa và in lại. (Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Ở trong nước hiện nay số người có bằng Tiến Sĩ rất cao và con số này mỗi năm một tăng. Tiến Sĩ nhiều quá nên chắc các ngài phải nghĩ ra một điều gì rất lạ để đánh bóng học vị của mình và tìm đường vào văn học sử, hay chính những vị Tiến Sĩ này muốn cho những thế hệ sau không còn đọc được Lịch Sử Việt Nam. Đi xa hơn nữa, nếu chẳng may ‘Dự án điên rồ” này được chấp thuận, một ngân quỹ tiền tỉ sẽ được đề nghị chi ra cho việc in lại sách. Bao nhiêu sách cũ được in lại trung thực? Bao nhiêu tiền sẽ chi tiêu cho việc in sách và bao nhiêu tiền sẽ bốc hơi bay vào túi các ngài? Chỉ có Trời biết.
Cuốn sách đã được in ra: Ngôn Ngữ ở Việt Nam- Hội Nhập và Phát Triển (tập 1) Sách dày 2,200 trang do NXB Dân Trí phát hành.
Tiến Sĩ cũng cho chúng ta một bảng hướng dẫn để chúng ta đọc một chương dưới đây xem có hiểu gì không?
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.
Thử đọc một bài viết bằng ngôn ngữ mới xem “Hàn Lâm” đến thế nào?
Tôi là người làm Thơ, tôi thật bối rối vô cùng. Nếu dùng loại ngôn ngữ “phù thủy” này chắc là trái tim tôi không cách nào theo kịp. Tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm, hồi tôi chưa dùng máy vi tính. Tôi viết tay một bài Thơ gửi đi, thư ký tòa báo sẽ đánh lại bỏ in.
Khi báo ra, câu Thơ của tôi chỉ sai một “dấu” đọc đã khác nghĩa rồi.
Câu thơ là : Trái tim tôi bi thương. Chữ “bi” in ra có dấu nặng thành “bị thương” Tôi mất ngủ ba đêm và thấy mình “bị thương” thật.
Bây giờ bắt tôi phải làm thơ với ngôn ngữ đổi mới này, chắc tôi phải thay nguyên tim, óc, mới và cả hai bàn tay mới. Tôi chắc ông PGS Tiến Sĩ Bùi Hiền này không đọc thơ bao giờ và chắc chắn không làm thơ rồi. Nếu có, ông đã chẳng nỡ đối xử với chữ nghĩa tiếng Việt như thế.
Trần Mộng Tú
Tháng 11/28/ 2018

Hay tay ông Trọng cũng đã nhúng chàm?

Theo VOA-Lê Anh Hùng
30/11/2017  
Ông Nguyễn Phú Trọng.
 Ông Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị Trung ương 5 khoá XII diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2012 đã chứng kiến một sự kiện hy hữu: TBT Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng.
Lý do dẫn đến việc “đồng chí X” bị truất khỏi chiếc ghế đầy quyền lực này là chuyện chẳng đặng đừng: Không phải ai khác mà chính người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng lúc bấy giờ lại đang phải chịu nhiều tai tiếng nhất về tham nhũng, khi “bảo kê” cho người thân cùng đám đàn em mặc sức xâu xé nền kinh tế. Kết cục tất yếu là, dưới quyền Trưởng ban Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (vốn được thành lập theo Luật Phòng chống tham nhũng) gần như vô tác dụng.
Ngày 1/2/2013, TBT Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Quyết định này do Tổng Bí thư ký nên dĩ nhiên nó không căn cứ vào Luật Phòng chống tham nhũng mà chỉ căn cứ vào Điều lệ Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, cùng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. (Đây cũng là bằng chứng cho thấy thói quen ngồi xổm trên pháp luật của ban lãnh đạo CSVN.)
Ba ngày sau, phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã diễn ra dưới sự chủ trì của tân Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, vị tân Trưởng ban đã tuôn ra những lời lẽ mà “đồng chí X” – nhân vật từng khiến “cụ Tổng” phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hơn 3 tháng trước đó – hẳn là người “thấm thía” hơn cả: “Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe. Tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được.”
Ngày 16/1/2015, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành kiểm sát năm 2015, ngài Trưởng ban PCTN lại được dịp huấn thị các đồng chí của mình: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng.”
Nghĩa là, đối với ngài TBT, việc cán bộ chống tham nhũng mà lại “nhúng chàm” đơn giản là không thể chấp nhận được. Dĩ nhiên, dưới sự chỉ đạo của một vị Trưởng ban như thế, không ít người từng kỳ vọng là quốc nạn tham nhũng sẽ bị chặn đứng trước khi bị đẩy lùi.
Vậy nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Mặc dù ban đầu guồng máy phòng chống tham nhũng cũng có rục rịch chuyển động, nhưng rồi mọi chuyện chẳng mấy chốc “đâu lại trở về đấy”.
Thanh tra Chính phủ phát hiện ra chính quyền thành phố Hà Nội đã để ngân sách thất thu tới… 6.000 tỷ VNĐ.
Lời khẳng định “Tham nhũng ở Việt Nam 3 năm qua ổn định” của ngài Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại buổi tọa đàm “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển” do Thanh tra Chính phủ và UNDP tổ chức ngày 9/12/2014 được xem như lời thú nhận công khai về “hiệu quả” của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ngài Tổng Bí thư.
Sau khi Trịnh Xuân Thanh (thủ phạm gây ra vụ thất thoát 3.000 tỷ VNĐ tại Tổng Cty Xây lắp Dầu khí – PVC) đào thoát khỏi Việt Nam tháng 9/2016, vụ Trịnh Xuân Thanh thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, bộ máy phòng chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng thì vẫn cứ tiếp tục ì ạch.
Và chỉ đến khi ngài TBT khoát tay hùng hồn “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng ngày 31/7, lần đầu tiên thiên hạ mới thực sự cảm nhận được hơi nóng toả ra từ cái “lò” mà ngài đã hì hục “nhóm” từ… 5 năm trước.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, hàng loạt vụ bắt bớ cùng những bản án nặng nề nhằm vào một loạt quan chức “hạng ruồi” trong vụ Ngân hàng Đại Dương khiến công chúng Việt Nam chắc mẩm là tại hội nghị “Đốt Lò” diễn ra vào thượng tuần tháng 10 thế nào họ cũng được chứng kiến vài khúc “củi bự” được tống vào “lò”. Khả năng này xem ra lại càng lớn sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương thi hành kỷ luật Bí thư Nguyễn Xuân Anh, còn cựu Bí thư TP HCM Đinh La Thăng thì bị hàng loạt tờ báo chính thống “vạch mặt chỉ tên” là đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên PVN cùng các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank.
Trớ trêu thay, trước sự háo hức trông đợi của dân chúng, “khúc củi” duy nhất bị tống vào “lò” trong “hội nghị đốt lò” chỉ là một Nguyễn Xuân Anh làng nhàng, “ngựa non háu đá”, với mức độ sai phạm tuy nghiêm trọng nhưng còn thua xa vô số ông trùm khác. Những “khúc củi” bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… vẫn tiếp tục “bình chân như vại”.
Không chỉ vậy, trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 cũng như suốt thời gian từ đó đến nay, khẩu khí của ngài TBT bỗng dưng chùng hẳn xuống, hoàn toàn tương phản với khí thế trước đấy, khi tưởng chừng như ngài có thể ném vào “lò” bất kỳ “khúc củi” nào, bất kể “củi khô”, “củi vừa vừa” hay “củi tươi”.
Trong bối cảnh đó, người ta không khỏi “băn khoăn” trước việc một loạt tờ báo chính thống bất ngờ đưa tin về sự kiện Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố việc Hà Nội để thất thu số tiền khổng lồ từ hàng loạt sai phạm trong các dự án nhà ở. Theo các bài báo, mặc dù mới chỉ thanh tra 38/204 dự án tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra chính quyền thành phố Hà Nội đã để ngân sách thất thu tới… 6.000 tỷ VNĐ.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là đương kim Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng từng làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ năm 2000 đến 2006, và lâu nay trong dư luận vẫn râm ran chuyện ông ta từng nhận 2 căn biệt thự trong khu đô thị Nam Thăng Long do tập đoàn Ciputra của Indonesia làm chủ đầu tư để giúp họ trốn thuế.
Những “khúc củi” bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… vẫn tiếp tục “bình chân như vại”.
Thực hư vụ việc chưa biết thế nào, nhưng người Việt thì vẫn có câu “không có lửa làm sao có khói”. Trong khi đó, con số 6.000 tỷ VNĐ mà Hà Nội để thất thu lại bằng số thu ngân sách nhiều năm của một tỉnh nghèo. Vì thế, thiết nghĩ người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng quốc gia cần nhân dịp này chỉ đạo điều tra những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, để không chỉ qua đó giúp thu hồi cho ngân sách số tiền khủng kia mà còn cho bàn dân thiên hạ thấy là bản thân mình không hề “nhúng chàm”.
Nhược bằng ngài Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN quyết không cho điều tra vụ việc đến nơi đến chốn hầu giải nỗi oan khuất bao năm nay cho mình thì xin được tặng ngài hai câu thơ trong Truyện Kiều, tập thơ mà hình như những lúc cao hứng ngài vẫn thường lẩy:
“Trót vì tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?”

“Đàn áp, bỏ tù không làm chúng tôi nản lòng!”

RFA2017-11-30  
Mẹ Nấm bị áp giải sau phiên phúc thẩm hôm 30/11/2017.
Mẹ Nấm bị áp giải sau phiên phúc thẩm hôm 30/11/2017-Courtesy of Facebook Nguyen Nu Phuong Dung

Thời gian gần đây nhiều nhà hoạt động dân chủ nhân quyền cũng như các nhà quan sát đều nhận thấy rằng chính phủ Hà Nội ngày càng gia tăng đàn áp đối với phong trào đấu tranh của họ.

Không nao núng

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án của blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngày 30/11 đã giữ y án 10 năm tù giam đối với cô. Các luật sư bào chữa cho Mẹ Nấm cho biết họ được phép tranh tụng tuy nhiên tòa tảng lờ những lý luận họ đưa ra. Phiên tòa diễn ra chỉ một ngày trước buổi đối thoại nhân quyền hàng năm giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU.
Cũng trong cùng một tuần lễ, nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế tại một phiên tòa diễn ra bất ngờ trước lịch được thông báo. Anh bị kết tội tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự.
Đây là hai sự kiện gần đây nhất mà các nhà quan sát cho rằng đã đánh thêm một dấu mốc vào cuộc đàn áp mạnh tay của chính quyền Hà Nội đối với giới đấu tranh dân chủ. Cuộc đàn áp này được nhận xét đã kéo dài mấy tháng nay, và giai đoạn đỉnh điểm là 5 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt chỉ trong vòng vài tuần lễ. Nhiều nhà hoạt động khác bị công an triệu tập, hoặc câu lưu.
Trước phiên tòa xử Mẹ Nấm chỉ 2 ngày, luật sư Võ An Đôn tỉnh Phú Yên đã bị xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư tỉnh này vì những phát ngôn của ông trên Facebook và những bài phỏng vấn của ông trên báo chí nước ngoài. Ông cho rằng cơ quan chức năng hành động như vậy để ngăn cản ông tham gia vào phiên phúc thẩm của Mẹ Nấm.
RFA trao đổi với nhà hoạt động – cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng vài tiếng đồng hồ sau khi phiên xử Mẹ Nấm kết thúc. Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng cuộc đàn áp dữ dội từ phía chính quyền gây ra những ảnh hưởng như thế nào tới tâm lý các nhà hoạt động, bà Bùi Hằng khẳng định:
Mặc dù biết sự tàn khốc đó đã có dấu hiệu và đã đang diễn ra, và thậm chí là tiếp tục diễn ra nhiều hơn nữa, nhưng trong một bối cảnh người dân càng ngày càng nhận ra hiện tình xã hội và những người đấu tranh như chúng tôi đã biết trước con đường mình đi, thì tôi cho rằng sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền với những bản án dành cho người đấu tranh sẽ không làm thui chột đi ý chí đấu tranh.
Một số nào đó trong thành phần người dân trong xã hội thì có thể tỏ ra hoảng sợ. Nhưng với những người đã dấn thân đấu tranh thì chúng tôi không có gì nao núng cả. Và tôi nghĩ rằng phải có sự khốc liệt và tàn bạo hơn nữa thì mới đẩy sức bật và sự chịu đựng của người dân vượt qua khỏi cái ngưỡng chịu đựng của họ. Lúc đó họ sẽ đứng lên đấu tranh.
Và tôi nghĩ rằng phải có sự khốc liệt và tàn bạo hơn nữa thì mới đẩy sức bật và sự chịu đựng của người dân vượt qua khỏi cái ngưỡng chịu đựng của họ.
- Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng
Bà Hằng từng chịu án 3 năm tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng khi bà tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Bà mãn án tù hồi đầu năm nay. Sau khi được trả tự do, bà vẫn tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ, và quyền lợi chính đáng cho người dân. Bà cũng thường xuyên lên tiếng về những sự việc bất công trong xã hội. Vài tuần lễ trước, bà bị công an câu lưu đưa về đồn khi đang đi thăm hỏi người thân.
Một nhà hoạt động khác là anh Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội cho rằng cuộc đàn áp của chính quyền sẽ vô hình chung nuôi nấng sự phẫn nộ trong tâm can một bộ phận người dân:
Tất nhiên trước sự tấn công rất mạnh mẽ này, cũng có những người đấu tranh rất mệt mỏi. Sức người thì có hạn mà sự tấn công thì liên tục, diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực. Kể cả về mặt pháp lý cũng như những trò mưu hèn kế bẩn đánh vào việc mưu sinh, hay chẳng hạn như ném mắm tôm và sơn ném vào cửa nhà những ngườ dám lên tiếng.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng khi sự đàn áp mạnh mẽ như vậy cũng sẽ tạo ra sự phẫn nộ ngấm ngầm trong quần chúng. Điều này sẽ là ngòi nổ làm bùng lên những đợt đấu tranh trong tương lai.
Ông Nguyễn Lân Thắng cũng từng bị an ninh câu lưu nhiều lần. Bản thân ông và gia đình, người thân thường xuyên bị theo dõi, tấn công như một sự trả đũa nhằm dập tắt tiếng nói của ông.
Nhiều tổ chức về nhân quyền trong và ngoài nước đã lên án tình trạng bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa ở Việt Nam. Điển hình như Tổ chức Ân Xá Quốc tế đã lên án hành động bắt giữ một loạt các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Hay 17 tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế đã viết thư yêu cầu các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC gây áp lực để Việt Nam ngừng các cuộc đàn áp dân chủ.
Mới ngày 28/11 vừa qua, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đã thúc giục Liên minh châu Âu gây áp lực trong buổi đối thoại nhân quyền sắp tới để Việt Nam phóng thích hơn 100 tù nhân chính trị.
Trong buổi nói chuyện với RFA vào ngày 29/11, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch ông Phil Robertson đã gọi hệ thống pháp lý ở Việt Nam là một trò hề. Ông cũng nhấn mạnh rằng toàn án Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và các bản án cho tù nhân chính trị đều do Đảng định sẵn.

"Điên cuồng"

Nói về những bản án cho tù nhân chính trị nói chung và bản án cho Mẹ Nấm và anh Nguyễn Văn Hóa nói riêng, bà Bùi Hằng mô tả đây là dấu hiệu của “sự điên cuồng” từ phía chính quyền:
Họ kết án mà hoàn toàn không có một chính cứ pháp lý gì cho những người đấu tranh. Một điều rất trắng trợn rằng tại sao phản đối Formosa lại là chống đối tổ quốc? Formosa không phải là tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Quyền lợi của nhân dân Việt Nam đang bị đe dọa bởi Formosa. Nhưng những người lên tiếng chống Formosa lại bị kết án rất nặng nề.
Nhiều nhà hoạt động bị bắt bớ liên quan đến thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa của Đài Loan gây ra tại các tỉnh miền Trung vào năm ngoái. Bản thân Mẹ Nấm cũng là người tích cực lên tiếng đòi khởi tố Formosa, trả lại môi trường trong sạch cho người dân. Anh Nguyễn Văn Hóa cũng là người đầu tiên sử dụng flycam để ghi lại cảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng khi sự đàn áp mạnh mẽ như vậy cũng sẽ tạo ra sự phẫn nộ ngấm ngầm trong quần chúng.
- Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng
Ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng chiến dịch đàn áp trở nên khốc liệt như hiện tại là do thế lực của Việt Nam đã bộc lộ nhiều dấu hiệu của sự lung lay, đồng thời áp lực từ quốc tế không còn mạnh mẽ như trước, đặc biệt là từ phía Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump:
Chế độ không còn quan tâm đến nhân quyền nữa và họ có thể đàn áp một cách thẳng tay để giữ sự ổn định. Hơn nữa, trong bối cảnh sự bùng phát của công cuộc đấu tranh diễn ra trong một chiều sâu và chiều rộng rất lớn. Họ là những kẻ độc tài, đặt địa vị là tôi thì tôi cũng phải đàn áp vì nếu không đàn áp ngày hôm nay thì ngày mai sẽ có chuyện. Cho nên dù biết cái giá phải trả nhưng họ vẫn hành động để chế độ tồn tại càng lâu càng tốt và may ra tìm được cửa thoát cho chế độ độc tài này.
Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, ông Thắng hình dung lại cảnh tượng Mẹ Nấm đứng trước vành móng ngựa giữa một lực lượng an ninh đông đúc. Phía sau người phụ nữ ấy là mẹ già và hai đứa con nhỏ. Ông nói rằng tình cảnh này có thể xảy đến với cứ ai trong giới hoạt động, nhưng hầu hết họ đều có sự chuẩn bị về tâm lý và sự dấn thân của họ sẽ là một tấm gương cho thế hệ đấu tranh trong tương lai.

Blogger Mẹ Nấm y án 10 năm tù sau phiên phúc thẩm

Tiến Thiện, thông tín viên RFA 2017-11-30  
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017.
 Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017.AFP
Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo quy kết “tuyên truyền chống nhà nước” ở phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Bào chữa cho blogger Mẹ Nấm trong phiên tòa phúc thẩm gồm có ba luật sư là các ông Nguyễn Hà Luân, Hà Huy Sơn và Nguyễn Khả Thành.
Một phiên tòa có nhiều điều chưa thỏa đáng
Phiên tòa diễn ra từ 8 giờ tới 11 giờ thì tuyên án và theo các luật sư thì nhanh chóng và có nhiều điều không thỏa đáng. Luật sư Nguyễn Khả Thành cho biết:
Phiên xử diễn ra bình thường, cũng đặt câu hỏi và cũng tranh luận, rồi luận tội chứ không có gì đặc biệt. Lập luận của chúng tôi là Như Quỳnh không phạm tội, hậu quả gây ra cũng không có gì nghiêm trọng.
Các luật sư đã yêu cầu các giám định viên tham dự phiên tòa nhưng cả ba giám định viên đều viết đơn xin vắng mặt.
Luật sư Nguyễn Hà Luân cho rằng viện kiểm soát né tránh các câu hỏi và không tập trung vào các chất vấn của luật sư.
Nhận xét về thái độ của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, luật sư Nguyễn Khả Thành cho rằng “bản lĩnh”:
Cô cũng bản lĩnh đó. Không nhận tội, cô trả lời những hành động đó thể hiện quyền tự do cá nhân của cô. Cô nhất quyết không nhận tội.
Luật sư Hà Huy Sơn nhấn mạnh rằng các luật sư đã phân tích sự khác nhau giữa đảng – nhà nước và phân biệt hai khái niệm này.
Ngay từ sáng sớm, trong clip tường thuật trực tiếp từ Nha Trang đăng trên facebook, nhà hoạt động Trịnh Kim Tiến cho biết các ngả đường đi vào tòa án đều bị đặt barier chặn đường không cho vào. Ngay cả bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – thân mẫu bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng bị chặn, nhưng bà Lan đã cương quyết vượt qua hàng rào an ninh để vào bên trong phiên tòa.
Riêng luật sư Võ An Đôn do trước đó đã bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên nên không thể có mặt tại tòa trong tư cách luật sư bào chữa. Tuy vậy, ông Đôn cũng đã đến để theo dõi và ủng hộ tinh thần cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bên ngoài.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa những người ủng hộ blogger Mẹ Nấm đã hô to những khẩu hiệu phản đối bản án dành cho bà Quỳnh.
Không nhận tội, cô trả lời những hành động đó thể hiện quyền tự do cá nhân của cô. Cô nhất quyết không nhận tội.
- Luật sư Nguyễn Khả Thành
Facebooker Nguyễn Hoàng Vi cho biết đã có nhiều người bị công an đánh và bắt sau phiên tòa bao gồm cả thân mẫu của Mẹ Nấm. Một số người bị cướp điện thoại như luật sư Võ An Đôn và Trịnh Kim Tiến và bà Trần Thu Nguyệt.
Luật sư Hà Huy Sơn xác nhận rằng có nhiều người đã bị đánh đập và bắt đi.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nhiều lần nhưng máy liên tục bận.
Ông Brad Adams, Giám đốc Châu Á của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) trong một thông cáo yêu cầu EU áp lực Việt Nam trả các tù nhân chính trị hôm 28/11/2017 nói:
EU cần công khai vinh danh những công dân Việt Nam dũng cảm như ‘Mẹ Nấm’ và luật sư Võ An Đôn, những người đã chịu nhiều rủi ro vì nhân quyền và dân chủ. EU cần nói rõ rằng việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai bên phụ thuộc vào việc Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và chấm dứt sách nhiễu, đe dọa những người bảo vệ nhân quyền.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam theo Điều 88 - Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân..."
Bà từng bị bắt nhiều lần trước đó trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo và đòi nhân quyền.
Mẹ Nấm là ai?
Bà là điều phối viên của mạng lưới Blogger Việt Nam, thành viên của các tổ chức "Người Việt yêu nước" và "Tuyên bố công dân tự do".
Theo cáo trạng của cơ quan điều tra tỉnh Khánh Hòa, bà Quỳnh soạn thảo một tập tài liệu có tiêu đề tiếng Anh là “Stop police killing civilians", tiếng Việt là “Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường”. Cơ quan điều tra Khánh Hòa cho rằng “nhằm mục đích để người đọc hiểu sai bản chất, xúc phạm và hạ uy tín của công an nhân dân VN”.
Thực chất, đây là một tập tài liệu tổng hợp các trường hợp các nạn nhân bị chết trong đồn công an, và kêu gọi mở những cuộc điều tra minh bạch về nhũng cái chết thương tâm này.
Năm 2010 bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao giải Hellman Hammett vì những hoạt động bảo vệ quyền tự do biểu đạt.
Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ Quyền Dân sự trao cho cô Giải thưởng Của Năm.
Bà cũng được nhận giải Những Người Phụ nữ Quốc tế Can đảm của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ vào tháng Ba năm 2017.
Ngày 29/6 trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao sau phiên tòa sơ thẩm, Bà Heather Nauert, người phát ngôn nói với Báo giới rằng “Quỳnh đã bị tuyên án 10 năm tù với một bản án mơ hồ về tội chống phá nhà nước…” và yêu cầu Việt Nam "thả Mẹ Nấm và tất cả những tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và cho phép các cá nhân Việt Nam quyền tự do biểu đạt và hội họp mà không sợ bị trả đũa."
Những tiếng hô to “Mẹ Nấm vô tội” ngay trước cổng phiên tòa và những người phản đối bị công an đánh là một nghịch lý dễ thấy trong các phiên tòa mang tính chính trị gần đây.

Ý nghĩa của chữ Việt kiểu mới Bùi Hiền

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Trái với tuyệt đại bộ phận quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đang bức xúc tức là bực mình đòi xúc đổ đi ngay cái kiểu viết chữ quốc ngữ do ông PGS.TS. Bùi Hiền (từ đây trở đi, viết tắt là Bùi) vừa phát minh trình làng, nhà bình luận Cu Quàng Khăn rất đồng tình và ủng hộ sáng kiến thiên tai chấn động địa cầu của ngài nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội. Vì nó mang những ý nghĩa sau đây.

Một là: Thể hiện đúng tinh thần làm theo gương bác Hồ mà các cháu lúc nhỏ quàng khăn đỏ mới đến trường mẫu giáo đã thuộc làu làu. Chẳng hạn gương Bác viết: Việt Nam zân chủ cộng hòaĐộc lập tự zo hạnh fúc vân vân như trong di chúc Hồ Chí Minh dưới đây, mà bọn phản động chống phá tổ bịp xuyên tạc là di chúc mèo mửa:


Hai là: Nước ta là một nước độc lập định hướng chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít (mặc dù cái nôi sinh ra nó tuốt bên kia nửa vòng trái đất, và tuyệt đại bộ phận các nước chư hầu anh em đã vặn cổ lôi đầu vứt ra bãi rác), cho nên đảng ta không thể để mãi dấu tích thực dân mà ngày ngày mở mắt ra là thấy: đó là chữ quốc ngữ hiện hành do tập đoàn cố đạo Tây Ban Nha vẽ ra. Thế nên ta phải quét sách nó đi, để mai sau con cháu ta tự hào chữ Việt chúng đọc chúng viết là do người Việt Nam, ông PGS. TS. Bùi sáng tạo, chứ không phải công của Giám mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhode) như bọn bán nước ôm chân đế quốc tuyên truyền, xuyên tạc lịch sử, đập bia tử sĩ, bôi xóa sử tích chống giặc xâm lăng..

Giám mục Đắc Lộ 

Ba là: Từ nhiều năm nay, đám trẻ là rường cột tương lai đất nước, không chịu học hành vì hiện tượng tiêu cực trong việc đề bạt, bổ nhiệm, tuyển chọn cán bộ của ta dựa theo tiêu chuẩn đã thành vè trong dân gian: “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”. Sự cố không chịu học hành này gây thiệt hại năng nề cho thu nhập, không lo thất thu kiến thức, nhưng thu nhập tài chánh. Nay bộ giáo dục đổi mới chữ viết theo mô đeo như Bùi, bố bảo đứa nào không cắp sách đến trường. Không chỉ có lớp tuổi học trò, mà tất cả 90 triệu dân già trẻ ai không muốn bị mù chữ kiểu Bùi đều phải cắp sách đi học đánh vần kiểu mới. Ngoài nguồn học phí vô như lũ, nhà nước ta còn nguồn thu phí qua trạm dựng khắp nơi như trạm BOT thu phí xe, để kiểm tra ông đi qua bà đi lại đã biết đọc biết viết chữ “Bùi” chưa, ai chưa biết sẽ bị phạt tiền mặt tại chỗ.

Bốn là: Trong khi Mỹ bỏ TPP, EU rút thẻ vàng và đang lăm le nếu còn loạng quạng, Việt Nam sẽ ăn thẻ đỏ, khiến hàng triệu công nhân đang lo thất nghiệp, sáng kiến cải cách chữ Việt kiểu Bùi (Xin đừng xuyên tạc, đọc sai chữ Bùi) đem ra thực thi sẽ tạo cơ man nào công ăn việc làm: dịch và in lại toàn bổ tài liệu sử sách, các bảng hiệu cửa tiệm, mộ bia, nói chung bất cứ gi dính dáng đến chữ Việt cũ đều thành chữ kiểu Bùi ráo. Nhà in chạy xoành xoạch đêm ngày, nhà rác đốt hừng hực cháy không kịp tàn dư đế quốc trừ trung quốc.; nhà bán sơn, bán mực, bán giấy bút bán mệt không được nghỉ v.v.. Cả nước bát nháo, lớp đi học ê a chữ Bùi, lớp đứng đường kiểm tra đã đọc dược viết được tiếng Bùi chưa. Trong bối cảnh người người học Bùi, nhà nhà học Bùi, cả nước học Bùi, không ít nhà thơ bắt chước Tố Hữu ngâm nga,”Vui biết mấy khi ông tập viết; chữ đầu tiên ông v...uốt Bù...i đi!

Năm là: Cải cách chữ Quốc ngữ kiểu như Bùi đề xuất chứng tỏ một cách chắc nịch không ai có thể chối cãi tính đỉnh cao trí tuệ loài người của đảng ta mà tổ tiên là khỉ rặt một bầy. 

Sáu là: Việc cải cách chữ Quốc ngữ thể hiện tính dám nói dám làm, bách chiến bách thắng của nhân dân ta anh hùng, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Ruộng đất bao la của người ta do cha ông để lại như thế mà bác Hồ còn cải cách chết bỏ được huống chi chữ quốc ngữ bé tí tẹo tàn dư của thực dân Tây, đảng ta lại không dám làm.

Bảy là:…

Nhưng thôi! ý nghĩa của cải cách chữ Quốc ngữ do TS. Bùi đề xuất bao la “mênh mông tình đảng” quá, kể không xiết. Bình luận gia Cu Quàng Khăn xin ngưng nơi đây.

29/11/2017

Tổng Trọng bị quay như con dế

Phạm Trần (Danlambao) - Ông bà người Việt đã dậy: "nói lời thì giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay", đằng này Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chẳng những cứ nuốt như uống nước mà còn nói mãi "cái lò đã nóng lên rồi", nhưng rừng cây tham nhũng thì vẫn bạt ngàn xanh tươi.

Vì vậy mà ông Trọng đã bị cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội quay như con dế trong buổi tiếp xúc ngày 29/11/2017.

Từ chuyện "tinh giảm biên chế mà cứ phình to ra mãi" cho đến “không thu được tài sản tham nhũng” và “kẻ bị kỷ luật lại được thuyên chuyển đi nơi khác an toàn”là những vấn đề cử tri chất vấn ông Trọng. Nhưng tất cả thắc mắc và than phiền lần này vẫn không mới mà chỉ được lập lại như hàng chục lần ông Trọng tiếp xúc với dân trong mấy năm qua. Điệp khúc tham nhũng quen thuộc của lãnh đạo Cộng sản từ trên xuống dưới là khi nào cũng “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” nên năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước.

Tại sao? Theo cử tri thì chứng bệnh trầm kha trên bảo dưới không nghe vẫn tồn tại tự nhiên như người Hà Nội nên tình hình chống tham nhũng vẫn trơ ra như đá, hay “trên nóng dưới lạnh". Trong khi nhiều kẻ tham nhũng tuy chịu phạt nhưng tài sản tham nhũng không mất nên vẫn sẵn sàng "hy sinh đời bố để củng cố đời con", theo nhận xét của cử tri Hà Nội.

Cử tri Nguyễn Ngọc Hạc (Tây Hồ) nói với ông Trọng rằng: "Nguyên nhân sâu xa là sự tha hóa biến chất của cán bộ.". Ông yêu cầu nhà nước "cần loại bỏ nạn mua quan bán chức".

Trong khi cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ) nêu bức xúc sau khi biết kết quả thanh tra những vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN&MT (Tài nguyên và Môi trường) Yên Bái.

Ông nói: "Nhân dân cảm thấy không thuyết phục, ông Quý danh hiệu đảng viên vẫn còn, tài sản vẫn còn nguyên vẹn, việc kiểm tra xử lý còn chùn bước. Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, trong phòng chống tham nhũng không có vùng cấm nhưng liệu còn có vùng nể, vùng tránh hay không?" (theo Zing.VN, ngày 29/11/2017)

Trả lời cử tri, theo Zing.VN: "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định các ý kiến được nêu ra đều "không cãi vào đâu được". Tham nhũng là thực trạng nghiêm trọng."

Ông nói: "Không kỳ tiếp xúc nào cử tri không nói đến và kỳ họp nào Quốc hội cũng bàn. Người dân đồng thuận, Trung ương có thế để làm. Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, đồng lòng."

Nhưng chuyện "không cãi vào đâu được" đã có từ thời ông Trọng chưa làm Tổng Bí thư cơ mà. Tại sao cứ tồn tại mãi hả Bác Trọng? Chả nhẽ ông nói như thế chỉ để cho lỗ tai dân bớt ngứa để ông có thể kéo dài thời gian đối đầu với tham nhũng mà không bị lên án nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu?

Chẳng thế mà ông đã đẻ ra chiến thuật “chậm mà chắc”, dù thật sự ông đã hết khả năng chống tham nhũng sau hơn 6 năm cầm quyền.

Ông nói: "Phòng, chống tham nhũng phải làm bài bản, chắc chắn, các đối tượng tâm phục, khẩu phục…việc điều tra các vụ án ở lĩnh vực này cần phải nêu được chứng cứ rõ ràng, tội phạm phải chịu nhưng không vì thế mà trì hoãn, cho chìm xuồng…. Đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên trì, không nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định. Không phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công… Mở đường cho người ta tiến mới là thành công." (theo ViệtNamNet, 29/11/2017)

Vậy ra chống tham nhũng theo chiến thuật Nguyễn Phú Trọng là “vẽ đường cho Hươu chạy”, hay bắt chuột mà chớ làm vỡ bình thì chống hay che?

Tài sản không cánh mà bay

Báo chí Việt Nam cũng đưa tin: "Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, Tổng bí thư thừa nhận đang là khâu yếu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì tội phạm biết cải tà quy chính, tình nguyện trả lại tài sản sẽ được giảm hình phạt."

Ông tung mồi câu: "Cụ thể, từ đầu năm 2018, người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình với họ. Hình phạt tử hình được chuyển thành chung thân."

Đấy là ông Trọng kỳ vọng được như thế. Nhưng nếu căn cứ vào qúa khứ thu hồi thì ông Trọng hãy nghe Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, phát hiện, chống tham nhũng không thể nói ít hay nhiều.

Ông nói: "Phát hiện thiệt hại vụ sau lớn hơn trước, do nhiều cơ chế, trong đó tài sản tích tụ của nhà nước giao cho cá nhân chịu trách nhiệm nhiều.

Để xảy ra hệ quả, thường là phát hiện chậm, hành vi tham nhũng xảy ra phải đến 10 năm sau mới phát hiện, tỉ lệ thu hồi thấp, việc tẩu tán tiêu thụ đã hoàn thành."

Bài viết của ViệtNamNet (VNNET) ngày 8-3-2016 dẫn lời Thiếu tướng Phan Anh Minh nói rằng: "Việc kê khai tài sản là một giải pháp “ảo”, không mang lại tác dụng răn đe, chỉ có tác dụng “đút ngăn kéo”, còn kê khai đúng không thì không ai biết."

Ông cho hay, có một số vụ án dù được sự đồng tình của Thường vụ Thành ủy thành phồ Hồ Chí Minh nhưng công an Thành phố vẫn không tiếp cận được bản kê khai tài sản của cán bộ vi phạm.

Ông nói: "Như thế bản kê khai để hộc bàn không ý nghĩa gì cả”.

Bằng chứng như tại buổi điều trần trước Quốc Hội ngày 28/20/2016, cả nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đã cho biết: "Năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỉ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm."

Vì vậy, chính phủ cũng nhìn nhận bất lực trong báo cáo với Quốc hội. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thì: "Trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng số thu hồi chỉ là 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, tức là chỉ trên dưới 10%." (VTC News, ngày 21/11/2017)

Lý do chỉ thu được dưới 10% vì, theo bà Thủy: "Pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ áp kỷ luật đối với chính người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ."

Bà nói: "Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án sẽ không còn tài sản để thi hành án."

Như vậy thì khi ông Trọng thừa nhận trước cư tri ngày 29/11/2017 rằng "việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đang là khâu yếu" mà không nói đến trách nhiệm của đảng và nhà nước gây ra vì "chưa có cơ chế để xử lý" thì lỗi này không phải của ông Trọng, người có quyền lực bao trùm cao nhất thì của ai?

Ngày cả Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng nhìn nhận điều tra các vụ án tham nhũng rất khó, vì: "Người tham nhũng thường có quan hệ, có thủ đoạn và giỏi che giấu hành vi." (VTC News, 18/11/2017)

Trả lời cho thắc mắc tại sao nhiều vụ án khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc?

Ông Lâm đáp: "Trước hết chủ thể rất đặc biệt, có thủ đoạn, có quan hệ, có chuyên môn để che dấu hành vi. Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện, hành vi được che đậy, các đối tượng quan hệ chặt chẽ, thông tin khép kín trong phạm nhất định.

Ngoài ra, khó khăn do việc điều tra các vụ án có yếu tố nước ngoài liên quan tới hoạt động tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, công tác giám định còn nhiều hạn chế. Có tình trạng một số cơ quan, cá nhân được trưng cầu giám định cố tình kéo dài thời gian giám định dẫn đến việc án tham nhũng không thể xử lý."

Thêm vào đó có nhiều "vụ án tham nhũng phải trả hồ sơ bổ sung", vì theo Bộ trưởng Công an: "Các vụ án này thường xảy ra lâu mới được phát hiện, hành vi tham nhũng được che đậy, đối tượng đã cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu."

Như thế là hòa cả làng. Còn chống với chế gì nữa ông Trọng? Bởi lẽ chỉ là đảng viên và viên chức có chức có quyền mới có thể tham nhũng và ăn no béo mập. Luật phòng, chống tham nhũng cũng do đảng viết rồi trao cho Quốc hội của đảng chấp thuận thì “ai trồng khoai đất này”?

Nhân dân chỉ có cái khố đeo thân thì có muốn tham nhũng cũng chả ma nào cho. Như vậy thì câu tuyên truyền nhảm nhí "Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác" mới được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng lập lại ngày 27/11/2017, tại buổi tiếp xúc với cử tri Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có nghĩa lý gì không?

Tại cuộc tiếp xúc, khi nói đến quốc nạn tham nhũng, ông Thưởng cho biết: "Tham nhũng thì nước nào cũng có, nhưng ở nước ta nhiều hơn, có lẽ do việc phòng chưa tốt, nên việc chống tham nhũng sẽ ngày càng được xử lý triệt để, khắc phục tình trạng nặng dưới nhẹ trên."

Tại sao lại "có lẽ do việc phòng chưa tốt" nên tham nhũng ở Việt Nam nhiều hơn nước khác? Ở địa vị như ông Thưởng, cầm đầu ngành tuyên truyền của đảng, mà còn ngại không dám nói toặc móng heo ra lý do “chưa tốt” vì tham nhũng đã nắm đầu nhiều lãnh đạo chủ chốt từ khi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được nói là cha ruột của ông Thưởng, còn tại chức cơ mà?

Giảm mà cứ tăng

Chẳng hạn như chuyện giảm biên chế, tức số viên chức, cán bộ ăn lương của dân mà nhà nước muốn cắt bớt từ chục năm nay, có làm nổi đâu.

Tài liệu chính thức phổ biến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 liên quan đến biên chế ngày 29/11/2017 cho thấy: "Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người."

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tổ chức nhìn nhận: "Bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu."

Ông Chính đã đưa ra nhiều con số “lạm phát nhân viên” đến chóng mặt. Ông nói: "Cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.

Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;...

Từ năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ; năm 2015: 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014; năm 2016: 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015; dự toán chi năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%)."

Nhưng tại sao lại thu vào nhiều người như thế mà đảng không làm gì được? Tại vì hầu hết là con ông cháu cha, chỗ quen thân và có ăn chia, đóng hụi với nhau giữa các nhóm lợi ích lãnh đạo nên đã nhận vào thì khó mà thải ra sợ chạm đến quyền lợi của nhau.

Vì vậy, ông Phạm Minh Chính mới nói huỵch toẹt ra: "Số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.

Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng."

Ông nói: "Chúng ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5- 6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề."

Vì vậy mà một số thống kê cho thấy có đến trên 30 phần trăm cán bộ, viên chức không có việc làm mà vẫn ăn lương để rủ nhau đi nhậu mỗi ngày và manh mối tư lợi thì ngân sách nào chịu cho thấu ở một nước nghèo như Việt Nam?

Nhưng chưa hết, vẫn theo những con số phổ biến bởi ông Phạm Minh Chính thì: "Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số."

Nói cách khác, các quan chức cứ tự ý vẽ ra việc và xẻ thịt các huyện và xã ra nhiều mảnh để lập ra các khu vực hành chính để tuyển nhân viên lấy tiền đút túi.

Vậy mà từ bao nhiêu năm nay, tính từ thời Tổng Bí thư khóa đảng VI Nguyễn Văn Linh năm 1986 cho đến thời ông Trọng, khóa XII năm 2016, tổng cộng 30 năm mà không ai làm nổi việc tinh giảm biên chế và phòng, chống tham nhũng để bớt hành dân thì cái đảng cầm quyền độc tài và chuyên chế CSVN có còn xứng đáng tồn tại không?-/-

(11/017)