Bùi Tín
Theo VOA-18/10/2017
Một cảnh trong The Vietnam War, PBS.
Đã có nhà văn cho rằng chiến tranh là «vũ điệu của những con số.» Thật vậy, trong chiến tranh những con số nói lên rất nhiều điều.
Ngày tháng, cho đến giờ của một trận chiến. Trận đánh kéo dài bao nhiều giờ, phút? lực lượng tham chiến các bên là bao nhiêu? số bom, đạn lớn nhỏ nhiều hay ít? hiệu quả ra sao? thương vong, người chết, bị thương nặng nhẹ ra sao, bao nhiêu? tù binh, chiến lợi phẩm nhiều ít là bao nhiêu?
Nói đến một trận đánh mà không có những con số để thuyết minh thì thật là vô duyên, vô dụng.
Trong chiến tranh ở Việt Nam, 2 bên đều đưa ra những con số của mỗi trận chiến. Nhưng mỗi bên có một quan niệm, cách thức khác hẳn nhau. Điều này có tác dụng không nhỏ đối với kết thúc của cuộc chiến, có thể nói là có tác dụng quyết định thắng thua trong chiến tranh.
Về phía Hoa Kỳ, các thông báo, tin tức, các con số đều chuẩn xác theo nền nếp công khai, chính quy của một hệ thống sổ sách, thống kê, kế toán khoa học, chi ly, nghiêm chỉnh. Con số sỹ quan, quân nhân, chuyên viên, kỹ thuật viên, đơn vị có mặt ở miền Nam Việt Nam là bao nhiêu, được thông báo từng tuần lễ, từng tháng một. Các đợt tăng quân, giảm quân, rút quân cũng công khai tỷ mỷ, rõ ràng, chính xác đến tuyệt đối.
Tướng Westmoreland còn ra chỉ lệnh cho mọi cấp chỉ huy phải đích thân đếm kỹ các xác chết của đối phương để đảm bảo các báo cáo thật chuẩn xác.
Còn phía Bắc Việt Nam đưa bao nhiêu quân vào miền Nam? không có một tin tức nào, một con số nào suốt từ năm 1960 đến năm 1975. Coi như không hề có 1 quân nhân nào từ miền Bắc vượt qua giới tuyến quân sự. Cứ như là tất cả đều là Quân giải phóng của Mặt trận Giải phóng là dân miền Nam, dân tại chỗ hết. Có thế mới là «tôn trọng tuyệt đối quyền tự quyết của nhân dân miền Nam» như đã cam kết trong các Hiệp định. Các xe tăng vào Nam cũng cắm cờ Mặt trận.
Về công bố con số thương vong trong các trận đánh, trong cuộc chiến tranh cũng vậy, mỗi bên có một quan niệm riêng, một cung cách riêng khác hẳn nhau.
Phía Hoa Kỳ theo nếp làm việc công khai, minh bạch, chuẩn xác. Bộ Quốc phòng công bố hàng tuần lễ tổn thất của quân nhân Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, có tuần lễ 40, 60 người, có tuần lễ lên 180 người. Tổng số sau khi chiến tranh kết thức là gần 60.000, có tên từng người ghi trên bức tường kỷ niệm giữa thủ đô Washington DC.
Vậy mà theo công bố của phía Bắc Việt Nam, riêng trong năm 1968 qua trận chiến Mậu Thân, quân Hoa Kỳ đã tổn thất lên đến 130.000 người (!).
Nếu cộng tất cả các con số thương vong của quân đội Việt nam Cộng hòa đăng trên báo Quân đội Nhân dân thì chỉ riêng trong năm 1968, con số đó lên đến gần nửa triệu, hơn 460.000 ngàn quân! Một con số thổi phồng quá đáng! Còn «phía ta» thì không có con số nào, nghĩa là … không đáng kể.
Về số máy bay bị bắn rơi trên miền Bắc, con số Lầu Năm góc đưa ra là gần 1.000 máy bay các loại, nhưng theo công bố của Hà Nội là gần 3.000 chiếc. Những con số thật và số ma, số ảo cãi nhau, nhảy múa loạn xạ trong nhận thức của người muốn biết sự thật. Tin ở con số nào?
Cũng như những sự kiện. Trong «The Vietnam war», các nhà làm phim tái hiện cuộc tàn sát Mỹ Lai với kết quả viên thiếu úy W. Calley bị ra vành móng ngựa với bản án tù chung thân (sau được ân xá), còn vụ tàn sát Mậu Thân ở Huế với vài ngàn nạn nhân bi thảm thì đến nay cũng chưa thật rõ ngọn ngành và nguyên nhân, không có ai là người chịu trách nhiệm.
Thật ra mỗi bên có cái lý sự của mình.
Phía Hoa Kỳ là một thể chế dân chủ thuần thục, luôn tôn trọng sự chân thực, chính xác, không cho phép mỵ dân, lừa dân, nói dối dân, sẽ mất hết niềm tin, cơ sở tồn tại của chế độ.
Phía chế độ độc đoán độc đảng là quan niệm đánh lừa được địch trong chiến tranh, nghi binh, che dấu sự thật không đáng nói trong chiến tranh là thủ thuật, khôn ngoan, miễn là giành được chiến thắng, toàn thắng. Mọi sự nói dối, lừa địch và che dấu, lừa dư luận trong nước và thế giới là được phép, lương tâm yên tĩnh, không cần băn khoăn. Kết quả biện minh cho biện pháp. Thực dụng đặt lên trên đạo đức, tính lương thiện.
Thật khó phán xử bên nào, đúng bên nào sai. Hai chế độ chính trị, hai nền văn hóa đối chọi nhau, khác hẳn nhau.
Nếu như phía Hoa Kỳ cũng che dấu sự thật, không thông báo chi ly, chính xác tổn thất của phía mình từng tuần lễ, che dấu tổn thất hàng tuần tăng gấp 2, 3, đến 5 lần năm sau so với các năm trước, thì có thể phong trào phản chiến không mạnh mẽ quyết liệt như đã từng xảy ra.
Nếu như phía Bắc Việt cũng làm như Hoa Kỳ, công bố sòng phẳng chân thực các con số thương vong các bên, thường thương vong trong một trận cao hơn đối phương đến 3, 4 lần, thì hậu phương sẽ bị chấn động lớn, lòng dân hậu phương sẽ không yên. Cuộc chiến có thể không kết thúc như đã diễn ra.
Sự nhảy múa hoa mắt của những con số, đây cũng là một góc khuất lý thú của cuộc chiến mà 2 nhà đạo diễn Hoa Kỳ đã không nêu bật lên. Nó có tác dụng đối với kết quả và kết thúc của cuộc chiến.
Xin nêu lên một sự thật như một đóng góp nhỏ bé cho việc nhìn lại và tổng kết về cuộc chiến vừa qua.
No comments:
Post a Comment