Kính Hòa RFA 2017-10-05
Các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ, và Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đảng toàn quốc đầu năm 2016. AFP
Chuyện hợp nhất các chức danh của đảng cộng sản với các cơ quan chính quyền làm một là việc được bàn đến từ lâu ở Việt Nam, vốn chỉ do duy nhất đảng cộng sản lãnh đạo. Liệu trong hội nghị trung ương đảng lần thứ sáu đang tiến hành tại Hà Nội sẽ bàn đến vấn đề này hay không? Và nếu có thì có quyết định thực hiện hay không?
Nhất thể hóa là một dự án nghiên cứu từ lâu
Tiêu biểu nhất cho ý tưởng hợp nhất, hay còn gọi là nhất thể hóa này là bài báo của ông Nhị Lê trên Tạp chí cộng sản ra vào tháng Tám, năm 2016. Sang đến tháng Sáu năm nay lại có bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nguyên Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, viết trên tạp chí Tia sáng đưa ra khái niệm Tổng thống lưỡng tính thực chất là gộp hai chức danh Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước như mô hình Trung Quốc.
Việc thu gọn hệ thống hành chính, chính trị của Việt Nam là không thể lùi lại được nữa.
-Tiến sĩ Ngô Trí Long.
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, một chuyên gia kinh tế hiện sống ở Hà Nội, thì đảng cộng sản Việt Nam đã đưa chuyện gộp các chức danh đảng với nhà nước làm một vào một đề án nghiên cứu bấy lâu nay.
“Vấn đề nhất thể hóa người ta đã bàn từ lâu rồi. Nội dung của kỳ họp trung ương 6, khóa 12 này có rất nhiều vấn đề, nhưng cái nội dung ấy là cốt lõi. Việc thu gọn hệ thống hành chính, chính trị của Việt Nam là không thể lùi lại được nữa, vì hiện nay nợ công rất lớn, bội chi thì cao, cho nên phải tinh giản mới giảm được chi phí thường xuyên, còn chuyện có quyết định hay không thì phải chờ hội nghị.”
Trong cơ cấu tổ chức của nhà nước Việt Nam hiện nay, cứ một bộ phận của chính quyền thì song song đó có một bộ phận của đảng, ví dụ như bên cạnh Ủy ban nhân dân tỉnh, có tỉnh ủy của đảng cộng sản. Đây được xem như là mô hình đảng cộng sản lãnh đạo mọi hoạt động của xã hội.
Tuy nhiên sự trùng lấp như vậy tạo nên một biên chế rất lớn cho lĩnh vực hành chính công tại Việt Nam. Tại hội nghị Trung ương 6, một số thống kê cụ thể được đưa ra là hiện nay có 2,5 triệu biên chế của chừng 58 ngàn đơn vị sự nghiệp công lập, chưa kể tổ chức trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Khi bài báo của tác giả Nhị Lê xuất hiện vào năm 2016, Luật sư Lê Công Định, hiện sống ở Sài Gòn có nói với chúng tôi:
“Lẽ ra họ đã làm cái điều này trong lần cải cách chính trị lần đầu tiên hồi năm 1986. Thời điểm đó là thích hợp để đưa ra cải tổ này, nhưng 30 năm sau mới được đưa ra một cách chính thức. Từ trước đến giờ cứ song song với bộ máy chính quyền thì có bộ máy đảng tồn tại để điều khiển mọi hoạt động. Trên thực tế hai bộ máy này chồng chéo nhau với cùng một nhiệm vụ.”
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, trả lời đài RFA vào tháng Sáu năm 2017, thì việc nghiên cứu hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư đảng đã được đảng cộng sản Việt Nam bàn luận suốt 15 năm qua, nhưng không thực hiện được.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ sáu, Tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng sẽ sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Nhưng đồng thời ông cũng nói rằng đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến vai trò lãnh đạo của đảng.
Có khả thi hay không?
Một nhà quan sát độc lập tại Sài Gòn là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng không tin rằng chuyện hợp nhất bộ máy đảng và chính quyền trong hoàn cảnh hiện nay có thể xảy ra. Một lý do quan trọng được ông đưa ra là khả năng của các viên chức đảng thuần túy, và sự kháng cự của bộ máy chính quyền:
Nhưng những cán bộ đảng đó lại không có chuyên môn như những người bên chính phủ và chính quyền, vì thế chắc chắn sẽ bị sự kháng cự lại.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
“Khi mà nhất thể hóa thì nói theo ngôn từ dân gian, chúng tôi thường nói là đảng tràn sang chính quyền, người của đảng vốn dĩ là có nhiều người không có chuyên môn, nhưng nhờ vào sự nhất thể hóa nên tràn sang chiếm những vị trí bên chính quyền, những vị trí được cho là màu mỡ hơn, tiếp xúc với dân, với doanh nghiệp, màu mỡ hơn. Nhưng những cán bộ đảng đó lại không có chuyên môn như những người bên chính phủ và chính quyền, vì thế chắc chắn sẽ bị sự kháng cự lại.”
Một lý do nữa được ông Phạm Chí Dũng đưa ra là nếu gộp hai bộ phận làm một thì sẽ dư ra rất nhiều…. vị lãnh đạo mà không biết đưa vào đâu, ngoài ra với các mối quan hệ chằng chịt về gia đình và quyền lợi thì khó có thể loại một cán bộ đảng nào đó.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Ngô Trí Long thì mô hình hợp nhất này đã được thí nghiệm ở Việt Nam:
“Cái này Quảng Ninh người ta đã làm rồi và cảm thấy rất là hiệu quả. Thì đó là mô hình điểm rồi mới đưa ra hội nghị trung ương, không lùi được nữa, phải tiến, nhưng nhanh hay chậm là một vấn đề.”
Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện mô hình nhất thể này ở cấp xã, chỉ có một viên chức được chỉ định điều hành mọi công việc cho xã, chứ không phải là hai vị trí Chủ tịch xã và Bí thư xã như trước kia. Theo một số nguồn tin thì chính từ việc thực hiện thành công mô hình này, mà Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính được thăng chức Ủy viên Bộ chính trị trong đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016.
Một điều đáng chú ý là trong cả hai bộ phận, bộ phận chính quyền như mọi quốc gia khác, và bộ phận đảng, tất cả các viên chức đều là đảng viên, nhưng tại sao lại không thể sắp xếp họ theo mong muốn của đảng?
Ông Phạm Chí Dũng, một cựu đảng viên cộng sản nói:
“Đảng viên là một khái niệm hết sức trừu tượng, mà vấn đề là lợi ích. Những vị trí như thế gắn liền với quyền lực, và quyền lực với lợi ích. Sự khác biệt giữa các đảng viên là sự khác biệt giữa thực quyền và lợi ích. Nếu không phải vì thực quyền và lợi ích thì sẽ có rất nhiều người sẽ chẳng ham hố gì mà duy trì cái mác đảng viên của họ.”
Theo ông Ngô Trí Long, với những bức bách về ngân sách quốc gia thì việc nhất thể hóa đảng và chính quyền chắc chắn phải được thực hiện, nhưng có thể tùy theo một lộ trình nhanh hay chậm là tùy theo tình hình thực tế.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, thì có thể là Hội nghị trung ương 6 sẽ ra nghị quyết về vấn đề nhất thể hóa, nhưng ông vẫn dè dặt:
“Cái này phải chờ quyết định của trung ương thôi, không phải là các dự án trình ra thì trung ương chấp nhận như thế, rất nhiều quyết định của trung ương khác khá nhiều so với sự án.”
Đánh giá về khả năng nhất thể hóa đảng và nhà nước, ông Hà Hoàng Hợp nói rằng điều đó tùy thuộc vào nhóm người mong muốn thay đổi đông hay ít, và một trở ngại nữa cho việc nhất thể hóa này theo ông Hợp là đảng cộng sản Việt Nam sợ rằng quyền hành tập trung vào một mối dẫn đến việc không kiểm soát được.
Tuy nhiên từ khi đảng cộng sản bước lên vũ đài chính trị Việt Nam từ 1954 ở miền Bắc, và từ 1975 trên cả nước, quyền lực lãnh đạo đất nước chỉ tập trung duy nhất vào đảng cộng sản Việt Nam.
No comments:
Post a Comment