HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Những quan chức này đều thuộc diện phải kê khai tài sản hằng năm nhưng khối tài sản trăm tỷ đồng của họ vẫn “lọt lỗ kim” một cách tài tình.
Chỉ trong thời gian ngắn (27 Tháng Sáu đến 8 Tháng Bảy), nhiều vụ lùm sùm về tài sản khủng có dấu hiệu bất thường của các quan chức được dư luận, báo chí phanh phui.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ba nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái; bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công Thương; và bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai.
Ngày 27 Tháng Sáu, đoàn công tác của Thanh Tra Chính Phủ công bố quyết định thanh tra bất ngờ các vấn đề liên quan đến nguồn gốc khối tài sản khủng của ông Quý. Trong đó, đồ sộ nhất là khu biệt phủ 13,000 mét vuông được chuyển đổi từ đất rừng thành đất ở bằng sáu văn bản được ký trong một ngày của các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái.
Giải thích về tiền xây biệt phủ, ông Quý nói đã vay 20 tỷ đồng từ anh em và ngân hàng. Thế nhưng ngay trong bản khai tài sản cán bộ năm 2016, ông tự xác định bản thân không có các khoản nợ từ 50 triệu đồng trở lên. Một tài sản khác cũng được đánh dấu hỏi là căn chung cư cao cấp Mandarin Garden rộng 130 mét vuông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mà ông Quý khai trị giá 2.5 tỷ đồng, trong khi giá thị trường thực tế cao hơn rất nhiều lần.
Trường hợp Thứ Trưởng Kim Thoa, trong ngày 3 Tháng Bảy, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương công bố kết luận: Trong thời gian dài, bà nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, bà còn có các sai phạm khác như vi phạm trình tự, thủ tục trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp; mua cổ phần vượt mức quy định… Ủy ban sẽ làm báo cáo gửi Ban Bí Thư để xem xét, quyết định hình thức kỷ luật đối với bà Thoa.
Được biết, gia đình bà giữ vai trò không nhỏ tại công ty Bóng Đèn Điện Quang khi sở hữu cổ phần có giá trị lên đến 718 tỷ đồng. Riêng thứ trưởng nắm gần 1.7 triệu cổ phiếu, có giá trị ước tính trên 100 tỷ đồng.
Điều đáng nói là mặc dù sở hữu lượng lớn cổ phần tại công ty Điện Quang – và bản thân cho là hằng năm đều có kê khai tài sản – nhưng bà Thoa vẫn được bộ phân công quản trị chính lĩnh vực có liên quan là ngành công nghiệp nhẹ. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tài sản, cổ phần từ đâu mà có, minh bạch hay không, có hay không việc lợi dụng chức vụ, vi phạm quy định tại Luật Doanh Nghiệp, Luật Phòng-Chống Tham Nhũng?
Tương tự là trường hợp của Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh. Bà Thanh đã ký các văn bản chấp thuận cho công ty Cường Hưng của chồng đầu tư nhiều dự án. Sai phạm của bà đều liên quan đến lợi ích của các doanh nghiệp do chồng bà nắm cổ phần chính và điều hành.
Một số dự án công ty Cường Hưng được chống lưng thực hiện là khu mỏ đá đứng tên hợp tác xã An Phát (diện tích gần 100 hécta); đường chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng dài 7 cây số, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng; khu dân cư thương mại Phước Tân (diện tích 91.7 hécta); khu bến thủy tại khu vực dự án khu dân cư Phước Tân.
Bà Thanh được xác định đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định và bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Những sai phạm của công ty Cường Hưng cũng được Thanh Tra Chính Phủ thanh tra để có kết luận cuối cùng.
Báo Pháp Luật TP.HCM viết rằng: “Sự giàu có không có lỗi, thậm chí còn là mục tiêu phấn đấu của quốc gia. Người dân chắc chắn chẳng vui gì khi quan chức, tức là ‘công bộc’ của mình, nghèo khổ, bần hàn. Và chắc chắn người dân cũng chẳng lấy gì làm sung sướng khi thu nhập bình quân đầu người của cả quốc gia cũng mới chỉ đạt hơn $2,000/năm. Sự giàu có chưa bao giờ là xấu xa và ước mơ trở nên giàu có vẫn thường trực trong tâm khảm mỗi người.”
Nhưng vì sao những biệt phủ, biệt thự “khủng” của quan chức nhiều nơi lại gây ra phản cảm và vượt sức tưởng tượng của người dân như vậy? Ngoài lý do phản cảm đối với đời sống của đại bộ phận nhân dân thì còn lý do gì khác?
Cũng không quá khó hiểu khi sự giàu có thể hiện qua các biệt thự, biệt phủ và tài sản của quan chức dường như vẫn không phù hợp so với thu nhập của những cán bộ, công chức nhà nước.
Bảng lương của nhiều lãnh đạo và quan chức cấp cao… khi được công bố đã gây xôn xao dư luận vì sự thấp của nó. Người dân có thể nhận thấy sự bất đối xứng giữa sự giàu có thể hiện ra bên ngoài của quan chức với thu nhập thực tế từ lương và một số khoản phụ cấp khác có thể đo đếm được. (Q.D.)
No comments:
Post a Comment