BÌNH ÐỊNH (NV) – Một đoàn công tác đặc biệt thuộc Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đến Bình Ðịnh để khảo sát về tình trạng gần như tất cả tàu đánh cá vỏ thép, đóng bằng tiền chính phủ cho ngư dân vay đều bất khả dụng và đổ lỗi này cho ngư dân.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị Ðịnh 67, khẳng định sẽ đầu tư-phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá 14,000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Ðông.
14,000 tỉ vừa kể chủ yếu được dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại.
Trên thực tế gần như các tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì sau một hay vài chuyến hải hành, máy móc, thiết bị đều hư, sửa chữa dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về chất lượng. Ngoài chuyện rỉ sét rất nhanh và nhiều, có tàu như BÐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến ngang trong chuyến hải hành đầu tiên.
Ðáng nói là những tàu đánh cá vỏ thép đang dìm các chủ tàu chìm trong nợ. Phá sản được xem như tất nhiên, chỉ chưa biết là lúc nào.
Mới đây, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ông Nguyễn Ngọc Oai, tổng cục phó Tổng Cục Thủy Sản, nhân vật giữ vai trò trưởng đoàn công tác đặc biệt, bảo rằng, dù thực tế đúng là như vừa kể nhưng đó là điều mà các cơ quan hữu trách của chính phủ Việt Nam đã “lường trước.” Ông Oai nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Nghị Ðịnh 67, nếu phát hiện trục trặc thì sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ cho ngư dân.
Qua các cuộc họp với đoàn công tác đặc biệt, những công ty có liên quan đến chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ thành vỏ thép đã lên tiếng. Ðại diện công ty cung cấp máy tàu (Doosan-Nam Hàn) và Nam Triệu – một công ty đóng tàu thuộc Bộ Công An Việt Nam, cho rằng máy tàu hư hỏng vì: (1) Ngư dân vận hành sai với hướng dẫn. (2) Ngư dân tự cải tạo, thay đổi kết cấu của máy. Do vậy, Doosan chỉ thay phụ tùng chứ không đổi máy mới.
Ðối với chuyện vỏ tàu bị gỉ sét nhanh và nhiều, ông Oai nhận định có thể do… sơn chưa tốt. Trưởng đoàn công tác đặc biệt cho rằng “qui trình” (chuyển tiền cho một số công ty đóng tàu để giao cho ngư dân) “rất tốt.” Trách nhiệm giám sát việc đóng tàu (kể cả kỹ thuật) thuộc về ngư dân.
Sau khi nghe ông Oai nhận định, ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội Nghề Cá Việt Nam, tuyên bố, ông không đồng tình. Ông Lăng nêu thắc mắc, tại sao đã “lường trước” mà không chịu ngăn chặn? Tại sao “qui trình rất tốt” mà gần như toàn bộ tàu đánh cá vỏ thép đều bất khả dụng? Ông Lăng đề nghị thủ tướng Việt Nam nên cử thanh tra, thanh tra toàn diện chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ bằng vỏ thép.
Không chỉ có ông Lăng, một phó chủ tịch của tỉnh Bình Ðịnh vừa nói với tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, chuyện các công ty đóng tàu tự ý thay thép làm vỏ tàu của Nhật, Nam Hàn bằng thép Trung Quốc, trái với hợp đồng đã ký là không thể chấp nhận. Các công ty này phải đóng lại vỏ tàu bằng thép đúng với cam kết. Máy tàu cũng phải thay mới. Nếu các công ty từ chối, Bình Ðịnh sẽ hỗ trợ ngư dân kiện các công ty ra tòa.
Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Thỉnh thoảng, chính quyền Việt Nam lại đưa ra một chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển song đến nay, những chương trình hỗ trợ đó chỉ tạo ra cơ hội cho viên chức nhiều ngành, nhiều cấp đục khoét, ngư dân mang thêm nợ rồi mạt.
Năm 1997, chính quyền Việt Nam từng thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ.” Ðến Tháng Tư năm 2006, sau khi ngốn hết 1,400 tỉ, kết quả thanh tra cho thấy, 95% của khoản 1,400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh-thành phố, quận-huyện, phường-xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình này đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ” hồi 1997, cuối thập niên 2000, chính quyền Việt Nam đề ra một chương trình hỗ trợ khác dành cho ngư dân. Ðó là “lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá.” Chương trình này đã thực hiện thí điểm với 2,000 tàu đánh cá và sau đó, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đã yêu cầu được trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment