Ngày 6/2, tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam. Ông Phúc chỉ đạo “Việt Nam phải là thủ phủ tôm thế giới”.
Thế mạnh nông nghiệp - thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng của Việt Nam xưa nay không cần phải nhắc lại. Tuy nhiên cũng như lúa gạo hay nhiều mặt nông, thủy sản khác, mặt hàng tôm Việt Nam cũng phát triển không ổn định, mùa được mùa mất và người nuôi tôm cũng chẳng mấy ai giàu có.
Cái khó của tôm Việt Nam xuất phát từ nội tại ngành nuôi tôm lẫn từ những yếu tố khách quan. Trước hết phải nhắc đến biến đổi khí hậu gây mức độ nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên trầm trọng. Các chỉ số dự báo tác động biến đổi khí hậu cho thấy không có dấu hiệu suy giảm những hiện tượng tự nhiên có hại cho ngành tôm, nhất là nhiễm mặn và nhiễm độc. Chỉ riêng 3 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Kiên Giang và Bạc Liêu, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2016 vì nhiễm mặn lên đến 188.000 ha. Hết giữa năm 2016, sản lượng tôm cả nước chỉ đạt 191.560 tấn, tương ứng với 28,2% kế hoạch được đề ra của năm, dù sau đó tổng diện tích nuôi tôm được tổng kết vào cuối năm có nhỉn hơn (100,1% so với năm 2015); và tổng sản lượng thu hoạch đạt 657.282 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt các tiêu chuẩn hàng xuất khẩu cũng như một số biện pháp phi thuế quan của các nước nhập khẩu (Mỹ, EU, Nhật Bản hay các nước khác) phần nào cũng cản trở sự hiện diện của tôm Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Dù vậy năm 2016, việc xuất khẩu tôm cũng khởi sắc tại 90 thị trường trên toàn thế giới, đạt kim ngạch hơn 3,1 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Điều đó cho thấy ngành tôm vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Trong khi các yếu tố ngoại cảnh gây khó khăn trước mắt và lâu dài thì nội tại ngành tôm đang mắc phải căn bệnh kinh niên của nông nghiệp Việt Nam – bệnh thiếu khả năng tổ chức. Việc tổ chức sản xuất và quy hoạch ngành tôm vẫn còn manh mún, thiếu tính thống nhất, thiếu tính quy mô. Hiện tượng nhà nhà nuôi tôm nhưng mỗi người mỗi kiểu; mỗi vùng mỗi kiểu với các quy trình nuôi trồng và sản xuất khác nhau, không đảm bảo chất lượng ngay cả với thị trường nội địa ngày càng khó tính chứ đừng nói đến thị trường nước ngoài. Điển hình, khi Nhật Bản và các nước Âu - Mỹ đã định hướng thị trường theo ngành sản xuất thủy sản sạch, tức các sản phẩm gắn mác Bio, thì thị trường tôm Việt vẫn bị hạn chế bởi dư lượng hóa chất độc hại, dư lượng thuốc tăng trưởng, việc sản xuất và bảo quản không đúng cách dẫn đến chất lượng tôm suy giảm trong quá trình di chuyển và xuất khẩu tôm.
Mặt khác, công tác nghiên cứu thị trường quốc tế và thông tin đến hộ nuôi trồng, đến doanh nghiệp tôm vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Lẽ ra, nhu cầu thị trường (bao gồm số lượng, chủng loại, số lượng, yêu cầu kỹ thuật; giá cả...) với mặt hàng tôm cần phải được các cơ quan quản lý tôm phối hợp hiệp hội ngành tôm điều tra và thông tin nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Mục tiêu là: i) đảm bảo lượng hàng sản xuất ra phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh trường hợp có giá thì thiếu tôm bán, còn mất giá thì tôm lại quá dư thừa; ii) tránh khả năng thao túng ngành tôm của một số doanh nghiệp làm ăn không lành mạnh, điển hình như thương lái Trung Quốc. Việc các thương lái Trung Quốc mang các chiêu bài “làm giá” rồi thao túng thị trường bằng các hình thức tinh vi khác nhau vẫn còn xuất hiện ở Việt Nam. Thậm chí còn có trường hợp người Trung Quốc đến Việt Nam nuôi trồng các giống tôm độc hại.
Cuối cùng là công tác làm thương hiệu cho tôm Việt Nam, cũng như lúa gạo hay các sản phẩm nông nghiệp khác, đều rất tệ hại. Việt Nam dường như vẫn chỉ là nơi “gia công” hơn là một cái nôi của các sản phẩm về tôm, từ thực phẩm tươi sống đến các sản phẩm được chế biến thành phẩm. Công tác làm thương hiệu là trách nhiệm của doanh nghiệp và của cả ngành quản lý với chức năng xúc tiến, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức công lẫn tổ chức xã hội có thể xây dựng và quản bá thương hiệu. Làm thương hiệu kém thì tôm Việt Nam mãi cũng chỉ vẫy vùng trong vùng nước đục ngầu ô nhiễm và ngày càng nhiễm mặn trầm trọng.
Theo tôi, một số giải pháp mà ông Phúc đưa ra cho ngành tôm Việt Nam là đúng hướng. Ví dụ: Bộ Khoa học và Công nghệ phải xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. Bộ Công Thương tổ chức thông tin thị trường, đấu tranh tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các nguồn vốn, kể cả vốn ODA, nhanh chóng thẩm định các dự án để phát triển ngành tôm. Bộ Tài chính phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cho người nuôi tôm vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng ao đầm nuôi tôm. Điện lực phải chủ động đủ nguồn lực cung cấp điện cho nuôi tôm. Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn kiểm soát lưu thông con giống, thú y thủy sản, ngăn chặn hiệu quả tình trạng bơm chích tạp chất.
Tuy nhiên, “nói và làm” lâu nay vẫn là thách thức và cũng là hạn chế rất lớn trong cách thực thi chính sách của Việt Nam. Chỉ đạo là một chuyện, và dân trông ngóng và hành động của lãnh đạo mới là chuyện quan trọng hơn.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment