Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-07-31
Một thợ lặn của Formosa đã tử vong sau khi lặn xuống biển Vũng Áng. Courtesy of baogiaothong.vn
Ngay sau khi biển miền Trung bị nhiễm độc, số thợ lặn làm việc tại Formosa đã được đi khám sức khỏe tổng quát, tuy vậy cho đến nay sau gần 3 tháng các thợ lặn vẫn chưa nhận được kết quả khám bệnh. Diễn biến vụ việc thế nào, và cuộc sống của các thợ lặn Formosa hiện nay ra sao và các chuyên gia nói gì về vụ việc này?
Cuộc sống của các thợ lặn Formosa
Sau khi biển thuộc 4 tỉnh Bắc Trung bộ bị nhiễm độc, nhiều thợ lặn thuộc Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động Quốc tế Nibelc sau khi lên bờ đã cảm thấy tức ngực, khó thở. Trong đó có ông Lê Văn Ngày quê ở Nha Trang đã tử vong.
Theo báo Lao Động ngày 21/7/2016, thợ lặn Nguyễn Huy ở thị xã Ninh Hòa đã đánh động dư luận: “Hãy nhìn thẳng vào thực tế, thời điểm cá chết, chúng tôi ai cũng mệt mỏi, choáng váng, ngứa ngáy như nhau. Nay Formosa đã nhận trách nhiệm gây ra tình trạng cá chết hàng loạt, ngư dân được đền bù, còn các thợ lặn chúng tôi thì sao? Vì sao đưa chúng tôi đi khám ở Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, công ty Nibelc cũng không đưa kết quả khám cho chúng tôi?”
Hiện tại cái nghề lặn ở vùng nước như ở quê tôi thì đa số không làm được gì, bắt cá bắt tôm thì không dám ăn, bán cũng chả có ai mua.
- Anh Hoàng Quang
Nói về tình trạng sức khỏe của người thân hiện nay, từ Hà Tĩnh chị Hồng, vợ của một thợ lặn ở Formosa cho biết:
“Chồng tôi cứ bị mỏi mệt, tôi bảo anh ấy đi truyền huyết thanh nhưng anh ấy cứ bảo mệt không muốn ăn cơm. Lấy chồng thợ lặn lúc này hết sức vất vả, cuộc sống của chúng tôi từ khi xảy ra vụ Formosa đã bị ảnh hưởng, hết sức khó khăn. Công ty Nibelc chờ đến nay đã gần 3 tháng mà vẫn chưa thấy gì về kết quả khám bệnh, còn Formosa đến giờ cũng không nói gì đến kết quả khám cho thợ lặn. Bây giờ chúng tôi rất lo, nếu bị nhiễm bệnh thì lấy đâu ra tiền để chữa trị đây?”
Anh Hoàng Quang, một thợ lặn của Công ty Nibelc bày tỏ:
“Tình trạng của tôi bây giờ nói chung nó không được khỏe như trước đây, đầu đôi khi như là bị choáng và có cảm giác ngây ngây như mình bị say sóng, lồng ngực thì có cảm giác như bị bó. Còn chuyện kết quả khám nhiễm độc chì thì họ vẫn bảo là chúng tôi cũng chưa chắc có được hay không? Hỏi bên công ty Nibelc thì họ bảo BV Huế chưa trả, BV Huế thì không trả lời.”
Anh Hoàng Quang cho biết thêm, cuộc sống của các thợ lặn Formosa hiện nay hết sức khó khăn do không có việc làm, một phần vì sức khỏe suy sụp. Anh chia sẻ:
“Hiện tại cái nghề lặn ở vùng nước như ở quê tôi thì đa số không làm được gì, bắt cá bắt tôm thì không dám ăn, bán cũng chả có ai mua. Bây giờ ở nhà không có việc làm nên phải đi làm thuê, làm mướn ở cách nhà mấy chục cây số, làm phụ hồ cũng có. Nói chung phải làm để mỗi ngày kiếm tiền từ 120-150 ngàn đồng để mua sữa cho con và phụ giúp gia đình. Chứ chuyên môn của tôi thì chả làm gì được bây giờ.”
Bệnh viện giấu kết quả khám bệnh?
Viết trên trang Facebook cá nhân ngày 22/7, LS. Trần Vũ Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải đã cho rằng:“Thông tin các thợ lặn đi khám sức khoẻ nhưng không được trao kết quả đã được các báo loan tin. Nhưng chưa thấy Bộ Y tế hay cơ quan có thẩm quyền nào khác quan tâm, lẽ ra các cơ quan này chỉ cần yêu cầu bệnh viện cung cấp kết quả cho các thợ lặn, dư luận và nhân dân sẽ hết dị nghị.”
Trao đổi với RFA, từ Hà Nội LS. Trần Vũ Hải cho biết:
“Chúng tôi đang cho một số thợ lặn kiểm tra sức khỏe và sẽ tìm công ty trước đây là chủ quản của họ rồi sẽ làm việc với công ty đấy. Cho dù chi phí khám sức khỏe là tương đối cao, nhưng chúng tôi đã có các nhà hảo tâm và những mạnh thường quân sẵn sàng giúp. Chúng tôi sẽ tiến hành từng bước, trước mắt đang đợi kết quả kiểm tra sức khỏe cách đây một tuần, sau đó sẽ thông báo cho họ. Còn nếu họ muốn công khai kết quả này thì sẽ công khai, vì kết quả khám này là bí mật của Bệnh viện và bệnh nhân.”
Theo VTC News ngày 20/7/2016, Công an huyện Quảng Trạch đã thông báo nguyên nhân tử vong của thợ lặn Lê Văn Ngày là do bị suy tim cấp, không phải do nhiễm độc. Theo đó "Không có dấu hiện tác động ngoại lực; giám định hóa pháp trong phủ tạng và máu không tìm thấy các chất độc..."
Bà Đỗ Thị Hòa, vợ của thợ lặn Lê Văn Ngày cho biết, bản thông báo gia đình bà nhận được do Công an huyện Quảng Trạch ký từ ngày 17/5/2016 nhưng phải đến ngày 18/7/2016 gia đình bà mới nhận được. Theo bà, kết luận cho rằng anh Ngày chết do suy tim là không thuyết phục. Bà tiếp lời:
“Tôi tên Đỗ Thị Hòa, chồng tôi là lao động chính, giờ anh ấy mất rồi còn tôi có làm gì được đâu, tôi không hiểu ra làm sao nữa. Họ nói như vậy thì tôi có biết gì đâu? Tôi đang nghi ngờ về lý do vì sao anh ấy mất, tôi không hiểu vì sao họ nói anh ấy bị bệnh tim to? Chồng tôi đã làm thợ lặn từ nhỏ tới lớn, trước đây anh ấy đã lặn ở đấy 6 tháng rồi về, đâu có sao?”
Anh Hoàng Quang, một người thường xuyên lặn chung cùng với thợ lặn Lê Văn Ngày thấy rằng, anh không tin vào kết luận của cơ quan điều tra, vì kết quả đó không có tính thuyết phục. Anh giải thích:
“Anh Ngày cùng với tôi và nhiều người nữa lặn trong tuần ấy, theo tôi nếu anh Ngày có bệnh tim thì nó phải có biểu hiện trước đó hoặc có một đôi lần xảy ra thì mới có thể tử vong. Nhưng anh Ngày từ trước đây vẫn bình thường, không có biểu hiện gì, trong dòng họ anh Ngày không ai bị bệnh tim bẩm sinh. Cho nên suy nghĩ của tôi thấy rằng, anh ấy ra đi trong thời điểm cao trào Formosa xả thải thì có thể anh ấy bị huyết áp cao hay gì đó kết hợp với bị nhiễm độc thì mới tử vong.”
Ý kiến chuyên gia
Đánh giá về trách nhiệm của ngành Y tế một Bác sĩ ở Sài Gòn, yêu cầu dấu danh tính giải thích:
Chúng tôi đang cho một số thợ lặn kiểm tra sức khỏe và sẽ tìm công ty trước đây là chủ quản của họ rồi sẽ làm việc với công ty đấy.
“Theo tôi hiểu thì với điều kiện ở VN thì không đến một tháng sẽ có kết quả và có thể trả lời được. Không thể thoái thác được. Theo Luật Khám chữa bệnh thì bệnh nhân và cha mẹ vợ con phải được biết; thứ 2 là giả thiết bị nhiễm độc cấp mà anh không cho bệnh nhân biết, rồi để thời gian trôi đi chất độc hại ngấm vào thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Trường hợp như thế này thì đương sự cần kiến nghị lên Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Bộ trưởng Bộ Y tế.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới lãnh đạo BV Trung ương Huế, PGS-TS. Phạm Như Hiệp, theo chỉ dẫn của Thư ký và trực tiếp liên lạc tới ông Phan Phương Đông, Giám đốc Chi nhánh Quảng Bình - Công ty cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế Nibelc, một nhà thầu của Formosa Hà Tĩnh để tìm hiểu vụ việc nhưng đã không nhận được sự trả lời.
Nhắn nhủ đến các thợ lặn và thân nhân của họ về trách nhiệm Công ty chủ quản, BV Trung ương Huế và các cơ quan liên quan trong vụ việc này, LS. Trần Vũ Hải chỉ rõ:
“Đối với chúng tôi về nguyên tắc là phải khám sức khỏe, xét nghiệm vì mình là LS thì phải dựa vào bằng chứng, làm bất cứ cái gì cũng phải dựa trên cơ sở bằng chứng, chứ không thể kiện vu vơ được. Ở đây bằng chứng làm sức khỏe của mình có bị ảnh hưởng hay không, do đó phải có kết luận hoặc giám định của cơ sở y tế. Vì thế bà con nào có khó khăn thì phía chúng tôi sẽ tìm nguồn tài trợ để đưa các bà con ấy đi khám.”
Điều 140 Bộ luật Lao động quy định, trong trường hợp xảy ra những sự cố bất ngờ, những tai nạn bất ngờ thì trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải có những biện pháp, phương án ứng cứu khẩn cấp để khắc phục sự cố này. Luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, nhiều vấn đề phải làm rõ để đảm bảo các thủ tục tố tụng. Theo ông: “Bản thông báo giải quyết vụ việc mới chỉ dựa trên bản khám nghiệm tử thi. Trong thông báo kết quả đã có nêu các thợ lặn khác cũng bị triệu chứng tương tự (ho, tức ngực, khó thở). Vì vậy, cần thiết phải khởi tố để điều tra nguyên nhân trực tiếp từ đâu dẫn đến suy tim cấp.”
No comments:
Post a Comment